Ngày trước, chung cư tôi ở tương đối cách xa đường, nhưng lại đối diện ngay cổng chợ. Chỉ được cái tiện không ai bằng. Cần cái gì là chạy ù xuống mua, gi gỉ gì gi cái gì cũng có ngay. Chả bù những người ở phường khác, phải đi xe máy đến tận chợ này để mua đồ. Có khi tôi đang đứng trên ban công, thấy hàng chuối đi qua, ngại chạy xuống nên dòng dây xuống để câu chuối lên. Quá tiện!
Nhưng chả có cái gì là được hết cả. Trời còn tờ mờ, dân đi chợ đã huyên náo. Ngày trước còn có cả tiếng gà qué ngan vịt kêu quàng quạc. Từ sau dạo có dịch cúm gia cầm, người ta không cho giết mổ ở chợ nữa. Cũng nhờ vậy mà không còn cái mùi hôi rình từ đám gia cầm, khiến tôi phát khiếp lên được. Rồi vào chợ mới thấy kinh, cứ gọi ngập rác! Đường đi lúc nào cũng lép nhép bùn đất.
Tôi đi làm rồi, ở nhà bố tôi cứ than vãn: suốt ngày cái loa ở chợ cứ ông ổng gọi anh nọ, chị kia ở ban quản lý chợ về có người gặp. Rồi các loại loa của đám hàng rong quảng cáo thuốc chuột, rao mua đồ điện, loa bán báo. Thi thoảng lại giật nảy người lên vì cái loa phường treo trên cột điện ngay trước cửa nhà tôi, mở oang oang những bài hát cách mệnh, trước khi đọc một cái thông báo mới nào đó. Đấy là bố tôi còn điếc đấy.
Ở đấy ngót nghét ba chục năm, mọi cái rồi cũng quen. Căn hộ tôi ở tầng 2 mà chả có ruồi muỗi gì cả. Tôi đoán mọi thứ trong chợ nó đã thu hút hết cái đám ấy rồi.
Đùng một cái, nhân dịp có trận mưa to lịch sử năm 2008, trong cả cái khu tập thể ngập mênh mông nước, thành phố ưu tiên mỗi cái chung cư nhà tôi ở. Ngay trong đêm, khu nhà tôi ở náo loạn với cái lệnh sơ tán khẩn cấp, kẻo nhà nó đổ. Nói chung là một cuộc sơ tán dân ngoạn mục. Chỉ trong 3 ngày, hốt sạch hơn 100 hộ dân ra khỏi cái chung cư sát chợ. Sau này bình tĩnh lại, dân chúng mới nhận ra mình dại quá. Chỉ tại cái vị trí của nhà mình ở nó béo bở quá. Chỉ một khoảnh vỉa hè chừng mét rưỡi vuông, đủ để bày một chảo bánh rán nóng cũng phải thuê mất 800 nghìn/tháng từ hồi 2008. Còn mấy cái chung cư khuất nẻo bên trong, lại là nhà lắp ghép bê tông tấm lớn ấy à? Có mà rệu rã đến mấy, các mối nối bê tông cứ gọi là hở toang hoác, nhìn thấy phát ghê cũng chả ai thèm ngó ngàng tới.
Gần 3 năm qua, dân chúng tôi không thấy ai ỏ ê gì đến việc thỏa thuận, đền bù như thế nào. Rồi thấy tự nhiên người ta kéo đến, làm hơn sáu chục cái cọc khoan nhồi trên đất nhà mình, dân mới tá hỏa tam tinh kéo nhau xuống giữ đất. Ban đầu chủ đầu tư còn thách dân chúng tôi kiện. Đến lúc dân kéo xuống, tràn vào công trường đang thi công để dựng lều bạt thì họ gọi UBND phường, rồi công an phường ra. Hết dọa nạt rồi lại dùng kế điệu hổ ly sơn, mời bà con ra phường giải quyết. Dân chúng tôi chẳng mắc lừa lần nữa, cứ ngồi lỳ dưới lều, rồi kêu gọi báo chí đến quay phim chụp ảnh, đưa tin rầm rộ. Cảnh sát 113 quận cũng đến mới oách chứ. Nhưng nghe họ báo cáo lại với nhau xong thì ông chỉ huy gắt : thế thì bảo thằng chủ đầu tư nó phải ra gặp dân đi chứ. Rồi ông ý kéo quân về. UBND phường cũng như công an phường cũng thu quân theo. Nhà thầu cũng ngừng thi công. Vậy là suốt 26 ngày sau đó, dân chúng tôi già trẻ lớn bé cứ căng lều ngồi canh, mặc nắng gắt mưa dầm. Tôi nghỉ phép để ngồi cùng mọi người. Sau 26 ngày, ai nấy đều đen nhẻm nhèm nhem. Nếu như sau đó, dân chúng tôi không kéo nhau lên tận UBND quận, yêu cầu phải ra bằng được cái văn bản yêu cầu ngừng thi công, thì hẳn chính quyền chẳng ngán gì mà không để dân chúng tôi phơi nắng có đến tận mùa quýt.
Đang từ cái nhà 5 tầng, bây giờ xây lên đến 17 tầng, mặt bằng lại rộng hơn. Thế mà họ áp cái hệ số đền bù diện tích là 1,3, giải thích đó là theo quy đinh của thành phố. Dân chúng tôi bảo, thế thì lên Sóc Sơn, Mê Linh mà xây. Chính quyền một đằng bảo đền bù theo giá thỏa thuận, nhưng lại kèm theo cái cơ chế chính sách đền bù, trong đó có cái hệ số 1,3 mà chẳng hiểu nó được xây dựng dựa trên cơ sở nào.
Dân gần 3 năm qua làm đơn gửi tứ tung, nhưng chẳng một cấp nào thèm trả lời. Bây giờ dân chúng tôi chán rồi, không gửi đơn nữa. Muốn gì thì gì, nếu không đền bù thỏa đáng thì đừng có mà động vào đất của chúng tôi. Một bác già nói rất thống nhiết: căn hộ là tài sản duy nhất có giá trị, chỉ đứng sau sinh mệnh và gia đình mà thôi. Ừ, đến bố tôi cả đời cống hiến cho cách mạng, tài sản duy nhất có được cũng chỉ là cái căn hộ sập xệ đó, để lại làm của thừa kế cho một kẻ làm công ăn lương kiết xác như tôi. Trời đất! Xã hội giàu có ở đâu ấy chứ. Cũng là người làm công ăn lương mà kẻ thì dăm bảy nhà, người thì có một nơi cư ngụ cũng khó.
Trong khi chờ đợi, dân chúng tôi cứ ở tạm cư. Cũng phải nói cái vị trí này khá đẹp, thế cho nên hồi đấy, dân chúng tôi mới dễ bị siêu lòng thế. Từ căn hộ tôi ở, nhìn ra ngoài khoảng không gian ngút tầm mắt cũng thấy vui vui. Không khí thoáng đãng, khô ráo nên bố tôi ít bị ho, khớp cũng đỡ đau hơn nhiều.
Tuy nhiên lúc đầu về đây cũng khó chịu lắm. Ngay cả khi đêm khuya cũng thỉnh thoảng lại rồ lên tiếng nẹt pô của tay đua xe máy nào đó. Tiếng xe tải về đêm chạy cứ rầm rầm. Gần đây tôi lại nhận ra thêm một điểm đặc trưng, đấy là tiếng còi ủ!
Phải nói là chả ngày nào không có tiếng còi rú lên như chọc tiết. Ngày thì dăm bận, ngày ít nhất cũng phải 1 lần. Lúc đầu nghe thấy tiếng còi, dân tình nhao hết cả ra ban công để xem chuyện gì xảy ra.
Hồi mới về, mấy lần cái chung cư tôi đang ở tạm xảy ra cháy điện. Vốn dĩ cái chung cư này là nhà tái định cư của một dự án di dân khác. Tuy nhiên có lẽ dân tái định cư của dự án này biết rõ chất lượng công trình nên chê, không chịu đến ở. Bây giờ khi xảy ra cháy, dân mới té ngửa ra là bên điện lực họ chưa hề nghiệm thu, họ bảo vì thành phố ra lệnh nên họ cứ phải đóng điện cho dân sử dụng thôi. Còn ngyên nhân cháy là do nhà thầu bớt xén, dùng dây bé quá nên khi sử dụng bị quá tải.
Cháy ở 1 tầng, các tầng khác chả biết gì. Đến khi còi cứu hỏa hú inh ỏi, chạy loạn lên trong khu mà chưa tìm thấy nhà, thì bảo vệ đã kịp dùng bình xịt dập tắt. Bấy giờ mọi người trong tòa nhà mới biết, cả làng đúng là được một phen thót tim. Từ bấy giờ, hễ có tiếng còi ủ là dân tình lại vểnh tai lên nghe ngóng, xem là còi gì để mà còn biết đường xử lý. Còi cứu hỏa, hay còi xe cảnh sát, hay còi xe cứu thương? Ở tầng cao thế này, nếu có chuyện gì xảy ra, chắc người già, trẻ em chạy không nổi. Mẹ tôi cho hết giấy tờ quan trọng vào một cái túi. Hễ có tiếng hô: cháy! là cụ vớ lấy cái túi, khóa cửa chạy. Người ta chạy xuống thì bà lại chạy lên. Mọi người hỏi: cụ chay đi đâu đấy? Mẹ tôi bảo: tôi lên gọi ông nhà tôi. Khi có cháy thì cả tòa nhà ngắt điện. Mẹ tôi lập cập leo lên tầng 10, gọi cửa ầm ầm mãi bố tôi mới ra mở. Đã thế khi mẹ tôi giục chạy, cụ chẳng những không chạy ngay mà còn quay vào bảo: để tôi còn đi tiểu đã!
Sau cái vụ cháy nhà 18 tầng ở Trung Hòa Nhân Chính, khiến hai mẹ con nhà nọ thiệt mạng, tôi đã tính tìm mua trên mạng cái thang dây thoát hiểm như kiểu dân leo núi ấy. Nhưng rồi sống trong cái thời buổi này, con người ta trở nên quen với mọi sự nguy hiểm, cứ thấy yên yên là lại đâu vào đấy. Ngay cả tiếng còi ủ cũng dần trở thành quen, chẳng còn ai giật mình thon thót khi nghe thấy nó rú lên nữa. Chắc cháy ở đâu đó, chắc lại tai nạn ở đâu đó, chắc là có việc gì quan trọng lắm đang xảy ra ở đâu đó, miễn là không liên quan tới mình. Và người ta dửng dưng, người ta thản nhiên khi nghe thấy tiếng còi. Thậm chí hôm nào mà không nghe thấy tiếng còi rú lên một vài lần, chắc hẳn một số người còn ngạc nhiên tự hỏi: Quái! Sao thủ đô ta hôm nay lại bình yên thế nhỉ?
Giời ạ! Trong khi tôi ngồi viết mới có nửa tiếng mà còi đã rú lên lần thứ 3 rồi đấy. Hình như là còi cứu thương thì phải, khiếp quá đi mất!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét