Tác giả: Blogger Gốc Sậy
GS – Viện sĩ Phan Huy Lê (giữa) cho rằng:
"Cần đẩy mạnh nghiên cứu toàn diện về biển Đông…"
"Tiếu lâm vỉa hè Hà Nội" có câu: "Dân ta phải biết sử ta- Cái gì không biết thì tra Gúc-gồ"
Là dân học/ làm nghề Sử, nhà cháu cười … như mếu.
Lướt mạng thấy tin um ùm về vụ nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập, Hội Sử học được thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (Nhà cháu chả thấy SƯỚNG, sau Nỗi đau từ hàng ngàn điểm 0 môn sử) và chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Sóng vọng biển Đông" sẽ diễn ra vào tối 22/10/2011 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tối qua, nhà cháu hý hởn đi coi.
XIN CHÉP LẠI ĐÂY TRUNG THỰC NHỮNG GÌ ĐÃ THẤY:
1- Đầu chương trình, bác Dương "Tàu" mời tất cả đứng dậy làm lễ chào cờ và yêu cầu mọi người CÙNG HÁT QUỐC CA. Chỗ nhà cháu trên tít tận tầng 3, anh chị em hát to nhất Nhà hát luôn. Thề ! Tan cuộc, anh chị em ngồi tầng Một bảo thế. Nhà cháu giờ vưỡn còn bị khan tiếng.
2- Quan khách:
Đến Nhà hát Lớn, thấy rất nhiều công an. Hỏi ra mới biết là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tới dự. Đang phởn phơ tán chuyện với một đồng nghiệp khảo cổ học bỗng có một chú đến hỏi "xem nhờ cái giấy mời". (Đau là nhà cháu chả được Hội Sử cho giấy mời mà là bạn bè ngành khác cho).
Không có máy, nhà cháu mượn của Lê Dũng chụp 03 pô:
Tạm bỏ qua các tầng Hai và Ba, cụ thể quan khách 5 hàng đầu tầng Một như sau:
- THẲNG GIỮA SÂN KHẤU:
Hàng ghế đầu tiên sát sân khấu có 8 vị ngồi (tính từ trái sang phải là: GS-TS khảo cổ Lưu Trần Tiêu – Bí thư Thành ủy ĐCSVN TP. Hà Nội Phạm Quang Nghị – Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh – Nguyên TBT ĐCSVN Lê Khả Phiêu – Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Chủ tịch Hội Sử học GS Phan Huy Lê – Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và một ông nhà cháu không biết.
Mải xem, lúc 20g26, tức là thời điểm kết thúc phần Lễ (ấy là là nói thế, đúng không chả biết?), đến bài hát thứ hai, khi ca sỹ Đăng Dương hát bài Bạch Đằng giang, nhà cháu không nhìn thấy ông Phạm Quang Nghị nữa. Sau, bác Dương "Tàu" bảo ông ấy báo bận từ trước, phải về sớm.
Các VIP còn lại ngồi xem/nghe đến hết.
Hàng ghế thứ hai, trống 01/09 chỗ. Hàng thứ ba, trống 05/10 chỗ. Hàng thứ tư, trống 04/11 chỗ. Hàng thứ năm, trống 05/12 chỗ.
BÊN TRÁI SÂN KHẤU:
Hàng ghế đầu tiên, trống 01/06 chỗ. Hàng ghế thứ hai, trống 02/06 chỗ. Hàng thứ ba, trống 03/06 chỗ. Hàng thứ tư, trống 01/06 chỗ. Hàng thứ năm, trống 03/06 chỗ.
BÊN PHẢI SÂN KHẤU:
Hàng ghế đầu tiên, trống 04/06 chỗ. Hàng ghế thứ hai , trống nguyên 06 chỗ. Hàng thứ ba, trống 03/06 chỗ (có 1 cháu bé dưới 10 tuổi). Hàng thứ tư, trống 02/05 chỗ. Hàng thứ năm, trống 02/05 chỗ.
…
3- Theo nhà cháu biết, chương trình này không bán vé vào xem mà TINH giấy mời đã được gửi hết (thậm chí có ghi tên cụ thể)
4- Chương trình ca nhạc gồm TẤT CẢ 15 bài:
- Tình ca (Phạm Duy): "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi. Mẹ hiền ru những câu xa vời. À à ơi! Tiếng ru muôn đời. Tiếng nước tôi! …"
- Bạch Đằng giang (Lưu Hữu Phước): "Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng. Của nòi giống Tiên Rồng Giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung…. "
- Vượt trùng dương (Nguyễn Văn Tý): "Dù gian khó hát câu trường kỳ. Đời tranh đấu hát câu trường kỳ. Đây con thuyền vượt muôn trùng dương … "
- Biển hát chiều nay (Hồng Đăng):"Có gì sáng nay mà sóng xôn xao?…"
- Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ): "Nhớ thương cách rời ơi biển chiều nay …"
- Tình ca (Hoàng Việt): "Khi hát lên tiếng ca gởi về người yêu quê ta. Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba …"
- Tình ta biển bạc đồng xanh (Hoàng Sông Hương): "Thuyền anh ra khơi khi chân mây ửng hồng.
Thuyền anh ra khơi đâu có ngại chi sóng gió ơ hò…"
- Đừng vì (VÍ) em là biển (Trần Thanh Tùng-Minh Thiện): "Đừng ví em là biển.Nước mặn chát chân trời. Giữa mênh mông vẫn khát. Không uống được anh ơi…"
- Thuyền và biển (Phan Huỳnh Điểu-Xuân Quỳnh): "Nếu phải cách xa em. Anh chỉ còn bão tố …"
- Con thuyền xa bến (Lưu Bách Thụ) "Khóc cho người đi. Không còn ngày về..."
- Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý):"A á ru hời ơ hời ru. Mẹ thương con có hay chăng …"
- Người mẹ của tôi (Xuân Hồng) "Nước mắt Mẹ không còn. Để khóc những đứa con…"
- Lướt sóng ra khơi (Thái Dương): "Đoàn ta ra khơi tiếng máy reo vang tràn ngập tình đất nước quê hương. Nhìn bầu trời xanh tươi, tay súng ta không rời…"
- Hò biển (Nguyễn Cường): "Mênh mông ơ triều lên ớ hò. Bên này biển bạc, bên kia ơ than vàng…"
- Ca ngợi Tổ quốc (Hồ Bắc) "Kìa dải Trường Sơn uốn mình quanh ven bờ biển xanh. Tiếng sóng ngoài khơi dồn xa xa những thuyền xuôi dòng.…"
5- Nhạc sỹ Lê Minh Sơn có lên sân khấu đứng đệm ghi-ta cho nữ ca sỹ hát bài thứ 12 "Mẹ Việt nam ơi, Mẹ Việt Nam ơi! Sương khói tan rồi còn lại Mẹ thôi…". Nhưng không có trình diễn nhạc phẩm mới có tên "Sóng Vọng Biển Đông " như nhiều báo đã giới thiệu.
Không lẽ KHÓC cho Hội Sử học ế khách?
Không lẽ KHÓC vì chương trình chẳng VỌNG tí sóng nào?
Không lẽ KHÓC vì sự THỜ Ơ – VÔ CẢM đồng thời cũng là sự NHẠY CẢM của vấn đề?
Thôi thì nhà cháu ghi lại trung thực để những Ai KHÔNG BỊ/ĐƯỢC DỰ đêm nhạc ấy cùng biết.
——————————–
Mời đọc thêm các báo đưa tin:
1- Tin: Chương trình nghệ thuật "Sóng vọng biển Đông" đăng lúc 10g25 ngày 13/10/2011 trên báo điện tử ĐCSVN (lấy lại tin từ ngày 11/10 của VOV.vn) :
Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Hội khoa học lịch sử Việt Nam, một Chương trình nghệ thuật "Sóng vọng biển Đông" và công bố Quỹ phát triển sử học Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 22/10 tới, tại Hà Nội.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Sóng vọng biển Đông" hướng tới chủ đề xây dựng Tổ quốc và bảo vệ biển đảo khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của người Việt với lịch sử dân tộc.
Đây là một cuộc đối thoại của thế hệ hôm nay cùng nhìn lại truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Dịp này, Hội khoa học lịch sử cũng sẽ công bố Quỹ phát triển sử học Việt Nam.
Nhà Sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: Nguồn quỹ này nhằm để hỗ trợ tài chính cho các công trình sử học xuất sắc, cũng như việc tổ chức các sự kiện liên quan đến lịch sử văn hóa.
Ông Dương Trung Quốc nói: "Chương trình nghệ thuật này nhắc nhở chúng ta giá trị vốn có của dân tộc chúng ta. Một quốc gia có hơn 3.200 km biên giới đường biển, chúng ta chịu biết bao sóng gió, không những của thiên nhiên mà kể cả nguy cơ xâm lăng từ biển vào. Bằng ngôn ngữ âm nhạc, nghệ thuật trình diễn, chúng tôi muốn đưa vào chương trình này sự đánh thức, những bài hát nói về sự giàu đẹp của quê hương chúng ta, và truyền thống của ông cha chúng ta trong việc bảo vệ chủ quyền của đất nước"./.
2- Tin "Sóng vọng biển Đông"của PV Dương Cầm, đăng trong mục GIẢI TRÍ của Báo điện tử An Ninh Thủ Đô :
Thứ tư 12/10/2011 23:21
ANTĐ – Dàn nghệ sĩ tên tuổi đại diện cho nhiều thế hệ giọng ca vàng trong làng nhạc Việt sẽ cùng nhau góp mặt trong đêm nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Sóng vọng biển Đông" diễn ra vào tối 22-10 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Chương trình do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức kỷ niệm 45 năm ngày thành lập, đồng thời đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và công bố quyết định thành lập Quỹ phát triển sử học Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của nhạc sĩ Lê Minh Sơn, chương trình được dàn dựng thành 4 phần gồm: Xây dựng đất nước và bảo vệ biển đảo; Vọng phu; Câu chuyện của người mẹ; Một ngày bình thường. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn tiết lộ sẽ mang đến cho người xem những cảm xúc hùng tráng và hào sảng về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Bên cạnh màn trình diễn của nhiều nghệ sĩ như: NSND Quang Thọ, Anh Thơ, Trọng Tấn, Đăng Dương, Tân Nhàn, Khánh Linh… vị nhạc sĩ tài hoa sẽ trình diễn tác phẩm chủ đề "Sóng vọng biển Đông" ở phần cuối chương trình. Trước đó, chiều cùng ngày tại sảnh Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ khai mạc cuộc triển lãm ảnh về biển đảo Việt Nam.
3- Báo Thể thao&Văn hóa có hẳn một bài dài: Chấn hưng môn sử, hướng tới biển Đông
Thứ Tư, 12/10/2011 10:33
(TT&VH) – Ngày 11/10 tại Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (KHLS VN) đã tổ chức họp báo công bố Quỹ Hỗ trợ Phát triển Sử học Việt Nam (HTPTSH VN) và thông báo về chương trình nghệ thuật đặc biệt Sóng vọng biển Đông sẽ diễn ra vào ngày 22/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Quỹ HTPTSH VN là Quỹ quốc gia đầu tiên của Hội KHLS VN và chương trình Sóng vọng biển Đông là sự kiện mở đầu cho hoạt động thường niên của Quỹ nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền sử học nước nhà.
Không có chuyện ba quỹ dẫm chân lên nhau
Tính cho đến thời điểm này, Quỹ HTPTSH VN là quỹ thứ 3 sử dụng nguồn lãi tín dụng để khuyến khích, đào tạo nhân tài sử học cho đất nước. Hai quỹ được nhiều người biết đến trước đó là Quỹ giải thưởng sử học Trần Văn Giàu và Quỹ giải thưởng sử học Phạm Thận Duật… Sự ra đời của các quỹ này có vai trò rất quan trọng trong việc nghiên cứu và phổ biến sử học, nhất là sau khi có những báo động về "thảm họa môn Sử" trong mùa tuyền sinh ĐH, CĐ vừa qua…
Tuy nhiên, ngay trong buổi họp báo công bố quỹ, nhiều người cho rằng, cả ba quỹ này rất có thể sẽ "dẫm chân nhau".
GS – Viện sĩ Phan Huy Lê (giữa) cho rằng:
"Cần đẩy mạnh nghiên cứu toàn diện về biển Đông…"GS – Viện sĩ Phan Huy Lê giải thích: Quỹ giải thưởng sử học Trần Văn Giàu là dành cho hai lĩnh vực Lịch sử và Lịch sử tư tưởng liên quan đến miền đất Nam bộ, cực Nam Trung bộ (tỉnh Bình Thuận) và TP.HCM.
Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật xét các công trình đăng ký tranh giải đều là những luận án tiến sĩ sử học (của người Việt hoặc người nước ngoài).
Còn Quỹ HTPTSH VN, nhằm mục đích đào tạo nhân tài sử học cho đất nước và thúc đẩy sự phát triển của nền sử học Việt Nam. Ngoài ra, Quỹ HTPTSH VN còn dự định sẽ tổ chức thường niên Diễn đàn sử học Việt Nam cùng các sự kiện văn hóa, lịch sử, nhằm thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân đến các vấn đề nóng bỏng của xã hội liên quan đến lịch sử. Như vậy, có thể nói, Quỹ HTPTSH VN không những không "dẫm lên chân" hai Quỹ giải thưởng sử học Trần Văn Giàu và Phạm Thận Duật mà "biên độ hoạt động" của quỹ còn mở rộng hơn rất nhiều.
Cần đẩy mạnh nghiên cứu toàn diện về biển Đông
Trong buổi họp báo công bố Quỹ Hỗ trợ Phát triển Sử học Việt Nam, Hội KHLSVN cũng đã giới thiệu chương trình nghệ thuật Sóng vọng biển Đông (Tổng đạo diễn: Nhà sử học Dương Trung Quốc, Chỉ đạo nghệ thuật: Nhạc sĩ Lê Minh Sơn). Mặc dù, chương trình này chỉ là sự kiện mở đầu cho các hoạt động thường niên mà Hội đã đề ra nhưng lại là một trong rất nhiều cách truyền bá lịch sử đến người dân, là cuộc đối thoại giữa những con người thời bình ở nhiều lứa tuổi khác nhau khi cùng nhìn lại một giai đoạn hào hùng về biển và lịch sử dân tộc.
GS – Viện sĩ Phan Huy Lê sau buổi họp báo đã chia sẻ với TT&VH: "Gần đây, dư luận rất quan tâm đến tình hình biển Đông, trong đó có chủ quyền về Trường Sa và Hoàng Sa. Giới sử học chúng tôi cũng đã có loạt bài nghiên cứu về vấn đề này trên tạp chí Xưa và Nay của Hội. Tuy nhiên, theo tôi việc này cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Bởi muốn quảng bá tốt thì phải tổ chức nghiên cứu tốt. Đã đến lúc công việc nghiên cứu về biển Đông nói chung và chủ quyền đối với Trường Sa, Hoàng Sa nói riêng, cần phải được tổ chức trên cơ sở liên kết chặt chẽ hơn nữa, tập hợp đầy đủ hơn nữa các chuyên gia ở trong nước và đặc biệt là các chuyên gia ở nước ngoài. Tôi biết họ rất yêu đất nước VN, có những công trình nghiên cứu sâu sắc và có những điều kiện để thu thập tài liệu thuận lợi hơn chúng ta…".
Hiện nay về lịch sử biển Đông, theo như GS Phan Huy Lê cho biết, trong giới sử học hiện có hai công trình nghiên cứu: của TS Nguyễn Nhã ở TP.HCM và của Khoa Sử của Trường ĐHKHXHNV (ĐH QG HN) do GS Nguyễn Quang Ngọc chủ biên. Hai công trình này sẽ được xuất bản trong thời gian tới nhằm quảng bá những công trình nghiên cứu tương đối đầy đủ ở trong nước về biển Đông. Cùng với những công trình nghiên cứu khoa học như vậy, theo GS Lê thì chúng ta cần phải có những hình thức phổ cập hơn nữa để quảng bá kiến thức lịch sử dân tộc nói chung, lịch sử biển Đông nói riêng liên quan đến chủ quyền lãnh thổ trong nhân dân.
"Theo tôi, cần phải gắn Trường Sa, Hoàng Sa vào biển Đông nói chung. Ở đây nó có hai mặt liên quan mật thiết với nhau. Đó là bảo vệ độc lập về chủ quyền trên biển Đông và đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, vì biển đóng một vai trò cực lớn đối với sự phát triển của đất nước. Cho nên, nói về nghiên cứu biển Đông, chúng ta không chỉ nghiên cứu về chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa mà phải nghiên cứu toàn diện về biển Đông trên cơ sở phải tổ chức nghiên cứu liên ngành, để nghiên cứu một cách có hiệu quả hơn nữa. Và phải thường xuyên cập nhật vì sự nghiên cứu càng ngày sẽ càng thay đổi, nếu nhận thức chỉ dừng lại ngày hôm nay đến một lúc nào đó nó sẽ trở nên lỗi thời!"
Huy Thông
(PV Huy Thông có biên tập lại không mà đọc câu của GS Phan Huy Lê nghe giông giống về "mẫu câu" của TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng: "Nói biển Đông không phải chỉ là biển Đông. Nói biển Đông không phải chỉ quan hệ ta với Trung Quốc. Nói biển Đông không phải toàn bộ vấn đề biển Đông, nó chỉ có một cái chỗ quần đảo Hoàng Sa với lại quần đảo Trường Sa và cái ranh giới thềm lục địa theo công ước luật Biển quốc tế, thì có tranh chấp nhau, nhưng mà đâu chỉ có 2 nước, rất nhiều nước …")
4- Mục Văn hóa giải trí của báo Pháp Luật TPHCM Online có tin 122 chữ: Sóng vọng biển Đông:
(PL)- Ngày 22-10, chương trình nghệ thuật Sóng vọng biển Đông với bốn màn:
Xây dựng đất nước và bảo vệ biển, đảo; Vọng phu; Câu chuyện của người mẹ; Một ngày bình thường do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội. Sóng vọng biển Đông được xem như những tiếng vọng đa âm xen lẫn thực tại, quá khứ; đất liền, biển khơi; nụ cười, nước mắt; máu thời chiến, mồ hôi thời bình…
Chương trình do nhạc sĩ Lê Minh Sơn chỉ đạo nghệ thuật với sự tham gia của các ca sĩ Quang Thọ, Trọng Tấn, Đăng Dương, Khánh Linh, Tân Nhàn, Anh Thơ…
V.THỊNH
5- VietNamNet có nội dung rất chi tiết, nhưng lại giật 1 cái tai-tồ rất nét – "Sóng vọng Biển Đông" với nhiều giọng ca nổi tiếng,
Cập nhật 13/10/2011 06:31:00 AM (GMT+7)
- Với sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ Quang Thọ, Trọng Tấn, Đăng Dương, Khánh Linh, Tân Nhàn, Anh Thơ… chương trình nghệ thuật "Sóng vọng Biển Đông" sẽ là cuộc đối thoại đặc biệt giữa những thế hệ.
Quy tụ những giọng ca nhạc đỏ hàng đầu Việt Nam, chương trình sẽ diễn ra vào tối ngày 22/10 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Trong đêm nhạc, những ca khúc nổi tiếng về như Vượt trùng dương (Hoàng Văn Tý),Tình ca (Phạm Duy) sẽ được biểu diễn bên cạnh những tác phẩm mới nhất của các nhạc sĩ như Sóng Vọng Biển Đông (Lê Minh Sơn), Gió lộng bốn phương (Trần Mạnh Hùng)…
Ca sĩ Đăng Dương
Với câu chuyện xuyên suốt là hình ảnh người con của một liệt sỹ đã hi sinh khi bảo vệ đảo Gạc – ma, những bài hát sẽ lần lượt được cất lên như những ánh đèn hải đăng dẫn đường cho người con tìm đến với hình bóng cha mình. Trong suốt chặng đường khán giả sẽ được chứng kiến những cuộc đối thoại giữa những người lính, giữa biển khơi và đất liền, giữa hòa bình và cuộc chiến, với những sự phi thường của hiện tại chỉ là những điều bình thường trong quá khứ…
Nằm trong dịp kỉ niểm 45 năm thành lập Hội khoa học Lịch Sử Việt Nam, lần đầu tiên một chương trình âm nhạc nghệ thuật được tổ chức và đạo diễn bởi những người am hiểu về lịch sử. Tổng đạo diễn chương trình là nhà sử học Dương Trung Quốc bên cạnh nhạc sĩ Lê Minh Sơn với vai trò chỉ đạo nghệ thuật.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn – Ảnh: Nguyễn Hoàng
Với những người có tâm huyết với lịch sử, đặc biệt là tình yêu với Biển đảo, đây sẽ là cách hoàn toàn mới để thay đổi cách nhìn nhận của thế hệ trẻ trong việc tiếp cận với Lịch sử Việt Nam. Qua đó cũng để gián tiếp làm vững chắc thêm trong vấn để khẳng định lịch sử biển đảo và đất liền của Tổ Quốc.
Thái Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét