Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

PHẠM XUÂN NGUYÊN : THƯ GỬI ANH BA ĐUA (về cái bài “Có hai anh Ba Đua”)

Nguồn quechoa

 Kính anh,

 Tôi không biết anh. Và anh chẳng biết tôi. Nhưng tôi xin phép được gọi anh một cách thân mật như đã có quen biết nhau. Nguyên do là mới đây bạn tôi là nhà thơ Đỗ Trung Quân có một bài viết trên mạng nói về anh nhan đề "Có hai anh Ba Đua". Tôi đọc bài ấy mới hay anh là một nhưng hai, chứ không phải hai mà là một. Ba Đua là tên gọi thân mật theo thứ thế trong gia đình, còn ngoài xã hộianh tên thật là Nguyễn Văn Đua. Người em của bạn tôi năm 1979 lên đường chống bành trướng Trung Quốc xâm lược nước ta vì được khích lệ tinh thần từ bài nói bốc lửa mang tính chất hiệu triệu tuổi trẻ thành phố mang tên Bác Hồ của anh bí thư quận đoàn quận 4 Nguyễn Văn Đua vang lên giữa trời, trên ngã tư Hoàng Diệu – Đoàn Nhữ Hài. Đánh giặc xong người em người lính ấy về lại thành phố chạy xe ôm, chẳng cần biết cái ông bí thư đoàn đã làm mình sôi máu căm thù quân xâm lược đòi nhập ngũ tên gì, làm tiếp lên gì. Nhưng ông anh thì nhớ. Bạn tôi làm nghề văn nghề báo nên biết anh Nguyễn Văn Đua bí thư đoàn quận 4 năm 1979 giờ là ông Nguyễn Văn Đua phó bí thư thường trực thành ủy TP HCM. "Người không thích thanh niên Sài Gòn xuống đường, không thích cái áo U No – đường lưỡi bò mà ngay đến cả tạp chí Nature nổi tiếng thế giới cũng đã có bài lật tẩy bọn học giả Trung Quốc về cái đường lưỡi bò nhảm nhí ây. Anh không thích những cuộc hội thảo của giới trí thức Việt Nam về những vấn liên quan đến chủ quyền biển đảo, cho dù hôm nay họ cũng như anh ngày xưa đầy lòng yêu nước." Người em nghe người anh nói thì ngớ ra: chẳng lẽ có hai anh Ba Đua? Người anh ngần ngừ một chút rồi xác nhận: "Hình như là có hai anh Ba Đua, chú ạ".

Mặc dù bạn tôi chỉ xác nhận cho em mình một cách "hình như" nhưng tôi vừa nghe tin "hình như" nhà thơ Đỗ Trung Quân đã bị một cơ quan chức trách của thành phố gọi điện về cơ quan anh Quân, và cơ quan mời anh Quân lên làm việc. Nội dung cuộc làm việc thế nào tôi không được biết. Tôi đoán, chắc có lẽ những người có trách nhiệm của thành phố muốn giúp nhà thơ  quán triệt  là trước sau chỉ có một anh Ba Đua từ cán bộ đoàn sang cán bộ đảng, nhất quán thẳng tiến. Nói có hai anh Ba Đua là sai. Nói "hình như" lại càng sai. Anh Ba Đua, đồng chí Nguyễn Văn Đua, nằm trong bộ tứ lãnh đạo của thành phố lớn thứ hai cả nước mà dân gian ghép tên lại thành một quyết tâm giữ vững biển đảo quê hương – Hải Quân Đua Tài!

Anh Ba Đua ạ, đọc bài viết của bạn tôi, lại nghe tin bạn tôi bị rầy rà vì bài viết đó, tôi nảy ra ý viết thư này cho anh chỉ để chép ra đây một bài thơ gửi tới anh đọc. Bài thơ này là của nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989), giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I, 1996). Nó được in trong Di cảo thơ của ông (tập I, nxb Thuận Hóa, 1992, trang 227-228), cả bộ ba tập di cảo này đã được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.

Bài thơ như sau, thưa anh.

 

Ai? Tôi!

 

Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng

Chỉ một đêm, còn sống có 30

Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?

Tôi! Tôi – người viết những câu thơ cổ võ

Ca tụng người không tiếc mạng mình

trong mọi cuộc xung phong.

Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm

Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ

Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ,

Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!

Ai chịu trách nhiệm vậy?

Lại chính là tôi!

Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời,

Tôi ú ớ.

Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong

Mà tôi xấu hổ.

Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay

Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ

Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười

    1987

 Đầu đề bài thơ có một dấu hỏi và một dấu than. Dấu hỏi cho nhiều người. Dấu than cho một người. Tôi gửi tới anh cả hai dấu chấm câu ấy của một nhà thơ lớn đã đi từ "điêu tàn" đến "vàng sao". Thư này tôi nhờ đăng trên trang mạngwww.quechoa.info của bạn tôi là nhà văn Nguyễn Quang Lập. Anh có đọc được thì có vài lời lên mạng đó cho tôi được biết, hoặc là anh hồi âm cho tôi về email: nguyennhachoa@gmail.com Trường hợp không có gì, xin phép anh cho tôi được nghĩ là anh không đọc, hoặc chưa đọc, hoặc anh không dùng mạng Internet. Nếu vậy tôi xin lỗi đã làm phiền anh.

 Hà Nội 26.10.2011

 Kính thư

 Phạm Xuân Nguyên

Tác giả gửi cho Quê choa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét