Ông François Bourgeon, Chủ tịch danh dự Festival và Trưởng Hội đồng tuyển chọn, trao Giải thưởng cho nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua dịch giả Tây Hà - Ảnh: Website Buingoctan.
Trong ngày 8 tháng 4 tôi nhận được tin vui về người anh, người bạn: nhà văn Bùi Ngọc Tấn.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn vừa giành được Giải thưởng Henri Queffenlec tại liên hoan "Sách và Biển" năm 2012 (Festival Livre et Mer) của Pháp tổ chức trong 3 ngày từ ngày 6 đến ngày 8/4.
Giải thưởng Henri Queffenlec trao cho tác phẩm "Biển Và Chim Bói Cá" của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, do Nhà xuất bản (NXB) Hội Nhà văn Việt Nam và Công ty Nhã Nam phát hành năm 2009, tái bản năm 2010.
Tiểu thuyết "Biển và chim bói cá" bản Việt ngữ có 538 trang, được dịch giả Tây Hà dịch ra tiếng Pháp 514 trang, NXB l'Aube phát hành năm 2011, có tựa đề là "La mer et le matin-pêcheur".
"La mer et le matin-pêcheur" đã vượt qua 5 tác phẩm của các nhà văn chuyên nghiệp của Canada, Pháp, Bỉ tại vòng chung kết và giành Giải Thưởng Lớn (Grand Prix), không có giải nhì, đó là:
- Dominique Fortier, nữ văn sĩ Canada, với tác phẩm "Cách Dùng Các Vì Sao", NXB Table Ronde.
- Francois Bellec, nhà văn Pháp, với "Cây Ban Đêm", NXB Jean Claude Lattès.
- Eric Fottorino, nhà văn Pháp, giám đốc nhật báo "Le Monde", với tác phẩm "Bơi Ngửa", NXB Gallimard.
- Pilar Hélène Sugers, nữ văn sĩ Pháp, với tác phẩm "Hội Gió Ở Aixlen", NXB Jean Claude Lattès.
- Jose Pinelli, hoạ sĩ Bỉ, và Jean Bernard Pouy, nhà văn Pháp, với tác phẩm "Con Tầu Dưới Gió", NXB Jean Claude Lattès.
Festival "Livre et Mer" được tổ chức hàng năm ở Pháp với mục đích tôn vinh những tác phẩm viết về biển.
Giải thưởng của Festival mang tên nhà văn Henri Queffélec, một trong những tác giả nổi tiếng nhất viết về biển bằng tiếng Pháp trong thế kỷ 20 và là người sáng lập giải thưởng văn học uy tín này.
Sự công nhận quốc tế đối với một tài năng đã bị bạc đãi
Theo tin trên trang
website Bùi Ngọc Tấn, thay mặt nhà văn Bùi Ngọc Tấn trong lễ trao giải, dịch giả Tây Hà phát biểu:
"Nhà văn Bùi Ngọc Tấn hiện đang ở Việt Nam và rất tiếc không đến dự được buổi họp hôm nay. Thay mặt tác giả là dịch giả. Dịch giả chỉ là người thi hành và thấy mình thật bé nhỏ khi đứng với bao nhiêu nhà sáng tạo. Chúng tôi rất cảm động vui mừng và cảm ơn nhận giải thưởng Đại Hội đã dành cho "Biển và Chim Bói Cá". Sự cảm động và vui mừng tác giả đã biểu lộ khi được tôi báo tin trên điện thoại.
Giải thưởng này là một vinh dự, một niềm vui, và là một an ủi cho chúng tôi, vì nó là một sự công nhận quốc tế đối với một tài năng bị bạc đãi ở chính nước mình. Tác giả đã từng nhận nhiều giải thưởng có tầm cỡ toàn quốc, ở trong nước. Nhưng ông đã bị giam cầm vì tài năng của mình. Bởi một người tài không bao giờ chấp nhận những điều phi lý hoặc phản công lý dù những điều đó dựa vào sức mạnh.
Tôi sẽ chuyển giải thưởng cho tác giả khi về Việt Nam và chúng tôi sẽ có cuộc liên hoan với các bạn nhà văn, nghệ sĩ, có rượu và cá như đã viết trong tiểu thuyết".
Dịch giả Tây Hà cũng đã đọc lời chào mừng của nhà văn Bùi Ngọc Tấn gửi đến Festival:
"Tôi chào mừng Đại Hội Biển và Sách. Đạt được giải Henri Queffelec mỗi năm dành cho một tác phẩm nói về biển, thật là một vinh dự lớn cho tôi, nhất là khi qua mạng internet tôi được biết trình độ rất cao của những tác giả cùng tranh cử để được giải này. Nước Pháp đối với tôi không hẳn là xa lạ, vì thời thơ ấu tôi đã học tiếng Pháp và sự kiện này càng làm tăng thêm niềm vui của tôi. Tôi thành thật cảm ơn đại hội đã cho tôi vinh dự và niềm vui này".
Cuốn tiểu thuyết "Biển Và Chim Bói Cá" là cuốn sách thứ 2 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn được NXB Aube phát hành, sau tập truyện ngắn "Une vie de chien" gồm 7 truyện ngắn (Khói; Người chăn kiến; Truyện không trên; Những người đi ở; Một ngày dài đằng đẵng; Cún; Dị bản một truyện đã in) ấn hành năm 2007 và được tái bản năm 2011 dưới dạng bỏ túi (poche).
Chút kỷ niệm riêng sâu sắc
Tôi biết nhà văn Bùi Ngọc Tấn từ cuốn "Chuyện Kể Năm 2000" và năm 2002 mới được đọc nó nhờ một người bạn mua ở Mỹ gửi qua Ba Lan cho, vì cuốn sách không được xuất bản tại Việt Nam.
"Chuyện Kể Năm 2000" được cộng đồng người Việt hải ngoại biết đến khá rộng rãi. Cuốn tiểu thuyết thực chất là hồi tưởng của nhà văn về cuộc sống trong 5 năm (1968-1973) bị tập trung cải tạo oan ức và bất công chỉ vì những chính kiến khác với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trước các nghịch lý và bất công xã hội.
Cuộc sống trong tù đơn điệu, nhàm chán đã được nhà văn Bùi Ngọc Tấn mô tả trong "Chuyện Kể Năm 2000" một cách sống động, cuốn hút qua ngòi bút tài tình của mình. Trong những khoảnh khắc bi kịch nhất, có lúc tia sáng chợt loé thúc dục cho con người vươn tới sự sống, sự tồn tại bằng hình ảnh lãng mạn và đẹp tuyệt vời của tình yêu với người vợ thuỷ chung. Cả cuốn sách đầy ắp tính nhân văn chứa đựng liên tiếp những bi kịch, những nụ cười chảy nước mắt của những tù nhân trong hoàn cảnh cùng cực và bi thương về vật chất và tinh thần.
Tháng 7 năm 2009, cô bạn nhà báo Lan Hương ở Moscow sang Ba Lan chơi cho tôi hay cô đã hoàn tất thủ tục mời nhà văn Bùi Ngọc Tấn sang thăm nước Nga.
Đến thăm nước Nga là niềm mơ ước lớn không chỉ của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, mà của nhiều người trong giới cầm bút ở miền Bắc, đã sớm làm quen với tác phẩm của những cây cổ thụ văn học thế giới như L. Tolstoy, F. Dostoyevsky, A. Sakharov, B. Pasterniak, A. Solzhenitsyn, K. Pautovsky, M. Sholokhov...
Tháng 9 năm 2009, tôi từ Ba Lan bay qua, Lan Hương và nhà văn Bùi Ngọc Tấn đi tàu từ Moscow tới, điểm hội tụ là thành phố Saint Petersburg.
Thấy nhau là tay bắt mặt mừng ngay vì chúng tôi đều cùng đã nghe về nhau, chỉ chưa có cơ hội gặp mà thôi, lại có người bạn chung là nhà văn Vũ Thư Hiên, nên tôi xin phép gọi bằng "anh" cho thân mật và gần gũi, mặc dù "anh" thuộc tuổi cha chú của tôi.
Tôi và anh được Lan Hương tiếp đón trên cả mức tận tâm, tận tình. Anh Tấn và tôi ngủ chung một phòng lớn. Đêm nào cũng trò chuyện tới khuya. Ban ngày, với kinh nghiệm nhiều năm ở Nga, chỉ trong 5 ngày mà Lan Hương đã cho chúng tôi đi thăm thú gần hết những nơi nổi tiếng nhất và đẹp nhất của St. Petersburg. Ban đêm chúng tôi đưa anh đi thưởng thức các món ăn dân tộc Nga, đặc biệt là thịt trừu nướng bằng than từ cây bạch dương...
St. Petersburg nằm trên sông Neva đổ ra biển Baltic phía Bắc, có khoảng 1000 chiếc cầu ngang dọc với kiến trúc muôn hình, muôn vẻ, được Peter Đại đế (Peter the Great) khởi công xây dựng từ năm 1703, tổng hợp theo kiến trúc của các trường phái từ Paris, Roma, Vienna... Rất nhiều cổ vật tinh hoa của các nền văn hoá thế giới bao gồm cả Trung Hoa, Ả Rập, Ba Tư... đã được Peter Đại Đế và các triều đại Nga kế tiếp mua về trang điểm và làm giàu cho St. Petersburg.
Từ khi Putin, người xuất thân từ St. Petersburg, lên làm Tổng thống Nga năm 2000 và nhất là từ đợt chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh, đón các nguyên thủ quốc gia G8 vào năm 2006, các di tích lịch sử, bảo tàng được nhà nước Nga bỏ tiền tu sửa rất nhiều. Vào một buổi chiều tối chúng tôi đi tàu dọc sông Neva ngắm toàn cảnh thành phố lung linh dưới ánh sáng đủ màu hắt lên mặt nước, đẹp không thua kém bao nhiêu thủ đô Paris trên dòng sông Sein.
Lê Diễn Đức và nhà văn Bùi Ngọc Tấn trong Cung điện Nữ hoàng Catherine, St. Petersburg 9/2009 - Ảnh: LDĐ
Chuyến thăm nhau ngắn ngủi nhưng để lại trong tôi hình ảnh một nhà văn rất quý mến, thân thiện, với vóc dáng nhỏ bé, nét mặt khắc khổ, hiền lành, nhận hậu mà can đảm, nhẫn nhịn mà luôn giữ nhân cách trong sáng.
Tôi đã mời và hứa sẽ tìm cách "lo liệu" cho anh sang thăm Ba Lan một chuyến nhưng chưa thực hiện được.
Anh Tấn cho tôi tất cả các thông tin cá nhân của anh ở Hải Phòng: địa chỉ nhà, số điện thoại, email, nhưng từ lúc chia tay anh, tôi dường như tôi không liên lạc với anh. Anh đã trải qua những tháng ngày quá đau khổ, giờ chỉ muốn sống yên tĩnh đến cuối cuộc đời, như một người ở ẩn. Tôi muốn tránh cho anh vì những liên hệ với tôi mà có thể gặp những rắc rối, phiền toái không cần thiết từ phía nhà cầm quyền.
Do vậy, anh không qua Pháp tham dự Festival Livre et Mer và nhận giải thường Henri Queffenlec không biết vì nhà cầm quyền Việt Nam gây khó hay là do sức khoẻ yếu. Năm nay anh 78 tuổi rồi. Hồi qua St. Petersburg anh bị đau khớp chân nặng, nhiều lúc anh phải vịn vai tôi nhích từng bước trong những buổi đi chơi hoặc thăm thú các viện bảo tàng, di tích lịch sử. Thế nhưng, cách đây khoảng gần một tháng, nhiều nhân sĩ trí thức, trong đó có nhà văn Nguyên Ngọc, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện... từ Hà Nội xuống Hải Phòng thăm anh, tôi hỏi thăm thì biết anh khoẻ bình thường.
Để kết thúc bài viết, tôi chép lại một đoạn giới thiệu trên bìa cuốn "Biển Và Chim Bói Cá" mà anh đã ký tặng tôi hồi tháng 9/2009 tại St. Petersburg:
"Thế hệ chúng tôi đã chứng kiến bao nhiêu biến động của Lịch Sử. Một thế hệ nhiều năm rồi nằm trong tầm bắn tỉa của Thần Chết, đang biến mất khỏi hành tinh này không để lại vết xước nào. Tôi chỉ muốn thật trung thực trong khi viết để góp phần vào việc lưu giữ ký ức của Dân Tộc".
Vâng, rất nhiều biến cố lịch sử sẽ qua đi, nhạt nhoà, phôi pha theo thời gian. Nếu những người cầm bút không nỗ lực làm việc và tạo ra các tác phẩm có giá trị thì nhiều thế hệ sau sẽ không biết được cha ông đã từng trải qua một quá khứ bi kịch, hãi hùng như thế nào dưới thời cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhưng anh Bùi Ngọc Tấn nói đúng: Phải trung thực khi cầm bút. Chỉ với sự trung thực, lòng nhân ái và trách nhiệm xã hội, thì các tác phẩm tạo ra mới tồn tại và được quý trọng qua mọi thời gian.
Ngày 9/4/2012
© 2012 Lê Diễn Đức - RFA Blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét