Việt Hà, phóng viên RFA Bangkok
2012-04-17
Hôm nay, 17/04/2012, cả ngàn người dân đã tụ tập trước các trụ sở tiếp dân của Đảng, Nhà nước và Quốc hội để khiếu kiện đất đai.
Nông dân, Tiểu thương khiếu kiện
Ngay từ khoảng 9 giờ sáng hôm nay, đã có hơn 1.000 người dân thuộc các quận, huyện khác nhau của Hà Nội, và tỉnh Hưng Yên đổ về trụ sở tiếp dân của Đảng, Nhà nước và Quốc hội tại Hà Nội để yêu cầu can thiệp giải quyết các đơn thư khiếu nại liên quan đến đất đai.Theo blog Nguyễn Xuân Diện, trong số những người tham gia cuộc tập trung ngày hôm nay có khoảng 700 nông dân huyện Văn giang tỉnh Hưng Yên, 200 dân Dương Nội, khoảng 500 tiểu thương của chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, và một số nông dân của huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Một tiểu thương chợ Nghĩa Tân cho biết mục đích của cuộc tập trung ngày hôm nay của những tiểu thương chợ này như sau:
"Hôm nay chúng tôi khiếu nại vấn đề tòa trả lại đơn của chúng tôi, chúng tôi gặp ủy ban thường vụ quốc hội, chúng tôi có đơn kêu cứu bởi vì những nội dung ở chợ chúng tôi từ năm 2008 đến nay là các ông không thực hiện đúng lộ trình pháp luật.
Chúng tôi đã nộp đơn ra tòa để tòa phân xử trắng đen nhưng tòa trả lại đơn. Cho nên chúng tôi có đơn kêu cứu lên ủy ban thường vụ quốc hội để quốc hội xem xét và tác động đồng thời giám luôn những việc họ làm như thế có đúng không?"
Chúng tôi có đơn kêu cứu bởi vì là các ông không thực hiện đúng lộ trình pháp luật. Chúng tôi đã nộp đơn ra tòa để tòa phân xử trắng đen nhưng tòa trả lại đơn.Tiểu thương chợ Nghĩa Tân
Các tiểu thương chợ Nghĩa Tân cho biết chợ này được xây dựng từ năm 1995 theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Mỗi hộ tiểu thưởng ở đây đã phải đóng 6 triệu rưỡi đồng để xây chợ và sau đó đấu thầu để nhận chỗ. Đến năm 2008, ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy quyết định xây dựng nâng cấp chợ.
Nhưng thay vì xây chợ theo đúng tiểu chuẩn chợ cấp 2 là không quá 3 tầng theo quy định của pháp luật, ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy đã quyết định cho đấu thầu và chọn nhà đầu tư xây khu thương mại văn phòng cho thuê với 12 tầng.
500 tiểu thương chợ bất bình vì không được hỏi ý kiến trong quá trình đấu thầu, chọn thầu, và họ còn bất bình hơn vì cho rằng việc thiết kế xây dựng chợ đã không đúng quy định của pháp luật. Không những thế, ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội còn ra quyết định thu hồi đất và giao cho chủ đầu tư 50 năm.
Vì vậy các tiểu thương đã cùng nhau nộp đơn khiếu kiện quyết định này của ủy ban nhân dân Hà Nội lên tòa hành chính thành phố Hà Nội vào tháng 3 năm 2012, nhưng tòa này đã trả lại đơn vào ngày 10 tháng 4 vừa qua với lý do quyết định này không liên quan trực tiếp đến những tiểu thương của chợ.
Tiếp theo sau cuộc tập trung rầm rộ vào ngày 10 tháng 4 vừa qua tại Ủy ban mặt trận tổ quốc ở Hà Nội, những người dân huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên hôm nay lại tiếp tục đổ về Hà Nội để phản đối quyết định cưỡng chế đất của ủy ban nhân dân huyện ký vào ngày 5 tháng 4 vừa qua, theo đó chính quyền địa phương sẽ thực hiện cưỡng chế đất của hơn 160 hộ dân của xã Xuân Quang, huyện Văn Giang.
Đây là những hộ nằm trong số gần 2000 hộ dân thuộc ba xã Xuân Quang, Phụng Công và Cửu Cao không chịu mức giá đền bù thấp mà chính quyền địa phương đưa ra để thu hồi đất làm mặt bằng cho dự án khu đô thị Ecopark.
Dự án của 3 xã chứ không phải của riêng Xuân Quang là 160 hộ là không đúng. Chúng tôi không đồng tình với quan điểm đó. Tôi không hài lòng vì cái này chưa rõ ràng.Người dân Văn Giang
Những người dân Văn Giang cho biết họ tập trung về đây hôm nay để yêu cầu làm rõ phó thủ tướng nào đã ký quyết định mà theo đó tỉnh Hưng Yên gửi giấy mời cho 166 hộ xã Xuân Quang đến gặp đại diện chính phủ để giải quyết tranh chấp đất đai vào ngày 12 tháng 4 vừa qua.
Một người dân huyện Văn Giang tham gia vào cuộc tập trung ngày hôm nay cho biết người dân không cảm thấy hài lòng với kết quả của buổi làm việc với cơ quan tiếp dân của chính phủ và quốc hội.
"Đầu tiên chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Hải bên thanh tra chính phủ, anh ấy bảo là chúng tôi không dám nhận đơn của các ông, sợ mất chức vì ông ấy là sếp của tôi. Sau đó chúng tôi xuống gặp văn phòng quốc hội chỗ anh Cẩn thì anh ấy nói là nguyện vọng bà con vừa rồi được gặp đối thoại mà tại sao bà con không đối thoại.
Chúng tôi nói là xuất phát từ giấy mời nói là thực hiện ý kiến chỉ đạo của phó thủ tướng thì không chỉ đích danh ông nào. Thứ hai là dự án của 3 xã chứ không phải của riêng Xuân Quang là 160 hộ là không đúng. Chúng tôi không đồng tình với quan điểm đó.
Nội dung đơn thư của chúng tôi đã gửi đi bao nhiêu năm nay chưa giải quyết mà giờ đòi đối thoại. Tôi không hài lòng vì cái này chưa rõ ràng. Chúng tôi chưa nhất trí thì còn tiếp tục đi đòi hỏi.
Người dân này cho biết từ giờ cho đến ngày 20 tháng 4 tới, tức là hạn để chính quyền thực hiện cưỡng chế không còn xa, những người dân sẽ tiếp tục lên Hà Nội để khiếu kiện nhưng nếu không được giải quyết thì sẽ sẵn sàng hy sinh để giữ đất của mình:
"Ngày 20 này bà con chuẩn bị ở nhà chiến đấu thôi chứ chả còn cách nào khác, vì lời kêu gọi của bà con là tha thiết được chính quyền xem xét giải quyết mà không làm được mục đích này thì sống thì sống mà chết thì chết."
Phản đối bắt dân
Cũng trong sáng ngày hôm nay, Đài Á Châu Tự Do nhận được tin một người dân thuộc thôn Tư Sản, xã Phú túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, đã bị công an xã bắt giữ không rõ nguyên cớ. Người bị bắt là chị Nguyễn Thị Mây.
Một người dân trong xã cho biết: "Sáng nay bà Mây đi làm tăm ở thôn Cầu Bầu, thuộc huyện Ứng Hòa, lúc đó là 5 giờ 40 phút nó ập đến, chả đọc lệnh gì cả, nó bắt nghoéo tay, bịt mồm bắt đi luôn".
Sau khi được tin chị Mây bị bắt, hàng trăm người dân thôn Tư Sản đã tập trung về ủy bân nhân dân xã Phú Túc để làm rõ nguyên nhân bắt và đòi thả người. Nhưng cho đến 12 giờ trưa họ vẫn chưa được gặp người đại diện chính quyền xã. Chúng tôi liên hệ với văn phòng ủy ban nhân dân xã thì được một trực ban trả lời như sau:
Trực ban ủy ban nhân dân xã Phú Túc: Cái này thì việc này do tổ công tác của huyện chứ không phải xã Phú Túc bắt đâu.
Việt Hà: Nhưng người dân đang yêu cầu được gặp lãnh đạo xã thì bao giờ lãnh đạo xã có thể gặp người dân thưa chị?
Trực ban ủy ban nhân dân xã Phú Túc: Họ đang đứng đầy cổng, các sếp đang họp chuẩn bị ra để giải tỏa ạ... Vẫn nói chuyện đó chứ…nhưng vấn đề là dân đứng ngòai cửa chửi bới các thứ thì ai cho vào ủy ban để chửi à?
Người dân thôn Tư Sản bất bình với chính quyền địa phương liên quan đến tranh chấp đất đai trên diện tích hơn 6 mẫu ruộng lúa thuộc xã.
Người dân thôn Tư Sản cho rằng chính quyền địa phương đã lấy đất của người dân để cho thuê không đúng.
Nhiều người dân trong thôn vẫn tiếp tục cấy lúa trên phần đất tranh chấp này thời gian qua và liên tục bị chính quyền địa phương ngăn cản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét