Nhạo báng uy quyền- điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Dân gian sâu sắc và hóm hỉnh hơn nhiều "Không tăng giá thì "cạp đất mà ăn à!
Tuần trước, khi bản nhạc chế "Tìm lại giá xăng" của nhạc sĩ trẻ Nguyễn Hồng Thuận được đưa lên youtube, rất nhiều ý kiến đề nghị bầu cho danh hiệu "bài hát của năm". Số lượt xem rất nhanh chóng sau đó đạt con số hơn 105 ngàn. Nghe bài hát, người ta bỗng giật mình nhớ lại một thủa "2 nghìn 1 tô mì gói, 3 nghìn 1 ổ bánh mì, 5 nghìn 1 tô hủ tiếu", trong bối cảnh mà giá xăng sắp đạt con số 30 ngàn/lít, với một cường độ 2 lần trong 1 tháng.
Những gì được dân gian hóa đang cho thấy một phần thái độ của người dân trước tình trạng mặt hàng "thiết yếu của thiết yếu" đang tăng một cách bất minh. Và dù một quan chức của Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương thản nhiên trả lời: Theo số liệu sổ sách, hiện các đầu mối vẫn cấp hàng bình thường đúng theo hợp đồng. Nhưng trên tờ báo của ngành công an ngày hôm qua xuất hiện một lời bình: Điều nực cười là hiện nay người dân không phải chờ đọc báo hay TV đưa tin mới biết xăng dầu tăng giá. Họ chỉ cần ra đường thấy cây xăng đóng cửa là biết chuyện gì sắp xảy ra. Người dân đã quá "thuộc bài". Việc vi phạm hết lần này đến lần khác diễn ra mặc các lời tuyên bố đang là một lời nhạo báng uy quyền của các cơ quan quản lý nhà nước.
Nhạo báng uy quyền- điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Dân gian sâu sắc và hóm hỉnh hơn nhiều "Không tăng giá thì "cạp đất mà ăn à!".
Cái sự "cạp đất mà ăn", cũng hôm qua, được Tuổi trẻ phanh phui qua câu chuyện ông chủ một hệ thống 5-6 cửa hàng xăng dầu: Cứ mỗi lần xăng dầu rục rịch tăng giá, hệ thống lại gom hàng chục tỷ đồng đóng cho đầu mối xăng dầu để mua 2-3 triệu lít xăng, tuy nhiên chỉ giao tiền và bên cung cấp xuất hóa đơn nhưng không có hàng. Đến ngày giá xăng lên, các cây xăng nhận hàng đã mua với giá gốc và bán với mức giá tăng mới. Mỗi chuyến xăng tăng giá, ông chủ nhỏ này, theo Tuổi trẻ, lại kiếm được 2-3 tỉ đồng. Điều quan trọng nhất lý giải cho tình trạng găm hàng phổ biến từ Nam chí Bắc là chuyện mua khống rất phổ biến.
Nhớ lại hồi các DN xăng dầu hồ hởi thông báo việc "công khai niêm yết giá xăng", các chuyên gia kinh tế sau khi "bắc kính lúp" cũng đành lắc đầu không thể tính toán, vì thiếu thông số cơ bản. Sự kiện cây xăng găm hàng đang diễn ra cho thấy một khía cạnh khác của vấn đề: Đó là chuyện bản thân cơ quan chức năng cũng không biết thực hư giá bán, không xác định nổi việc "bán" trên sổ sách và "bán" ngoài thị trường.
Trên tờ Người lao động, một quan chức của Vụ Tài chính tiền tệ, Bộ Kế hoạch – Đầu tư bình luận rằng giá hiện hành "đã quy định chi phí lợi nhuận định mức trong giá bán lẻ xăng dầu. Điều này có tác dụng bảo đảm lợi ích cho DN nhưng lại không khuyến khích được DN kinh doanh thực sự, tức là phải tính toán để nhập được xăng lúc giá rẻ và hạn chế nhập lúc giá cao". Có nghĩa là DN xăng dầu không phải chịu rủi ro kinh doanh, không cần tiết kiệm chi phí, giá nào cũng nhập khẩu mà không sợ lỗ vì mọi chi phí đã có người tiêu dùng gánh chịu.
Cây xăng găm hàng thực ra chỉ là một biểu hiện của sự "thuộc bài": Doanh nghiệp thuộc chiêu trò mua khống. Cơ quan quản lý thuộc câu trả lời "cấp hàng bình thường trên sổ sách", và người dân thì thuộc lòng rằng: Cây xăng đóng cửa, có nghĩa là sắp tăng giá. Cây xăng găm hàng, vì thế, cũng mới chỉ là cái đỉnh nổi trong nỗi bức xúc của người dân- một nỗi bức xúc chỉ được giải tỏa bằng bản nhạc chế, những lời nhạo báng kiểu "người mong EVN gặp sự cố nhất lúc này chỉ có thể là Petrolimex", và giải tỏa bằng những cú bấm like trên facebook, thay cho việc đào một cái hố để gào vào đó sự tức giận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét