Mấy ngày gần đây, dân Myanmar đang hoan hỷ vì chính quyền tuyên bố bỏ kiểm soát báo chí. "Lệnh kiểm duyệt bắt đầu vào ngày 6/8 năm 1964 và đã chấm dứt sau 48 năm và hai tuần," ông Tint Swe, người đứng đầu PSRD nói với hãng tin Pháp AFP hôm thứ Hai 20/8.
Hãng tin Pháp dẫn lời một biên tập viên giấu tên của một tạp chí ở Yangon nói: "Hôm nay là một ngày trọng đại cho tất cả các nhà báo ở Myanmar – những người đã làm việc dưới những hạn chế khắc nghiệt trong hàng bao nhiêu năm trời."
Báo chí được tự do thì Myanmar sẽ tiến xa. Ở phương Tây, truyền thông là quyền lực thứ 4, vừa kiểm soát ba nhánh quyền lực còn lại. Đó là một trong những chìa khóa cho chính phủ minh bạch, động lực cho phát triển, nên tại sao họ bỏ xa các quốc gia khác.
Cuối tuần rồi lại có tin, Hà Nội có trận bão và mưa to khủng khiếp. Đoạn đường Lê Văn Lương (Hà Nội) qua khu đô thị Dương Nội bị xẻ đôi, xuất hiện một hố tử thần rộng khoảng hơn 50m2, sâu khoảng 4m, cắt ngang đường.
Bàn về chuyện này, T.S. Ngô Quang Toàn, trưởng đoàn Địa chất Hà Nội: "Nói gì thì nói, nguyên nhân sạt lở là nguyên nhân nhân tạo!".
Ông Trần Tân Văn – Viện trưởng Viện Khoa học địa chất khoáng sản (Bộ Tài nguyên – Môi trường) thì cho rằng, nước luôn là thủ phạm.
Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng, phát biểu rằng, do tích luỹ của nhiều sự việc.
Còn mấy quan khác, sau khi ngắm nghía lỗ sâu hoắm, thì đoán, do mưa to, do trời, đủ các…do.
Mấy hôm nay, truyền thống nóng lên từng giờ. Bầu Kiên, một tài phiệt ngân hàng mà phương Tây gọi là tycoon, bị bắt vì "kinh doanh trái phép".
Rất thú vị, ông bầu của câu lạc bộ bóng đá Hà Nội, gồm toàn các cầu thủ sao với giá trên trời như mấy cái xe giá hàng triệu đô la của anh, sao còn kinh doanh cái gì đến nỗi bị rơi vào vòng lao lý.
Đọc thêm tin tức, hóa ra chuyện khá nghiêm trọng. Bầu bóng đá bị bắt mà hệ thống tài chính Việt Nam phải rúng động. Ngân hàng Trung ương đã phải công khai can thiệp để tránh tình trạng hoảng loạn trong dân chúng đổ xô đến rút tiền trong ngân hàng ACB, ngân hàng lớn thứ 2 tại Việt Nam.
Chứng tỏ bầu Kiên, ngoài chuyện sân cỏ, có những cú "sút" rất xa, ảnh hưởng ở tầm quốc gia. Bỗng nhiên anh bị "thổi còi vì lỗi việt vị" bởi "hố tử thần do tích lũy của nhiều sự việc" đôi khi do quyền lực không được kiểm soát vô tình tạo ra.
Ba mẩu tin này có liên quan đến nhau hay không? Có liên quan đấy.
Ở một quốc gia đang trăn trở đi lên, hệ thống còn chồng chéo, nhiều bất cập, thì báo chí, nếu chưa được là quyền lực thứ tư, kiểm soát ba nhánh quyền lực "lập pháp, hành pháp và tư pháp" như ở phương Tây, ít nhất cũng không nên có vùng cấm, được làm đúng chức năng phản biện xã hội.
Truyền thông cởi mở giúp chính phủ minh bạch, tránh quyền lực bị lạm dụng, bớt đi nhiều "hố tử thần" mà không tìm được lý do, khó có đất sống cho những ông vua không ngai, người tài như anh Kiên và cả những vị có chức quyền không bị tụt "hố tử thần" giữa ban ngày.
Nhớ hồi năm ngoái, bầu Kiên manh nha lâp ra VPF đã "trảm" VFF như sau "Các nhà điều hành (VFF) thừa khả năng nhận biết ra các trận đấu có biểu hiện tiêu cực, vấn đề là có dám mở mắt nhìn thẳng và xử lý mạnh hay không."
Người ta tin anh Kiên nói thật từ đáy lòng khi bàn về tiêu cực trong bóng đá và VFF. Chắc bầu bóng đá này không hề muốn nói đến ngành ngân hàng, tài chính, mà anh là đại gia giầu thứ 14 tại Việt Nam.
Suy cho cùng, câu ấy còn nguyên giá trị trong thời điểm hiện nay và đúng ở tầm quốc gia. Tiêu cực trong xã hội, tham nhũng tràn lan, cấu kết, móc nối, lợi ích nhóm… đang làm suy vong chế độ, đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng, ai cũng thừa khả năng nhận biết.
Vấn đề "có dám mở mắt nhìn thẳng và xử lý mạnh" như bầu Kiên từng nói hay không.
Hiệu Minh. 21-08-2012
Tin giờ chót
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét