Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Khải Minh : Hoạt cảnh Biển Đông

Nguồn nhucaytrevn

Giấc mộng Trung Hoa muốn tóm thâu thiên hạ của nòi Hán một lần nữa lại vùng lên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Lộ đồ bành trướng của Trung Quốc lần này có qui mô trải dài khắp năm châu bốn biển, với chiến lược chính là lũng đoạn kinh tế. Và Biển Đông là một mắt xích quan trọng trong kế hoạch bành trướng của họ. Riêng tại khu vực Biển Đông thì do nhu yếu sinh tử về năng lượng và có vị trí địa dư quan trọng của khu vực đối với an ninh của Trung Quốc nên bằng mọi cách và bằng mọi giá họ phải chiếm lấy, và như ai nấy đã rõ, Trung Quốc sẽ không e ngại sử dụng vũ lực.

Ngay tại một địa bàn phên dậu của Trung Quốc trên đất liền là lãnh thổ Đông Dương, thì sự thâm nhập, lũng đoạn kinh tế đã tiến hành từ gần 70 năm nay, lúc nhặt lúc khoan, khi tiến khi lùi, nhưng đến nay đã đến lúc họ gặt hái thành quả. Sự thật là ba nước Việt Miên Lào đang nằm trong quỹ đạo chi phối của Trung Quốc, lãnh đạo của cả ba nước thực chất đang nhận chỉ đạo từ Bắc Kinh.

Thế giới làm gì? Cho đến hiện nay, thế giới làm được rất ít vì phải lo đối phó với khủng hoảng kinh tế rất nặng nề trong khu vực riêng của họ, cùng lúc phải đối phó với các tác động mạnh và hệ quả của suy thoái kinh tế trên toàn cầu lên mỗi nước.

Ngoài ra, hiện các quốc gia thuộc khối "lãnh đạo thế giới" - tựu trung là tại Tây Âu - lại không may rơi vào tay lãnh đạo của các phe nhóm chính trị xã hội, tả phái, cầu an, cho nên về kinh tế họ sẽ không có khả năng, về chính trị họ không có đảm lực phiêu lưu quân sự hay chính trị. Bài học liên minh quân sự trong trận chiến Iraq và trận chiến Afghanistan, ngoại trừ nước Anh có những đóng góp tuy nhỏ nhưng tích cực, còn lại tất cả là một minh chứng cho sự rụt rè của cả khối.

Còn lại là Hoa Kỳ

Tổng quan, Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có khả năng ngăn chặn sách lược bành trướng của Trung Quốc. Vì quyền lợi kinh tế chiến lược và nhãn quan nhân quyền Hoa Kỳ chấp nhận và khuyến khích một nước Trung Quốc mở cửa và phát triển kinh tế để làm bạn hàng kinhh doanh tầm chiến lược, nhưng cũng vì một quyền lợi kinh tế chiến lược khác, là năng lượng, hay dầu khí, thì Hoa Kỳ từ lâu đã có vị trí đối đầu với ý đồ lũng đoạn của Trung Quốc (và Nga) tại các khu vực cung ứng dầu khí cho thế giới.

Hoa Kỳ đã và đang ngăn ý đồ lũng đoạn của Trung Quốc tại Phi Châu, Trung Đông, Cận Đông, Nam Á, và gần đây là cùng Na-uy tại khu vực Bắc Âu, ngăn Trung Quốc gia nhập vào Hội đồng Bắc Cực (Artic Council).

Bằng hành động quân sự hay các động thái chính trị, gián tiếp, hay trực tiếp, Hoa Kỳ đã ngăn bước Trung Quốc (và Nga). Dưới danh nghĩa chống khủng bố toàn cầu (để làm một công nhiều việc) qua cuộc tiến công vào Iraq Hoa Kỳ đã ngăn Trung Quốc (và Nga) đang tìm cách lũng đoạn vùng Trung Đông. Bằng cách tiến công vào Afghanistan Hoa Kỳ đã ngăn chặn ý đồ của Trung Quốc (và Nga) muốn mở đường vào điạ bàn Nam Á qua ngả Afghanistan và Pakistan. Lúc gần đây Hoa Kỳ lại triển khai Lực Lượng Đặc Biệt tại vùng Sừng Phi Châu và Ethiopia, Kenya, Ghana..., gọi là để truy sát lãnh tụ lực lượng phiến quân có liên kết với khủng bố, nhưng gián tiếp cũng là ngăn chặn Trung Quốc lũng đoạn các mỏ dầu tại Congo.

Riêng tại Châu Á Thái Bình Dương thì Hoa Kỳ đã chủ động - trong một phần của chiến lược toàn cầu- và từ trên năm năm qua- thực hiện nhiều bước để tái phối trí quân sự và triển khai lực phòng thủ tại Thái Bình Dương. Dưới thời Bộ Trưởng Quốc phòng Rumsfeld căn cứ Guam được nâng cấp với các không đoàn chiến đấu được triển khai, số thủy quân lục chiến trú phòng tăng cao ... Tại Úc, đã có những chuẩn bị cho một căn cứ yểm trợ và tiếp liệu khổng lồ ở Darwin. Ngoài ra, việc tái sử dụng căn cứ Subic, Clark ở Philippines được đặt ra. Thậm chí, các việc ấy cũng đã gây một đồn đoán thất thiệt về căn cứ Cam Ranh (!)

Gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Panetta lại tuyên bố Hoa Kỳ sẽ từng bước chuyển 60% Hải lực Hoa Kỳ về khu vực Thái Bình Dương. Rõ ràng Hoa Kỳ có quan tâm đặc biệt đến khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói chung, và đặc biệt tại biển Đông nói riêng. Những điều trên đây chứng tỏ Hoa Kỳ có chuẩn bị.

Duy tất cả những điều ấy đều đặt dưới một lập trường, được minh định nhiều lần là "Kêu gọi giải quyết tranh chấp chủ quyền tuân theo luật quốc tế và không sử dụng lực lượng quân sự." Đối với Việt nam và các nước có liên quan trong các tranh chấp chủ quyền trong khu vực Biển Đông đặc biệt là tại Hoàng Sa và Trường Sa thì đây chính là điểm xác minh rằng Hoa Kỳ muốn nhấn mạnh: Họ chỉ quan tâm đến quyền tự do hải hành trên biển Đông (và ..."quyền" dự phần", ảnh hưởng, chi phối đến tiềm năng dầu khí dưới đáy biển nơi ấy, nếu có,) chứ không (hoặc chưa) chen vào việc tranh chấp chủ quyền về lãnh thổ.

Nói đơn giản, Hoa Kỳ muốn đưa ra quan điểm về quyền lợi rất sát, theo kiểu "Ai có chủ quyền ở đó cũng được, miễn chúng tôi và mọi người có quyền hải hành tự do trong khu vực, và ai có chủ quyền các mỏ dầu trong tương lai cũng xong, vì rồi chúng tôi cũng sẽ có phần!" (Có lẽ Hoa Kỳ dựa vào lợi thế kỹ thuật khai thác dầu tại biển sâu của Tây phương mà Trung Quốc chưa có khi tuyên bố sít sao theo kiểu này, và Trung Quốc cũng đang tìm cách hoá giải bằng cách tung tiền mua một công ty dầu khí Canada có sẵn công nghiệp và kỹ thuật khoan dầu biển sâu, để khỏi phải lệ thuộc, nhưng đây là việc khác, xin miễn đề cập thêm ở đây.)

Như thế, những triển khai quân sự của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương đề cập trên đây chỉ là những chuẩn bị có tính chất phòng ngừa hơn là các chuẩn bị để can thiệp kịp thời vào các xung đột trong các cuộc tranh chấp chủ quyền. Và điều này giải thích vì sao Washington có vẻ chậm chạp trong những phản ứng trước các biến cố dồn dập gần đây tại Biển Đông như các vụ: Trung Quốc thành lập khu hành chính Tam Sa, thành lập bộ chỉ huy quân sự, triển khai lực lượng bố phòng tại các đảo, đồng thời tổ chức tuần tra thường xuyên vùng Biển Đông bằng chiến thuyền, có trang bị sẵn sàng tác chiến, thay vì sử dụng tàu Hải Giám như trước đây. Khi làm xong các động tác nêu trên để chính danh hóa chủ quyền, ngày 1/8/2012 Trung Quốc cho phép 23 ngàn tàu ghe đánh cá ồ ạt tràn vào biển Đông tổ chức khai thác hải sản – như một cuộc dàn quân tấn công thử nghiệm, bước đầu thực thi chủ quyền biển Đông một cách chính thức và "công chính". Phản đối của Hoa Kỳ được xem như chiếu lệ!

Khối ASEAN

Trước các diễn biến bất lợi ấy, các nước trong vùng Đông Nam Á phản ứng ra sao? Phân hóa. Do các nước trong vùng Đông Nam Á có những khác biệt trầm trọng trong quyền lợi, lập trường và chính sách, nên đã dẫn đến một tình trạng cực kỳ chao đảo và phân hoá.

Hội nghị ASEAN, nơi người ta hy vọng sẽ hiện thực được một nỗ lực đưa ra một đề cương giải quyết vấn đề biển Đông, đã bị phá vỡ vỡ hoàn toàn, dưới ảnh hưởng khuynh đảo của Trung Quốc. Ngoài những cổ vũ về nhân quyền dân chủ ngoài mặt, Hoa Kỳ đã không làm gì được hơn ngoài việc tái xác định lập trường của họ, một lần nữa, là không can thiệp về các tranh chấp lãnh thổ. Việt Nam và Philippines thất bại trong việc yêu cầu ghi vào bản thông cáo chung các địa danh của những nơi đang tranh chấp với Trung Quốc. ASEAN đã bế mạc phiên họp mà không có được một bản thông cáo chung, dù nội dung chỉ là màu mè lấy có.

Còn phản ứng riêng mỗi nước trong khu vực thì sao?

Ngoại trừ việc Ngoại trưởng Indonesia có những cố gắng để "hàn gắn đổ vỡ" của cuộc họp ASEAN, Indonesia, Malaysia và Brunei nói chung là thụ động với những phản ứng không đáng kể. Trừ Singapore và Philippines.

Singapore tích cực hợp tác với Hoa Kỳ, đã bước thêm một bước để gia tăng phòng ngự. Singapore thoả thuận để Hoa Kỳ gia tăng sự hiện diện quân sự trong vùng bằng cách đưa 6 khu trục hạm loại mới, có khả năng tác chiến cận bờ đến đồn trú tại Singapore. Việc này sẽ giúp củng cố an ninh eo biển Malacca, thủy lộ chính thông thương giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, là điểm sinh tử của kinh tế và quốc phòng của Singpore, và đáp ứng với lập trường bảo vệ an ninh và tự do hàng hải của Hoa Kỳ. (Việc này không may, lại đẩy lùi xa hơn nữa hy vọng của nhiều khuynh hướng trong và ngoài chính quyền tại Việt Nam vốn mong mỏi Hoa Kỳ tái sử dụng cảng Cam Ranh như một quân cảng chiến lược trong khu vực.) 

Philippines cũng có những động thái tích cực. Philippines gia tăng thương thảo với Hoa Kỳ về việc tái sử dụng hai căn cứ chiến lược cũ là căn cứ Không Quân Clark và căn cứ Hải Quân tại Subic Bay. Đích thân Tổng thống Philippines Aquino III đã sang gặp Tổng thống Obama để đề đạt về vấn đề Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Ngoài ra, Philippines cũng đang nhận một số tàu tuần duyên từ Hoa Kỳ và Nhật, đồng thời với một số phi cơ các loại để gia tăng phòng thủ mặt biển. Tuy thế các hành động tăng cường quân sự này cũng chỉ hỗ trợ được ý chí chính trị không lùi bước trước sự xâm lược của Trung Quốc chứ trên thực chất, thực lực quân sự Philippines là bất tương xứng so với Trung Quốc.

Tại Nhật, các kênh phát ngôn tư nhân nhưng được xem là mang tiếng nói của chính quyền cũng đưa ra các đề nghị gia tăng khả năng quân sự để đối phó với vấn đề gây hấn của Trung Quốc tại quần đảo Điếu Ngư và Biển Đông. Nhật lâu nay vốn bị giới hạn bởi Hiến Pháp Nhật, chỉ cho phép tổ chức Lực Lượng Tự Vệ chỉ được hoạt động phòng thủ nội xứ, thì hiện có những chuẩn bị dư luận để cho phép Nhật được tổ chức quân sự qui mô, có khả năng đưa quân tham chiến tại nước ngoài. Mới đây tại Nhật cũng có đề nghị, qua phương thức khẩn cấp giải quyết không thông qua tu chính hiến pháp để có thể đưa chiến hạm vào Biển Đông trên danh nghĩa hộ tống thương thuyền, và bảo vệ quyền tự do hải hành trong khu vực. Các chuyển biến này hiện đang đối mặt với hai trở lực chính đó là sự nghi hoặc của các nước trong vùng từng có kinh nghiệm với Phát Xít Nhật trong thế chiến thứ hai, và các trở lực của việc tu chính hiến pháp.

Đài Loan có những phản ứng mâu thuẫn, bất nhất. Trước đây một giới chức quân sự cao cấp tuyên bố là trong trường hợp có xung đột quân sự thì Đài Loan sẽ đứng về phía Trung quốc rồi sau đó chính giới Đài Loan lại nói sẽ không hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Gần đây, Đài loan đã gia tăng củng cố và tăng cường quân sự tại các đảo đang chiếm đóng tại biển Đông và vừa mới tuyên bố sẽ thực tập tác xạ đạn thật sắp tới. Thái độ của Đài Loan trong giai đoạn này bị xem là không minh bạch và đã khiến cho có nhiều dư luận chống việc Hoa Kỳ tiếp tục bán các thiết bị quân sự và vũ khí cao cấp cho nước này.

Hoa Kỳ có những chuẩn bị như đã nêu trên, hướng về khu vực Biển Đông nhưng hầu hết lại nằm trong chiến lược toàn cầu lâu dài chứ chưa có các phản ứng rõ rệt về các hành động của Trung Quốc lúc gần đây.

Căn bản pháp lý duy nhất cho phép Hoa Kỳ can thiệp tức thời vào tình hình Biển Đông trong trường hợp xung đột vũ trang mà không phải thông qua quốc hội trước, là hiệp ước an ninh với Philippines.

Trên lý thuyết như vậy nhưng thực tế sẽ mang lại nhiều trở lực rất phức tạp, điển hình là các vấn đề chính:

- Hoa Kỳ đang ở giai đoạn cuối của hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan. Vì lợi ích lâu dài, Hoa Kỳ sẽ phải duy trì sự hiện diện quân sự và ảnh hưởng chính trị tại vùng Trung Đông, Cận Đông và Nam Á về lâu về dài.

- Tình thế chuyển biến tại các nước khác tại Trung Đông và Phi Châu như cuộc cách mạng tại Tunisia kéo theo Ai-cập, Lybia, Syria ... với những chuyển biến quân sự và chính trị hết sức rối ren.

- Iran với khả năng thủ đắc vũ khí nguyên tử. Việc Iran nhúng tay vào nội bộ các xứ Trung đông và Nam Á khác. Đối lại, là việc Do thái chuẩn bị đánh phủ đầu Iran.

- Kinh tế suy thoái toàn cầu và riêng tình hình kinh tế tại Hoa Kỳ không cho phép Hoa Kỳ chi tiêu quân sự rộng rãi, khoan nói đến việc dấn thân vào một xung đột quân sự qui mô khác trên thế giới như tại Biển Đông. Người dân Hoa Kỳ chưa thể sẵn lòng cho những phiêu lưu thuộc loại đó. Mà chính quyền dân chủ thì không thể bất chấp "lòng dân" được.

- Hơn nữa, Trung Quốc đã từ lâu áp dụng chiến lược tiệm tiến công. Những động thái có vẻ nhanh chóng và mãnh liệt gần đây của Trung Quốc thực chất là gặt hái các kết quả đã thực hiện trong vòng gần bốn chục năm qua. (Từ trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 đến thành lập Tam Sa 2012 là một chuỗi các hành vi chiếm đóng, củng cố, xây dựng các đảo, với sự đồng thuận hoặc im lặng hoặc lên tiếng chiếu lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN)!) Chiến lược này gây khó khăn cho Hoa Kỳ vì không thể huy động binh mã can thiệp chỉ vì các động thái xâm lấn từng bước một của Trung Quốc có vẻ "cục bộ và giới hạn". Nhưng như đã chứng minh, về lâu về dài lại gây ra một tác động bất lợi tầm chiến lược rất lớn.

Nội bấy nhiêu điểm liệt kê trên đây đủ cho thấy rằng trong trường hợp cần can thiệp vào Biển Đông, Hoa Kỳ sẽ phải có nhiều cân nhắc, và quyết định thế nào thì lại phải tùy theo thứ tự ưu tiên chiến lược ngay tại thời điểm quyết định là liệu có nên can thiệp, với mức độ nào, hay không làm gì hết.

Việt Nam đã và đang làm gì?

Từ sau khi ĐCSVN, mà Phạm văn Đồng, cố thủ tướng Việt Nam chỉ là người đưa tay ra, ký cái công hàm năm 1958 đến nay nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lúc trước và nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay đã đáp ứng với chiến lược xâm lấn kiểu tằm ăn dâu của Trung Quốc toàn bộ bằng những chuỗi động thái "đồng thuận" rất mông muội chỉ có thể giải thích như câu kết án của người dân đó là những hành vi "Bán Nước Để Cứu Đảng"!

Lời kết án nêu trên còn có được nhiều lý cứ củng cố hơn nếu nhìn thêm vào những gì đã và đang xẩy ra trên đất liền trên địa bàn đất nước. Thực vậy, từ sau cuộc hội nghị Thành Đô 1990 giữa Trung Quốc và ĐCSVN, thì ĐCSVN đã áp dụng rất nhiều các chính sách, chủ trương, và những biện pháp siêu ưu đãi cho sự thâm nhập ồ ạt của Trung Quốc vào Việt Nam.

Những nhân nhượng trắng trợn về chủ quyền đất đai trong lúc phân định ranh giới là một điển hình rõ rệt. Hà Nội quyết tâm ém nhẹm toàn bộ các thông tin về việc này. Đến khi cộng đồng truyền thông "lề dân" nêu lên và đặt vấn đề gay gắt thì chế độ Hà Nội lại đưa các giải thích mù mờ, theo kiểu qua loa, "cả vú lấp miệng em", rằng ta nhường đất chỗ này thì ta sẽ được chỗ khác, rằng họ là nước lớn, nhường ít đất vùng biên giới mà được hoà bình còn hơn ...tất cả chỉ tạo thêm lòng nghi ngờ trong mọi tầng lớp người dân mà thôi.

Hiện trạng về mặt nhân sự, nhiều triệu người Trung Quốc có thể định cư tại Việt Nam lâu dài không cần giấy tờ gì hết. Về kinh tế, thì các pháp nhân quốc tịch Trung Quốc từ các cá nhân cho đến doanh nghiệp đã góp phần rất tích cực để lũng đoạn kinh tế Việt Nam từ con cá lá rau đến việc xây dựng đa số các công trình chiến lược trọng điểm. Trước áp lực của Tây Phương phải cải tổ chính trị và nhân quyền, ĐCSVN rõ ràng đã đưa ra dối sách là lựa chọn liên kết với Trung Quốc để củng cố tham vọng cầm quyền muôn năm của họ.

Hoa Kỳ đối với Việt Nam hẳn nhiên là có ý định tạo lập một thế liên kết nhiều hơn, mạnh hơn về mặt ngoại giao và quân sự nhưng thái độ của ĐCSVN hiện chưa cho phép điều đó xẩy ra. Các quan chức chính quyền và nghị viện Hoa Kỳ liên tục gián tiếp đưa ra những lời nhắn nhủ và đề nghị những lộ đồ nhằm đẩy mạnh sự hợp tác xa hơn, nhưng thái độ đáp ứng của Hà Nội trong những lần như thế chỉ gây ra thêm nghi hoặc và do dự cho phía Hoa Kỳ.

Cụ thể, Khi Washington đề nghị một giải pháp đàm phán đa phương để giải quyết vấn đề Biển Đông thì Hà Nội lại công khai bày tỏ sự đồng thuận với Trung quốc về một giải pháp song phương (đây là điểm chủ yếu gây ra một sự đổ vỡ niềm tin hoàn toàn giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Đông nam Á, và đối với Hoa Kỳ). Và các quan chức thuộc ĐCSVN và Nhà nước Việt Nam lại liên tiếp thực hiện những chuyến đi con thoi qua lại Trung Quốc để gia cố quan hệ của cái gọi là chủ trương hợp tác "bốn tốt, mười sáu chữ vàng" và họ kết luận các chuyến đi này bằng những lời tuyên bố rất sỉ nhục quốc thể.

Về hợp tác quân sự, khi Thượng nghị sĩ John McCain đề nghị Hà Nội cải thiện nhân quyền và tự do ngôn luận để tạo điều kiện cho chính phủ có thể giải tỏa lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam thì ngược lại Hà Nội lại mở một đợt gia tăng trấn áp những người bất đồng chính kiến. Hà Nội cố tình quên rằng việc giải tỏa lệnh cấm bán vũ khí sát thương không có nghĩa là Hoa Kỳ hy vọng thu lợi về việc bán vũ khí mà việc này sẽ mở đầu cho việc cứu xét quân viện, bao gồm nhiều hạng mục hợp tác như cung cấp vũ khí, huấn luyện tác chiến, tham gia tập trận, trao đổi tình báo, yểm trợ tác chiến khi có nhu cầu v.v...Là những điều mà Việt Nam hiện đang yếu kém hay thiếu thốn rất nhiều.

Điểm cao trong sự tính toán ti tiểu của Hà nội là gần đây nhất, thay vì có các nỗ lực tiến xa hơn trong hợp tác quân sự với Hoa Kỳ thì hành động kỳ nèo để Hoa Kỳ gia tăng tiền viện trợ cho việc tìm kiếm hài cốt binh sĩ Bắc Việt lại được ĐCSVN coi là một thành tích đáng biểu dương. Thêm vào đó việc Hoa Kỳ nhận làm sạch khu vực chứa thuốc khai quang, còn gọi là (Orange Agent) tại phi trường Đà Nẵng lại được ĐCSVN quảng bá như một thành công vượt bực sau "nhiều năm đấu tranh gian khổ", lại cũng khiến rộ lên hy vọng, rất hoang tưởng, là sau đó, Hoa Kỳ sẽ xét đến việc bồi thường!?

Và trong một đất nước mà việc mất nước vào tay giặc đang tiến đến từng giờ thì Bộ Quốc Phòng Việt Nam lại cử một phái đoàn quân sự cao cấp do tướng Nguyễn Chí Vịnh cầm đầu, theo sau chuyến đi Việt Nam của Bộ Trưởng Hoa Kỳ Panetta, đi Mỹ, để "học hỏi và trao đổi kinh nghiệm" trong việc tháo gỡ mìn của trận chiến đã kết thúc gần 40 năm trước!

Hà Nội cũng có những quyết định nhằm hiện đại hóa quân đội. Nhưng các việc này đối với các nhà nghiên cứu và khảo sát quân sự thì lại gây ấn tượng rằng ĐCSVN chỉ làm các việc này với mục đích lừa mị dân số trong nước vì các mục tiêu chính trị nội bộ hoặc tham nhũng hơn là thực tâm trang bị để phòng thủ và đối phó với các xung đột đang có khả năng bùng nổ. Các loại vũ khí Hà Nội mua về, những loại có tiêu chuẩn được xem là cao nhất để trang bị cho hai binh chủng Không quân và Hải quân cũng không có khả năng đối trị với các loại vũ khí mà TQ hiện đang có, trên tính năng chiến đấu lẫn số lượng. Chưa kể binh pháp cổ kim luôn nhấn mạnh một vũ khí lợi hại bậc nhất: Lòng dân. Nhưng món vũ khí này, dường như, ĐCSVN chẳng cần.

Nước nghèo cũng không phải là lý do vững chắc để biện minh cho việc mua về những trang bị thô sơ, lỗi thời, nếu tính đến hàng chục tỉ đô đã bị bộ máy tham ô chiếm đoạt tư túi và sự lãng phí khổng lồ hàng chục tỉ đô khác trên những công trình, dự án do các tập đoàn tư lợi giành nhau chia chác, khiến đục ruỗng công khố quốc gia.

Đối với các thành phần người dân yêu nước, thì Hà Nội sử dụng công an, quân đội để sách nhiễu, đánh đập, trấn áp liên tục các cuộc biểu tình chống Trung Quốc hay theo dõi vu cáo, gây hấn những người đối kháng bất đồng chính kiến là phản động, gán cho họ những tội danh như tuyên truyền chống phá nhà nước, âm mưu lật đổ chính quyền để giam cầm vô thời hạn hoặc và kêu những bản án nhiều năm tù qua các phiên toà kangaroo.

Những điều nêu trên, chứng tỏ rõ ràng là chế độ Hà Nội không có thực tâm đối phó với Trung Quốc hay cứu nước. Thực chất Hà Nội đã chứng minh chỉ muốn tồn tại trọng điạ vị độc nhất cai trị Việt nam bằng bàn tay sắt. Họ hợp tác với Trung Quốc vì muốn cứu Đảng. Theo các nhà nghiên cứu chiến lược và các nhà quan sát thì các động thái thương thảo, đàm phán với Hoa Kỳ của Hà Nội dường như có bản chất được sử dụng làm giá để "ngã giá" với Trung Quốc hơn là họ thực tâm muốn tìm giải pháp. Và khi đã tạo ra ấn tượng như vậy, thì mỗi cử mỗi động của Hà Nội lại chỉ tạo thêm nghi ngờ cho khối Tây phương và Hoa Kỳ chứ không đưa đến một tình thần hợp tác có hiệu quả.

Hiện nay các sự kiện thanh toán trong nội bộ ĐCSVN, đang gây xôn xao dư luận, chỉ là việc các phe đối đầu tiêu diệt lẫn nhau vì lợi ích riêng, hòng minh chứng rằng phe bên kia phản đảng, phản loạn, và để chứng minh họ trung thành với…Trung Quốc. Điều oái oăm là tất cả các hành động máu me tiểu khí này được cả hai bên thực hiện nhân danh lòng yêu nước, yêu dân và chống xâm lược Tàu!

Tạm kết

Có những sự thật hiển hiện ngay trước mắt mà ta chưa nhìn ra cho rõ. Trung Quốc  trên thực tế đã chiếm trọn Biển Đông là một sự thực loại đó. Có những nguy cơ sinh tử mà ta chưa biết cho được tỏ tường. Nguy cơ cả nước Việt Nam trong nay mai bị nội thuộc hoàn toàn vào nước Trung Quốc là một nguy cơ loại như vậy.

Những nét sơ phác trên đây, nhằm mục đích góp phần thêm vào các nỗ lực khác của các tầng lớp đồng bào yêu nước khác nhằm vạch rõ cho quốc dân được rõ về những sự thật trong hoạt cảnh sinh động trên Biển Đông hiện nay:

- Không, Trung Quốc chẳng phải chỉ đang đe doạ, lấn lướt, gây hấn. Trung Quốc đã chiếm trọn xong khu vực biển Đông, viết theo thì quá khứ.

- Trung Quốc đã xâm thực đất nước Việt nam đến tận gốc rễ, từ thượng tầng chính trị đến hạ tầng sinh hoạt thường nhật trên mọi mặt. Việc tóm thâu cả nước Việt nam hiện nay vào vòng nội thuộc Trung Quốc có thể thực hiện còn dễ dàng hơn là xâm lược Biển Đông. Xâm lược Biển Đông thì Trung Quốc phải đối phó với nhiều nước. Chiếm trọn đất nước Việt Nam thì Trung Quốc không cần phải đối phó với bất kỳ thế lực nào, vì ĐCSVN đã nằm trong tay Trung Quốc, viết theo thì hiện tại tiếp diễn.

- Và hãy nhìn chung quanh mình, để thấy cái nguy cơ thuộc hóa kia đang tiến đến rất nhanh từng ngày trước sự bất lực của người dân Việt Nam đang bị khóa tay, bịt miệng.

- Những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông cũng như tại địa bàn Đông Đương là một phần rất quan trọng đối với Trung Quốc trong chiến lược bành trướng toàn cầu. Và họ đã liên lủy tiến hành kế sách xâm lược Biển Đông gần 70 chục năm qua. Cho nên muốn cho Trung Quốc lùi bước thì không phải đơn giản nhưng không phải là không thể. Sự việc còn nan giải ngàn lần khi Hoa Kỳ là nước duy nhất có khả năng can thiệp hữu hiệu lại bị các ưu tiên chính trị và kinh tế toàn cầu khác cản trở một sự quan tâm đúng mức và những hành động có hiệu quả thiết thực và lại đặc biệt khó hơn cho Việt Nam khi chính quyền do ĐCSVN nắm giữ không phải là đối tác tin cậy của Hoa Kỳ.

Tình hình như thế, đối với các tầng lớp người dân Việt Nam yêu nước là vô vọng chăng? Xin hẹn lại đề tài này trong một bài khác.○

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét