(Tiếp theo và hết)
Tôi nghĩ dường như chia ly, tan tác, đổ vỡ là thuộc tính của tân nhạc Việt Nam. Cũng như thi ca, những ca khúc mang tính khổ đau, tuyệt vọng, thường có khả năng ở được bền lâu trong trí nhớ người thưởng ngoạn.
Nhạc sĩ Anh Việt. |
Nhìn lại lịch sử lịch sử nền tân nhạc Việt Nam, ngay tự bước khởi đầu, cách nay trên dưới bảy mươi năm (và luôn cả hiện tại), những tình khúc được yêu thích, được nhiều ca sĩ hôm nay, tìm đến, bước vào, cất tiếng hát như chiếc cầu kỳ diệu nối từ trái tim họ, tới trái tim người nghe...
Tôi không biết những sáng tác như "Buồn Tàn Thu," "Trương Chi" của Văn Cao; "Biệt Ly" của Dzoãn Mẫn; "Con Thuyền Không Bến," "Giọt Mưa Thu" của Ðặng Thế Phong; "Tà Áo Xanh," "Lá Thư"... của Ðoàn Chuẩn Từ Linh; "Nỗi Lòng," "Chiều Vàng" của Nguyễn Văn Khánh; "Tan Tác" của Tu Mi; "Nắng Chiều" của Lê Trọng Nguyễn; "Bên Cầu Biên Giới," "Nghìn Trùng Xa Cách"... của Phạm Duy; hay "Nửa Hồn Thương Ðau," "Người Ði Qua Ðời Tôi" (thơ Trần Dạ Từ) của Phạm Ðình Chương...; cùng rất nhiều ca khúc của các nhạc sĩ khác, được sáng tác trong hoàn cảnh hoặc, tâm trạng nào?
Nhưng hiển nhiên, tất cả những tình khúc chia lìa, tuyệt vọng, tự thân, đã có được cho chúng, tính bất tử. Như những đền bù cho nỗi bất hạnh hay, niềm đau của các tác giả.
Trường hợp của cố nhạc sĩ Anh Việt/Trần Văn Trọng, không khác.
Những tình khúc tiêu biểu của ông, hiểu theo nghĩa đến hôm nay vẫn còn được giới thưởng ngoạn yêu thích; mỗi khi nghe lại, giới thưởng ngoạn vẫn còn bồi hồi, rung động. Tựa thú đau thương, được tắm lại, một lần nữa nơi bến sông chia ly vậy.
Tôi cũng nhận thấy cảm thức buồn bã, xa vắng nơi những người trẻ, khi họ được nghe những tình khúc như "Lỡ Chuyến Ðò," "Bến Cũ," hoặc "Thơ Ngây"... của Anh Việt/Trần Văn Trọng. Có thể họ không hiểu rõ lắm ý nghĩa, những gửi gấm tâm sự của họ Trần vì, trong bộ nhớ của họ, không có những hình ảnh, kỷ niệm gần xa với những ca từ ấy. Nói cách khác, có thể họ không hoặc chưa kinh qua những hoàn cảnh như:
Bến ấy ngày xưa người đi vấn vương biệt ly
Gió cuốn muôn phương về đây, thấy bóng người về hay chăng?
Xa nhau bến xưa ngày ấy
Anh đi thế thôi từ đây
Sầu chất bên lòng
Hồn nặng nhớ mong
Biết đi sầu em mong
Nhưng ngàn dân đang ngóng
Dưới trời gió mưa
Làn gió chiều đưa...
Ghi nhận thứ nhất của tôi là những cuộc chia tay của những người trẻ hôm nay, không còn là một bến đò, con sông. Hầu hết những chia ly nếu có, thường diễn ra ở sân bay, bến xe, hoặc chí ít, cũng ở nhà ga xa lửa!
Thứ đến, những người trẻ có thể vì không hiểu, nên khó cảm thông với những từ như: "Biết đi sầu em mong / Nhưng ngàn dân đang ngóng..."
Lý do thời chinh chiến đã lùi xa. Quá khứ đã đứt đoạn. Tiếng gọi thiêng liêng của tình yêu tổ quốc, không có cơ hội thúc hối, réo gọi nồng nàn trong tim người trẻ hôm nay... Nhưng, ở một mặt nào khác, qua giai điệu, họ vẫn rung động. Họ vẫn có thể buông tâm hồn mình, nổi trôi trên những ngọn sóng chia ly buồn bã...
Cũng thế, với tình khúc "Lỡ Chuyến Ðò" của Anh Việt/Trần Văn Trọng, sáng tác năm 1947, diễn tả sự lỡ làng của một tình yêu tuyệt vọng!
Khi người phụ nữ trong ca khúc, mơ ước, khát khao mòn mỏi được "sang sông" tức đi lấy chồng - Và, người trong mộng của người nàng, không ai khác hơn, là người yêu trong quá khứ:
Chiều vàng lại đem nhớ tiếc thương
Ðây người sang với con đò xưa.
Và chiều chiều thôn nữ vấn vương.
Duyên tình xưa êm thắm còn đâu.
Người nghệ sĩ lăn lóc gió sương.
Tơ đàn say đắm quên sầu thương.
Dành tình này cho kẻ khổ đau.
Quên tình xưa thôn nữ chờ mong....
Bối cảnh của chia ly trong "Lỡ Chuyến Ðò" của Anh Việt/Trần Văn Trọng vẫn là bến sông, con đò... Nhưng trong tình khúc này, người đàn ông, tác nhân của tình tuyệt vọng, kẻ gieo đau thương một đời cho người nữ, không phải là người quên mình, ra đi vì đất nước mà, là một... nghệ sĩ... Hiểu theo nghĩa là người chỉ muốn duy trì cho đời mình một cuộc sống "lăn lóc" với "gió sương" mà thôi...
Tôi nghĩ những người trẻ hôm nay, có thể sẽ lấy làm khó hiểu trước ẩn số: Tại sao là nghệ sĩ thì cứ phải... "lăn lóc gió sương" - Mà, không thể có một đời sống bình thường như mọi người? Như thực tế của thời hiện đại?
Nhưng, tôi vẫn tin, khi nghe được "Lỡ Chuyến Ðò" của họ Trần, qua giai điệu tha thiết, những người trẻ vẫn cảm nhận được một điều gì, giống như sự mất mát mà, ca khúc mang lại cho họ.
Bước vào một tình khúc khác, cũng nổi tiếng không kém của cố nhạc sĩ Anh Việt/Trần Văn Trọng: Tình khúc "Thơ Ngây." Một tình khúc mà ngay từ thời trung học, cách đây nhiều năm, như sự ghi nhận của tôi, đã được nhiều học sinh chọn hát trong những buổi văn nghệ tất niên của lớp hay, toàn trường:
Khi ấy em còn thơ ngây
Ðôi mắt chưa vương lệ sầu
Cười đùa qua muôn ánh trăng
Ðắm xinh đôi môi hồng thắm
Em ngắm mây hồng hay dòng nước trong
Thấy lòng vẩn vơ như tìm một bóng ai
Kìa đôi bướm nhởn nhơ vờn hoa
Và trong nắng em nhìn đôi chim
Nắng tơ bướm vàng ánh trăng tiếng đàn
Bóng thông gió ngàn lòng càng say sưa
Rồi một hôm
Có chàng trai trẻ đến nơi này
Ðời em có một lần
Là lần tim em thấy yêu chàng
Khi lòng yêu ai
Môi hồng dần phai
Lắm buồn nhớ bâng khuâng
Lắm yêu đương, lắm tơ vương
Nước mắt không vơi hết lúc thơ ngây!
Ở tình khúc "Thơ Ngây" tâm lý của người con gái khi yêu được nhạc sĩ Anh Việt/Trần Văn Trọng ghi nhận rất tinh tế.
Tương tư trong âm thầm, yêu trong tuyệt vọng, đối với người con gái lần đầu bước vào thế giới tình ái... là lối ngõ đương nhiên dẫn tới: "Môi hồng dần phai / Lắm buồn nhớ bâng khuâng / Lắm yêu đương, lắm tơ vương / Nước mắt không vơi hết lúc thơ ngây!"
Tôi cho rằng, không giống, nếu không muốn nói là nghịch chiều với những nhạc sĩ cùng thời và, luôn cả những nhạc sĩ ở các thế hệ sau mình, cố nhạc sĩ Anh Việt/Trần Văn Trọng không hề "gieo tiếng ác" cho người nữ, trước những đoạn lìa của một cuộc tình mà, ông luôn nhận người nam, hay chính ông, là tác nhân gây nên những tan nát, đổ vỡ của tình yêu ấy.
Thực tế quá khứ cũng như hiện tại, cho chúng ta thấy đa phần những đổ vỡ tình yêu do người nam gây nên, chứ không phải bởi người nữ!
Qua dữ kiện này, tôi cho đó là một trong những nét riêng, rất cá biệt của tình khúc Anh Việt/Trần Văn Trọng. Cái lớn của tình khúc họ Trần, tôi nghĩ, nằm ở điểm đó.
(27 tháng 8, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét