Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Bùi Văn Bồng : CÓ CÒN HÀO HỨNG TẾT ĐỘC LẬP

Nguồn buivanbong


CÓ CÒN HÀO HỨNG TẾT ĐỘC LẬP?

          Cái từ "Tết Độc lập" tôi nghe từ hồi còn niên thiếu. Đó là vào giữa thập niên niên 60 của thế kỷ trước. Một hôm, tôi đi học về, ông chú tôi nói: "Lát nữa cháu sang nhà chú để ăn Tết Độc lập nhé!".
Tôi không hiểu, tròn xoe mắt nhìn ông, không biết rả lời thế nào. Ông chú chợt hiểu, giải thích: "Tết Độc lập là ăn mừng ngày 2-9, ngày thành lập nước ta, ngày Bác Hồ tuyên bố Độc lập". Khi đó, vùng quê ngèo của tôi đang rầm rộ phong trào đi lên HTX nông nghiệp bậc cao. Các ao làng là do HTX quản lý hết, không còn cái gì tư hữu, không của riêng ai. HTX đánh cá, chia cho mỗi hộ xã viên được vài cân cá để ăn Tết Độc lập. Tuy dạo đó dồn sức người, sức của cho mặt trận, đói, cả làng phải ăn cơm độn sắn, khoai và độn cả rau muống phơi khô, nhưng cái bữa trưa ăn Tết Độc lập cũng có thịt, cá, xôi và vài món đồng quê khác. Trẻ con thường vui như Tết, cho nên dù chưa hiểu sâu xa, cao siêu ý nghĩa ngày 2-9, được ăn Tết là vui rồi.
          Tôi cũng ăn được mấy cái Tết Độc lập ở quê, sau đó ra Hà Nội học Đại học rồi đi bộ đội chống Mỹ. Cần ghi nhận rằng, khi đó sự công bằng, dân chủ được thể hiện khá rõ trong đời sống, được dân tin, không đến mức như bây giờ. Ông đội trưởng sản xuất chỉ thông đồng với kế toán và thủ kho tham ô một tạ lúa, bị dân phát hiện tố cáo, liền bị chi bộ đưa ra kiểm điểm và lập tức bị khai trừ Đảng ngay, cách chức, giao đội trưởng sản xuất cho người khác. Dạo đó, cán bộ đảng viên gần dân, đời sống cũng không hơn bao nhiêu so với xã viên, nhưng đúng là một thời kỷ luật Đảng, đoàn, cả đến đội thiếu niên rất nghiêm, nên các đảng viên phải trong sạch và cần trong sạch. Trẻ chăn trâu mà bị bảo vệ phát hiện là để trâu ăn lúa của HTX là buổi tối hôm sau không tránh khỏi phải kiểm điểm trước đội thiếu nhi. Thanh niên bị khuyết điểm, tật xấu gì liền bị chi đoàn họp nêu ra trước tập thể phê bình, nhắc nhở ngay.
 
          Mới đây, nhân dịp nghỉ lễ, về thăm quê. Ông chú của tôi đã 87 tuổi. Đứa cháu học cấp 2 hỏi: "Ông ơi, bà nói là Tết Độc lập năm nay cúng cái gì?". Ông nói: "Cái gì cũng đắt đỏ, một cân thịt bây giờ bằng 4 phân vàng ngày xưa, tiền đâu mà ăn Tết. Mà cúng cũng được, có gì cúng nấy, không ăn Tết Độc lập cũng có sao đâu!". Ngừng một lát, vuốt mái tóc bạc phơ, nhíu mày suy nghĩ, ông nói: "Có lẽ bây giờ không nên dùng từ "tưng bừng" kỷ niệm".
          Ông cũng là cán bộ huyện từ thời kháng chiến chống Pháp, đeo đuổi công tác mãi cho đến khi nghỉ hưu. Ông thở dài: "Cuộc sống ngày càng cơ cực, giá cả ngoài chợ leo thang vòn vọt. Lương hưu ba cục ba đồng, già rồi cần uống thuốc mà cũng phải tằn tiện, thuốc bây giờ thì nhiều, đủ loại nhưng cũng đắt quá. Còn lại phải gói ghém cũng đủ tương cà, gạo thóc, canh rau. Mỗi tuần chỉ một bữa có thịt cá gọi là "ấm chân răng thôi".
          Ông lại tâm sự:
- Điều mà chú vô cùng trăn trở là mối quan hệ Đảng-Dân bây giờ không còn được như xưa. Dân thì vẫn một lòng theo Đảng, nhưng đảng lại tự tách rời, tự mình xa dân. Chú theo Đảng từ thời kháng chiến chống Pháp, đâu có ngờ đến bây giờ nhìn thấy hiểm trạng quan quyền hư đốn, chính sự nhiễu nhương, lòng dân oán thán, mất niềm tin. Từ lâu nay, cái câu cứ hô lên như khẩu hiệu, rằng "Nhà nước của dân, do dân, vì dân" nay thấy chỉ đúng 1/3 thôi, mà đúng theo nghĩa khác, nghĩa căn nguyên, chứ không còn được mang nghĩa thực. Nhà nước tất nhiên là do dân mới có chế độ này. Nhờ có dân mới có nhà nước này. Nhờ có dân mới có Đảng. Khi được dân tin yêu thì  Đảng phát động các phong trào cách mạng đều được dân ủng hộ mới thành công. Nếu không có dân, mấy ông cán bộ đảng viên có làm cho hộc máu cũng chằng được gì. Tiền để nuôi bộ máy nhà nước bây giờ cũng do dân làm ra. Cho nên, cái gì cũng do dân. Có điều trớ trêu là nay nhiều nơi dân oan khiếu kiện đòi quyền lợi đất đai, đòi công bằng dân chủ, chính quyền cũng nói "do dân gây rối", dân đã bị các "thế lực thù địch xui khiến, kích động". Lạ thay mới vài hôm đây thôi lại nghe một bộ trưởng vu vạ rằng: "Dân trí còn thấp, nên Nhà nước không dám dẹp bỏ các ngân hàng tồi tệ". Vậy mà cũng đổ lỗi "do dân". Thế nên, ba cái điều nói về dân vừa nêu trên thì đúng ở chỗ cái gì cũng "do dân!". Còn Nhà nước nay của ai ấy chứ, đâu của dân nữa. Còn cái chỗ "vì dân" lại càng lãng nhách, thấy có ai vì dân đâu, họ chỉ chăm chắm ngày đêm tính toán lo cho cái túi tiền của họ, vun vén cho gia đình, than tộc của họ mà thôi.
Rồi ông thở dài: "Á chà, thành tích của chúng nó bây giờ là đã góp phần không nhỏ làm cho Tết Độc lập hết còn hào hứng trong lòng dân. Những điều rất tâm đắc trong Tuyên ngôn Độc lập năm xưa, là niềm tin  trong lòng dân suốt hai thời kỳ  kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, rồi bảo vệ biên giới thì nay chúng nó bị suy thoái quá nặng nên đã xóa hết rồi. Cứ mạnh miệng hô hào các khẩu hiệu một chiều như cái máy ghi âm, rồi đưa ra đủ thứ để tự hào là Việt Nam giỏi, phát triển tốt, đã có nhiều thành công để vượt qua khủng hoàng. Nói thì ai chả nói được? Sai lầm lớn và nhiều không kể xiết, khuyết điểm chồng lên với phạm pháp nặng quá rồi, kéo bè kết cánh công khai, phức tạp ngồn ngộn rồi, cái NQ Trung ương 4 lần này không biết có ra môn ra khoai gì không? Cháu ạ, gần cuối năm rồi, nhưng chú thấy dạo cuối năm ngoái họ nói là cấp bách, mà cho đến nay thấy làm còn có vẻ nhẩn nha, từ từ, từng bước, cù nhầy lắm".
Bùi văn Bồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét