Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

RFA. Gia đình các thanh niên Công giáo bị bắt kéo đến Văn phòng Chính Phủ

Nguồn RFA

Nộp đơn khiếu kiện

Đây là những người từ Vinh Hà Nội để khiếu kiện trường hợp mười bảy thanh niên và sinh viên Công Giáo cũng như Tin Lành, bị bắt giữ trong lúc đang ở ngoài đường mà nhiều người không được đưa ra xét xử cũng như không được gặp mặt gia đình hơn một năm nay.

Vào khoảng 10 giờ sáng, trước văn phòng chính phủ, Ông Chu Văn Nghiêm, thân phụ của anh Chu Mạnh Sơn, bị bắt ngày Một tháng Tám năm ngoái, cho hay:

Công an đang ngăn chặn, không có ai vào được. Ở nơi văn phòng chính phủ ở ngoài Hà Nội, phố Mai Xuân Thưởng. Hôm nay đi ra văn phòng chính phủ, kéo 30 người đến nộp đơn mà coi như công an hắn xô hắn kéo. Giờ đương cãi nhau với công an đây.

Ông Phương, giáo dân Thái Hà đi cùng trong đoàn:

Có nhiều lắm, có chị Nguyễn Thị Nhi này, có gia đình của cháu Lê Sơn, có gia đình của Chu Mạnh Sơn, có gia đình của Thái Văn Dũng, nói chung là tất cả gia đình của mười bảy nạn nhân.

Ông Phẩm, cậu ruột của Lê Văn Sơn, bị bắt ngày 3 tháng Tám 2011:

Công an không cho vào gởi đơn, họ xô đẩy đàn áp anh em sang bên kia đường, họ bảo đây không phải là chỗ nộp đơn, đến chỗ khác mà nộp đơn. Công an đang tập trung đông lắm, đông hơn dân bọn em nhiều, đang lộn xộn lắm.

Công an đang ngăn chặn, không có ai vào được. Ở nơi văn phòng chính phủ ở ngoài Hà Nội, phố Mai Xuân Thưởng. Giờ đương cãi nhau với công an đây. Ô. Chu Văn Nghiêm

Được biết 30 người gồm cha mẹ, cậu, anh, em, vợ, cháu của những người bị bắt đều mặc áo trắng có dán hình mười bảy người bị bắt, đồng thời mang theo biểu ngữ và đơn khiếu nại. Vẫn lời ông Chu Văn Nghiêm:

Bắt đầu là đi qua lăng Hồ Chủ Tịch, ra nơi công viên của văn phòng thủ tướng chính phủ thì bắt đầu mới cởi áo ra, còn là áo đã mặc ở trong là màu trắng. Người thì con tôi vô tội, người thì em tôi vô tội, người thì chồng tôi vô tội, người thì cháu  tôi vô tội, người thì anh tôi vô tội. Đằng sau thì  photo hình của mười bảy người đó rồi dán đằng sau lưng.

Phải bất ngờ như rứa nó mới không biết được, còn không nó chặn dưới ni chứ mần chi lên được mãi trên nớ.

Rồi bắt đầu là đi ngược lên, ngược lên lại đi xuống, cứ đi rứa không nói chi hết. Đến nơi văn phòng thủ tướng chính phủ là bắt đầu xin vào nộp đơn. Bận đầu thì mới có mười người là ào vô được đến cổng thôi, sau là hắn điện đến từng bầy từng bầy, rứa là họ nhiều người hơn mình.

Đến 11 giờ sáng, nhà báo tự do Dương Thị Xuân, cũng có mặt tại chỗ, báo cho biết :

Công an đưa hết bà con trong Vinh ra Hà Nội, đưa  lên ô tô, mà theo như họ nói với lái xe là chở về trụ sở tiếp dân số 1 Ngô Thời Nhậm Hà Đông. Chẳng qua là họ muốn giải tỏa số người dân ngồi tập trung ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng Hà Nội thôi, để tránh bị phê bình coi như là đã cho dân tập trung đông người trước trụ sở văn phòng chính phủ.

Bị tống lên xe bus

P1000252-250.jpg
Áo thun có in hình 17 thanh niên công giáo bị bắt. RFA files
Trên chuyến xe chạy đến số 1 Ngô Thời Nhậm, Hà Đông, bà Nguyễn Thị Nhi bảo công an nói với mọi người là:

Đưa về nơi tiếp đón công dân để nhận đơn, đưa về nơi nhận đơn có qui định. Mình không lên nhưng mà người ta cưỡng chế người ta đưa lên. Giờ đang trên con đường về nơi tiếp công dân có qui định, chắc sắp đến rồi.

Sau đó, từ trụ sở tiếp dân số 1 Ngô Thời Nhậm, Hà Đông, ông Chu Văn Nghiêm trình bày tiếp vụ việc:

Công an nhiều quá nó vây mãi mà họ nhiều hơn mình, 4, 5 anh rinh một anh, bắt là 20 người, còn cảnh sát với cơ động là cỡ khoảng hơn 100 người, loạn chỗ chính phủ cả ô tô còn không đi được cơ mà. Ô. Chu Văn Nghiêm

Bố của Chu Mạnh Sơn đây, bà của cháu Dương với lại mấy ông già già là thoát được. Bởi vì khi nớ là công an cảnh sát tới là cứ hốt lên xe. Công an nhiều quá nó vây mãi mà họ nhiều hơn mình, bốn năm anh rinh một anh, bắt là 20 người, còn cảnh sát với cơ động là cỡ khoảng hơn 100 người, loạn chỗ chính phủ cả ô tô còn không đi được cơ mà. Xe họ chở đi thì chỉ một xe to thôi, đương còn chờ coi thử chiều họ giải quyết như thế nào, giờ chừ trưa rồi họ đương còn nghỉ.

Đến 3 giờ 24 phút chiều, đường dây được nối về số Một Ngô Thời Nhậm, ông Trần Hữu Trường là ba của sinh viên Trần Hữu Đức báo cho biết:

Lúc đầu họ quay phim chụp ảnh rồi tỏ ra thái độ nạt dân, nói là phải quay về Bộ Công An đòi giấy xác nhận là ai giới thiệu lên đây, rồi là ai bắt, bắt ai. Bà con phản đối kích liệt rồi là họ mời ba người lên phòng họp để làm việc, còn mọi người ở ngoài chờ chưa có kết quả.

Đến hơn 4giờ chiều, một trong ba người được mời vào làm việc ở số 1 Ngô Thời Nhậm, ông Đỗ Văn Phẩm, cậu của blogger Lê Văn Sơn, loan báo:

Làm việc xong là lúc hơn 4 giờ, người ta giải thích về làm lại đơn rồi gởi bưu điện. Giờ lại phải về quê để làm lại mỗi gia đình mỗi lá đơn riêng thì người ta mới giải quyết được chứ tập trung đông như thế này, người bắt hôm nay người bắt hôm khác thì biết làm sao mà giải quyết được. Quốc hội nói vậy, trung ương đảng nói vậy. Giờ đang bắt xe buýt về Hà Nội.

Tưởng cần nhắc, trong  năm 2011, 17 thanh niên Công Giáo và Tin Lành đã bị bắt giữ một cách đột ngột, có thể nói là như bị bắt cóc mà không hề có trát tòa.

Các thanh niên, sinh viên Công Giáo trong chiến dịch bắt giữ này thuộc hai giáo phận Vinh và Thanh Hóa, một vài người bị bắt tại Vinh, một số khác bị bắt tại Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội.

Hôm 24 tháng Năm 2012, tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử bốn thanh niên Công Giáo Đậu Văn Dương, Trần Hữu Đúc, Chu Mạnh Sơn, Hoàng Phong, tội tuyên truyền chống pha nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình Sự. Đây là phiên xử đầu tiên nhưng gia đình bốn người đều không được mời tham dự.

Kết quả anh Đậu Văn Dương bị tuyên phạt 42 tháng tù giam, 18 tháng  quản chế. Trần Hữu Đức 39 tháng tù giam một năm quản chế, Chu Mạnh Sơn 36 tháng tù giam một năm quản chế, Hoàng Phong 24 tháng tù treo.

Ngày 12 tháng Ba 2012,  chín tổ chức phi chính phủ, trong đó có tổ chức Media Defense –South East Asia, đồng ký tên vào lá thư gởi cho thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, yêu cầu trả tự do ngay và hủy bỏ những cáo buộc đối với năm người trong số bị bắt là các anh Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Văn Duyệt, Nông Hùng Anh và Paulus Lê Sơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét