Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC ĐỔI VÀ KHÔNG ĐỔI SAU ĐÁM PHÙ VÂN ĐẠI HỘI 18 (Boxun.com)

Nguồn anhbasam

Tác giả:  Kim Nam Khắc

 21.8.2012

Người dịch:  Quốc Thanh

 Lão phu vào núi nghỉ dưỡng đã được 2 tháng có lẻ. Đến khi xuống núi, mở mạng ra xem, vốn chỉ định để tiêu khiển, ai ngờ thấy cư dân mạng vẫn còn đang tranh luận sôi nổi về Đại hội 18 với cái gọi là Hội nghị Bắc Đới Hà, vẫn còn đang bàn luận xem ai sẽ là ứng  viên chúng đầu lĩnh sau khi Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc giải tán, vẫn còn đang phỏng đoán xem sau đại hội giang hồ chính sách sẽ có gì biến chuyển, liền không nén nổi cảm giác dường như đã xa cách tam thu.       

 Vì sao lại có cảm giác này? Một là bầu không khí Vũ Lăng Sơn trong lành với sự ồn ào dưới núi quả là hai thứ khác nhau một trời một vực, chưa thể thích ứng ngay được, hai là cảm thấy cư dân mạng vẫn cứ bền bỉ trước sau như một quan tâm đến Trung Hoa, chí khí quả đáng khen, ba là thở dài cho cư dân mạng "ngây ngô" có thừa, lý trí lại chưa đủ!

 Giở lại lịch sử cận đại Trung Quốc, sẽ không khó để nhận ra kể từ thời Diên An, thậm chí còn sớm hơn, tam phản đến ngũ phản, đến phản hữu phản Khổng phản ô nhiễm, đại minh đại phóng đại tự báo, đại nhảy vọt đại phê phán đại cách mạng…, từng đảo qua đảo lại Vạn lý Thần Châu đại địa chưa một ngày ngưng nghỉ! Nếu như nói các phần tử cộng sản thuở đầu còn có chút màu sắc lý tưởng, thì cho tới thời nay, lý tưởng đã bay sạch trơn, chỉ còn nhánh rễ ăn sâu bang phái và lợi ích là hiện diện ở khắp nơi nơi, thiên hạ hầu như không ai là không hiểu điều này.

Lịch sử là một tấm gương, đọc sử có thể khiến cho người ta sáng mắt.     

Đại hội giang hồ Đảng cộng sản Trung Quốc, từ thập kỷ 50 thế kỷ trước đến nay đã hình thành nên một thao lộ cố định, chẳng qua chỉ là các bọn người ngựa tạo thế trước trong cõi giang hồ, phao tin đồn nắm dư luận, nhắn nhe nghe ngóng, tiếp đến là khoe cơ bắp đọ thực lực, sau đó là nâng cốc trao nhau, cò kè mặc cả, Hoa Sơn luận kiếm ở Bắc Đới Hà, cuối cùng sau một hồi cân nhắc tính toán, xoa quân bài, quây lấy chỗ cao, bày sắp thứ tự, giữa chừng không loại trừ có loan cung xạ điêu, hạ gục được vài kẻ chọc ngoáy, để tạo thế cân bằng và ngã giá, còn hội bồi bút ở phía dưới thì tất sẽ lại Nhất đả tam phản[i]  trong xã hội, "gột sạch cặn bã xã hội", bảo vệ xa giá cho đại hội. Đợi đến khi Đảng cộng sản Trung Quốc cho là điện ngọc đã được gạn lắng trong, mọi sự đã xong xuôi, chúng nhân đã đồng thanh vâng dạ rồi thì đám đầu lĩnh mới khí định thần nhàn, xe lớn xe nhỏ, hỏa xa phi cơ, hạ sơn tới kinh thành, nhập Tử cấm, tấu quốc ca, hô muôn năm, thế là đại hội của đoàn kết, đại hội của thắng lợi cuối cùng sẽ bôi trát phấn son nhào lên sân khấu trong thiên hô vạn hô, ngẩng đầu kì vọng của chúng nhân!       

  Kịch cũ kịch mới, lặp đi lặp lại, cả hơn nửa thế kỷ nay hỏi đã từng có biến đổi gì lớn? Thỉnh thoảng có biến đổi nhỏ, trong thời kỳ Đại cách mạng văn hóa, từng thay đổi vài cảnh, nhưng rồi thao lộ vẫn bất biến.     

Cho nên, cứ ảo tưởng là cuộc giang hồ tụ thủ lần này có cái gì biến đổi lớn, thì há chẳng thật nực cười sao? Thực ra, vở kịch tiền đại hội thần bí mà Đảng cộng sản Trung Quốc trình diễn hiện giờ vẫn là cùng một giuộc trong mấy chục năm nay, bản thân việc này đã cho thấy Đảng cộng sản Trung Quốc chẳng có bất cứ thay đổi gì!  

 Xét từ tình hình thực tế trải qua nhiều khóa đại hội giang hồ, chính sách kinh tế có thể có chút điều chỉnh thay đổi, sự phân bổ chính trị người ngựa có thể có chút khác đi, thứ tự ngôi vị chúng đầu lĩnh được sắp xếp lại, nhưng triết lý thống trị của Đảng cộng sản Trung Quốc thì chưa từng thay đổi một mảy may, nếu như nói lịch sử Đảng cộng sản Trung Quốc là một thiên sử đấu tranh và thiên sử phá hoại, thì trong sự duy trì sự chuyên chế một đảng, xưa nay lại không hề bị chia rẽ, nếu như nói Đảng cộng sản Trung Quốc từ ngày thành lập đến nay, sơn trại nội đấu chưa hề một ngày ngưng nghỉ, song về khoản cấu kết nhất trí để ứng phó với thảo dân thì lại cùng một dạng với vương triều phong kiến 5 ngàn năm nay, chưa hề dao động, cho nên nếu kỳ vọng sau đại hội giang hồ lần nay Trung Quốc có sự thay đổi căn bản gì, cứ gửi gắm hi vọng vào cái thứ tạp nham Hội nghị Bắc Đới Hà với chả hội nghị Nam Đới Hà, thì há chẳng là ảo tưởng sao? Lịch sử không phát triển theo kiểu nhảy cóc!         

    Nhìn lại lịch sử, hãy đọc một đoạn trong bài nói chuyện của Mao trạch Đông tại Hội nghị Chủ nhiệm Khu hiệp tác Bắc Đới Hà ngày 21.8.1958, rồi đối chiếu với hiện thực ngày nay, chắc hẳn sẽ có tác dụng ngang thuốc dã rượu!

 Trong hội nghị lần ấy, Mao Trạch Đông nói: "Không được dựa vào luật pháp để trị đám đông, cái thứ luật như luật dân sự và luật hình sự đều không cần thiết. Luật dân sự và luật hình sự lắm điều khoản thế ai mà nhớ được? Hiến pháp là tôi tham gia xây dựng, mà tôi cũng có nhớ được đâu. (…) Mỗi bản nghị quyết của chúng ta là luật, hội họp cũng là luật (…) Chúng ta chủ yếu dựa vào hội nghị, một năm làm 4 cuộc họp, đại nhảy vọt, thì chẳng có thời gian đâu mà phạm luật! Không dựa vào luật dân sự, luật hình sự để duy trì trật tự." 

 Nghe nói, sau Hội nghị Bắc Đới Hà năm 1958, theo tinh thần bài nói của Mao trạch Đông, nhóm lãnh đạo chính pháp Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã viết một bản báo cáo có tiêu đề "Báo cáo với Chủ tịch, Ban chấp hành trung ương về một số vấn đề trong công tác chính pháp sau công xã nhân dân hóa", nêu rõ: "Luật dân sự, luật hình sự, luật tố tụng đều đã không còn cần thiết phải chế định."      

  Lại thử nhìn những gì mà Khang công công đã làm khi thống lĩnh đông xưởng tây xưởng gần mười năm nay, với danh nghĩa duy trì trật tự, quản lý đô thị, cưỡng chế phá dỡ, chặn các trang mạng, động một tí là huy động quân đội cảnh sát can thiệp, bắt giam giữ cải tạo không qua xét xử…… Tất cả những thủ đoạn chính trị làm mãi không sai này có được mấy chuyện dựa vào sự hỗ trợ của luật dân sự, luật hình sự, luật tố tụng? Những thủ đoạn này của Đảng cộng sản Trung Quốc hiện giờ thật chẳng giống với tinh thần bản báo cáo của nhóm lãnh đạo chính pháp Đảng cộng sản Trung Quốc từ hơn nửa thế kỷ trước lắm sao? Dường như là quán triệt thực hiện y sì tinh thần bản báo cáo của nhóm lãnh đạo chính pháp từ 58 năm trước!

        Lại xem thêm lời phê của Lưu Thiếu Kỳ viết ở sau bản báo cáo tổng kết này: "Sai lầm của công tác chính pháp trong mấy năm qua chủ yếu là đã dùng biện pháp xử lý vấn đề địch ta để xử lý làm tổng kết mâu thuẫn nội bộ trong nhân dân. Dùng biện pháp chuyên chính với kẻ thù để xử lý vấn đề của riêng mình, xử lý vấn dề của nhân dân lao động, đây là một sai lầm căn bản."

   Lão phu buông một tiếng thở dài, về mặt xây dựng pháp chế, Đảng cộng sản Trung Quốc trong mấy chục năm qua quả là đã thiếu một bước tiến xa! Nếu như cần phải học, thì nên đem lời phê của cái bậc đại quan trong đảng mình từ gần 60 năm trước ra mà học thuộc ngàn lần đã, rồi sau đó hãy bắt đầu học về dân chủ và pháp chế hiện đại, hãy bắt đầu từ cơ sở, theo nguyên tắc tiểu học trước, rồi mới đến trung học và cuối cùng là đại học, tuần tự mà tiến, chẳng việc gì phải ra nước ngoài học, lại còn tránh được cái bẫy âm mưu của thế lực thù địch Phương Tây.

     Tóm lại, sau Đại hội 18, trái đất vẫn quay, Trung Quốc mọi cái vẫn nguyên như cũ, đổi có chăng chỉ là trong Hiến pháp và Điều lệ đảng có được thêm vài điều, chỉ có như vậy mà thôi. Nhưng con sông dài lịch sử mênh mang cuồn cuộn chảy về phía đông, biến đổi là tuyệt đối, không biến đổi là tương đối, cho nên xét từ góc độ lịch sử, sự phát triển của Trung Quốc là tuyệt đối, là không thể chuyển dịch theo ý chí của bất kì người nào. Bất kể Đảng cộng sản Trung Quốc có ngoan cố đến thế nào thế nào, thì trong cơn sóng triều lớn của lịch sử, sự thay đổi của Đảng cộng sản Trung Quốc cũng sẽ là tuyệt đối và tất yếu. Mấu chốt vấn đề là ở chỗ, Đảng cộng sản Trung Quốc tự giác thay đổi, để bắt kịp được với trào lưu của lịch sử, hay là bị nhân dân buộc phải thay đổi, thay đổi một cách thụ động? Nếu là vế sau, thì cuối cùng tất sẽ bị nhân dân vứt bỏ.   

 Nguồn:  Boxun.com

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012


[i]  Chỉ Phong trào Nhất đả tam phản thời kỳ Đại cách mạng văn hóa ở Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét