Cũng lâu. Lâu lắm rồi tôi mới đi cầu nguyện. Chắc cũng phải mười mấy năm rồi. Từ năm 1999 khi tôi cùng nhóm bạn luật sư ở Hồng Kông tham dự đêm thắp nến tưởng niệm lần thứ mười ngày đẫm máu 4 tháng 6 ở Thiên An Môn.
Mới thấy đó mà đã hơn 13 năm rồi.
Tôi ít khi đi biểu tình, thắp nến cầu nguyện. Có lẽ vì lớn lên ở Úc tôi thấy có nhiều cách để người dân nói lên tiếng nói phản kháng của họ. Viết bài. Viết báo. Hay tự đến gặp dân biểu trình bày ý kiến của mình. Nếu cần thiết, có thể thành lập hội đoàn, các tổ chức đứng ra trực tiếp tranh đấu cho những vấn đề mình quan tâm. Bất kể đó là vấn đề gì. Công hay tư.
Liên quan đến nơi mình đang sinh sống hay ở một xứ xa xôi nào đó.
Bất cứ lúc nào những người dân thường như tôi cũng được cho cơ hội để nói, để bàn cãi. Vấn đề quan trọng ở chỗ mình có trình bày hay, mạch lạc đủ để mấy ông lớn sẵn lòng lắng nghe và thay đổi quan niệm, chính sách của họ hay không. Chứ chẳng có ai cấm cản hay tuyệt đối hoàn toàn không có 'cửa' để trình bày.
Tôi ít khi đi biểu tình, thắp nến cầu nguyện là vì thế.
Bởi vậy trong suốt gần hai thập niên qua, có lẽ tôi chỉ tham gia được một vài buổi biểu tình. Mà phần lớn đều liên quan đến chuyện… người ta.
Chuyện cựu Tổng Thống Estrada tham nhũng đến độ bị người dân Phi lật đổ. Hay chuyện những nhà lãnh tụ cộng sản đại tài ở Bắc Kinh cho xe tăng vào Thiên An Môn giết một loạt sinh viên của nước mình để đỡ nhức đầu, cho xong chuyện.
Chứ chuyện nhà, những chuyện liên quan đến biểu tình đối với các vấn đề ở Việt Nam thú thật tôi ít khi tham gia. Mãi cho đến hôm tuần trước khi tôi cùng một số bạn bè Việt Nam quyết định đi biểu tình thắp nến cầu nguyện ở thủ đô Manila để cùng phản đối chính sách 'du côn' của Trung Quốc trên biển Đông. Mà chúng tôi, cả Việt Nam lẫn người dân Phi Luật Tân có mặt ngày hôm đó gọi vắn tắt là 'Chinese bullying'.
Không có chữ nào ngắn gọn và chính xác bằng chữ này. Và cũng không có từ nào nói rõ hơn cái thói ỷ mạnh, hiếp yếu, chuộng võ lực của những kẻ từ phương Bắc. Nếu họ đã dám ra lệnh giết chết chính những người con ưu tú của họ, để cả một thế hệ lớn lên trong sợ hãi, hoàn toàn mất đi sự phản kháng cần phải có của tuổi trẻ thì chắc chắn một điều, người Việt Nam hay người Phi Luật Tân, những lợi ích quốc gia của các nước láng giếng, có chính đáng hay không, chẳng là gì trong mắt họ.
Không phải ngẫu nhiên mà từ ngàn xưa họ đã tự đặt cho mình cái tên: Trung Quốc. Một quốc gia đứng ngay giữa. Là cái rốn của vũ trụ. Tất cả đều phải quay quanh họ.
Cũng may là thế giới này tròn chứ chẳng phải vuông như họ tưởng. Cũng may là thế giới này sẽ tiếp tục tự nó quay tròn chứ chẳng phải xuôi theo bất kỳ thế lực nào. Cho dù nó có mạnh đến bao nhiêu.
Cũng may là trên thế giới này còn rất nhiều người sẵn sàng đứng lên đáp trả cái tính du côn ngày càng hung hãn của họ. Như tôi đã chia xẻ với những người Phi tham dự trong đêm hôm ấy.
Tôi đã chia xẻ là tôi cảm thấy rất vinh dự (honored) và may mắn (blessed) được tham dự. Tôi cảm thấy vinh dự vì hôm đó đã có rất nhiều người Phi, những người thành công trong xã hội đến góp mặt, từ ca sĩ Gary V đình đám, các mục sư, đức giám mục nổi tiếng, cho đến dân biểu, cựu Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Roilo Golez, thượng nghị sĩ trẻ Cayetano, các ca đoàn, hội đoàn USPGG (US Pinoys for Good Governance) dưới sự điều động và dẫn dắt của một trong những nữ thương gia thành công nhất của nước Phi, bà Loida Lewis.
Tôi bảo ước chi những người đang cầm quyền ở nước tôi cũng tạo điều kiện cho người dân được giải bày như thế. Để không chỉ có một vài trăm người dám nói, dám làm, dám xuống đường bất kể khó khăn mà nó sẽ là dịp để tất cả mọi thành phần trong xã hội Việt Nam từ ca sĩ, diễn viên, cho đến các thương gia, sinh viên, học sinh, các thầy, các cha… được một lần nói rõ cho Bắc Kinh biết là dân tộc Việt Nam không bao giờ và chưa bao giờ khiếp sợ trước cái thói du côn, du đãng của họ.
Tôi cũng bảo tôi cảm thấy may mắn vì trong cùng một ngày những người dân Phi hiền hòa đã cho tôi thấy sự phản đối rất có chừng, có mực của họ. So với thái độ hung hãn, chen đẩy, xô lấn, để lật cho được một chiếc xe hơi chỉ vì nó mang nhãn hiệu 'Made in Japan', của những người Trung Quốc phản đối việc một số người Nhật có mặt trên một quần đảo mà họ hiện đang tranh chấp với Nhật.
Hình ảnh này đã được chiếu đi, chiếu lại nhiều lần trên CNN.
Nghĩ cũng lạ. Mình cho tàu, cho lính đi qua một quần đảo khác, một nơi đang có nhiều quốc gia tranh chấp, để bắt họ, giết họ, sau đó lấy bảo là của mình thì… OK. Nhưng có một ai đó, một dân tộc nào đó dám đứng lên mạnh miệng bảo rằng: không, quần đảo đó không phải là của bạn thì ngay lập tức bạn dở thói côn đồ, hung hãn, nhảy đổng vào chửi rủa thậm tệ. Ủa? Vậy là sao?
Lời cuối cùng tôi chia xẻ trong ngày hôm ấy cũng là lời cầu nguyện và hy vọng của chính tôi. Đó là chúng ta sẽ xử dụng luật quốc tế, dùng tòa án quốc tế để giải quyết những xung đột quốc tế. Chúng ta không nên và không thể đàm phán song phương khi đây không phải là một vấn đề song phương. Chưa kể đến cái thế của những nước nhỏ, yếu kém về cả tài chính lẫn quân sự, khi chúng ta đồng ý đàm phán song phương điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đồng ý để họ chia rẽ chúng ta. Để chiến thắng chúng ta.
Divide then Conquer.
Đó là ý đồ của họ. Là chính sách của họ. Là lý do tại sao họ nhất quyết từ chối sự tham gia của các cơ quan, tòa án quốc tế để giải quyết những tranh chấp trên biển Đông.
Vì vậy, chúng ta cần phải đoàn kết. Hơn bao giờ hết, dân tộc Việt Nam và dân tộc Phi Luật Tân cần phải đoàn kết trước hiểm họa chung. Một hiểm họa xuất phát từ một chế độ độc tài, độc đảng sinh ngạo mạn, lỗ mãng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét