Phóng viên Bauxite Việt Nam
Ảnh: Hy Tuệ
Những chữ ghi trên nhan đề là mượn lại mấy lời của anh Văn Thành, người mở đầu buổi gặp mặt thân mật tại Quán sách Trung Nguyên 52 Hai Bà Trưng Hà Nội, do tạp chí Tia sáng tổ chức vào sáng ngày 7-9-2012 mừng nhà văn Nguyên Ngọc năm nay vừa tròn 80 xuân.
Đúng 9 giờ sáng khách đến đã gần chật phòng họp, gồm hai gian sảnh, không rộng nhưng cũng không quá chật chội. Toàn những gương mặt quen, vừa thấy nhau đã mừng hớn hở, vậy mà chỉ sau một năm không gặp, nhìn kỹ vào từng khóe mắt và vầng trán, hai má... đã có cái gì đổi khác, vẻ phong sương in trên mái tóc và mặt nào như chừng cũng hằn thêm vài nếp nhăn... thế sự nhiễu nhương. Nhiều chính khách, nhà văn, nhà thơ, GS, PGS, TS, Luật sư, nhà báo, phóng viên nhiếp ảnh nổi tiếng có mặt: bà Nguyễn Thị Bình, bà Phạm Chi Lan, Hoàng Tụy, Phạm Duy Hiển, Nguyễn Trung, Nguyễn Quang A, ông Giám đốc Trung tâm văn hóa Việt Nhật, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Xuân Nguyên, Bảo Ninh, Nguyễn Văn Khải, Lại Nguyên Ân, Phạm Vĩnh Cư, Phạm Khiêm Ích, Đỗ Lai Thúy, Trần Ngọc Vương, Phan Hồng Giang, Ngô Thảo, Lâm Quang Thiệp, Hoàng Thúc Hào, Đào Tiến Thi, Bùi Như Hưong, Nguyễn Tường Thụy, Trần Vũ Hải, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Đình Toán, Nguyễn Văn Cự và TTX BS, các blogger Người Buôn Gió, Phương Bích... cùng không ít anh chị em đã từng sát cánh bên Nguyên Ngọc trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo tại Hồ Gươm cách đây vừa tròn một năm. Về phía trang Bauxite Việt Nam người ta thấy có Nguyễn Huệ Chi và Phạm Toàn. PGS Chu Hảo và nhà văn Trần Thị Trường là những người đến sau cùng, khi cuộc họp đã đến hồi sôi nổi.
Trong "lời mở" của anh Văn Thành, còn nhắc đến nhiều điện thư gửi về Tòa soạn Tia sáng chúc mừng nhà văn, bởi những lý do riêng, hoặc vì sinh sống tại nước ngoài, nên không thể tham dự: GS Phạm Xuân Yêm, GS Hà Dương Tường (đều ở Pháp), nhà thơ Việt Phương, ông Nguyễn Minh Nhị (nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang), TS Tô Văn Trường, TS Lê Đăng Doanh, TS Trần Đức Viên (Hiệu trưởng ĐH Nông nghiệp I), Đặng Lê Nguyên Vũ (TGĐ Café Trung Nguyên), Hoàng Giang (PGĐ Công ty sách Nhã Nam), TS giáp Văn Dương (ĐH Singapore), TS Đặng Huy Chung (Giám đốc Trung tâm đào tạo Pace), TS Nguyễn Sĩ Dũng...
Ảnh: Hy Tuệ
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Hy Tuệ
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Hy Tuệ
Sau ba bài hát chúc mừng của tốp sinh viên Nhạc viện Hà Nội (trong đó cố nhiên không thiếu được bài Như bóng cây Kơ nia với giọng ngân cao vút kéo dài, vốn đã in sâu trong mọi trí nhớ từ thời chưa ngưng chiến), nhà văn Nguyên Ngọc bước lên diễn đàn. Ông nói ông vốn là người thiếu học. Chưa học hết trung học ông đã phải lao mình vào kháng chiến chống Pháp. Tập kết ra Bắc vẻn vẹn có 7 năm lại đã được phân công vào Nam nằm vùng ở Quảng Nam suốt chặng đường chống Mỹ. Cho nên vốn liếng kiến thức ông có hiện nay chủ yếu chỉ do tự học mà thôi. Một điều may mắn lớn trong đời là ông được gặp đúng những người thầy, người bạn, người chị, người anh. Tất cả họ đều là thầy tốt của ông. Nhờ đó, trong 7 năm tập kết ra Bắc ông đã học được một khối lượng tri thức rất lớn. Giọng ông trầm ấm, lôi cuốn tự nhiên và khi ông nói đến chỗ này cả phòng họp bỗng dưng lặng phắc – một trái núi sừng sững về trí tuệ đang ở trước mặt mình, mà đó lại là kết quả của... tự học! Ông nói tiếp rằng cuộc đời ông không suôn sẻ, nhiều lúc va vấp, có nhiều gấp khúc trong tư tưởng, thậm chí có sai lầm. Trước những gập ghềnh và vướng mắc cá nhân, ông đã tìm ra một biện pháp giải tỏa là trở về sống giữa lòng dân. Chỉ có dân mới thanh lọc được cho mình tất cả. Chính là dân đã dạy dỗ, nuôi nấng, tiếp cho ông sinh lực để hoạt động. Hoạt động đến quên cả tuổi, nên giờ đây, chợt bừng tỉnh, thấy tuổi 80 đã đến lúc nào không hay. Đó là một cảm giác mới lạ, như mình là một người khác chợt nhìn vào mình. Cảm giác thứ hai, ông thấy trước mắt mình còn nhiều việc quá, việc nào cũng đang dang dở, vì thế càng thấy phải hoạt động nhiều hơn. Và ông hứa với một nụ cười rất tươi, lời hứa mới nói tại Hội An vài hôm trước – giữa tiếng cười, tiếng vỗ tay rộn lên của cử tọa: Tôi còn phải làm việc khoảng mười năm nữa mới tạm gọi là xong.
Không chờ người điều khiển nhắc đến tên, GS Hoàng Tụy đã vội bước lên micro ngay. Ông nói, ở tuổi này của ông, ông chỉ có thể đọc trên giấy chứ không thể nói vo như trước. Và ông vội rút mấy tờ giấy đã đánh máy sẵn. Quan hệ giữa Hoàng Tụy và Nguyên Ngọc vốn là quan hệ thầy trò từ ngày còn ở Trường trung học Lê Khiết (tại Liên khu V, trong kháng chiến chống Pháp). Sự gắn bó thầy trò chuyển sang gắn bó bạn bè tin cậy khi cùng nhau đồng hành trong một loạt vấn đề xã hội nan giải buộc phải tập trung nhiều đầu óc bản lĩnh để có một tiếng nói chung. Kiến nghị giáo dục 2004 của 24 con người trong đó có Hoàng Tụy và Nguyên Ngọc là thử thách để thấy Nguyên Ngọc là một thành viên nòng cốt chia sẻ cùng ông điểm nhìn, chia sẻ gánh nặng trong suy nghĩ, chia sẻ khó khăn trong việc áp dụng mô hình giáo dục mà tập thể tác giả đề xuất vào một thí điểm có thể nói là phải bạo gan lắm mới làm được: Trường đại học Phan Châu Trinh. Trường đại học Phan Châu Trinh, một thách thức lớn với lẽ sống vô vụ lợi của Nguyên Ngọc nhưng cuối cùng anh đã đứng vững. Đó là chút hy vọng cho tất cả những ai đang ngày đêm đau đáu trước sự thoái hóa trầm trọng của ngành giáo dục.
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tiếp lời GS Hoàng Tụy, chia sẻ với Nguyên Ngọc hai điều tâm đắc đầu của ông mà chính bà cũng đã nếm trải: cảm giác ngạc nhiên về cái tuổi 80 của mình và nỗi ám ảnh rằng trước mắt mình còn rất nhiều việc phải hoàn thành nốt. Nhưng đến điều thứ ba thì bà mỉm một nụ cười hóm hỉnh nhìn vào ông mà nói: "Anh Ngọc hứa sẽ làm việc 10 năm nữa, ở thời điểm này thì tôi không dám hứa như anh,vì một lẽ đơn giản là tôi... hơn anh đến 5 tuổi". Dù thế, bà cho rằng làm được việc gì có ích đối với mỗi người bất kỳ ở tuổi nào vẫn là điều cần thiết, và không chỉ Nguyên Ngọc mà những ai có tâm huyết với giáo dục hãy bắt tay làm một điều gì đó cho Trường đại học Phan Châu Trinh.
Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên được chỉ định là người phát biểu tiếp theo. Ông tóm tắt ở Nguyên Ngọc một nét tính cách: ĐI. Suốt đời là những chuyến đi. Trong hành trình liên tiếp chưa bao giờ dừng lại, Nguyên Ngọc luôn luôn được thanh lọc để ngày càng già dặn, chín chắn, định hướng cuộc đời một cách sáng suốt làm nên cả một tấm gương soi cho lớp trẻ. Ông còn bật mí cho biết, Nguyên Ngọc là người sáng lập Hội nhà văn Việt Nam năm 1957, nhưng con người 80 tuổi ấy lại là... một hội viên trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội, chỉ mới vừa tròn 4 tuổi, được chuẩn xét sau một thời gian dài nộp đơn. Cuối cùng, ông lấy ra một khung ảnh trao tận tay Nguyên Ngọc, là tặng phẩm của cá nhân ông bên cạnh lẵng hoa của Hội Nhà văn Hà Nội, khung ảnh lồng một bài thơ do ông ghép tên các tác phẩm của Nguyên Ngọc lại mà thành. Bài thơ có nhan đề Nguyên Ngọc người đi:
Sống cùng đất nước đứng lên
Tám mươi năm ấy nhớ quên những gì
Đi con đường chúng ta đi
Đôi chân trần mải miết vì dặm xa
Rẻo cao cát cháy đã qua
Đường mòn trên biển vẫn là hôm nay
Lắng nghe cuộc sống hàng ngày
Rừng xà nu vẫn thẳng ngay kiên cường
Vừa đi vừa nghĩ dọc đường
Tám mươi tuổi bước vào trường Châu Trinh
Đường xa muôn nỗi gập gềnh
Đã đi, đi tiếp, như hành quân xa.
Học giả Nguyễn Trung với bộ râu xem ra đã xum xuê trắng bạc hơn trước nhưng lời phát biểu vẫn đầy nhiệt huyết, tuy khí sắc có phần không vui. Ông nói, đất nước đang ở vào một tình thế lâm nguy và gằn giọng hai chữ lâm nguy làm người nghe chột dạ. Chưa bao giờ chúng ta đứng trước những thách thức "được mất" như bây giờ. Hoặc sẽ trở thành một quốc gia tự cường, tự do, dân chủ, hoặc là mất tất cả. Ứng với nhà văn Nguyên Ngọc, theo ông rõ ràng Nguyên Ngọc đã đánh đổi cả cuộc đời cho mục tiêu vì một đất nước đứng lên, có độc lập, dân chủ, tự do. Cho nên, bổ sung vào chữ "đi" của Phạm Xuân Nguyên, theo ông, phải nói phẩm cách nổi trội ở Nguyên Ngọc là ĐỨNG LÊN và đó là sức lôi cuốn làm nên huyền thoại Nguyên Ngọc.
Nguyễn Trung. Ảnh: Người Buôn Gió
TS Nguyễn Văn Khải – ông già Ô Zôn – tâm sự rằng, trong kháng chiến chống Pháp thì ông chưa có mặt ở chiến trường nhưng đến kháng chiến chống Mỹ ông đã lăn lộn nhiều năm ngoài mặt trận, và những ngày ấy, những gì Nguyên Ngọc viết trong Đất nước đứng lên mà ông từng tâm niệm, ông đều đưa ra áp dụng. Hai áp dụng cụ thể nhất là khi bộ đội bắt được tù binh, tiếng nói nhân bản của Nguyên Ngọc trong cuốn tiểu thuyết trứ danh đã ngăn ông và đồng đội có những chuyện căm thù quá khích dẫn đến manh động, và một lần khác, khi nhiều ngày bị đứt liên lạc không còn muối, ông đã cho áp dụng kinh nghiệm đốt lá cây tro trộn với cơm, nhờ dó cả đơn vị vẫn khỏe mạnh tiếp tục cuộc hành binh.
TS Nguyễn Văn Khải. Ảnh: Hy Tuệ
GS Phạm Duy Hiển cũng có những cảm nghiệm về thời sự gần giống học giả Nguyễn Trung. Theo ông nếu dùng phương pháp loại suy thì nhiều người dễ nhận ra thời điểm này đang là một giai đoạn cực kỳ khó khăn, việc định hướng cho ra một lối thoát khả dĩ tin được là hiện thực gần như vô vọng. Có đôi khi cuộc sống như mất chuẩn mực và ngay cả với người tâm huyết, để sống vững vàng được là một cố gắng vượt quá sức mình. Những cảm nhận này càng rõ hơn trong thời gian mới đây ông đã cùng "gánh xiếc rong" của Nguyên Ngọc đi hết Tây Nguyên đến Hội An. nhưng cũng chính chuyến đi đã giúp ông nhìn thấu thị hơn về một Nguyên Ngọc bằng xương bằng thịt mà hàng ngày ông vẫn gần gũi. Trong cuộc sống, nói đến thành đạt thì có rất nhiều người nhưng dễ chưa mấy ai trở thành một huyền thoại sống như Nguyên Ngọc trong môi trường hoạt động của ông ấy. Có thể nói Nguyên Ngọc đã truyền lửa sống đến cho người dân ở bất kỳ nơi nào ông từng sống. Khi tổ chức mừng sinh nhật Nguyên Ngọc tại miền Trung, có những phụ nữ như Y Pớ và Y Păn từ một nơi xa xôi đánh đường về dự, và thông qua ánh nhìn đắm đuối của họ, ông hiểu, họ đã dành cho Nguyên Ngọc tất cả trái tim của mình. Khi ông hỏi họ đã phải nhớ nhung Nguyên Ngọc trong bao lâu thì họ nói rõ: nhớ suốt 17 năm trời. Chính bởi là một người truyền lửa sống nên Nguyên Ngọc mới là linh hồn của một trường đại học như Đại học Phan Châu Trinh, một trường đại học muốn là một thể nghiệm của cách giáo dục mới đối với thế hệ trẻ, nhằm làm hình mẫu để vực dậy cả một nền giáo dục đang đứng trên bờ vực, nhưng vì thế cũng đã phải chịu vố số khó khăn chồng chất, lắm chông gai, có lúc tưởng không đứng nổi, kể cả cái khó khăn trong cách điều hành đại học theo cung cách lãng mạn của một nhà văn. Và cũng phải là một Nguyên Ngọc thì mới vượt được mọi lực cản như từng quả núi ngáng chân mình, chứ nếu người khác, chẳng hạn cá nhân ông, thì đành bó tay đầu hàng, bởi ông không thể xa vợ con đằng đẵng vì một lý tưởng giáo dục vô vụ lợi trong hàng tháng hàng năm như Nguyên Ngọc được. Nhưng khó khăn thật ra vẫn còn ở phía trước, đòi hỏi bạn bè chìa vai gánh vác và nếu như Nguyên Ngọc vẫn giữ lời hứa "làm việc trong mười năm nữa" thì lần này thế nào ông cũng sẽ là người chia sẻ với Nguyên Ngọc trong một vài việc nào đấy hợp với sức mình.
GS Phạm Duy Hiển. Ảnh Hy Tuệ
GS Nguyễn Huệ Chi không định phát biểu nhưng khi được Ban tổ chức chỉ định ông cũng đứng lên ứng khẩu nói một vài ý nghĩ của mình về nhà văn Nguyên Ngọc mà từ lâu ông coi là bậc đàn anh. Ông cho rằng khái quát phẩm chất của Nguyên Ngọc thì khái niệm trước tiên nên dùng là Nguyên Ngọc là một chiến sĩ đúng với nghĩa đen của mấy chữ ấy. Hễ ở đâu là mặt trận thì Nguyên Ngọc đến và Nguyên Ngọc đến để giải quyết yêu cầu đánh lui, đánh bại cái ác cái xấu mà mặt trận đó đòi hỏi. Khi ông lên Tây Nguyên trong kháng chiến chống Pháp, ông là chiến sĩ trên mặt trận xã hội, làm cái việc giác ngộ người Thượng, kéo đồng bào Thượng hợp sức chung lòng với người Kinh đánh Pháp. Khi ông trở lại Tây Nguyên lần sau, ông là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, chống lại nguy cơ làm hỏng môi trường sinh thái và văn hóa đặc thù của người Thượng, làm sao giữ được chút nào hay chút ấy cuộc sống tự nhiên của người Thượng như họ đã từng có ở giữa núi rừng thiêng liêng và ông thần Giàng của họ. Còn khi ông chuyển sang làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Trường đại học Phan Châu Trinh là ông tự nguyện làm người chiến sĩ trên mặt trận giáo dục đang ở vào một thời điểm hết sức nguy nan cần một bứt phá bản lĩnh để cứu nguy cho nó. Ở đâu Nguyên Ngọc cũng gặp muôn nghìn khó khăn trắc trở chứ không một mặt trận nào dễ dàng, nhưng với Nguyên Ngọc thì không gì có thể lay chuyển tấm lòng gang thép của ông và cái lẽ sống mà vì nó ông đã hy sinh tất cả. Cho nên, để dễ hình dung tư cách chiến sĩ của Nguyên Ngọc thì lại có thể ví von Nguyên Ngọc là một cây xà nu không kẻ thù nào bẻ gãy. Đó không phải là sự cứng nhắc, khô cứng mà là sự dẻo dai bền sức như một thiên tính của ông. Vì thế, những ngày Nguyên Ngọc gặp khó khăn ở Đại học Phan Châu Trinh, trang Bauxite Việt Nam là một trong những tiếng nói truyền thông đã kịp thời lên tiếng. Có lần, một phái viên của một nhân vật nào đó ở Bộ Giáo dục đã đến tìm ông với tư cách chủ nhân trang mạng của trí thức, mong mượn tiếng nói này để phản pháo đối với Nguyên Ngọc mà theo họ, không đủ tư cách lãnh đạo một đại học như Đại học Phan Châu Trinh. Tuy nhiên ông đã trả lời người đó ngay trong buổi gặp nhau: "Anh đến tôi để yêu cầu điều đó thì anh nhầm mất rồi. Từ lâu, Nguyên Ngọc đã là một cây xà nu trong tâm trí chúng tôi. Mà đã thế thì chúng tôi cũng phải là những "xà nu con" để xứng đáng với ông ấy chứ. Bẻ gãy chúng tôi khó lắm". Và người thuyết khách ấy đành bỏ cuộc. Nhưng ca ngợi Nguyên Ngọc, GS Nguyễn Huệ Chi vẫn không quên nói một điều mà theo ông, có nói ra mới thỏa bụng: Nguyên Ngọc đúng là một cây xà nu nhưng là một cây xà nu suốt đời thất bại. Mặt trận nào hiện cũng đang đẩy lùi ông. Nguyên do vì đâu, không nói thì ta đều có thể chiêm nghiệm mà rút ra kết luận. Nền văn hóa của người Thượng ngày nay, trong một bài ký của Nguyên Ngọc vừa viết, đang thoái hóa so với thời họ được sống hồn nhiên như họ vẫn có trong cuốn Mọi Kon Tum của hai tác giả là bố và bác ruột Nguyễn Huệ Chi khảo tả. Họ sẽ đi đến đâu và liệu có giữ được chút gì là văn hóa Tây Nguyên nữa không, đó là cả một ẩn số chưa có lời đáp lạc quan như ta mơ tưởng. Còn ngôi trường Phan Châu Trinh, hãy thử giả định, nếu rồi đây một người đầy bản lĩnh như Nguyên Ngọc phải rời nó, một người có tấm lòng như ông Bí thư Hội An không còn có điều kiện chăm sóc đến nó, thì số phận của nó ra sao, có lại rơi vào tay một nhóm lợi ích nào không, như trước đây nó đã suýt rơi vào? Chưa ai có thể trả lời dứt điểm cả. Bởi vậy, nói Nguyên Ngọc là một cây xà nu thất bại không phải là nói đến một cá nhân Nguyên Ngọc mà là nói đến cả một thế hệ tâm huyết đã chịu thất bại trước áp lực của một thời thế ngổn ngang lắm điều nghịch lý. Thất bại đó càng soi tỏ hơn cái ngang bướng cứng cỏi của "thế hệ cây xà nu".
Nhà văn Nguyên Ngọc, GS Nguyễn Huệ Chi và PGS Phạm Khiêm Ích. Ảnh: Hy Tuệ
Hưởng ứng ý kiến của GS Nguyễn Huệ Chi, PGS Phạm Vĩnh Cư nói đến sự xóa sổ đau lòng của Trường viết văn Nguyễn Du mà Nguyên Ngọc và Hoàng Ngọc Hiến từng bỏ rất nhiều công sức đặt nền móng xây cất nên, mà nguyên do sâu xa là có "một vị tai mắt nào đấy" không thỏa được ý nguyện đổi tên thi hào Nguyễn Du sang tên của mình nên tìm mọi lý do dẹp đi bằng được. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cũng dẫn chứng việc Nguyên Ngọc vào những năm cuối thập nên 80 thế kỷ trước đã làm cho tờ báo Văn nghệ bỗng chốc hồi sinh, đánh dấu một giai đoạn đổi mới đầy khí thế trong đời sống văn học nghệ thuật dân tộc. Nhưng tia lửa sáng Nguyên Ngọc thắp lên trên bầu trời văn nghệ không chống chọi nổi với những lực lượng cố tình thổi tắt nó, và Nguyên Ngọc đã phải ra đi, khí thế đổi mới của Văn nghệ thời Nguyên Ngọc đến nay chỉ còn là dư âm tiếc nuối "một đi không trở lại". Đó là tấn bi kịch của cái cao cả bị cái thấp hèn đánh lùi. Còn nhà giáo Phạm Toàn, người đồng tuế với nhà văn Nguyên Ngọc, thì cho rằng không nên đắm chìm trong mặc cảm thất bại, như thế sẽ không ích gì. Hãy cứ tiếp tục hành động vững vàng như mình vẫn tâm niệm, và bằng những công việc cụ thể chứng minh cái thiện tâm đổi mới xã hội của mình. Ông Phạm Toàn hiện đang là người chủ trì Nhóm Cánh Buồm soạn sách giáo khoa cải cách cho học sinh cấp I. Ông hy vọng mình sẽ sống đến khi các bộ sách giáo khoa cải cách của Nhóm ông kể cả cấp 2, cấp 3 được soạn xong.
PGS Phạm Vĩnh Cư. Ảnh Hy Tuệ
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân. Ảnh: Hy Tuệ
Ngay đến người chủ trì cũng không ngờ cuộc gặp gỡ trong phạm vi hẹp lại có một kết quả viên mãn đến thế. Những vấn đề cuộc họp khơi gợi động đến tâm can nhiều người và có một sức cuốn hút khiến thính giả không biết rằng thời gian đã quá trưa. Trước lúc chia tay, trong màn mưa tầm tã, nhà văn Nguyên Ngọc xúc động nói những lời cám ơn đối với mọi tấm lòng bè bạn, mọi ý kiến trao đổi chân tình. Ông cho biết ông chính là chắt bên ngoại của nhà thơ Nguyễn Công Trứ, mẹ ông gọi Nguyễn Công Trứ bằng cố. Trong đời mình, ông luôn luôn lấy tấm gương Nguyễn Công Trứ làm một điều an ủi – một "ông Hy Văn tài bộ" có đến trăm lần lên voi xuống chó nhưng bao giờ cũng giữ được sự thanh thản của tâm hồn.
Phóng viên B.V.N.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét