Tiếp theo sau việc thị trường chứng khoán trên cả hai sàn giao dịch Hà Nội và Sài Gòn đều tụt dốc không phanh; hệ lụy từ sự kiện người dân đua nhau đi rút tiền ra khỏi ngân hàng và chọn mua vàng, đôla như một phương cách thay thế; khiến cho Ngân hàng Nhà nước phải tung tiền ra nhằm ổn định thị trường, trấn an dân chúng.
Thêm vào đó, chính phủ Việt Nam cũng phải một mặt cho nhập thêm vàng từ nước ngoài, một mặt khuyến khích đẩy mạnh sản xuất vàng từ trong nước để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Rút tiền
Trả lời trong phiên giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 21 tháng 8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, đã chỉ đạo Ngân hàng các cấp có các biện pháp sẵn sàng hỗ trợ để ổn định và bảo đảm an toàn cho hệ thống, trước hiện tượng người dân rút tiền hàng loạt.
Tuy nhiên. liệu những biện pháp cứu nguy này của chính phủ có trấn an được tâm lý lo lắng của người dân hay không? Trả lời Hòa Ái của Đài Á Châu Tự Do; Quý, một sinh viên trường Đại học Kinh Tế tại TP. HCM nói:
"Ngân hàng nhà nước cũng đã bơm vào thị trường mở hơn 18.000 tỉ để hỗ trợ thanh khoản. Quý nghĩ số tiền bơm ra ồ ạt bất chấp quy luật cung cầu tiền tệ như vậy thì nó sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy mà trước tiên là lạm phát. Người dân bình thường họ không quan tâm nhiều đến vấn đề vĩ mô mà họ quan tâm đến cơm áo gạo tiền."
Vàng, đô la tăng giá
Những thông tin bất lợi trên thị trường tài chính cũng tạo tâm lý bất ổn khiến giá vàng và đôla trong nước tăng mạnh, khi người có tiền gửi ngân hàng đồng loạt rút tiền để mua vàng, đôla cất giữ.
Vụ khủng hoảng "Bầu Kiên" khiến cho thị trường vàng Việt Nam trong những ngày qua luôn đi ngược với giá vàng thế giới. Giá vàng miếng tại Việt Nam cao hơn giá vàng thế giới tới 2,5 triệu đồng/lượng.
Trước tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam một mặt cho tăng quota nhập khẩu, một mặt thúc đẩy sản xuất gia công thêm hàng chục ngàn lượng vàng miếng nhằm ổn định thị trường. Nhưng cho đến nay dường như vẫn không đáp ứng nỗi nhu cầu của người mua.
Lúng túng
Nhận xét về những giải pháp này của Ngân hàng Nhà nước, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc chính phủ phải áp dụng các biện pháp nhất thời là lẽ dĩ nhiên trong lúc ảnh hưởng của vụ Bầu Kiên được coi là quá lớn, nhưng mặt khác nó cũng phản ánh sự lúng túng của hệ thống.
Theo tôi Ngân hàng Nhà nước mặc dù có biết nhưng không phải là biết từ trước, cho nên việc đưa ra các giải pháp còn lúng túng.GSTS Vũ Văn Hóa
Trả lời Nam Nguyên của Đài Á Châu Tự Do, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa, phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng:
"Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bước đầu có sự lúng túng, theo tôi Ngân hàng Nhà nước mặc dù có biết nhưng không phải là biết từ trước, cho nên việc đưa ra các giải pháp còn lúng túng. Đương nhiên là phải giữ ổn định cho hệ thống, sau đó NHNN kiên quyết có những biện pháp tích cực hỗ trợ cho ACB Ngân hàng Thương mại Á châu để nó có thể giữ vững lòng tin của khách hàng và làm cho hệ thống ổn định thì tôi cho rằng đó là một giải pháp tích cực."
Hoang mang
Liên tục trong nhiều ngày qua, các đại gia ngân hàng đã phải thay nhau lên tiếng đính chính với công luận về tin đồn mình bị bắt, do có liên quan đến các hoạt động đầu tư, tài chính của Bầu Kiên.
Từ Tổng giám đốc Eximbank Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank Hồ Hùng Anh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank Trầm Bê, cho đến CEO của Công ty chứng khoán Bản Việt, v.v… đã phải xuất hiện trước công chúng chỉ với một mục đích duy nhất: là khẳng định mình không bị công an bắt giam như tin … đồn.
Bức súc nhất có lẽ là trường hợp của Tổng giám đốc ngân hàng xuất nhập khẩu Eximbank Lê Hùng Dũng. Lên tiếng trên Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp, một mặt ông Lê Hùng Dũng khẳng định mình không bị quản thúc như tin đồn, một mặt cho rằng có bàn tay của Trung Quốc trong vụ này nhằm gây rối cho lãnh vực ngân hàng, phá hoại kinh tế Việt Nam. Ông nói:
"Bây giờ nhiều tin đồn lắm. Tôi chỉ nói đến việc liên quan đến tôi. Thứ nhất, tôi đang được tự do. Thứ hai, ngân hàng đang hoạt động bình thường. Vài ngày qua, họ muốn đánh vào hệ thống tài chính của Việt Nam để hệ thống tài chính VN suy yếu và họ có cơ hội để họ tiến lên giống như họ đang lấn chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta."
Một đại gia tài chính khác cũng dính tin đồn bị bắt là ông Trầm Bê, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank.
Thường rất ít khi xuất hiện trước công chúng, nhưng đến sáng ngày 28/8, ông Trầm Bê đã phải hiện diện tại lễ ký kết hợp đồng tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Sacombank, như một cách bác bỏ các tin đồn cho rằng ông đã bị bắt.
Tréo cẳng ngỗng nhất có lẽ là trường hợp của ông Tô Hải, CEO của Công ty chứng khoán Bản Việt.
Những rắc rối xảy ra với ông sau khi Bầu Kiên bị bắt ít ngày, Dragon Capital đã gửi bản tin tới nhiều nhà đầu tư với thông báo: "Ông Tô Hải bị cơ quan điều tra triệu tập sau khi bầu Kiên và ông Lý Xuân Hải bị bắt".
Cũng may là trong khi ông Tô Hải chưa chính thức lên tiếng phủ nhận tin đồn, thì đến ngày 24/8, đích thân Dragon Capital đã công khai đăng lời xin lỗi và đính chính về bản tin này.
Và có lẽ cũng oái oăm không kém là trường hợp của ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan.
Trong lúc đang đưa con đi du học ở Mỹ, ông Quang bị dính tin đồn "đã bị bắt giam".
Tin đồn lan nhanh trong lúc không thấy ông Quang xuất hiện tại Việt Nam, càng khiến cho các đối tác hoang mang.
Chỉ đến khi ông Nguyễn Đăng Quang lên tiếng cho biết mình đang ở Mỹ, và sẽ về đến Việt Nam vào chiều 27 tháng 8, thì mọi đồn đoán về chuyện Chủ tịch Tập đoàn Masan bị bắt mới dịu bớt.
Popout
Theo dòng thời sự:
- Tổng giám đốc Tập đoàn tài chính ACB Nguyễn Đức Kiên bị bắt
- Thị trường chứng khoán Việt Nam hốt hoảng trước tin Bầu Kiên bị bắt
- Vụ "bầu" Kiên: Lúng túng toàn hệ thống
- Liệu dân có còn tin vào ngân hàng?
- Thống đốc ngân hàng trấn an đại biểu quốc hội
- Khi các đại gia lần lượt bị bắt
- Giá vàng tăng liên tục sau khi bắt "Bầu Kiên"
- 8000 tỷ đồng đã được khách hàng rút ra khỏi ngân hàng ACB
- Chứng khoán Việt Nam đã mất hơn 5 tỉ đô la
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét