Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

Trần Huỳnh Duy Thức – Con Đường Việt Nam với chiến lược Biển Đông và Tây Nguyên

Nguồn danluan

Kính gửi BBT báo Dân Luận

Thời gian qua tôi nhận được nhiều đề nghị về việc chia sẻ phần Biển Đông mà tôi chịu trách nhiệm viết trong quyển sách Con đường Việt Nam. Thật tình mà nói là tôi mới vừa bắt tay vào viết phần này thì đã bị bắt. Hầu hết các tài liệu chuẩn bị trong máy tính cũng đã bị thu. Ra tù tôi dự định sẽ viết tiếp nhưng quá bận với việc của phong trào Con đường Việt Nam.

Để cung cấp phần nào thông tin về vấn đề này cho độc giả, tôi xin công bố một bức thư điện tử mà anh Trần Huỳnh Duy Thức gửi cho tôi về chủ đề Biển Đông và Tây Nguyên như dưới đây. Bức thư này được gửi vào tháng 12/2008.

Xin cảm ơn BBT báo Dân Luận.

Lê Thăng Long
* * *

Ông viết phần Biển Đông đến đâu rồi. Cần phải nhanh lên. Đây sẽ là một vấn đề rất nóng gây căng thẳng kể cả đối nội lẫn đối ngoại của đất nước trong vài năm tới như tôi đã phân tích với ông nhiều lần. Tôi vừa nói chuyện với giáo sư Robert bạn tôi ở Mỹ. Ông ấy nói rằng, sắp tới TQ sẽ lợi dụng tình trạng suy yếu kinh tế của Mỹ mà đẩy yêu sách đường lưỡi bò (hình chữ U) ra toàn bộ vùng biển Đông, và việc này có thể dẫn đến xung đột vũ trang và thậm chí là chiến tranh lớn. Hiện chưa rõ chính phủ sắp nhậm chức của Obama có quan điểm như thế nào ở vùng Asia Pac [Châu Á Thái Bình dương] này. Nhưng Robert nói ông và những học giả bạn của mình sẽ lobby [vận động hành lang] để Mỹ chuyển chiến lược đến vùng này. Tôi đồng tình với quan điểm của ông ấy và cảm thấy rất lo ngại nếu chiến tranh xảy ra thì nơi hứng chịu thảm khốc nhất sẽ là Việt Nam vì vai trò địa chính trị của nó. Trong sấm có một đoạn làm tôi càng lo lắng hơn:

Nào ai đã dễ nhìn U
Thủy chiến bộ chiến mặc dù đòi cơn
Cây bay lá lửa đội ngàn
Một làng còn mấy chim đàn bay ra
Bốn phương cùng có can qua
Làm sao cho biết nơi hào bảo thân

Mấy câu này nằm trong một đoạn mà tôi cảm nhận là liên quan rõ ràng đến thời cuộc hiện nay và vài năm tới. Chữ U trong câu thơ trên gợi liên quan đến yêu sách lưỡi bò hình chữ U của Trung Quốc.

Sấm truyền là chuyện không thể chứng minh, nhưng phân tích thực tế tình hình thời cuộc thì chiến tranh xảy ra là điều có cơ sở. Nhất là chính quyền Trung Quốc đang đẩy Jingoism [chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến] lên những mức độ ngày càng cao hơn. Nhìn Olympic vừa rồi thì thấy họ khai thác tinh thần dân tộc cực đoan đến mức nào. Tình trạng này rất tương tự với Đức và Nhật trước Thế chiến II. Chúng ta phải có trách nhiệm cảnh báo về nguy cơ này đến dân chúng và chính quyền, đồng thời đưa ra những giải pháp vừa có thể tránh được chiến tranh vừa hợp tác để phát triển. Như tôi đã nói, ông cần nhấn mạnh hai quan điểm chiến lược như sau:

- Việt Nam cần chủ động quốc tế hóa vấn đề biển Đông, liên kết với các nước Asean có tranh chấp, nhất là Philippines, lôi kéo Mỹ vào vì tự do hàng hải trên biển Đông, đồng thời đưa tranh chấp ra các thiết chế luật pháp quốc tế. Việt Nam cần công khai cho dân chúng và thế giới biết về những gây hấn lâu nay của Trung Quốc. Việc ém nhẹm rất nhiều những thông tin này đã giúp Trung Quốc có cơ hội ngày càng lấn tới. Cuối cùng có thể tái diễn lại kịch bản biên giới phía Bắc.

- Việt Nam cần chủ động đưa ra các chương trình hợp tác quốc tế đa phương để khai thác nguồn lợi kinh tế trên biển Đông, kể cả với Trung Quốc. Việc hợp tác song phương như hiện nay dễ dàng bị Trung Quốc bẻ gãy như trường hợp của BP vừa rồi, ngay cả duy trì được thì Việt Nam sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề. Việc hợp tác đa phương cũng sẽ làm phần bánh mà Việt Nam được hưởng nhỏ đi nhưng cái bánh sẽ to hơn rất nhiều nên giá trị phần bánh đó sẽ lớn hơn những gì mà Việt Nam ta đang có. Tôi đang thu thập và tính toán các dữ liệu này, xong sẽ gửi cho ông làm cơ sở phân tích. Cái lợi to lớn mà Việt Nam nhận được khi hợp tác đa phương nằm ở cái vị thế mà quốc gia tạo ra được trên một thế trận toàn cầu hóa, để giảm nguy cơ xung đột và tăng cơ hội hợp tác trong hòa bình và phát triển cho thế giới. Đây là một phần quan trọng trong sách lược kinh tế "biến Việt Nam thành cái chợ quốc tế" mà ông đã biết. Với chiến lược phát triển kinh tế dựa vào đầu tư vốn và khai thác tài nguyên lâu nay làm Việt Nam lệ thuộc nặng nề vào nguồn thu dầu khí. Đất nước sẽ không thể phát triển được dựa vào đó, về bản chất chỉ là sự vay mượn của quá khứ và tương lai để tiêu xài cho hiện tại. Nguồn thu từ dầu khí còn là nguồn gốc nuôi dưỡng các chính quyền độc tài và bào mòn sức sáng tạo của các dân tộc có nhiều dầu mỏ.

Nếu Việt Nam không mau chóng nhận ra và thực hiện các chiến lược trên thì năm ba năm nữa muốn tránh được chiến tranh thì chỉ còn cách là chấp nhận sự lệ thuộc hoàn toàn bởi sự thao túng chính quyền của Trung Quốc. Quan điểm "giữ ổn định hòa bình để phát triển" sẽ được đẩy lên để bảo vệ mối quan hệ hữu hảo, bất bình đẳng với Trung Quốc, đồng thời để đè ép những ý chí phản kháng muốn có quan hệ tôn trọng và bình đẳng từ Trung Quốc. Tình hình kinh tế sẽ ngày càng tồi tệ khiến Việt Nam càng lệ thuộc hơn vào nguồn lực từ bên ngoài. Trung Quốc sẽ lợi dụng tình trạng này để Việt Nam phụ thuộc mạnh hơn vào họ. Bauxite Tây Nguyên chỉ là sự bắt đầu. Những cảnh báo đơn lẻ về vấn đề này như hiện nay sẽ không thể ngăn chặn được kết cục của nó là Việt Nam sẽ trở thành phiên thuộc. Quốc hội vừa thông qua chiến lược phát triển Kinh tế – Xã hội 2009 của Chính Phủ, một kiểu bóc ngắn cắn dài, càng ủ thêm bệnh. Vài năm sau muốn chữa trị thì không thể nữa.

Do vậy ông phải nhanh hơn nữa để có thể hoàn thành quyển sách trước tháng 6 tới, rồi tạo nên một phong trào rộng khắp để đông đảo nhân dân ý thức được những nguy cơ hiểm họa đồng thời với những sách lược để hóa giải chúng. Không nên mở rộng các phong trào khi mà chưa xây dựng được một chiến lược toàn diện cho nó. Cần tập trung hoàn thành quyển sách trước để làm nền tảng chiến lược cho một Phong trào. Nền tảng đó chính là quyền con người, là cái chung của tất cả mọi người để cùng nhau giải quyết các vấn đề của mình và của đất nước. Ông cố gắng nhé !

Ông cũng chú ý xem ai có thể tham gia viết phần Tây Nguyên giới thiệu cho tôi. Căn bản của chủ đề này tôi đã nói với ông rồi, là sách lược để phát triển Tây Nguyên nói riêng và các vùng cao nguyên của dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung. Làm sao để khai thác các giá trị văn hóa, tôn giáo để thu hút nguồn lực đầu tư cho các vùng này. Nhưng tôi chưa kịp nói với ông suy nghĩ sâu xa về đề tài này. Trong tương lai khi mà Việt Nam đã trở nên dân chủ hơn thì sẽ phải đối diện với vấn đề đòi độc lập của các dân tộc và vùng đất này. Nên nhớ rằng mỗi dân tộc dù nhỏ vẫn phải được đảm bảo quyền tự quyết, tự lựa chọn nhà nước của mình, đó là tinh thần của bản Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người của Liên Hiệp Quốc. Những vấn đề bất ổn ở Tây Nguyên lâu nay đều có nguyên nhân từ nhu cầu này. Nhưng chính quyền phải đáp ứng bằng sự trấn áp, chẳng có cách nào khác, khi mà chưa thực sự có dân chủ. Hãy nhìn vào cách giải quyết vấn đề Checnya bằng trấn áp quân sự đẩm máu của Putin thì sẽ thấy nguy cơ của Việt Nam trong những năm tới đối với Tây Nguyên và các vùng cao khác sẽ như thế nào. Phải làm sao để người dân ở đó tự nguyện lựa chọn, chấp nhận một hình thức jurisdiction [quyền tài phán] nào đó của Việt Nam vì có lợi cho họ. Nếu quốc gia không tính trước mọi khía cạnh của vấn đề này thì sẽ không tránh khỏi những bất ổn sắc tộc, tôn giáo, ly khai, lãnh thổ trong quá trình dân chủ hóa đất nước. Duy trì tình trạng như hiện nay cũng sẽ dẫn tới những hậu quả còn xấu hơn nữa. Tôi sẽ viết tổng quan về chủ đề Tây nguyên này để làm định hướng cho người viết.

Đầu tháng tới tôi đi Mỹ, về sẽ trao đổi nhiều hơn. Vậy nha. Tập trung viết ha.

Trần Huỳnh Duy Thức
(Tháng 12/2008)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét