Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Diễn Đàn Thế Kỷ - Ghé thăm các blogs: 25/03/2013

Nguồn diendantheky


BLOG QUÊ CHOA
Nên gọi là Kiến nghị 71″ từ đây?

Trước thực trạng bên trong đảng có nhiều biến đổi và suy thoái nghiêm trọng và trong bối cảnh đất nước, thế giới hiện đang có nhiều biến đổi sâu sắc: quyền lực chính trị của mỗi một quốc gia ngày càng có xu hướng "nhân dân hóa", tôi cho rằng việc giữ nguyên vẹn điều 4HP là biểu hiện của một nhãn quan chính trị bảo thủ.

Góp ý xây dựng HP92 sửa đổi, đảng đã có một tư tưởng cởi mở, nhân văn và dân chủ với một tuyên bố "không có vùng cấm" trong việc góp ý này. Tinh thần "khai sáng" đó cho tôi một phát biểu về điều 4 cần phải được chỉnh sửa theo hướng dân chủ: quyền lực chính trị phải được trao trả lại cho nhân dân, và đảng cần "tái cấu trúc" lại bản thân mình theo hướng chỉ là một tổ chức chính trị, một chính đảng trước khi trở thành đảng cầm quyền do nhân dân trao cho bằng lá phiếu…

Với tư tưởng đó, tôi đã không kí tên vào Kiến nghị 72 và phụ lục dự thảo HP 2013. Kiến nghị 72 đã trình bày về một thể chế chính trị đa đảng phái (thể hiện rõ ở điều 9 của Dự thảo) mà với tôi thì nhìn thấy tính không tưởng của nó cũng như một sự nguy hiểm chính trị với giả định nó được diễn tiến vào lúc này.

Không tán thành với Kiến nghị 72, nhưng tôi luôn trân trọng tư tưởng và đạo đức chính trị của các nhân sĩ, trí thức đã dày công xây dựng nên nó. Bởi nó thể hiện mong muốn về một chế độ dân chủ và quyền lực minh bạch; bởi nó là một thái độ chính trị nghiêm túc, một phản ứng vào chế độ đảng chủ đang bộc lộ nhiều khuyết tật: bè phái, tham nhũng, chuyên quyền và một lối sống xa hoa; bởi nó là một mong muốn cho nhân dân và đất nước đi lên, hòa cùng nhịp sống với thế giới tiến bộ.

Tôi trân trọng, ngưỡng mộ về văn hóa, đạo đức chính trị của những tác giả đã xây dựng nên nó. Tôi quan niệm rằng, tác giả không phải là những người trực tiếp soạn thảo ra nó. 72 vị nhân sĩ trí thức đứng tên chính là cha đẻ của Kiến nghị 72, là ngọn cờ cho hàng chục nghìn tư tưởng và trái tim nhiều cảm hứng của nhân dân hướng theo…

Vì sự trân trọng ấy mà tôi sửng sốt, thất vọng… khi người trưởng đoàn của nhóm kiến nghị, ông Nguyễn Đình Lộc lại chối phắt rằng vị trí trưởng đoàn của ông là không có ý nghĩa, và rằng ông không phải là người tham gia soạn thảo nên nó trong buổi trả lời phỏng vấn được phát trên VTV1 ngày 22/3.

Là một chính trị gia đã nhiều tuổi, chẳng nhẽ ông không hiểu được rằng ông đã nằm trong phạm trù nhóm 72, là 1/72 nhân cách tạo nên linh hồn của kiến nghị 72 dù ông không tham gia chấp bút? Nếu ông hiểu điều sơ đẳng đó thì ông không thể biến một việc làm, một thái độ chính trị đầy nghiêm túc có tính dấn thân của mình trước đó thành trò hề  được. Ông đã xúc phạm mình, và hơn thế đã phản bội lại niềm tin cùng chí hướng của nhóm 72 đã cùng ông tạo dựng lên những tư tưởng đó, cũng như với hơn chục nghìn người trong nhân dân đã tin tưởng theo ông. Người ta có dư luận con cái ông bị sức ép của nhà đương cục.   Nếu đúng như thế, ông phải rút đi chữ kí đầu tiên của mình và xin lỗi nhân dân mới là sòng phẳng. Tôi không tin vào cái bi kịch đó. Với tôi, ông là một kẻ mơ hồ, nửa vời, phản trắc.

Kiến nghị 72 dù với tất cả những hạn chế trong kĩ thuật thiết kế của nó, dù rằng nó còn nhiều ảo tưởng chính trị, nhưng nó cũng đã có thể được xem như là biểu hiện mong muốn về một thể chế dân chủ đa nguyên cho đời sống chính trị VN. Với ý nghĩa ấy, kiến nghị 72 đã là một cảm hứng, một biểu tượng, một phạm trù trong dòng chảy nhận thức của lịch sử chúng ta. Để cho trọn vẹn một biểu tượng, với hiện tượng Nguyễn Đình Lộc, tôi muốn rằng nhóm 72 nhân sĩ trí thức hãy nên gọi nó là kiến nghị 71 từ đây…

Tác giả gửi Quê choa
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)


BLOG NGUYỄN THÔNG

Đây mới chính là sự suy thoái, thưa ông Tổng bíthư


Tôi tự hỏi "cớ sao lại ra nông nỗi này?".
Dồn dập trong thời gian gần đây, trên báo chí truyền thông có quá nhiều tin tức về những vụ việc đau lòng xảy ra trong phạm vi gia đình, giữa những người ruột thịt: bị chồng hành hạ, người vợ cột con vào mình nhảy xuống sông tự tử; mang công mắc nợ, chồng ép vợ và con uống thuốc trừ sâu cùng chết; con trai giận dỗi, đổ xăng đốt sống cả bố, vợ, con 6 mạng người; vợ đầu độc chồng, cha mẹ giết con ruột, anh chị em ruột hại nhau; bán người yêu như bán rau… Sự bất an, nguy hiểm, tàn bạo, táng tận lương tâm đã mò vào tận từng gia đình, nơi được coi là tế bào xã hội, là pháo đài cố thủ của đạo đức. Nguy lắm thay. Đáng sợ lắm thay.


Phải nói thẳng ra rằng đây là tình trang cực kỳ nguy hiểm, báo hiệu sự xuống cấp cùng cực của đạo đức, nhân tính. Nếu chỉ nơi này nơi kia, thi thoảng người này người khác mới xảy ra sự tha hóa ấy cũng đã đáng sợ rồi, chứ đâu lại dồn dập, cấp tập thế. Rõ ràng là đạo đức xã hội đang bị khủng hoảng nghiêm trọng, vọng lên hồi chuông cấp báo. Một chút liên tưởng: hằng năm vào mùa khô, ngành lâm nghiệp mỗi ngày đều đưa ra mức cảnh báo mối nguy cháy rừng, từ cấp nguy hiểm, rất nguy hiểm, đến cực kỳ nguy hiểm. Vậy thì rừng đạo đức xã hội, nhân tính đang rơi vào mức cuối cùng.

Cái gì đã đẩy con người vào bi kịch tha hóa ghê gớm ấy? Ngày trước, thời mở cửa, đã có cảnh báo rác rưởi sẽ tràn vào. Ừ thì thế đi, phải chấp nhận, nhưng đây là rác nội, thứ phế thải độc hại sinh ra từ quá trình buông lỏng giáo dục đạo đức, lòng nhân ái, tính người trong cả gia đình, nhà trường, xã hội chúng ta. Thậm chí có người quá lo lắng còn bảo rằng suốt chuỗi lịch sử Việt Nam chưa bao giờ có sự tuột dốc như vậy. Những tấn bi kịch gia đình kiểu như trên, ngày xưa thường chỉ xuất hiện nhiều khi xã hội nhiễu nhương, loạn lạc, khủng hoảng vô phương cứu chữa. Cụ Hồ từng chỉ ra "Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên". Thời thực dân phong kiến xưa kia nền tảng đạo đức, nhân tính cũng không đến nỗi bi đát thế, nay ta tốt đẹp gấp vạn lần mà sao sự tàn ác lại trỗi dậy, thiên lương trong con người bị dồn đến đường cùng?

Chúng ta đang tồn tại cả hệ thống chính trị chặt chẽ từ trên xuống dưới, từ trung ương tới cấp làng xã, đủ cả cơ quan đoàn thể đảng, mặt trận, phụ nữ, thanh niên, chính quyền. Đang duy trì biết bao nhiêu viện, trường, cơ sở nghiên cứu về xã hội học, tâm lý học, khoa học xã hội với hàng vạn giáo sư, tiến sĩ chuyên nghiên cứu về tâm tính con người. Trường học từ mầm non, tiểu học đến đại học đều có chương trình phần rao giảng đạo đức, lối sống, tính thiện. Báo chí truyền thông vẫn thường ca ngợi những tấm gương đạo đức, gương mẫu… Vậy thì tại sao lại không thu được kết quả mong muốn? Có phải chúng ta quá hời hợt, xem nhẹ, làm cho hình thức, cho có chứ đâu phải thực sự quan tâm bồi dưỡng liên tục, thường xuyên, sâu sắc lòng nhân ái, vị tha cho mỗi con người? Dường như chúng ta đã quá chú trọng đến việc phát triển kinh tế mà xem nhẹ việc bồi dưỡng nhân cách, đạo đức. Chính ông bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận khi trả lời chất vấn của Ủy ban thường vụ QH hôm 22.3 cũng phải thừa nhận rằng trong nhà trường "chúng ta quan tâm nhiều đến việc dạy chữ mà không xem trọng việc dạy người".

Vừa qua ngày 20.3 toàn thế giới hưởng ứng kỷ niệm Ngày hạnh phúc thế giới. Liên Hiệp Quốc không phải không có lý khi ra hẳn một nghị định về ngày hạnh phúc, bởi con người ta sinh ra và sống ở trên đời, ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc. Để đem lại hạnh phúc thực sự, chúng ta đang có quá nhiều việc phải làm, nhưng trước hết hãy xóa đi những bi kịch, nỗi đau nhân tình mà con người và xã hội đang oằn lưng gánh chịu.

Đây mới chính là sự suy thoái, thưa ngài tổng bí thư.

Hãy cứu lấy con người. Có ai nghe tiếng kêu cứu không....  

23.3.2013
Nguyễn Thông


BLOG ĐOAN TRANG

Tôi đã từng nghĩ, trong mọi cuộc đấu tranh đều có sự "phân công lao động": Có người thì luôn ở tuyến đầu, trực diện chiến đấu, thậm chí giáp lá cà với đối phương; có người luôn ở vị trí nhân viên tình báo, âm thầm và lặng lẽ đưa thông tin của đối phương về cho quân mình. Vai trò của nhân viên tình báo vô cùng quan trọng, nhất là khi thông tin trở thành thứ vũ khí lợi hại nhất.

Trong công cuộc đấu tranh vì dân chủ cũng vậy, tôi đã từng tin là có những người đóng vai trò "điệp viên hoàn hảo" như thế. Đó là lý do để tôi viết bài "Giọt nước mắt của lề phải", với những câu này: "Nhưng dù thế nào đi nữa, (…) vẫn luôn có những nhà báo lề phải ngày đêm lặng lẽ mang những gì tốt đẹp nhất mình có thể tìm được đến cho độc giả. Tôi kính phục họ - những nhà báo trung thực, giấu sự phản kháng vào trong thầm lặng. (…) Họ im lặng, cố gắng mang đến cho độc giả những thông tin tốt nhất có thể có được, thông qua một lối diễn đạt nhẹ nhàng nhất, và chỉ thầm ước mong: rồi độc giả sẽ hiểu".

Nhưng ngay cả khi viết những dòng như thế, tôi cũng vẫn nghĩ rằng, sẽ đến một lúc mà mỗi người ở cái cương vị "lề phải" ấy phải lựa chọn: Đứng về phía sự tiến bộ, vì nhân dân, hay đứng về phía cường quyền, chống lại nhân dân? Sẽ đến một lúc mà sự im lặng trở thành đồng loã với tội ác, sự "đóng giả, vào vai nhà tình báo hai mang" là sự dối trá, và cái lập luận "phải nhẫn nhục ở trong chúng nó để đánh phá chúng nó từ bên trong" trở thành bao biện.  Đó chính là khi mà, không có những thông tin của anh, người ta cũng chẳng thiếu thông tin; không có sự "hỗ trợ" từ anh, người ta cũng chẳng chết.  Anh không thể lấy cớ "tôi phải ẩn mình, phải giả vờ giống như chúng nó, để bọc lót, hỗ trợ anh em" để biện minh cho sự hèn nhát, kém cỏi hay phản bội của mình được.

Hành động của ông Nguyễn Đình Lộc khi trả lời chương trình Thời sự 19h của VTV hôm 22/3 cũng vậy, không có gì biện minh cho ông được.  Điều duy nhất mà tôi có thể khẳng định theo hướng có lợi cho ông, đó là, từ góc nhìn của một phóng viên, tôi biết phóng sự này của VTV có sự  cắt và ghép hình ảnh, lời nhân vật (ít nhất là sử dụng nhiều hình chèn vào đoạn phỏng vấn). Nhưng điều đó chỉ thuần tuý là kỹ thuật, chứ không ảnh hưởng gì đến suy nghĩ, đến thông điệp mà ông Lộc truyền tải đến khán giả, thông điệp ấy là "Tôi không liên quan đến bản Kiến nghị Hiến pháp của 'một số người' nào đó".

Tôi đã từng nghĩ "trong lề phải có những giọt nước mắt". Tôi cũng đã từng nghĩ "sẽ đến một thời điểm mà sự hai mang, hai mặt không còn có thể được chấp nhận nữa". Và tôi sợ rằng thời điểm ấy đã đến rồi.


BLOG ĐÀO TUẤN

 Không hề hài hước khi cư dân mạng đề nghị "thưởng đột xuất" cho những tên trộm. Thậm chí, đề nghị báo chí gọi đó là "những tên trộm nhân dân".

8 năm trước, Hà Nội lên cơn sốt sau khi một "thầy thuốc đông y kiêm nhà sư", ông Lê Quốc Hồ khai báo mất trộm 2,5 tỷ USD.

Đây là những tài sản được cho là đã bị mất trong vụ trộm: 2,5 tỷ USD đựng trong 13 chiếc vali và… 80 chiếc thùng các-tông (kích thước 80 cm x 40 cm x 40 cm). Ngoài ra, mất thêm một chiếc vali đựng vàng, bạc, đồ trang sức, đá quý, trong đó có "500 viên kim cương (14-15 ly)", 5 viên "ngọc tỷ truyền quốc, mỗi viên to bằng quả trứng vịt!", "4 pho tượng cổ bằng đồng đen (cao 50 cm) được đúc từ thời Lý – Trần".

Ghê nhất phải là "xác nhận" mà ông sư này nói với các PV: 2,5 tỷ bị mất là "một phần nhỏ" trong tài sản 55,2 tỷ USD của ông.

Tất nhiên, chẳng có ai thành "con lừa" của thầy lang hết. Đúng 1 ngày sau, Công an Long Biên, bằng một nghiệp vụ quá ư đơn giản "nhìn thẳng và hỏi thẳng", xác nhận, nói kiểu dân gian, đây là một vụ "buôn thịt lừa". Thời nay, chẳng ai mất trộm mà lại be khoe khoang, kể lể cả những gì chưa mất. Chưa nói quan chức có chót mất trộm không khéo phải ngậm bồ hòn làm ngọt, khi danh chính ngôn thuận đố ai chứng minh đó là tài sản từ "mồ hôi nước mắt".

Khi đọc những dòng chữ này, hẳn bạn đọc nghĩ liền đến vụ mất trộm không ít gay cấn, hấp dẫn của vị Giám đốc sở Tài chính Kon Tum.

Sau một chuyến du lịch dài ngày, nữ gia chủ- một Trưởng phòng Tổ chức Cục Thuế, phu nhân của Giám đốc Sở Tài chính Kon Tum Đặng Xuân Thọ- trở về, theo VietNamNet, bà "hoảng hốt đến ngất xỉu" sau khi biết số của chìm của nổi bị bọn trộm khoắng bằng sạch. Ngay lập tức, bà phi báo công an, nhưng khai rằng "Không hề mất gì".

1 tuần sau, bà Trưởng phòng khai báo lại. Lần này báo mất 5 lượng vàng. 1 tháng sau, công an tóm gọn băng trộm. Bọn này, rất thật thà, khai đã trộm 63 cây vàng. Ngoài ra, còn một cơ số nhẫn đeo tay tổng cộng 15 chỉ, 1 sừng bò tót và một….khẩu súng điện.

Ấy thế mà một bức ảnh trên báo cho thấy ngôi nhà của ông giám đốc Sở, mang tính chất "chiếc áo" cho số tài sản khổng lồ này nom giản dị thanh bạch như "thảo lư" của những vị quan thanh liêm xưa.

Hình như những tên trộm giờ đây đang đóng vai trò một vụ "cháy nhà", để lòi ra ối thứ mà khi phóng bút ký soẹt soẹt vào những bản kê khai tài sản sạch sẽ, các quan chức hay quên. Chưa kể đến những đặc quyền, kiểu tàng trữ sừng tê và vũ khí nữa. Vừa tháng trước, một trưởng BQL cấp huyện khai báo bị trộm khoắng tiền vàng dollar trị giá 2 tỷ.

Rồi thì trộm cắt khóa cổng đàng hoàng ẵm đi một chiếc Corrola Altis của trưởng Ban Phòng chống tham nhũng tỉnh Đồng Nai.

Sáng nay, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Kon Tum cho biết sẽ kiểm tra lại việc kê khai tài sản của ông Đặng Xuân Thọ, Giám đốc Sở. "Nếu ông Thọ không kê khai tài sản này, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy sẽ có đề nghị xử lý theo quy định".

Ông Thọ sẽ nói gì về số tài sản này?

"Tiền mồ hôi, nước mắt, xuất phát từ trí tuệ, vận động cá nhân chứ không phải là dựa dẫm vào bất kỳ ai, vào mối quan hệ nào"- như lời con trai một vị Bí thư tỉnh ủy?

"Tiền doanh nghiệp gửi để qua tết nộp ngân sách"- như khai nhận của vị Trưởng BQL cấp huyện?

Hay của hồi môn? Hay tài sản ông bà để lại?

Dù có khai gì thì có lẽ chẳng ai, kể cả chính vị GĐ Sở, tin rằng đó là số tiền từ lương, tách rời chữ "bổng", hoặc chữ "lậu" khi mà sự không chính danh đã xuất hiện ngay từ lời khai báo "không mất gì".

Bây giờ, có một câu hỏi cần được đặt ra: Các Giám đốc, Chủ tịch có bao nhiêu tài sản? Câu trả lời này đừng mong sẽ tìm thấy trong những bản kê khai. Vậy thì, ngoài số đã bị mất, các trưởng ban, trưởng phòng còn lại những gì? Cũng chẳng ai biết trừ phi họ lại tiếp tục mất trộm.

Không hề hài hước khi cư dân mạng đề nghị "thưởng đột xuất" cho những tên trộm. Thậm chí, đề nghị báo chí gọi đó là "những tên trộm nhân dân".


BLOG BS HỒ HẢI

Tình hình thế giới thay đổi từng giờ. Cách đây 1 năm hương Hoa Nhài lan tỏa khắp Bắc Phi và Trung Đông chỉ vì cái chết của một thanh niên da màu ở Tunisia. Một loạt các nhà độc tài, lừng lẫy ra đi. Việc chuyển trục từ Trung Đông sang Thái Bình Dương được người Mỹ sắp xếp từ tháng 10/2010 làm khu vực Thái Bình Dương không còn thái bình như cái tên gọi của nó. 

Trung Hoa tranh chấp với Nhật qua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nam Bắc Hàn đang hục hặc chỉ vì lệnh cấm vận gia tăng với sự đồng thuận của đồng minh Bắc Hàn - Trung Hoa - với Mỹ. Báo chí Việt yên ắng 2 thập niên, không dám lên tiếng việc lấn chiếm biển Đông của anh cả đỏ Trung Hoa, tự nhiên vài tháng gần đây lại lên tiếng một cách ồn ả.

Nhưng có một cơn sóng ngầm, mà ít ai chú ý, là, câu chuyện đàm phán của các nước thành viên trong Hiệp  định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương - TTP: Trans-Pacific Stratergic Economic Partership Agreement - một hiệp định thỏa thuận thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền kinh tế Châu Á Thái Bình Dương. Đây là sáng kiến của 4 nước Singapore, New Zealand, Chile và Brunei khởi xướng từ tháng đầu 6/2005. Và đến 2010, ngày cuối cùng của hội nghị APEC - 14/11/2010 tại Nhật Bản - có thêm 6 thành viên gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Peru, Malaisia và Việt Nam cùng gia nhập với lời đề nghị của tổng thống Obama, mà không có một lời nào đá động đến Trung Hoa. Lúc đó, Trung Hoa đã nổi giận.

Nếu xem WTO là một Tổ chức Thương mại Toàn cầu, thì có thể xem, TTP là một dạng WTO thu nhỏ trong 10 quốc gia xuyên Thái Bình Dương siết chặt vòng vây quanh Trung Hoa bị cô lập. Thế nhưng, đời có những chuyện éo le. Nếu hầu hết các quốc gia trong 10 thành viên TTP đều đáp ứng điều kiện khó khăn của người Mỹ đưa ra, thì Việt Nam đang tiến thoái lưỡng nan chỉ với một điều kiện duy nhất không khó khăn với các quốc gia khác, mà lại rất cam go với nhà cầm quyền hiện nay - Nhân Quyền. Đổi lại, mọi ưu đãi với Việt Nam sẽ mang lại cho Việt Nam chỉ trong 2 năm có thể giải quyết được nợ công 60 tỷ đô la do tham nhũng, đang đè lên tâm trí lãnh đạo Việt và 90 triệu cái lưng còm cõi của dân nghèo nước Việt. Khó quá.

Quay sang Trung Hoa vài tháng nay siết chặt trên biển Đông, truyền thông Việt lên tiếng mà hơn 20 năm qua chưa bao giờ dám hó hé với anh cả đỏ. Bạn gấu Nga, nước xa không thể cứu được lửa gần mà, thậm chí còn lừa nước đục thả câu, bán vũ khí kiếm lãi, và nhân tiện quay lại Vịnh Cam Ranh, mà họ đã phải rút lui từ gần 20 năm trước. Người Nga không còn là người Liên xô của thời làm đại ca nuôi đàn em ăn bám. Người Nga hôm nay là người của tư bản giãy chết ờ thời kỳ lột xác - lợi nhuận trên hết.

Đơn chiếc, hiu quạnh và giảm tự tin với bên ngoài, vì nước nào cũng đặt quyền lợi của họ lên trên tinh thần Quốc tế vô sản ngày nào. Lúng túng, lo lắng và loay hoay với bên trong vì lòng tin của dân hầu như đã mất vì một thể chế chính trị thối nát đang đẩy cả văn hóa, giáo dục, kinh tế, v.v... sụp đổ. Có lẽ vì tất cả các điều đó mà, chuyện sửa đổi hiến pháp phải dời đến tháng 10/2013, thay vì sẽ được làm đám cưới chạy tang - shotgun wedding - trong nửa đầu năm nay?

Cô độc!

Tư Gia, 23h22' ngày thứ Sáu, 22/3/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét