Bundesrechtsanwaltskammer
Littenstrafe 9 / 10179 Berlin
Ngài Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
1 Hoàng Hoa Thám
Hà Nội, Việt Nam
Berlin, ngày 6 tháng 2 năm 2013
Về việc: Luật sư Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ
Thưa Ngài,
Tổ chức Bundesrechtsanwaltskammer (Hiệp Hội Luật Sư Liên Bang Đức) đại diện cho quyền lợi của 28 Hội Luật Sư Đức và vì thế là đại diện của toàn bộ giới chuyên môn về luật của Cộng Hoà Liên Bang Đức, một tổ chức hiện có khoảng 160 ngàn luật sư, vis-à-vis authorities, các toà án và tổ chức ở mức quốc gia, Châu Âu và quốc tế.
Đại diện cho giới chuyên môn về Luật ở Đức, chúng tôi cũng cổ vũ cho việc tôn trọng các quyền con người được quốc tế công nhận. Với cách nhìn của chúng tôi thì việc bảo vệ các quyền con người, theo quy định trong các điều luật quốc tế được công nhận trên toàn thế giới, là một nhiệm vụ quốc tế.
Chúng tôi đặc biệt để ý tới các luật sư đang phải đối mặt với sự sách nhiễu hoặc nguy hiểm, những người bị hạn chế quyền được tự do thực hiện các hoạt động mang tính chuyên môn của mình, những người bị đe doạ hoặc bị ngược đãi, và những người phải đối mặt với sự đàn áp như bỏ tù, chỉ bởi họ theo đuổi việc bảo vệ quyền con người.
Chúng tôi vì thế chủ động đề nghị Ngài chú ý tới sự việc sau:
Dựa trên những thông tin mà chúng tôi có, luật sư người Việt, nhà bảo vệ quyền con người và bảo vệ môi trường, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đã bị kết án vào ngày 4/4/2011 bảy năm tù giam kèm theo 3 năm quản chế sau phiên toà kéo dài có 6 tiếng đồng hồ. Ông bị bắt vào ngày 5/11/2010 và bị kết tội "tuyên truyền chống nhà nước". Ông đã bị buộc tội đòi đa đảng và chấm dứt thể chế độc đảng tại Việt Nam. Trong năm năm qua, ông Vũ đã liên tục lên tiếng một cách ôn hòa phản đối việc lạm dụng quyền lực, bảo vệ các dân oan bị tước đoạt ruộng đất và bảo vệ môi trường.
Vào tháng 6/2009 và tháng 10/2010 ông Vũ đã phản đối dự án khai thác mỏ bô-xít đầy tranh cãi có liên quan đến Trung Quốc ở cao nguyên miền Trung Việt Nam, một dự án đã được chính phủ phê duyệt. Việc khai thác bô-xít đã tạo ra nhiều vấn đề môi trường đáng quan ngại. Vào tháng 10/2010 ông đứng ra bảo vệ một nhóm giáo dân Công Giáo ở Đà nẵng, những người bị bắt vào tháng 5/2010 sau khi lực lượng công an dùng vũ lực giải tán một lễ tang. Sau đó ít lâu, chính ông Vũ cũng bị bắt.
Phiên tòa kéo dài một ngày để kết tội ông Vũ đã không được tổ chức công khai; báo chí nước ngoài chỉ có quyền truy cập hạn chế. Trong phiên tòa, thẩm phán đã đuổi một luật sư bào chữa ra khỏi tòa, khiến cho ba vị luật sư bào chữa còn lại cũng rời phiên tòa để phản đối.
Trước phiên tòa ông Vũ đã đưa ra yêu cầu được giao bản cáo trạng để chuẩn bị cho việc bào chữa cùng với luật sư của mình. Ông đã không được cung cấp bất kỳ tài liệu nào, bất chấp sự thật rằng, theo thủ tục tố tụng hình sự, thì phía bên bị phải được quyền truy cập các tài liệu này. Trong phiên tòa, một luật sư của ông đã liên tục yêu cầu xem xét các hồ sơ, và dựa vào lý do đó mà thẩm phán đã đuổi vị luật sư này ra ngoài phòng xét xử. Ông Cù Huy Hà Vũ đã đồng ý với sự phản đối của các đồng nghiệp của mình trong tình huống này. Ông Vũ đã trở thành luật sư tự bào chữa cho mình. Phiên tòa như thế là vi hiến và cũng không tuân thủ theo thủ tục tố tụng hình sự.
Trong số các tài liệu không được quyền truy cập có 10 cuộc phỏng vấn được cho là ông Vũ đã thực hiện với truyền thông quốc tế. Trong số đó có cuộc phỏng vấn với đài Á Châu Tự Do (RFA), là bằng chứng chủ yếu kết tội ông Vũ. Thẩm phán đã từ chối đọc công khai tài liệu này trước tòa.
Báo cáo cho biết phiên tòa đã không tuân thủ pháp luật, chỉ dựa trên lý do rằng hồ sơ cáo trạng đã không được công bố. Tất cả những gì được công bố công khai trước phiên tòa là ông Vũ đã "phá hoại chính quyền nhân dân, tiến hành chiến tranh tâm lý chống lại chính quyền và cố gắng lật đổ chính quyền bằng cách đòi đa nguyên đa đảng". Nguyên tắc vô tội cho tới khi bị kết án, cũng như nguyên tắc mọi người đều có quyền được bảo vệ mình trước tòa đã bị tảng lờ. Tòa phúc thẩm ở Hà Nội giữ phán quyết của tòa sơ thẩm đối với ông Vũ vào tháng 8/2011.
Chúng tôi rất quan ngại về số phận của đồng nghiệp của mình và mong Ngài làm sáng tỏ tình hình án phạt hiện thời của ông Cù Huy Hà Vũ. Xin Ngài hãy thông báo cho chúng tôi biết rằng những thông tin mà chúng tôi có là đúng hay sai, và quan điểm của Ngài về vụ việc này như thế nào.
Nếu những gì chúng tôi nêu ở trên là đúng sự thực, thì việc kết án ông Cù Huy Hà Vũ là vi phạm những nghĩa vụ được nêu trong Công ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị của Liên Hiệp Quốc, mà Việt Nam là một nước đã phê chuẩn. Theo điều khoản số 14, mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một toà án độc lập, vô tư và có thẩm quyền theo luật, để phán xử về những tội trạng hình sự mà mình bị cáo buộc hay về những quyền lợi và nghiã vụ của mình trong các vụ tranh tụng khác. Bị cáo về các tội hình sự có quyền được suy đoán là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội theo luật. Điều 19 khoản 2 cho phép mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.
Bên cạnh đó, theo Các Nguyên Tắc Cơ Bản về Vai Trò của Luật Sư của Liên Hiệp Quốc, các luật sư phải được "thực hiện đầy đủ các chức năng nghề nghiệp của họ mà không bị đe dọa, ngăn cản, sách nhiễu hay can thiệp một cách không đúng pháp luật". Những điều khoản này cũng cho phép luật sư "có quyền được tham gia vào những cuộc thảo luận công khai về những vấn đề liên quan đến luật pháp, đến thực thi công lý và khuyến khích cũng như bảo vệ các quyền con người".
Cuối cùng, chúng tôi đề nghị Ngài hãy đảm bảo bằng mọi cách rằng các biện pháp cần thiết sẽ được thực hiện để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho ông Cù Huy Hà Vũ, và để thúc đẩy việc trả tự do cho ông. Hãy đảm bảo rằng ông Vũ có cơ hội tiếp xúc với gia đình và luật sư của mình thường xuyên.
Trân trọng,
Axel C. Filges (đã ký)
Chủ tịch Hiệp Hội Luật Sư Đức
Đồng gửi:
- Bộ Tư Pháp, Hà Nội
- Bộ Công An, Hà Nội
- Tòa Án Nhân Dân Tối Cao Hà Nội
- Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, Hà Nội
- Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức, Berlin
- Bộ Tư Pháp Đức, Berlin
- Bộ Ngoại Giao Đức, Berlin
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét