Thưa các anh chị,
Gần đây, tôi được đọc trên diễn đàn sci-edu hai bài viết rất tâm huyết của anh Nguyễn Trung trong hai tuần liên tiếp. Bài thứ nhất là "Thư ngỏ gửi lãnh đạo Việt Nam" về vấn đề sửa đổi Hiến pháp, nhấn mạnh vào sự cần thiết phải "cải cách chính trị triệt để và toàn diện" và khẳng định đây là "cơ hội cuối cùng" để xây dựng một nhà nước pháp quyền dân chủ. Bài thứ nhì, "Câu chuyện Myanmar", kể lại cuộc chuyển đổi của Myanmar từ độc tài sang dân chủ trong hoà bình, ổn định, để cuối cùng nêu lên câu hỏi: Myanmar làm được, tại sao Việt Nam ta không làm được?
Thật ra, cựu đại sứ Nguyễn Trung không phải là người duy nhất lên tiếng báo động và kêu gọi giới lãnh đạo kịp thời thức tỉnh để có thể bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước. Nhiều nhân sĩ, trí thức khác, cả trong lẫn ngoài nước, cũng đã thẳng thắn cảnh báo vả đóng góp ý kiến tâm huyết qua những kiến nghị hay thư ngỏ. Anh Nguyễn Trung đã có hơn một lần tham gia vào những nỗ lực chung đó, gần đây nhất là ký tên trong số 72 người đầu tiên đề nghị một hiến pháp dân chủ thay thế bản hiến pháp 1992.
Ở đây, tôi đặc biệt nhắc đến hai bài viết mới của anh Trung là vì trong bài đầu, anh đã đúc kết rành mạch những ý kiến chung về nhu cầu cấp bách phải thay đổi Hiến pháp và thiết lập một thể chế dân chủ pháp trị, và trong bài thứ hai, anh đã nêu ra trường hợp Myanmar như một mô hình chuyển hoá về chính trị và phát triển có thể áp dụng cho Việt Nam.
Chúng ta không cần phải phân tích thêm những chính sách sai lầm tai hại của nhà cầm quyền về đối nội và đối ngoại để chứng minh cho sự cần thiết phải cải cách chính trị triệt để và toàn diện. Hiển nhiên là từ hội nghị Thành Đô năm 1991 đến nay, Bắc Kinh càng ngày càng có điều kiện thuận lợi để từng bước lấn chiếm lãnh thổ và lãnh hải, lũng đoạn nền kinh tế và thực hiện mưu toan Hán hoá dân tộc Việt Nam. Trong khi đó, tình trạng suy thoái xã hội về mọi mặt và nạn tham nhũng trong toàn bộ hệ thống cai trị ở Việt Nam đã trở nên trầm trọng vô phương cứu chữa. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã không còn che dấu được chủ trương dựa vào Trung Quốc đề duy trì quyền lực và lợi ích cùa cá nhân, gia đình và bè phái. Mọi lời tuyên bố bảo vệ độc lập và chủ quyền, mọi hành động tăng cường phòng thủ, đều cho thấy đó chỉ là những màn hỏa mù, những thủ đoạn lừa dối nhân dân và dư luận thế giới, trái ngược với thực tế là nhượng bộ Trung Quốc và đàn áp những biểu hiện yêu nước của nhân dân.
Vì chủ quan tin ở khả năng khuất phục được nhân dân như đã có kinh nghiệm đối với những ý kiến đóng góp cho các Đại hội 10 và 11 cũng như mọi kiến nghị khác của nhân sĩ, trí thức, lần này lãnh đạo Đảng lại đưa ra bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp và kêu gọi nhân dân góp ý để cuối cùng bản Hiến pháp chính thức vẫn sẽ là bản dự thảo của Đảng. Lãnh đạo Đảng chủ quan đến độ chính thức khẳng định mục đích sửa đổi Hiến pháp 1992 là muốn cho nhân dân "phát huy quyền làm chủ" và "thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thậm chí "nhân dân có thể góp ý về tất cả các nội dung trong Dự thảo Hiến pháp, kể cả 'Điều 4', không có gì là cấm kỵ."
Không ngờ tình hình đã hoàn toàn đổi khác. Bản Kiến nghị của 72 người đến hôm nay đã có gần 7.000 người tham gia. Nhiều nhóm công dân khác cũng lên tiếng, đặc biệt là nhóm "Công dân Tự do", bắt đầu với 1.000 chữ ký của những người thuộc những lớp tuổi khác nhau, đòi hỏi không chỉ môt hiến pháp dân chủ mà còn phải thật sự thi hành những quyền tự do dân chủ của mỗi người dân. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đại diện cho tiếng nói của hàng triệu giáo dân, cũng vừa công bố thư gửi Uỷ ban Dự thảo Hiến pháp, nêu rõ mâu thuẫn căn bản giữa sự độc tôn của đảng cầm quyền và chủ nghĩa Mác-Lê trong bản Dự thảo với quyền con người trong bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân Quyền mà Việt Nam đã ký kết. Lá thư của HĐGM cũng nhấn mạnh là cần phải thực thi những quyền tự do căn bản của người dân, như tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Rõ ràng là phong trào dân chủ đang lan rộng để trở thành một khối áp lực của nhân dân mà chế độ độc tài sẽ chỉ có hai lựa chọn: hoặc nhượng bộ để thay đổi thể chế trong hoà bình, hoặc chống lại bằng võ lực để một mất một còn.
Trước những phản ứng bất ngờ của nhân dân, lãnh đạo Đảng CSVN đã hoảng hốt và vội vã tìm cách ngăn chặn sự lan rộng của phong trào dân chủ. Cả Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội đều quên đi những khẳng định về quyền làm chủ và tự do góp ý của nhân dân để kết tội những góp ý này là "suy thoái tư tưởng, đạo đức", là "chống lại đảng, chống lại chính quyền… phải kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn". Một cuộc đối đầu giữa chính quyền và nhân dân sẽ không thể tránh được trừ khi có những bộ óc tỉnh táo trong bộ máy lãnh đạo thuyết phục được đa số chấp thuận đối thoại với các đại diện của nhân dân để giải quyết thoả đáng vấn đề sửa đổi hiến pháp và cải tổ chính trị.
Việt Nam và mô hình Myanmar
Từ ngày lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi được khỏi bị giam giữ tại nhà ngày 13.11.2010 và sau khi cựu Tướng Thein Sein chính thức nhậm chức Tổng thống ngày 30.03.2011, quốc gia Myanmar đã có một loạt cải cách êm đẹp từ độc tài sang dân chủ. Kết quả quan trọng nhất là:
1. Hoà giải dân tộc bằng việc phóng thích tù nhân chính trị qua nhiều đợt liên tiếp. Tổng thống Thein Sein kêu gọi mọi người bất đồng chính kiến ở trong và ngoài nước cùng chung tay xây dựng đất nước.
2. Nhìn nhận và hợp tác với "Liên minh Quốc gia vì Dân chủ" (NLD), đảng đối lập của bà Aun Sang Suu Kyi.
3. Tổ chức bầu cử bổ sung dân biểu với 35 đảng tham gia trong đó đảng NLD chiếm 42 trên 46 ghế và bà Suu Kyi trở thành một lãnh tụ đối lập có uy tín được Tổng thống Thein Sein tiếp đón và đánh giá bà có thể trở thành tổng thống.
4. Bãi bỏ cơ quan kiểm duyệt và ban hành quyền tự do thông tin báo chí.
5. Đặt lợi ích quốc gia lên trên hết bằng quyết định hủy bỏ hợp đồng thủy điện Myitsone 3,6 tỷ USD đã ký với Trung Quốc để bảo vệ môi trường sinh thái của nhân dân.
6. Mời trí thức chuyên gia mọi ngành làm tư vấn cho chính phủ, lắng nghe và thực hiện những đề nghị cải cách và phát triển của họ.
7. Phát triển kinh tế bằng cách bớt nhờ cậy vào Trung Quốc và tạo điều kiện cho các quốc gia phát triển đầu tư. Trong khi Hoa Kỳ vá Âu châu đang chuẩn bị, Nhật đã tiên phong giúp Myanmar thanh toán nợ nần và đổ tiền vào các dự án đầu tư mới ở xứ này.
Câu hỏi của anh Nguyễn Trung, "Myanmar làm được, tại sao Việt Nam ta không làm được?" cũng là niềm trăn trở của nhiều người đang tìm một giải pháp thích hợp cho Việt Nam. Tất nhiên hoàn cảnh mỗi nước một khác, nhưng mục tiêu bảo vệ lợi ích quốc gia và xây dựng dân chủ thì không thể nào khác được. Lãnh đạo Việt Nam cũng thường nói đến những mục tiêu ấy nhưng không làm hay cứ lúng túng không biết làm thế nào cho khỏi thành… tự sát. Họ quên mất rằng nếu nhất định không làm thì sớm muộn gì cũng sẽ là tự sát mà thôi. Như vậy, vấn đề là giải quyết cách nào cho thích hợp, hoà bình và khả thi trong trường hợp Việt Nam.
Trước hết, hãy xem xét những điểm khác nhau giữa Việt Nam và Myanmar. Mặc dù cùng có bản chất là độc tài toàn trị, chế độ quân phiệt của Myanmar không phát xuất từ một đảng chính trị có tổ chức, có cơ sở lý thuyết, kỷ luật chặt chẽ, kinh nghiệm đấu tranh và gốc rễ quốc tế lâu đời như Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, đảng cộng sản Việt Nam ngày nay đã không còn có khả năng tuyên truyền và ảnh hưởng của một đảng cách mạng dưới ngọn cờ giải phóng đất nước và đem lại tự do, hạnh phúc cho toàn dân. Ngày nay, trước mắt nhân dân và những đảng viên thật lòng yêu nước, đảng cách mạng đã suy thoái, biến chất thành một đảng cầm quyền độc tài, tham nhũng, đối xử tàn ác với nhân dân, phục tùng Trung Quốc để bảo vệ sự tồn tại và lợi ích của bè phái. Khác với Việt Nam, lãnh đạo Myanmar không lệ thuộc Bắc Kinh và hiểm họa Trung Quốc không phải là nguy cơ trước mắt.
Ngoài ra, về biểu hiện cụ thể, có ít nhất ba điểm khác biệt rất hiển nhiên giữa hai chế độ:
1. Việt Nam không có nhiều đảng chính trị như Myanmar, nhất là những đảng đối lập như National League for Democracy (NLD) hay Democratic Voice of Burma (DVB).
2. Việt Nam không có lãnh tụ đối lập như Aun Sang Suu Kyi.
3. Việt Nam không có lãnh đạo cầm quyền sáng suốt và dũng cảm như Thein Sein.
Dù sao, sau hơn nửa thế kỷ bị lừa dối và bóc lột, sự bất mãn của nhân dân ngày càng chồng chất đã gần chạm tới mức "báo động đỏ" cho chế độ. Thái độ hốt hoảng và những lời răn đe của lãnh đạo trái với những lời hứa hẹn ban đầu chỉ làm gia tăng cường độ chống đối. Người dân đã không còn sợ hãi. Trong đa số thầm lặng đã có thêm những tiếng nói dũng cảm của những khuôn mặt mới có hiệu ứng dây chuyền. Tuy nhiên, trong một đất nước không có đảng đối lập và lãnh tụ đối lập có uy tín, một cuộc đối đầu gay go giữa dân chúng và nhà cầm quyền sẽ khó lòng tránh khỏi hỗn loạn và đổ máu. Vài ngày trước đây, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã tuyên bố cần phải có đảng đối lập. Nhưng dưới một chế độ mà không một tổ chức độc lập nào được phép hoạt động, dù chỉ làm từ thiện hay nghiên cứu khoa học, việc thành lập đảng chính trị không thể thành tựu nếu không có quyết tâm và những bước chuẩn bị thực tế và khả thi.
Hãy bắt đầu bằng một nhóm nhỏ không chính thức, gồm những công dân yêu nước và cấp tiến, đại diện cho những thành phần cách mạng lão thành, nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, văn nghệ sĩ, nhà báo, thanh niên, sinh viên, nông dân, công nhân, quân đội nhân dân... Đây là bước đầu của sự hình thành một mạng lưới công dân cùng chung một mục đích mặc dù vẩn có thể có những suy nghĩ và cách tiếp cận khác nhau, mầm mống của một xã hội dân chủ đa nguyên, đa đảng. Nhóm đại diện này sẽ khởi xướng phong trào dân chủ của toàn dân. huy động và phối hợp các tiềm lực trong đa số thầm lặng để có một tư thế mạnh đối thoại với nhà cầm quyền về lộ trình dân chủ hoá. Những trí thức chủ động "Kiến nghị 72" cần đảm nhận trách nhiệm thành lập nhóm đại diện các thành phần kể trên. Nhóm đại diện này có thể sẽ bầu ra những chức vụ điều hành. Sinh hoạt theo lề lối dân chủ phải tuyệt đối tôn trọng. Đây chỉ là những gợi ý sơ khởi cần được những người chủ động xem xét và hoạch định sát với thực tế.
Đây là cơ hội và thời điểm thích hợp nhất cho trí thức thi hành sứ mệnh lịch sử. Những khuyến cáo, kiến nghị hay thư ngỏ cần thiết lúc ban đầu nay cẩn được chuyển sang hành động. Cho đến nay, đa số chuyên gia và trí thức hàn lâm vẫn chỉ có những cuộc hội thảo thiên về nghiên cứu những vấn đề của đất nước, hay chỉ nói cho nhau nghe những lời phê phán, công kích những sai lầm của chế độ. Nhưng trước những chính sách độc đoán, bất chính và bất nhân của chế độ, trước tư cách bất xứng của những người lãnh đạo cao nhất nước, lòng bất mãn và tức giận của trí thức, ngay cả những người hiền lành nhất, đã tăng lên rất cao. Đã đến lúc trí thức sẽ đứng lên tham gia vào phong trào dân chủ của toàn dân, đòi hỏi nhà cầm quyền phải thực thi quyền con người, hoà giải với những công dân yêu nước, cải cách chính trị triệt để và toàn diện để có thể huy động được sức mạnh của dân tộc trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước.
Kết quả mong đợi nhất là chính quyền bỗng thức tỉnh, chấp thuận đối thoại với nhóm đại diện của nhân dân và sẽ mời họ tham gia vào việc thiết lập một lộ trình dân chủ hoá trong hoà bình, ổn định. Nếu chẳng may, lãnh đạo Đảng nhất định quay lưng lại nhân dân thì hãy tưởng tượng cuộc chiến giữa một số lãnh tụ độc tài, tham nhũng và 90 triệu nhân dân yêu nước, yêu tự do sẽ đem lại kết quả thế nào.
*
Là một người đang có cuộc sống tự do và hạnh phúc ở nước ngoài, tôi cảm thấy không đủ tư cách nhận định về vai trò của nhân sĩ, trí thức ở trong nước, nhất là lại có những lời lẽ khích động. Nhưng vì đã có nhiều dịp trao đổi thân tình, trực tiếp hay gián tiếp, với nhiều thân hữu thuộc mọi lớp tuổi, còn ở Việt Nam hay đã ra nước ngoài, tôi không thể không viết ra những cảm nghĩ của mình trước hiện tình đất nước, nhất là sau những góp ý xây dựng của nhân dân và phản ứng thiếu tỉnh táo của mấy nhà lãnh đạo.
Xin quý anh chị vui lòng thông cảm. Tôi tạm dừng bút nhưng không quên xác nhận một quan điểm đã được đa số bạn bè chia sẻ là việc thay đổi tình hình chính trị ở Việt Nam là việc làm của người trong nước, còn người ở bên ngoài chỉ có thể đóng vai trò hỗ trợ.
Thân kính,
L.X.K.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét