Thêm một cái chết đầy nghi vấn khiến dư luận tức giận nổi lên biểu tình phản đối.
Sự việc nổ ra vào hôm Chủ nhật 17 tháng 3 vừa qua tại tỉnh Vĩnh Phúc miền Bắc Việt Nam, sau khi một thanh niên bị đánh đến chết mà nguyên nhân được nhiều người cho là con rể của Chủ tịch tỉnh chính là kẻ ra tay thủ ác.
Lạm quyền
Theo tường thuật của báo chí trong nước cũng như các hãng thông tấn quốc tế, đã có ít nhất 1.000 người dân tập trung biểu tình, mang quan tài người chết đi qua nhiều con đường của thành phố để phản đối việc mà người nhà nạn nân cho là "con quan ỷ thế cậy quyền đánh chết dân".
Nạn nhân là anh Nguyễn Tuấn Anh, 27 tuổi ngụ tại phường Hội Họp thành phố Vĩnh Yên. Thi thể của anh được người dân phát hiện tại một cống nước và trong tình trạng đang phân hủy vì đã chết qua nhiều ngày.
Cơ quan pháp y sau đó đưa kết quả giảo nghiệm tử thi cho rằng anh Tuấn Anh chết do uống rượu say và ngã xuống cống nên bị ngộp nước.
Tuy nhiên người nhà nạn nhân phát hiện thi thể của anh bị bầm tím nhiều chỗ. Từ phần ngực trở lên có dấu hiệu bị đánh, răng bị rụng… tất cả dấu vết này chứng tỏ anh Tuấn Anh đã bị đánh đến chết.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do ngay trong sáng Chủ nhật, bà Phan Thị Bê, một cư dân nơi nạn nhân cư trú cho biết:
"Thực ra tôi cũng không rõ lắm đâu chỉ biết là xác chết nằm trong một cái cống tại phường Hội Họp chứ không rõ nguyên nhân. Vừa xét nghiệm thì người ta bảo là ngộp nước. Nhiều người biểu tình công an dẹp không được vì người dân kéo ra rất đông."
Đang giải quyết gấp bởi vì vụ này liên quan đến dân, có nhiều vấn đề bức xúc nên mọi người từ trên xuống dưới tất cả đang tập trung vào vụ này.Cán bộ UBND TP Vĩnh Yên
Thiếu tướng Phùng Tiến Bộ, giám đốc công an tỉnh Vĩnh Phúc cũng xác nhận con số người biểu tình là có thật, và hiện nay công an đang tiến hành điều tra vụ việc khi gia đình nạn nhân xác định con rể của ông chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chủ mưu vào vụ giết người này.
Điều này cũng được một cán bộ phụ trách tiếp dân của UBND thành phố Vĩnh Yên xác nhận với chúng tôi:
"Vâng, có đấy bây giờ mọi người đang rất là lo giải quyết cái vụ việc đấy. Đang giải quyết gấp bởi vì vụ này liên quan đến dân, có nhiều vấn đề bức xúc nên mọi người từ trên xuống dưới tất cả đang tập trung vào vụ này."
Đây không phải là lần đầu tiên quần chúng tập trung biểu tình bày tỏ sự phẫn nộ trước tình trạng lạm dụng quyền hành đến nỗi gây ra chết người tại Việt Nam.
Trước đó vào năm 2010, tại Bắc Giang cũng đã xảy ra một vụ biểu tình với quan tài người chết trước trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh.
Nạn nhân khi đó là anh Nguyễn Văn Khương cư ngụ tại xã Hồng Thái tỉnh Bắc Giang bị công an mời vào đồn rồi đánh chết.
Cái chết của anh Khương sau đó gây cho nhiều ngàn người biểu tình đòi thực thi công lý.
Trung Quốc và Biển Đông
Về vấn đề Biển Đông, Việt Nam Tuần Qua ghi nhận thêm nhiều hành động leo thang xâm lấn chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc.
Đầu tuần này, tàu cảnh sát biển Trung Quốc tiếp tục xua đuổi tàu cá Việt Nam khỏi khu vực Hoàng Sa; trong khi đó báo chí phát hành tại Bắc Kinh cho biết hải quân Trung Quốc sắp tổ chức tập trận tại vùng biển này.
Cùng với các hoạt động quân sự, tuần tra trong vùng biển Việt Nam, Trung Quốc cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền với mục đích xác lập chủ quyền ở Biển Đông.
Theo tin của Tân Hoa Xã, chính phủ trung ương tại Bắc Kinh đang chuẩn bị kế hoạch xây dựng một đài truyền hình tại thành phố Tam Sa – một địa danh do Trung Quốc đặt ra hồi năm ngoái – bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Nợ xấu
Mặc dù chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giải quyết tình trạng trì đọng này, nhưng dường như cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi.
Theo các chuyên gia quốc tế cũng như trong nước thì vấn nạn nợ xấu đã ăn sâu hàng chục năm vào các hoạt động tài chính – ngân hàng tại Việt Nam, nên không thể dễ dàng thoát ra trong một sớm một chiều.
Và thực tế này có thể phần nào thấy được qua những tuyên bố hôm thứ Năm tuần này của ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng Ban Nội chính Trung ương, khi đưa ra ví dụ về tình trạng người đi vay thỏa hiệp với nhân viên ngân hàng khai khống giá trị thực tế bất động sản tại Việt Nam đề vay tiền. Theo ông Thanh, thường một căn nhà trị giá vài tỷ đồng, được đẩy lên thành hàng chục tỷ để vay tiền ngân hàng, và tất nhiên là người đi vay sẽ bị mất khả năng chi trả và gây ra tình trạng nợ xấu của ngân hàng.
Ông Nguyễn Bá Thanh còn bộc trực cho rằng: Tình trạng "báo cáo láo" đã trở thành thói quen của các lãnh đạo ngân hàng quốc doanh tại Việt Nam, khi nhấn mạnh:
"Nhà người ta trị giá 10 tỉ mà ông nhân viên tín dụng định giá lên đến 50-70 tỉ, rồi lãnh đạo ngồi ở nhà không nắm được giá trị thật cứ gật gù ký, đến lúc phát hiện đổ vỡ thì lấy cái gì, hắn đưa cái mạng cùi ra đó mình cũng chịu... Ở các nước được kiểm soát chặt chẽ, báo cáo láo, sai là trừng phạt liền, còn mình lâu nay báo cáo láo quen rồi".
Liên quan vấn đề giải quyết nợ xấu, ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng với cách làm như hiện nay số nợ xấu chỉ là tương đối, còn một số ngân hàng giấu, đối phó chứ chưa nói ra hết:
"Có những loại không phải xấu mà là quá xấu, không bao giờ đòi lại được nữa. Để giải quyết nợ xấu, anh đưa ra giải pháp thành lập công ty mua bán nợ là hướng đi đúng. Tuy nhiên, cách làm không cẩn thận không khéo lại xảy ra tiêu cực, cũng ăn cả hai đầu, cuối cùng Nhà nước và dân gánh hết".
Trai thừa – gái thiếu
Để đối phó với viễn cảnh trai thừa – gái thiếu trong tương lai không xa, Việt Nam đang xem xét đề nghị thưởng tiền cho những cặp vợ chồng sinh con gái.
Theo tin của báo chí trong nước, Bộ Y tế đã đề nghị chính phủ lập một ngân quỹ khoảng 3 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho các gia đình sinh con gái.
Tiến sĩ Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục dân số Việt Nam cho biết: Đây là một trong những giải pháp đưa ra nhằm thực hiện giảm mất cân bằng giới tính khi sinh.
Theo ông Trọng, hiện nay tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có ở hầu hết các tỉnh thành trong nước. Nếu chính phủ không có các giải pháp thì trong vòng 20 đến 30 năm nữa, Việt Nam sẽ "dư thừa" từ 2 đến 4 triệu nam giới.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong nước thì đây là một giải pháp thiếu thực tế và có thể gây ra lãng phí.
Nhiều người còn cho rằng, với tâm lý "trọng nam kkinh nữ" vẫn còn tồn tại trong đời sống xã hội Việt Nam thì không những 3 ngàn tỷ, mà thậm chí 30 ngàn tỷ cũng chỉ như muối bỏ biển mà không đạt hiệu quả gì, thậm chí còn khắc sâu thêm sự bất bình đẳng giới tính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét