Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Đào Tuấn : Trung sĩ và trung tá

Nguồn daotuanddk

Tháng Năm 16, 2013 in Tổng hợp

CSGT"Con giun quá biết điều" đó cuối cùng cũng "quằn" khi không thể chấp nhận nghịch cảnh "làm được bao nhiêu lại cứ è cổ trả tiền nhậu của người khác"

Tuần trước, cư dân mạng dành bao nhiêu lời lẽ tốt đẹp trước một bức ảnh giản dị, ghi lại một hình ảnh bình dị một chiến sĩ CSGT người dân bê hàng hóa giữa một chiều Sài Gòn lụt nước. Một tờ báo đưa lên tít 2 từ "xúc động" và mô tả hình ảnh đẹp đó, rằng: "Có thể thấy người người chiến sĩ CSGT đã không nề hà nước ngập đến đầu gối, lội nước giúp người dân dỡ hàng vào trong nhà. Chiếc dùi cui thường dùng của anh được treo tạm ở phía trước tay lái xe máy. Một hành động đơn giản nhưng lại có sức lay động đến bất ngờ".
Nói xúc động không hề là ngoa ngôn. Nói có sức lay động bất ngờ không phải là cường điệu. Nhưng nói "xúc động", hay " sức lay động bất ngờ" chỉ vì đó là một hành động đẹp thì chưa đủ.
Bởi đôi khi, người ta ngạc nhiên trước cái đẹp đáng lẽ là rất bình thường, bình dị đó.
Rất khác, khi trong 2 ngày qua, hành động đu cần gạt nước chặn xe ô tô, một hành động được coi là "kiên quyết xử lý vi phạm" thì lại chẳng lay động gì tình cảm của người dân.
Thậm chí, ngay cả việc "học cười" của CSGT nhiều khi cũng bị cho là khôi hài.
Người dân không hề quá khắt khe đâu, bởi điều bình thường đó có, nhưng hiếm quá, trong khi lại nhan nhãn những điều chướng tai gai mắt.
Hôm qua, tờ Pháp luật TP đã đưa ra một vụ "hốt cú chót" mà ngay một người dân chẳng chút liên quan cũng cảm thấy bất nhẫn đến không thể chịu nổi.
Đại ý một ông K nào đó, chủ một DN vận tải, chỉ vì can tội "quá biết điều" nên liên tục được trung tá CSGT ở Khánh Hòa gọi đi nhậu. Gọi là đi nhậu chứ thực ra là "hốt cú chót", là "bắt tù binh", đến, chỉ để trả tiền cho những cuộc nhậu với Chivas và thú rừng mà thậm chí hóa đơn có lần lên đến hơn 13 triệu.
Nạn nhân tâm sự "Cứ thấy điện thoại là sợ". Ông bảo "xanh mặt" khi nhìn hóa đơn. "Con giun quá biết điều" đó cuối cùng cũng "quằn" khi không thể chấp nhận nghịch cảnh "làm được bao nhiêu lại cứ è cổ trả tiền nhậu của người khác".
Khi sự việc phát lộ với một tờ hóa đơn đỏ ghi rành rành lên khách hàng "A L cảnh sát giao thông", người ta mới biết hóa ra không chỉ có những vụ "hốt cú chót". Vị CSGT hai sao một gạch này còn phát carvisit 2 mặt "một mặt là địa chỉ quán cơm, một mặt là "cây xăng ông L" để đám tài xế qua lại Khánh Hòa phải "biết điều".
Có lẽ, việc "hốt cú chót" cũng là một loại "phí không chính thức" sẽ được DN tính vào giá thành vận tải, mà người phải chịu cuối cùng không ai khác ngoài nhân dân.
Trả lời PLTP, Trưởng phòng CSGT CA Khánh Hòa thượng tá Phan Long Để nói lấp lửng: "Tôi nghĩ không có (sự việc) thì ông K nói làm gì. Không có thì làm sao biết mười mấy triệu, nhậu ở đâu mà mang đến trả". Tuy nhiên, ông Để cũng nói "Thanh tra Công an tỉnh nói (đơn tố cáo của nạn nhân, kèm tờ hóa đơn) chưa có cơ sở".
Quá khó để tin vụ trung tá L sẽ được xử lý nghiêm, dù thực tế kiểu này ai cũng biết, trừ "Thanh tra Công an tỉnh".
Người ta không thể thành trung tá nếu không qua trung sĩ. Nhưng nếu muốn có những "hành vi trung sĩ", có lẽ, không thể để trong đội ngũ cảnh sát, gắn với hai chữ nhân dân, những viên trung tá chuyên rình rình để "hốt cú chót" thế này được. Gì nhỉ, "nhổ cỏ dại, diệt sâu rày thì lúa mới mọc lên".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét