Nguồn diendantheky
BLOG ĐÀO TUẤN
Muốn dẹp đồ đồng nát, trước hết phải dẹp những tư duy đồng nát ra khỏi đầu cái đã
Báo chí đã dùng từ "Nhiệt huyết" và "thật thà", để nói về phát ngôn của Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường Trần Hùng, khi ông nói QLTT xin cùng "ra đứng đường" với CSGT để xử lý mũ bảo hiểm kém chất lượng.
Tất nhiên sự nhiệt huyết và thật thà này đã nhận được rất nhiều tiếng cười.
Tiếng cười "rất khó định nghĩa", trước sự nhiệt tình cũng rất khó giải thích khi đặt ra câu hỏi tại sao và để làm gì.
Cho dễ hiểu, xin dẫn lại một cái tít báo của tờ Pháp luật TP: "Phạt chị em mặc nịt ngực, quần lót "dỏm" luôn thể.
Nhẽ nào quản lý thị trường thiếu việc đến mức phải đứng đường nhăm nhăm mấy cái nồi cơm điện để dòm ngó ví tiền dân?
Xin gợi ý cho ông Cục phó rằng chỉ trong một ngày, có tới 4-5 cảnh báo về tình trạng hàng Trung Quốc kém chất lượng đang tràn ngập thị trường.
Nói chuyện Mỹ trước. Sản phẩm tường khô Trung Quốc nhiễm bẩn vừa được tìm thấy trong khoảng 100.000 ngôi nhà, tại "hàng tá tiểu bang" trên khắp nước Mỹ. Truyền thông Mỹ quốc thậm chí đã gọi đó là "một cuộc khủng hoảng" với nạn nhân khốn khố nhất là Florida.
Tội nghiệp cho Florida với một "thảm họa kép" khi quá trình tái thiết sau bão Katrina nhận lãnh luôn một cơn bão "đồ đồng nát giá rẻ Trung Quốc". "Florida là vô cùng nhạy cảm với bão lốc, và cuộc khủng hoảng này giống như một cơn lốc xoáy thầm lặng. Toàn bộ các vùng lân cận đang bị quét sạch…"Nghị sĩ Robert Wexler nói.
Nhưng "đừng khóc cho America", bởi ở Việt Nam, cũng hôm qua, một tờ báo của ngành công an đã cau mày bắt đầu loạt bài điều tra về một thực tế "Việt Nam- nguy cơ trở thành "bãi phế thải của Trung Quốc".
Thâm hụt mậu dịch không phải nhìn đâu xa. Mua: móng trâu bò; gốc rễ cây tiêu, hồi, hạt dẻ, đỉa, lá xoài khô, râu ngô non, chè vàng, phong ba, rễ cây rừng, đồng vụn, cáp quang…Tức là thu mua những thứ người dân phải phá để bán.
Trong khi đó: Cam Trung Quốc đang "đội lốt" hoa quả trong nước "xâm chiếm" thị trường. Vịt giống nhập lậu từ Trung Quốc đang tràn ngập nông thôn. Cá cua ếch nhái Trung Quốc, đương nhiên không qua kiểm dịch, từ Bắc chí Nam. Đồ chơi trẻ em nhập Trung Quốc nhiễm chất Phthalate độc hại có thể gây biến dạng giới tính, gan thận…vẫn bán tràn lan trên thị trường. Và thậm chí, cả những chiếc áo lót bán cho 75% phụ nữ Việt Nam.
Hôm qua, sau khi kết quả kiểm tra các mẫu thú nhún Trung Quốc đang được bán trên thị trường Việt Nam được công bố với kết luận "đều bị nhiễm chất Phthalate cao, thậm chí có mẫu cao gấp 5-9 lần so với tiêu chuẩn thế giới", người dân được "khuyến mại" kèm mấy lời giải thích cũ rích: Nguyên nhân là do sự buông lỏng quản lý, trì trệ, tắc trách của cơ quan chức năng.
Thưa ông Phó Cục trưởng. Cơ quan chức năng chắc chắn là có Quản lý thị trường khi tất thảy những thứ "đồng nát" đó đang xảy ra trên thị trường Việt Nam và một cách âm thầm gây ra triền miên những "cuộc khủng hoảng".
Thưa ông Phó Cục trưởng, giá như Cục Quản lý thị trường nên xông ra đường nhiệt tình ngăn chặn đồ đồng nát, thay vì dòm ngó cái mũ trên đầu, đồng tiền trong túi người dân.
Muốn dẹp đồ đồng nát, trước hết phải dẹp những tư duy đồng nát ra khỏi đầu cái đã.
BLOG ĐÀO TUẤN
"Hai mươi phút cho một suất ăn trưa. Nếu người (xếp) đầu hàng chỉ cần chậm trễ lúc nhận phần ăn thì kể như người cuối hàng không còn thời gian ăn nữa.
"Một phút rưỡi mỗi lần vệ sinh… 90 giây là khoảng thời gian đi hết quãng đường 150m từ xưởng sản xuất đến khu vực W.C. Người công nhân muốn đi "tháo bàng quang" rất cần tăng tốc động tác trong một chuỗi các thao tác may, ấn vào cái nút toilet màu đỏ…mắt người phải liên tục để ý đến cái nút khi nó chuyển sang màu xanh thì lập tức dừng máy và đi thật nhanh nếu không muốn nói là chạy. Kinh nghiệm nhiều năm của tôi cho thấy, trước tiên bạn cần phải luyện bộ máy tiêu hóa của mình theo hướng công nghiệp, đạt tiêu chuẩn ISO 2002 và cần rèn luyện thêm một số các kỹ năng đái khác, lúc ấy bạn mới ngồi vào chuyền may cho Tan weng company Ltd được.
"Bao nhiêu lần làm đơn đề nghị Tan weng company Ltd tăng giờ vệ sinh là bấy nhiêu lần em dỉn ra quần. Tám trong số bốn mươi em và sau này còn bao nhiêu em nữa phải âm lương do không hoãn được cái sự "thoải mái" ấy lại.
"Lý thuyết Đái, một lý thuyết về sự thay đổi thói quen. Có nghĩa rằng một khi tôi đã ngồi vào chiếc ghế may thì tất cả trọng lượng cơ thể với 42 kg của tôi lập tức biến thành một chuyền may.
"Lý thuyết Đái nói "bạn cần phải chạy nhanh hơn bất kỳ cái gì nhanh nhất".
Đây là những dòng chữ lạnh lùng đến rớm máu trong truyện ngắn "Mùng chín tháng tám", về tấn bi hài kịch quanh cái dây chuyền sản xuất công nghiệp, trong một công ty vốn nước ngoài Tan weng nào đó, nơi mà những người lao động Việt Nam chỉ được coi như những chi tiết của một cỗ máy.
Chép lại "lý thuyết đái" của nhà văn Lê Thanh Kỳ, là bởi ngày hôm qua, tác giả vừa đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ vừa xuất hiện, để nói về những bi kịch khác trong đời sống mà ông không thể đưa hết vào một truyện ngắn. Đó là hiện thực 31 lao động được đưa vào một xưởng giày da- may mặc trong một…khu rừng nước ngoài. Cắt đứt hoàn toàn với thế giới. Một địa ngục. Một kiểu lao động khổ sai thực sự.
Phải nhắc lại "lý thuyết đái" vì hôm qua, báo Tiền phong đưa một bản tin ngắn gây sốc về tình trạng có tới 162 ngư dân Thanh Hóa đang làm thuê trái phép cho tàu cá Trung Quốc.
Bản tin ngắn gây sốc đến mức người ta phải tự đặt ra và trả lời câu hỏi: Vì sao những ngư dân Việt Nam, một cách trái pháp luật, tha hương cầu thực, làm việc trên những chiếc tàu cá Trung Quốc, có khi đang đánh bắt trái phép trên chính vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Có người đã đặt vấn đề hiểu biết pháp luật, vấn đề ý thức công dân.
Nhưng thực ra, chẳng có gì to tát đến vậy.
Chỉ vừa tháng trước, ba ngư dân người Việt đã phải "nhảy xuống biển" chấp nhận mạo hiểm giữa dòng nước buốt giá, trên vùng biển Chile xa lạ, chỉ để thoát khỏi cái địa ngục có tên là tàu cá Đài Loan. Đó là nơi mỗi ngày làm việc dài "mười mấy tiếng", "không có ngày nghỉ", thức ăn là cá đánh được "nướng trên ống khói tàu", là "hôm nào không có việc thì chủ chỉ cho ăn cháo và rau", là "đói ăn rau nhưng đau không có thuốc", là "ốm vẫn phải làm việc".
Xin đừng trách họ. Chung quy chỉ là câu chuyện miếng cơm manh áo. Chẳng ai muốn phải tha hương cầu thực để trở thành một chi tiết trong cỗ máy công nghiệp đi đái cũng phải có lần, có phút hoặc nô lệ khổ sai để phải nhảy xuống biển.
Chẳng ai muốn mạo hiểm khi xuất khẩu lao động trong không ít trường hợp chẳng khác gì đánh bạc với số phận.
Cũng hôm qua, báo chí đưa tin lao động chui người Việt thứ tám đã chết ở Angola.
Cũng hôm qua, báo cáo về tình hình lao động và việc làm, dù không đạt chỉ tiêu, nhưng vẫn được đánh giá như một nỗ lực mang tính chất chiến công của cơ quan chức năng.
Cũng hôm qua đầu tàu kinh tế TP HCM lạc quan tính toán "chỉ" 12 năm nữa thu nhập đầu người sẽ bằng Băng Cốc của năm… 2010.
Những bi kịch "lý thuyết đái", hay những hiện thực "nhảy xuống biển" có lẽ chỉ chấm dứt khi tình hình việc làm, thất nghiệp không chỉ tồn tại như những chỉ tiêu, khi người công dân, ngư dân có thể sống chính đáng bằng mồ hôi nước mắt ngay trong nước.
BLOG HIỆU MINH
Có vài tin liên quan đến "bom". "Bom" trên VN Airlines và "bom" trên chính trường Ba Đình. Các loại "bom" này đều nguy hiểm đến tính mạng hành khách và cả số phận một đất nước.
"Bom" của VN Airlines
Nhắn tin dọa có hành khách mang bom, bị phạt tù giam và hàng trăm triệu
Năm 2010, anh Nguyễn Bằng Việt (38 tuổi) nguyên nhân viên Phòng kế hoạch điều độ – Đoàn tiếp viên, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, đã nhắn tin là có hành khách mang bom lên máy bay. Chuyến bay đi Siem Reap bị hoãn tới 3 tiếng do phải dừng lại để kiểm tra. Cuối cùng chỉ là tin dọa chơi do tức tối ban lãnh đạo. Anh Việt bị phạt 15 tháng tù và 200 triệu đồng về tội "Cản trở giao thông đường không".
Đùa trong túi xách tay có bom, nữ hành khách xinh đẹp trả giá đắt.
Tháng 7-2011, chị Hồ Thị Thanh Tuyền đi trên chuyến bay VNA từ Hà Nội – Đà Lạt. Thấy nam tiếp viên đi qua nhắc chuyện để hành lý theo đúng quy định, chị Tuyền nhờ anh này để lên và bảo ""Anh ơi, ví dụ trong giỏ xách của em mà có quả bom, để trên đó nó giồng giồng như vậy thì nó có nổ không?". Người đẹp bị phạt 15 tháng tù treo và 100 triệu đồng.
Kể ra còn khá nhiều vụ dọa bom bị VNA cấm bay, xử tới bến luôn, số tiền phạt hàng trăm triệu, còn bị tù và cấm bay.
Cũng chuyện bom, người nhà của Hàng không bị xử nhẹ hơn.
Chuyện phi công, tiếp viên buôn lậu, mang hàng ăn cắp, chuyển tiền trái phép, vi phạm đạo đức hàng không, chẳng thấy VNA nói gì nhiều, cuối cùng chìm xuồng. Kể ra chỉ thêm buồn.
Nhưng chuyện "bom" của chính VNA mới đáng kinh ngạc.
Một học viên lái phụ thuộc Đoàn bay 919 của VNA bị xử phạt hành chính vì đe dọa có bom trong hành lý của chuyến bay xuất phát từ Đà Nẵng ngày 6-2-2011. Khi qua cửa, nhân viên an ninh sân bay hỏi có mang gì lên máy bay không, học viên Nguyễn Văn Quang nói là có mang bom. Hậu quả, anh Quang chỉ bị xử phạt hành chính.
Mới đây, cộng đồng mạng ầm ỹ vì vụ Lý Nhã Kỳ vào chụp ảnh chung với phi công trong phòng lái trong lúc máy bay đang ở độ cao 10km.
Cơ trưởng, cơ phó và tiếp viên trưởng cùng bị phạt. Tổng mức phạt cả ba là 11 triệu đồng, cấm bay 1 tháng.
Hành khách dọa mang bom hoặc nhắn tin có bom trên máy bay là nguy hiểm. Nhưng thật ra họ chỉ có "bom mồm". Phạt tiền, phạt tù và cấm bay là rất xứng đáng.
Nhưng các phi công và tiếp viên mang "bom" Lý Nhã Kỳ vào buồng lái trong lúc máy bay đang ở độ cao hàng chục km để chụp ảnh thì sự nguy hiểm tương đương với quả bom thật.
"Trái bom" người đẹp không cần nổ mà vẫn có thể lật nhào máy bay bất cứ lúc nào. Nó nguy hiểm hơn rất nhiều so với những trái "bom mồm" do hành khách đùa vô ý thức.
Phi công, tiếp viên là những người hiểu rõ qui định ngặt nghèo về an toàn của hàng không, mà vẫn vi phạm, cần phạt nặng gấp nhiều lần để răn đe.
Với cung cách, phạt nặng người lạ, nương tay với người nhà "đóng cửa bảo nhau", thì VNA tiếp tục sẽ còn những "quả bom hẹn giờ" khác do chính nhân viên mình "mang" lên máy bay.
"Quả bom chính trị hẹn giờ" ở hội nghị TW 7
Tin giờ chót, hội nghị lần TW 7 vừa kết thúc "sau 10 ngày làm việc khẩn trương, dân chủ, nghiêm túc".
Còn nhớ, hội nghị 6 kết thúc tìm ra được vài "quả bom" nhưng rồi vì tình thương yêu đồng chí, "đóng cửa bảo nhau", nên BCT và BCHTW đã…không làm gì để tháo ngòi nổ.
Lẽ ra quản lý đất nước phải dựa trên luật pháp, ba nhánh quyền lực phải rõ ràng và báo chí, blog là quyền lực thứ tư. Sự chồng chéo đã giúp cho nhiều "quả bom" nằm thoải mái giữa Ba Đình.
Người ta không ngạc nhiên tại hội nghị 7, vài "quả bom hẹn giờ" đã nổ.
Anh Nguyễn Thiện Nhân và chị Nguyễn Thị Kim Ngân đã được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị. Hai anh Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ đã "ngừng thở" trên chấm phạt đền 11m.
Anh Bá Thanh từng kể đã sụt tới 4kg sau vài tháng ra Hà Nội. Sau vụ này, chắc anh sẽ gầy theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng như dân thường.
"Tráng sỹ" Bá Thanh – Kinh Kha bị đòn độc, coi như sự nghiệp đi tong "Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê//Tráng sĩ một đi không trở về".
Đất nước sẽ đi về đâu với nền chính trị rối bời, mâu thuẫn và chứa đầy những "quả bom hẹn giờ" được cài từ thượng tầng BCT, TW, đến hạ tầng Bauxit Tây Nguyên, Vinashin, Vinalines, rồi vào cả buồng lái phi công của VN Airlines.
BLOG HIỆU MINH
Ngoài đời, tôi không biết anh Đoàn Nguyên Đức và bác Alan Phan. Nghe nói, anh Đức rất giầu, có máy bay riêng, thuê anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung lái. Bác Alan Phan không hiểu có máy bay riêng không, nhưng tài sản cũng khá ở Mỹ.
Trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây, khi nhận xét về Alan Phan, anh Đoàn Nguyên Đức có hỏi "Alan Phan là ai? Trong lịch sử, ông ấy đã làm gì cho đất nước Việt Nam? Đối với thị trường BĐS, ông Alan Phan có dự án nào ở Việt Nam không? Câu trả lời là "không có". Ông ấy có một công ty nào thành đạt không? Câu trả lời cũng là "không". Một người không biết gì mà lại đi khuyên những người biết gì, giống như một người không biết đá banh mà lại nói chuyện đá banh hoặc chẳng khác nào một cậu sinh viên lại "lên mặt" dạy toán cho GS. Ngô Bảo Châu" .
Thấy tin đáng chú ý về hai công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Tập đoàn công nghiệp cao su đã được phân bổ tổng cộng hơn 280.000 héc-ta đất để dựng đồn điền cao su ở Lào và Campuchia.
Tổ chức vận động bảo vệ môi trường Global Witness đã cáo buộc hai công ty trên liên quan tới những vụ cướp đất lớn ở Campuchia và Lào.
Global Witness nói những người sống trên các khu đất được giao lại cho các công ty Việt Nam đã bị đuổi ra khỏi nhà mà không được bồi thường thỏa đáng hoặc không được chút nào.
Họ cũng bị cũng bị cáo buộc đã gây ra những "hủy hoại về môi trường và xã hội".
Tuy nhiên, anh Đoàn Nguyên Đức phủ nhận, nói các cáo buộc là "cực kỳ phi lý". HAGL và ông chủ nên cẩn thận với trang web nổi tiếng này, vì đứng sau là chính phủ Anh, Thụy Điển, Hà Lan, Nauy và tỷ phú Soros. Khi đã đưa ra cáo buộc là có chứng cứ hẳn hoi.
Nếu tin trên Global Witness là sự thật thì liệu ông Alan Phan và hiệp hội "yêu" Alan có nên đặt ngược lại câu hỏi "Đoàn Nguyên Đức là ai? Với nạn phá rừng như ở Lào và Campuchia, liệu ông Đức có dự án nào tương tự ở Việt Nam không?"
Người hâm mộ túc cầu không đá bóng nhưng biết chuyện "bỏ bóng đá người" của bầu Đức.
Nhiều người không hiểu về bất động sản cũng như những cú đầu tư hàng tỷ đô la của HAGL, không phải là chuyên gia về kinh tế, không phải giáo sư Ngô Bảo Châu, nhưng vẫn có thể khuyên anh Đức về phát triển bền vững dựa vào bảo vệ môi trường.
Nếu phá rừng để phát triển, rồi cướp đất của dân, kể cả bên Lào hay Camphuchia, để tạo nên "thương hiệu" của công ty, thì các vị nên cắp sách tới lớp vỡ lòng để biết thế nào là người thành đạt trong xã hội hiện đại, trước khi bước lên máy bay 15 triệu đô la.
"Tiền vào đầy nhà nhưng văn hóa vẫn ngoài cửa" có thể áp dụng cho những kẻ chỉ biết chà đạp lên người nghèo để làm giầu dưới danh nghĩa "hội nhập và phát triển".
BLOG NGUYỄN VẠN PHÚ
TUESDAY, MAY 14, 2013
Tâm lý con người thường hành động trái ngược với suy luận đúng đắn.
Chẳng hạn, lỡ mua một món ăn về nhà mới phát hiện nó vừa dở vừa đắng nhưng các bà mẹ chúng ta thường vẫn cố gắng ăn cho bằng hết, với lập luận bỏ đi thì tiếc. Chuyện này xảy ra thường xuyên trong cuộc sống: bỏ tiền mua vé xem phim, phim vừa nhàm vừa nhảm nhưng vẫn có người nán lại coi cho hết để khỏi phí tiền mua vé; mua phải một món đồ bàn ghế trong nhà nhưng không vừa ý, ít ai dám quẳng cho ve chai mà vẫn phải gánh chịu sự bực mình hàng ngày!
Những tưởng sự phi lý đó chỉ xảy ra ở các cá nhân, trong cuộc sống bình thường. Thế nhưng hiện tượng tiếc nuối chi phí đã bỏ ra, rồi để các chi phí không còn cứu vãn được nữa này tác động lên quyết định tiếp tục thực hiện dự án hay thôi vẫn đang xảy ra với khá nhiều doanh nghiệp.
Khác với dự án Tân Rai đã đưa vào vận hành, dự án khai thác bauxite Nhân Cơ ở Đắk Nông vẫn đang thi công dang dở. Dự án này chịu cảnh chi phí tăng so với dự tính ban đầu đến 40% (lên quá 16.000 tỷ đồng so với dự toán ban đầu là 11.624 tỷ đồng). Đến nay đã thực hiện việc xây dựng đạt tổng giá trị 6.900 tỷ đồng.
Theo nhiều phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, dự án này nếu đi vào khai thác sẽ từ lỗ đến lỗ. Còn bản thân chủ đầu tư thì nói dự án sẽ có hiệu quả bởi giá nhôm hiện đang thấp nhưng "chắc chắn sẽ lên cao và ổn định sau này"! Dù không có hiệu quả kinh tế thì dự án cũng có hiệu quả kinh tế-xã hội và phải nhìn đến tương lai mấy chục năm về sau. Hay nói cách khác, chủ đầu tư cũng gián tiếp thừa nhận dự án khó mà có lãi.
Thế nhưng nếu có ai khuyên nên dừng dự án thì hàng loạt câu hỏi sẽ bật lên: vật liệu, máy móc đã đổ vào đó rất lớn rồi, tiền đã đổ ra hàng ngàn tỷ đồng, dừng là dừng thế nào?
Tiền đã đổ ra là nước đã đổ đi rồi, làm sao thu về được nữa. Cái gì đã không thu về được nữa thì tốt nhất là quên nó đi, đừng đưa nó vào những toan tính cân nhắc cho tương lai dự án. Cái lập luận này, dễ thấy khi nói về món ăn, vé xem phim, cái bàn, cái ghế nhưng sẽ rất khó hình dung khi liên quan đến một nhà máy khổng lồ, đến những khoản tiền hàng ngàn tỷ đồng.
Thế nhưng bản chất chúng vẫn giống nhau – tất cả đều là chi phí đã bỏ ra và đã biến mất – mà giới kinh doanh gọi là sunk cost. Ngưng bây giờ thì Nhân Cơ chỉ mất 6.900 tỷ đồng. Nếu không ngưng con số thiệt hại chắc chắn sẽ lên 16.000 tỷ đồng và số lỗ lã hàng chục năm sau đó nữa. Ngưng thì bauxite vẫn còn đó không ngưng thì vừa mất tiền vừa mất tài nguyên.
BLOG QUÊ CHOA
T. Thành
Cứ loay hoay biện minh cho mọi lý do, nhưng có những lý do Tổng bí thư không nhìn thấy, hoặc nhìn thấy mà không dám nói thẳng, nói thật với nhân dân. Tôi có một cách nhìn có thể làm Tổng bí thư không hài lòng, nhưng thuốc đắng dã tật, tôi cứ chỉ ra xem đúng được bao nhiêu phần trăm. Đây là góp ý với đảng để mong đảng sửa mình chứ không phải xô cho đảng đổ đâu nhé.
1- Trung ương đảng không đoàn kết như tôi tưởng. Chỉ có bầu thêm 3 ủy viên BCT, 2 thành viên ban bí thư mà cũng không bầu được đủ số lượng theo kế hoạch. Tôi thấy rõ sự không thống nhất ý chí trong T.Ư. đã bộc lộ qua việc này. Sinh thời Bác Hồ vẫn dặn ĐOÀN KẾT LÀ SỨC MẠNH, nay nếu hiểu theo ý Bác thì phải nói rằng đảng mất sức mạnh rồi phải không. Khi mà trung ương không đoàn kết được thì nói gì đến tỉnh ủy, huyện ủy, các đảng ủy khác. Tổng Bí thư nói với cử tri rằng người tốt có thể trượt, kẻ cơ hội vẫn có thể trúng. Tại trung ương mà còn như thế thì chúng tôi tin ai đây ?
2- Ông Bá Thanh không đủ số phiếu để vào BCT. Theo tôi ông Bá Thanh tốt hơn, làm được nhiều việc hơn, được lòng dân nhiều người được cầm phiếu bầu hôm ấy. Nhưng hình như các ông trong T.Ư. đang có những quyền lợi ở chỗ nào đó đang bị ông Thanh đe dọa nên không bầu. Tôi tưởng các ủy viên T.Ư phải mừng khi có một ông dám xông vào chỗ khó nhất của cuộc xây dựng lại đảng ta và tập trung bầu cho người ấy chứ. Nhưng có lẽ lại sợ bị HỐT LIỀN nên cho trượt. Quyền của Bộ chính trị vẫn được quyết định bổ sung ủy viên nên có lẽ Tổng bí thư phải dùng đến cái quyền ấy để dành cho ông Thanh vị trí ủy viên.
3- Vai trò Tổng bí thư hình như đang suy giảm sâu. Đường đường một người đứng đầu mà không dám thể hiện đúng vị thế của mình. Ông Bá Thanh dám nói HỐT LIỀN vậy mà Tổng cứ bí rị. Ông Trọng cần gì dùng một Bá Thanh làm tiên phong. Ông có đầy đủ cơ quan, bộ máy quyền lực của đảng rồi cơ mà. Ủy ban kiểm tra đâu, thanh tra đâu, cơ quan điều tra đâu … Thế mà ông run, ông yếu ớt trước những thế lực chống phá trong nội bộ đảng. Kể cả khi bế mạc hội nghị 7 ông vẫn nói là hội nghị hoàn thành kế hoạch, rồi sau đó lại nói bầu không đạt chỉ tiêu. Tôi vẫn nhấn mạnh một nguyên tắc là đảng ta rất vĩ đại, không một kẻ thù nào đánh đổ được, chỉ có thể đảng tự hủy hoại mình thôi. Đừng tìm giặc giã ở đâu cả, tất cả bọn hủy hoại thanh danh đảng đã chui hết vào đảng rồi, đang phá từ trong ra đấy. Bác Hồ dạy rằng "khi đảng trong sạch thì không sợ bất cứ kẻ nào nói xấu. Chỉ có người cộng sản tự bôi nhọ mặt mình thôi ".
4- Sắp tới sinh nhật Bác, mấy hôm nay tôi nghe trên các phương tiện thông tin của đảng nói rằng Bác là lãnh tụ của đảng, của nhà nước, của nhân dân. Tôi nghĩ rằng nên xếp lại cái trật tự ấy. Đầu tiên là NHÂN DÂN VIỆT NAM mới đúng chứ. Phải có nhân dân đã rồi mới có đảng, có nhà nước. Đảng không có nước, không có dân thì đảng ở với ai. Không có nước có dân chắc đảng phải lưu vong mất thôi. Hãy tôn trọng nhân dân, hòa mình vào trong dân, gắn bó máu thịt với nhân dân – như đang vẫn nói – chứ đừng đặt đảng trước dân, trên dân. Để dân tự tin yêu đảng chứ không thể ép buộc được tình yêu đâu. Tình yêu chỉ đến từ hai chiều, yêu đơn phương khó lắm.
Đôi lời góp ý với Tổng bí thư, với Đảng. Nếu bất lực trước sự suy yếu trong đảng thì còn đảng không? Đến ĐCS Liên xô cũng đổ vỡ từ bên trong đấy.
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét