Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Đoan Trang : "Nói với mình và các bạn": Biểu tình, đình công trong văn hoá chính trị Việt Nam

Nguồn trangridiculous

Dưới đây là bài viết thứ 8 trong loạt bài "Nói với mình và các bạn: Vẻ đẹp của chính trị". Mục đích mà loạt bài hướng tới là góp phần giúp độc giả, nhất là các bạn trẻ, hiểu hơn về chính trị, về sự tham gia, về tự do ngôn luận và sự phân biệt giữa tự do ngôn luận với xúc phạm người khác, về hiến pháp, quyền lập hiến và quyền tẩy chay hiến pháp, bất tuân dân sự, về kỹ thuật bầu cử và làm thế nào để có bầu cử tự do, công bằng.

Ở bài trước, chúng ta đã nói rằng biểu tình, đình công là hình thức hoạt động chính trị có hiệu quả đối với những người tham gia, ở chỗ nó tác động mạnh tới cộng đồng, nó gây chú ý và khiến người biểu tình (hoặc đình công) có thể tạo sức ép chính trị. Nhưng đối với những người khác, biểu tình không thể không gây thiệt hại, nhẹ nhất cũng gây khó chịu. 

Nói cách khác, ở Việt Nam, nó còn gây tranh cãi, ít nhất là cũng có một số người dân hiện nay căm ghét nó – con số này không hề nhỏ. Vì sao? Bài viết dưới đây sẽ cố gắng trả lời câu hỏi đó.

Phạm Đoan Trang


* * *

Kỳ 8

BIỂU TÌNH, ĐÌNH CÔNG TRONG VĂN HOÁ CHÍNH TRỊ VIỆT NAM

Mùa đông năm 2008, nhà báo Nguyễn Hoàng Linh (Tổng Biên tập tờ Nhịp Cầu Thế Giới của cộng đồng người Việt ở Hungary) chuẩn bị rời Budapest về Hà Nội nghỉ Giáng sinh. Vé máy bay đã mua, đồ đạc đã đóng gói, đã hẹn hò đầy đủ với người thân, bạn bè ở Việt Nam, nhưng sát ngày khởi hành, ông Linh sững sờ trước nguy cơ không đi được: Toàn bộ nhân viên Sân bay Quốc tế Budapest, giới tài xế xe buýt của Công ty Giao thông Công cộng Budapest BKV, phối hợp cùng ngành đường sắt, đang tổng đình công đòi tăng lương. Giao thông cả nước bị đình trệ. Hành khách và hành lý đều vạ vật, ngổn ngang trên sân bay.

Ông Linh gọi điện về Việt Nam báo rằng chuyến bay có thể bị hoãn vô thời hạn. Người thân, bạn bè của ông nghe tin, ai cũng bực bội "cái bọn đình công": Ích kỷ, nhỏ nhen, lợi dụng đúng thời điểm mùa Giáng sinh, nhu cầu đi lại của nhân dân đang cao, để đình công, thật hãm tài.

Điều kỳ lạ là chính những người trong cuộc – dân Hungary và du khách ngoại quốc, "nạn nhân" trực tiếp của cuộc đình công – thì lại rất chịu đựng và không có ý kiến gì đặc biệt. Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh tìm hiểu và thấy tuyệt nhiên không thấy ai có thái độ cáu kỉnh, trách móc. Thậm chí mọi người còn tỏ ra thông cảm với giới nhân viên đình công và ai cũng nhất trí là phải có sự phối hợp giữa sân bay, xe buýt với đường sắt, sao cho… thiệt hại lên đến mức cao nhất, bởi có vậy mới mong Chính phủ Hungary lùi bước trước các nghiệp đoàn.

Hành khách bị kẹt trên Sân bay Quốc tế Budapest, tháng 12/2008. (Ảnh: Nguyễn Hoàng Linh)

Vì sao khác biệt?

Điều gì làm nên sự khác biệt giữa thái độ của người Việt Nam và người Hungary trước biểu tình và/hoặc đình công? Có thể đến lúc này bạn đã nhìn ra nguyên nhân rồi: Đó là sự khác biệt trong văn hoá chính trị của hai nước.

Các nhà khoa học định nghĩa văn hoá chính trị là "tập hợp các thái độ, giá trị, tình cảm, thông tin và kỹ năng về / liên quan đến chính trị của người dân trong một xã hội", văn hoá chính trị "tạo nên môi trường tâm lý - xã hội, nơi diễn ra các xung đột chính trị, nơi người ta ban hành chính sách". 

Để dễ hiểu, bạn có thể hình dung văn hoá chính trị gồm hai thành tố căn bản: nhận thức chính trị (hiểu biết của người dân về chính trị) và tình cảm chính trị (cảm xúc, sở thích, yêu/ghét liên quan đến chính trị). 

Đương nhiên là nhận thức chính trị và tình cảm chính trị của người dân mỗi nước mỗi khác. Nói về nhận thức chính trị, nếu bạn hỏi một người Mỹ xem Tổng thống Mỹ sống và làm việc ở đâu, nhiều khả năng ông/bà ta sẽ trả lời đúng, là Nhà Trắng. Còn nếu bạn hỏi ông bác và bà dì của bạn xem Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam sống và làm việc ở đâu, có khi bác và dì bạn mỗi người sẽ có một câu trả lời khác nhau, và ta chẳng biết câu nào đúng. 

Nói như vậy, không có nghĩa là tác giả bài viết này cho rằng dân Mỹ nhận thức chính trị cao hơn dân Việt Nam, bởi vì một câu hỏi và câu trả lời khó nói lên được gì. Ngoài ra, giả sử có nghĩ thế thật, tác giả cũng không dám nói, vì… sợ cái thành tố thứ hai trong văn hoá chính trị, là tình cảm chính trị.

Về tình cảm chính trị cũng vậy, nó rất đa dạng. Ngay trong cùng một nước Mỹ, tại cùng một thời điểm, có người xem việc Mỹ phát động chiến tranh chống khủng bố, bắt đầu từ Afghanistan (năm 2001), là cần thiết, nên làm, đáng ủng hộ; ngược lại, có người thì căm ghét, phản đối. Tuy nhiên, cũng có những tình cảm chung của cả một cộng đồng, trên cơ sở những giá trị chung, hay là những quan niệm chung về cái tốt, cái xấu. Ví dụ ta có thể tin rằng đại đa số người Mỹ thích sự độc lập, thích quan niệm rằng dân chủ thì lành mạnh hơn là độc tài. Tình cảm ấy của họ dựa trên một giá trị chung mà họ đề cao, là tự do. 

Tương tự, đại đa số người Việt Nam, nếu được khảo sát, sẽ nói rằng họ có thiện cảm với nước Lào hơn với Trung Quốc, mặc dù trên thực tế có thể họ chẳng biết nhiều về Lào, hoặc biết về Lào ít hơn về Trung Quốc. Vì một trong các giá trị chung của dân Việt Nam hiện nay có lẽ là tinh thần dân tộc chủ nghĩa (nationalism). Chúng ta tin rằng nationalism là một phẩm chất tốt đẹp, ngược với ở châu Âu, nơi nó lại đang bị coi là xấu, tiêu cực.

Và, tình cảm chính trị có thể khiến cho nhiều bạn đọc Việt Nam "ném đá" một tác giả nào đó ngay tắp lự nếu hắn dám nói rằng dân Mỹ nhận thức chính trị cao hơn dân Việt Nam.

Vì chúng ta thuộc về văn hoá chính trị Việt Nam…

Văn hoá chính trị - gồm nhận thức chính trị và tình cảm chính trị - là cái tạo nên sự khác biệt trong thái độ của một xã hội, một cộng đồng nào đó đối với biểu tình, đình công, và các hoạt động chính trị khác như thành lập đảng phái, vận động, kiện tụng, làm truyền thông, v.v.

Văn hoá chính trị là cái khiến cho, sau khi ba sinh viên Đại học Luật TP.HCM ra tuyên bố kêu gọi "công lý cho Đoàn Văn Vươn", những người ra mặt phản đối họ nhất lại chính là… Đoàn trường. Và khi họ đòi Đoàn trường xin lỗi, nếu không sẽ kiện, một số "luật gia, luật sư tương lai", bạn của họ, đã mở một chiến dịch công kích họ, thành lập cả "Hội những người bảo vệ hình ảnh của sinh viên Luật". Nếu ở một nền văn hoá chính trị khác, với nhận thức chính trị khác, có lẽ các "luật gia, luật sư tương lai" đó phải phấn khởi khi có một vụ kiện như thế, và hơn ai hết, phải ủng hộ việc đồng nghiệp, đồng môn của mình làm.

Văn hoá chính trị là cái khiến cho một số người dân, khi ra công viên Nghĩa Đô ở Hà Nội sáng chủ nhật 5/5/2013 để tham gia "dã ngoại nhân quyền", phải đối diện với ánh nhìn thiếu thiện cảm của những người khác. Và đây là một comment thể hiện tình cảm chính trị của nhiều người Việt Nam với "đám biểu tình": "Họ đứng nói chán họ đi một vòng hồ, họ nói chán chẳng có ai nghe nên họ chuyển sang nói bằng loa nhưng cũng chẳng có ai quan tâm, nên họ về. Cả công viên bao nhiêu người qua lại chơi đùa, có ai để ý họ đâu? Người ta vẫn cứ chơi, hai quả đồi vẫn đông tấp nập mà".

Đến đây câu hỏi đặt ra là: Vậy, có văn hoá chính trị tốt, văn hoá chính trị xấu không? Trả lời: Điều chắc chắn là văn hoá chính trị mỗi nơi mỗi khác, và thật khó tuyên bố cụ thể văn hoá chính trị nước này thì tốt, nước kia thì xấu. Thế nhưng, cũng có những giá trị chung, những giá trị phổ quát, mà nếu đã coi mình thuộc về nhân loại tiến bộ thì chúng ta sẽ tự nhiên thừa nhận, ví dụ những quyền căn bản của con người. Chúng ta khó có thể chấp nhận một xã hội nơi phụ nữ ngoại tình bị ném đá đến chết, người đồng tính bị xử tử, rồi ta bảo rằng "vì luật pháp, vì văn hoá chính trị của họ là như thế, tốt xấu kệ họ, nói chung đều đáng tôn trọng cả". 

Người viết xin để bạn đọc tuỳ ý đánh giá xem văn hoá chính trị Việt Nam hay dở thế nào. Còn về phong trào đình công ở Hungary tháng 12/2008, sau nhiều ngày giao thông bị tê liệt, Chính phủ Hungary và các nghiệp đoàn của bên đình công đã đạt được thỏa thuận vào phút cuối với sự nhượng bộ của chính quyền. Và nhà báo Nguyễn Hoàng Linh về Việt Nam, mang theo một trải nghiệm hồi hộp và thú vị về "bất tuân dân sự".


Kỳ sau: Mặt trái của biểu tình và "bất tuân dân sự"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét