Chiều thứ bày 11.5, những người chỉ đọc báo chí chính thống trong nước mới được tin Hội nghị Trung ương 7, khoá XI, của ĐCSVN đã bầu bổ sung vào Bộ chính trị – tức cơ quan quyền lực cao nhất của đảng, cũng tức là cơ quan mà mọi quyết định đều ít nhiều có ảnh hưởng tới đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của cả nước-, hai uỷ viên mới, ông Nguyễn Thiện Nhân, đương kim phó thủ tướng và bà Nguyễn Thị Kim Ngân, phó chủ tịch quốc hội và uỷ viên ban bí thư – một ban lãnh đạo quan trọng khác của đảng (xem bản tin đầu tiên của TTXVN).
Nhưng những người đọc với đôi mắt bị bịt bởi những cái lá che như mắt ngựa ấy cũng chỉ biết một phần tin tức mà « thông tin vỉa hè » đã truyền trên mạng từ một tuần trước. Cùng với kết quả nói trên, vụ bỏ phiếu ấy trước hết là một vụ « nổi loạn » hiếm có trong một đảng hoạt động theo chủ thuyết « tập trung dân chủ », khi hai ứng cử viên « của » Bộ Chính trị, được đích thân người đứng đầu đảng, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giới thiệu, hậu thuẫn, đã không đạt đủ 50% phiếu dù đã được bầu đi bầu lại nhiều lần. Nhất là khi đó là hai nhân vật chủ trì các ban nội chính và kinh tế trung ương, những chức vụ mà theo « cơ cấu » phải là Uỷ viên BCT mới có đủ uy quyền để thực thi nhiệm vụ của mình : các ông Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ. Ông Thanh, « người hùng của Đà Nẵng », được điều động về trung ương làm trưởng ban nội chính, với nhiệm vụ dẹp tham nhũng, còn ông Huệ chuyển từ chức vụ bộ trưởng tài chính sang trưởng ban kinh tế trung ương, với nhiệm vụ chấn chỉnh những « hạn chế, yếu kém » trong điều hành kinh tế của chính phủ. Thông tin về việc các ông Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ thất cử, cùng với tin ông Nhân và bà Ngân được bầu, có thể xem chẳng hạn trên trang Phạm Viết Đào, hay blog Cầu Nhật Tân, và cũng được nhà báo Đào Tuấn nhắc lại trên blog của anh trong bài « Tin vỉa hè, tin chính thống ». Trong khi trên các báo chính thống như đã nói vẫn chưa có một dòng nào nói về chuyện của các ông Thanh và Huệ, đúng hơn là chuyện thất bại thảm hại của ông Trọng trong việc điều hành ban chấp hành trung ương : từ nay, người mà ông nhắm để đứng đầu công cuộc « chỉnh đốn », làm trong sạch đảng, theo cách nói của blogger Cầu Nhật Tân (bài đã dẫn), chỉ là một « anh Trung ủy nói chẳng ai nghe, đe chẳng ai sợ ». Blog này cũng đặt câu hỏi phải chăng « tình báo Trung Quốc lấy cắp được kết quả hội nghị trung ương 7 ? », khi « Trong cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Lý Khắc Cường (Thủ tướng Trung quốc) hôm 10/5, họ Lý đã bắt đầu cuộc hội đàm bằng lời chúc mừng tân Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân. Trong khi đó, tin tức về kết quả bầu bổ sung ông Nguyễn Thiện Nhân vào BCT được giữ bí mật tuyệt đối (it nhất là đến trưa nay 11/5) ».
Dĩ nhiên, bình luận về các thông tin trên cũng chỉ có trên các trang báo « lề dân », hay từ nước ngoài !
Trong bài Lựa chọn nào cho chính trường Việt Nam?, blogger Trần Kinh Nghị cho rằng « sự kiện đấu đá nội bộ vừa xảy ra giữa Ban Chấp hành TW và Bộ Chính trị đúng là một hiện tượng mới », một cuộc đấu đá giữa « nhóm lợi ích » và nhóm bảo thủ » mà ông cho rằng « nên coi là một hiện tượng lành mạnh ». Blogger này viết tiếp : « Thực ra hai nhóm đó chẳng nhóm nào tốt hơn nhóm nào. Nhưng vào lúc này nếu có thể lựa chọn thì người ta nên lựa chọn cái "ít xấu hơn", đó là Nhóm lợi ích. Lý do đơn giản là vi dù sao nhóm này đã "ăn đủ" rồi và hi vọng bọn họ ít nhiều đã hiểu được cái giá phải trả cho sự tham nhũng(?). Còn Nhóm bảo thủ như thường lệ quá đề cao lý thuyết chính trị là thống soái và xa rời với thực tế. Họ tưởng có thể chống tham nhũng bằng thứ vũ khí "phê và tự phê" trong khi vẫn duy trì cơ chế và luật lệ đã bị bản thân coi là "bất cập" từ lâu rồi
Ý kiến này cũng được nhà văn Nguyễn Quang Lập kiêm blogger Quê Choa chia sẻ trong bài « Cụ Tổng muốn gì ? . Sau vài dòng ngắn với những dẫn chứng cho phép chỉ đích danh thủ lĩnh « nhóm bảo thủ » là « cụ Tổng » Trọng, với giọng văn châm biếm riêng của mình, nhà văn này kết luận Chẳng có ai ủng hộ sự cũ kĩ- lạc hậu- lỗi thời cả, cụ Tổng trước sau gì cũng phải ra đi là hợp lẽ trời !
Giáo sư Tương Lai, trong bài trả lời phỏng vấn của đài BBC, cũng cho rằng ý nghĩa của hội nghị TƯ7 này chính là « Thất bại của phe ý thức hệ trong Đảng ».
Với kết quả tệ hại như nói trên, Quê Choa không phải là người duy nhất đặt thẳng vấn đề ông Trọng nên từ chức. Trên blog của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện « bình luận nhanh về phát biểu bế mạc HNTW7 của ông Nguyễn Phú Trọng » với câu kết : « Ông Nguyễn Phú Trọng đã mất hết uy tín trong đảng của ông và trong dân. Ông nên xin nghỉ để khỏi ảnh hưởng thêm nữa đến uy tín đã đáo đáy của Đảng cộng sản Việt Nam. »
Nhưng blogger Trương Duy Nhất thì lại giật tít cho một bài viết ngắn của mình là :« Tổng bí thư và thủ tướng nên ra đi. Phải chăng blogger này có cùng nguồn tin như Kami, trong một blog viết trên đài RFA với nhan đề « HNTW7 : Lãnh đạo đảng mất khả năng kiểm soat Ban chấp hành Trung ương , với mấy dòng « bonus » như sau
Tin vào giờ chót, được biết các bên đã đi đến thỏa thuận sẽ buộc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghỉ giữa nhiệm kỳ vì lý do sức khỏe kèm theo điều kiện đồng chí X cũng thu xếp nghỉ sau khi hết nhiệm kỳ TTg thứ 2. Để tạo điều kiện chấm dứt tình trạng đối đầu tranh giành quyền lực trong đảng. Một trong hai Ủy viên Bộ Chính trị vừa được bầu bổ sung sẽ là những khuôn mặt sáng giá ở các vị trí quan trọng trong thời gian tới. »
Nếu những bài đã dẫn nhấn về khía cạnh đấu đá nội bộ trong ĐCSVN, người ta cũng có thể đọc đây đó, đặc biệt là trong những lời « còm » ngắn dưới một số bài viết trên các blog hoặc các trang Facebook, một dòng suy nghĩ khác, nhấn mạnh hơn về khía cạnh « dân chủ » mới trong hoạt động của cơ quan đầu não của Đảng.
Bài viết Phấn Đấu và Cơ Cấu của nhà báo Huy Đức trên trang Facebook của anh không trực tiếp bàn về khía cạnh này, nhưng bức tranh quyền lực trên chóp bu của ĐCSVN mà anh vẽ ra, với một vài chi tiết không dễ tìm ở nơi khác, không cho phép tin vào cái gọi là « dân chủ » ấy, dù vẫn nên thúc đẩy chúng trong chừng mực có thể :
Bản chất của độc tài, toàn trị là đối lập với dân chủ. Tuy nhiên trong điều kiện đảng vẫn cứ một mình cầm quyền và dân chưa biết làm thế nào để thay đổi tương lai chính trị của mình thì áp dụng một số phương thức dân chủ trong đảng cũng giảm được cho nước, cho dân phần nào tai họa. »
Đấu tranh trực diện, công khai giữa các phe nhóm trong đảng rõ ràng là là một cách « áp dụng một số phương thức dân chủ, nhưng... thật khó để kết luận rằng đó là điều đã diễn ra trong hội nghị trung ương vừa họp xong.
H.V. (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét