Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Việt Nam trước ngã ba kinh tế và nhân quyền (Vũ Đức Khanh và Võ Tấn Huân)

Nguồn tapchiphiatruoc

Vũ Đức Khanh* và Võ Tấn Huân**

Đảng Cộng sản Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường và việc lựa chọn không hề dễ dàng. Nhưng để đảm bảo cho nền kinh tế bền vững nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc và nhằm duy trì sự sống còn của mình, liệu các lãnh đạo Việt Nam có đặt lợi ích kinh tế, chính trị và con người trên tất cả các lợi ích của bất cứ một nhóm cá nhân hay đảng chính trị?

RCEP và TPP

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực [Regional Comprehensive Economic Partnership – RCEP] và Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương [Trans-Pacific Partnership – TPP] đều muốn đóng vai trò quan trọng trong tương lai kinh tế của khu vực Châu Á–Thái Bình Dương. Trước đây, Hiệp định RCEP bao gồm 16 quốc gia trong khu vực châu Á–Thái Bình Dương. Trong đó chủ yếu bao gồm 10 quốc gia ASEAN cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tân Tây Lan và Úc Đại Lợi (gọi tắt là ASEAN+6) và không có Hoa Kỳ tham gia. Ngược lại, TPP là hiệp định thương mại tự do do Hoa Kỳ khởi xướng với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc 12 quốc gia châu Á–Thái Bình Dương nhưng không có sự tham gia của nước Trung Quốc khổng lồ.

Mặc dù hai Hiệp định này tương đối khá giống nhau về nội dung tự do hóa thương mại cũng như hợp tác kinh tế, nhưng thực chất lại mang tính đối lập vì cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều muốn khẳng định sức mạnh của họ trong khu vực. Riêng Việt Nam tham gia cả hai hiệp định RCEP và TPP và ngày càng muốn cân bằng mối quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ.

Mục đích của RCEP là củng cố thêm Hiệp định Tự do Thương mại trong khối ASEAN lẫn các quốc gia không nằm trong Khối nhằm cân bằng và tạo thêm sức ảnh hưởng lên các hiệp định thương mại này. Đối với Trung Quốc, RCEP sẽ mở rộng các hiệp định tự do thương mại mà họ đã có sẵn với các nước ASEAN.

Ngược lại, TPP được thành lập một cách độc lập nên không mang nội dung hợp tác tương tự như RCEP. Dù rằng TPP cũng bao gồm nhiều thành viên trong hiệp định RCEP, trong đó có Việt Nam, nhưng quy mô rộng lớn của hiệp định này đòi hỏi các nước thành viên đầu tiên phải giải quyết những khác biệt trước khi nêu ra bất kỳ mối quan ngại nào trong các vòng đàm phán TPP, bao gồm gồm cả việc bảo vệ và nâng cao các điều luật đối với chủ đề sở hữu trí tuệ.

Điều đáng chú ý là một nước nhỏ như Việt Nam nên làm gì và làm như thế nào để có thể cân bằng một cách tốt nhất trước những thử thách mà nước này đang đối mặt: sức mạnh của RCEP mà rõ ràng phần lớn do Trung Quốc chi phối, trong khi đó TPP thì hiển nhiên do Hoa Kỳ lãnh đạo. Cả hai hiệp định đều mang tính thử thách cao vượt ra ngoài những vấn đề cơ bản liên quan tới thương mại mà Hà Nội đã từng gặp trước đây.

Thử thách đối mặt

Mặc dù hiệp định RCEP có thể giúp thúc đẩy thương mại Việt Nam vượt xuyên ra khu vực châu Á–Thái Bình Dương, nhưng thời gian gần đây Hà Nội thường xuyên có những mối lo ngại lớn hơn về mặt chiến lược đối với sự áp đảo ngày càng gia tăng của nước láng giềng Trung Quốc, đặt biệt các vụ tranh chấp quanh quần đảo Hoàng Sa–Trường Sa ở Biển Đông.

Gần đây Hà Nội đã hoan nghênh tiếp nhận những lời đề nghị mang tính hợp tác từ phía Hoa Kỳ, nhưng những bước tiến này vẫn chưa mạnh đến mức có thể làm Trung Quốc phiền lòng.

Nếu không có sự đối trọng đến từ Hoa Kỳ, Việt Nam có thể sẽ mắc phải sự chi phối kinh tế từ phía Bắc Kinh, đặc biệt khi Việt Nam vẫn là nước tiêu thụ lượng hàng nhập khẩu rất lớn từ Trung Quốc. Mặc dù đã tồn tại hiệp định hợp tác song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nhưng tầm quan trọng của TPP không thể xem nhẹ vì nó sẽ giúp mở rộng thêm nhiều cơ hội kinh tế đối với Việt Nam và đẩy mạnh việc xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới bên kia Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, điều có lợi cho nhân dân Việt Nam thì chưa hẳn đã thuận ý các lãnh đạo chóp bu tại nước cộng sản này, nhất là khi TPP có thể bao gồm các điều khoản liên quan đến nhân quyền làm điều kiện gia nhập.

Cho đến giờ phút này, Hoa Kỳ vẫn còn quan ngại về những yếu kém liên quan đến hồ sơ nhân quyền tại Việt Nam. Đây cũng chính là lý do khiến đối thoại nhân quyền thường niên năm nay giữa Washington–Hà Nội bị trì hoãn. Mặc dù Washington có thúc ép tới đâu thì tình hình nhân quyền tại Việt Nam lại ngày càng xấu đi kể từ khi nước này được gia nhập vào WTO hồi năm 2007. Việc này được thể hiện qua các vụ bắt bớ các nhà hoạt động xã hội, nhà báo, blogger, và những nhân vật sinh hoạt chính trị ôn hòa có ý kiến trái chiều với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Để rút ngắn khác biệt giữa hai nước, Hoa Kỳ có thể bắt đầu bằng việc yêu cầu Việt Nam cải cách những điều khoản cơ bản về luật lao động, bao gồm cả việc cho phép thành lập các công đoàn độc lập không bị kiểm soát bởi Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiệp định TPP có khả năng sẽ đề cập đến các vấn đề liên quan tới quyền lao động, mặc dù cho đến nay TPP vẫn chưa chính thức cam kết thiết lập quy chuẩn lao động và cơ chế thi hành. Thậm chí nếu không tham gia vào TPP, Hoa Kỳ vẫn có thể yêu cầu Việt Nam thể hiện ý định cải cách, bắt đầu bằng việc cho phép công nhân có quyền tự do thành lập nghiệp đoàn và thương lượng tập thể.

Hiện vẫn chưa rõ sự khác biệt về nhân quyền giữa Hoa Kỳ–Việt Nam sẽ được giải quyết như thế nào nhưng có một số nhượng bộ mà lãnh đạo Việt Nam có thể dễ dàng đáp ứng, bao gồm việc thả một số nhân vật bất đồng chính kiến và nới lỏng chính sách kiểm duyệt Internet. Các lãnh đạo Đảng Cộng sản cần phải vượt qua thử thách về nhân quyền và tìm cách dung hòa với Hoa Kỳ nhưng rất khó để họ nới lỏng hệ thống kiểm soát chính trị chặt chẽ hiện nay nhất là đối với những ý kiến bất đồng mang tính tổ chức.

Cải thiện nhân quyền – sự lựa chọn không dễ dàng

Nếu việc cải cách diễn ra quá mạnh mẽ, Đảng Cộng sản có thể vô tình làm tăng thêm sức mạnh cho các nhà hoạt động dân chủ và những tiếng nói phản biện hay đối lập. Nhưng nếu Đảng Cộng sản không thực sự cải cách hoặc quá trình cải cách không mang lại hiệu quả thì Việt Nam đứng trước khả năng đánh mất cơ hội gia nhập TPP.

Cải cách luật lao động có thể chỉ là bước khởi đầu trong các vòng đàm phán. Khi các thỏa thuận của TPP được thực hiện, có khả năng rất lớn rằng các tổ chức bảo vệ nhân quyền cũng như nhiều nhóm vận động khác nhau sẽ lên tiếng yêu cầu Việt Nam trả tự do cho toàn bộ các tù nhân chính trị bị cáo buộc bởi các điều khoản mập mờ như "tuyên truyền chống nhà nước", "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" hay "lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước".

Nếu Hoa Kỳ tạo sức ép quá mạnh về những vấn đề liên quan đến nhân quyền, Việt Nam có thể xin rút khỏi TPP. Nhưng nếu Hoa Kỳ đặt chính sách hợp tác kinh tế lên trên những nguyên tắc cơ bản về dân chủ và nhân quyền thì chính quyền của Tổng thống Obama có thể phải đối mặt với nhiều phản đối từ Quốc hội cũng như các nhóm bảo vệ nhân quyền. Nhiều dân biểu Hoa Kỳ cũng như các tổ chức bênh vực nhân quyền từng lên tiếng chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam liên quan tới các quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo cũng như quyền tự do hội họp của công dân.

Mới đây trong một buổi phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Thượng Nghị sĩ Ben Cardin thuộc Đảng Dân chủ đã lên tiếng bày tỏ quan ngại trước những bản án tù chính trị dài hạn mà Hà Nội đã áp đặt lên cho những công dân của nước này. Trước Tiểu ban Đối ngoại Thượng viện khu vực Đông Á do ông phụ trách, ông cũng đã lên tiếng khẳng định rằng Hoa Kỳ cần đặt nặng các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền và lao động trong quá trình đàm phát TPP giữa các bên.

Lựa chọn các hiệp định kinh tế để phát triển đất nước nhất thiết phải đặt lợi ích kinh tế, chính trị và con người trên tất cả các lợi ích của bất cứ một nhóm cá nhân hay tổ chức nào. Nhân quyền là điểm khác biệt quan trọng giữa TPP và RCEP, vì RCEP không kèm theo bất cứ yêu cầu nào liên quan đến chính trị để làm điều kiện đầu tiên khi gia nhập. Tuy nhiên, RCEP có thể tạo điều kiện cho Bắc Kinh gột sạch toàn bộ những nước còn lại nếu họ chống lại sự thống trị của nền kinh tế Trung Quốc.

Trong lúc Trung Quốc ngày càng quyết đoán ở Biển Đông thì điều một nước nhỏ như Việt Nam cần hướng đến là một nền kinh tế không bị lệ thuộc và một đồng minh đủ tin tưởng hoặc ít nhất là đủ mạnh. Hà Nội đã hé lộ trong các mối quan hệ chiến lược rằng Việt Nam cần Hoa Kỳ để đối trọng lại sức ảnh hưởng đang ngày càng tăng của nước láng giềng đầy tham vọng phương Bắc. Tuy nhiên, để tiến tới mối quan hệ toàn diện thì không thể bỏ qua áp lực của Hoa Kỳ về một số cải cách quan trọng liên quan tới nhân quyền, điều mà các lãnh đạo Việt Nam đã cố tình cưỡng lại kể từ khi gia nhập WTO hồi năm 2007. Có thể thấy rằng các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường và việc lựa chọn không hề dễ dàng. Nhưng để đảm bảo cho nền kinh tế bền vững nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc và nhằm duy trì sự sống còn của mình, liệu các nhà lãnh đạo Việt Nam còn lựa chọn thông minh nào khác hơn là việc nới lỏng một số quyền kiểm soát chính trị theo những gì người dân đáng được thừa hưởng?

* Vũ Đức Khanh là luật sư và giáo sư luật bán thời gian tại Đại học Ottawa, chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế.

** Võ Tấn Huân là bác sĩ dược khoa tại Hoa Kỳ.

Xem bài tóm lược trên BBC tại đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét