Bài viết của tác giả Bình Minh với tựa đề "Từ Dã Ngoại Nhân Quyền đến "Chọn đường" của Phạm Thị Hoài và "Khi đảng cộng sản tự giải thể" của Ngô Nhân Dụng" đã lật lại cuộc tranh luận nổ ra cách đây gần một năm, tháng 6 năm 2012 quanh sự kiện phong trào Con Đường Việt Nam được ông Lê Thăng Long công bố chỉ 01 tuần sau được chính quyền trả tự do trước thời hạn. Rất nhiều nhân vật nhân sĩ trí thức có tên tuổi, như Anh Ba Sàm, , Nguyễn Trọng Tạo,Phạm Thị Hoài, Lê Diễn Đức v.v… đã bày tỏ sự nghi ngờ của mình trước sự kiện này và có xu hướng đánh giá đây là một "cạm bẫy" hoặc "lối thoát" cho Đảng CSVN trước sức ép mỗi ngày một dâng cao của quần chúng đòi hỏi dân chủ hóa, giống như trường hợp ở Bulgaria. Khi đăng bài viết này trên Dân Luận, tôi đã đặt cho độc giả Dân Luận hai câu hỏi:
1/ Giả sử tất cả những giả thuyết của tác giả Bình Minh là đúng, thì chúng ta thấy có sự khác biệt nào giữa câu chuyện của Bulgaria và phong trào đòi Quyền Con Người ở Việt Nam hiện nay?
2/ Chúng ta có nên tẩy chay những phong trào đòi Quyền Con Người ở Việt Nam, nếu phía sau nó là tay chân của Đảng CSVN không?
Để trả lời hai câu hỏi này không khó, nhưng trước hết mời mọi người hãy cùng nghe một câu chuyện vui như thế này: Có một con khủng long chúa rất hung ác, dưới nó là một đám tay chân cũng hung ác không kém. Nó dùng lũ tay chân này để trấn áp thần dân của mình. Nhưng khổ nỗi đám tay chân lại hơi bị đần độn, nên công việc được giao phó thường bị hỏng hơn là thành công. Một hôm con khủng long chúa quyết định cho lũ tay chân vào cỗ máy thời gian, tua nhanh về phía trước để chúng có được bộ não tiến hóa và hoàn thiện hơn. Kế hoạch thành công rực rỡ, đám tay chân ra khỏi máy thời gian với đầu óc minh mẫn cực kỳ. Nhưng câu hỏi đầu tiên mà chúng đặt ra cho con khủng long chúa lại là: "Tại sao chúng tôi lại phải nghe mệnh lệnh của ông?".
Phim Mario Brothers (1993)
Câu chuyện vui này thực ra là một đoạn trong bộ phim Mario Brothers (1993) mà các bạn có thể xem ngay trên YouTube. Nó ám chỉ một thực tế là khi người dân dưới chế độ độc tài bắt đầu có tư duy độc lập và hiểu được các quyền của mình thì đó là lúc chế độ độc tài sụp đổ. Lúc đó sẽ không sức mạnh nào, không sự sợ hãi nào, không sự tuyên truyền hay dối trá nào có thể duy trì được quyền lực của chế độ độc tài nữa.
Quay lại câu hỏi thứ nhất của chúng ta: "Có sự khác biệt nào giữa câu chuyện của Bulgaria và phong trào đòi Quyền Con Người ở Việt Nam?". Tôi xin khẳng định là CÓ, và sự khác biệt này chính là điểm mấu chốt để trả lời câu hỏi thứ hai.
Bulgaria: Thay đổi từ trên xuống
Hãy cùng đọc lại hai trích đoạn trong bài viết "Khi đảng Cộng Sản tự giải thể " của tác giả Ngô Nhân Dụng
Hành động này cốt để cho thấy họ cũng làm một công việc giống như các đảng Cộng Sản ở Ba Lan, Hungary và Tiệp Khắc. Nhưng các "Hội nghị Bàn tròn" ở hai nước kia khác hẳn. Vì tại hai nước đó đã có một hình thức xã hội công dân sinh hoạt mạnh từ trước. Ở Ba Lan là nhờ giới công nhân và các nhà trí thức trong Giáo Hội Công Giáo; mà nông dân Ba Lan cũng chưa bao giờ bị nạn tập thể hóa, đã quen sống tự lập, tự chủ. Tại Hungary kinh tế đã thay đổi dần dần trong ba chục năm, nông dân và giới tiểu thương được tự do làm ăn. Ở Tiệp Khắc, phong trào Hiến Chương 77 đã khơi động những cuộc thảo luận về thể chế và xây dựng xã hội công dân. Còn tại Bulgaria, chế độ Cộng Sản theo đúng khuôn mẫu Stalin, không chấp nhận một ý kiến hay hành động nào độc lập ở bên ngoài đảng. Những người được gọi là "đối lập" chỉ dám lên tiếng về việc bảo vệ môi trường sống, nhưng cũng không thể hoạt động liên tục. Một số người, vào năm 1990 lại được "mời gia nhập đảng để giúp đảng cải tổ;" rồi họ cũng được mời vô tham dự "Hội nghị Bàn tròn!"…
Tại sao những người "không Cộng Sản" ở Bulgaria lại thất bại lâu như vậy? Một lý do khiến họ không tập hợp được lại thành những đảng phái mạnh là vì suốt 40 năm trong chế độ Cộng Sản họ chưa bao giờ được phép tham dự vào các hoạt động chính trị. Chế độ Cộng Sản ở đâu cũng làm cho người dân "phát chán chuyện chính trị". Những người đối lập với Cộng Sản thường là những con người "có lý tưởng," quen giữ thái độ phi chính trị, vì coi chính trị là nhơ bẩn. Trong một chế độ dân chủ tự do, các đảng chính trị luôn luôn do những cuộc thỏa hiệp giữa nhiều nhóm quyền lợi khác nhau. Ngay các ông Walesa ở Ba Lan và Havel ở Tiệp cũng đều khinh thường những thỏa hiệp chính trị, kể cả khi họ lên làm tổng thống! Thái độ này khiến cho việc thành lập các đảng chính trị không tiến hành được, hoặc không thể tụ họp lại được thành những đảng lớn. Luật bầu cử vụng về khiến có quá nhiều đảng trong Quốc Hội làm việc tập họp các nhóm quyền lợi khó hơn…
Thất bại của tiến trình dân chủ hóa ở Bulgaria nằm ở chỗ Bulgaria "không có xã hội công dân sinh hoạt mạnh từ trước", và người dân "phát chán chuyện chính trị" nên mặc kệ Đảng CS và quân xanh quân đỏ èo uột của họ lèo lái đất nước. Tiến trình dân chủ hóa đã được thực hiện từ trên xuống, thông qua sự thỏa hiệp giữa một số ít lãnh đạo các đảng phái ở Bulgaria. Và như thế, dù Đảng CS biến thể thành Đảng Xã Hội gì đi nữa, thì cũng không có nhiều sự thay đổi trong xã hội, người dân tiếp tục phải gánh chịu những hậu quả của độc tài và tham nhũng.
Con Đường Việt Nam: Thay đổi từ dưới lên
Phong trào Con Đường Việt Nam nêu rõ trong Bản Tuyên Ngôn của mình rằng:
"Phong trào Con Đường Việt Nam hiểu rằng một xã hội tôn trọng con người phải được xây dựng trên cơ sở mỗi công dân trong xã hội có đầy đủ hiểu biết về quyền của mình và của những người xung quanh mình. Vì thế, phong trào hướng tới giúp cho người dân hiểu về những quyền sẵn có mà mình phải được hưởng một cách tự do, bình đẳng theo đúng tinh thần của Tuyên bố Nhân quyền Quốc tế của Liên Hiệp Quốc để người dân tự tin, chủ động sử dụng tối đa các quyền này trong cuộc sống. Giúp người dân ý thức rõ về vai trò của các quyền này trong đời sống xã hội, kinh tế, chính trị để xây dựng một đất nước văn minh và thịnh vượng."
Các hoạt động của Con Đường Việt Nam từ khi ra đời cho tới nay vẫn chú trọng vào "khai dân trí – chấn dân khí – hậu dân sinh", bao gồm việc phát hành video và cuốn sách Câu Chuyện về Quyền Con Người, tiến hành rộng rãi cuộc thi viết "Quyền Con Người và Tôi". Đây là một tiến trình lâu dài, nhất là khi chính quyền luôn tìm cách ngăn chặn và đe dọa các thành viên của Con Đường Việt Nam ở trong nước, nhưng theo chúng tôi đó là cách duy nhất để đảm bảo một nền dân chủ thực sự và bền vững ở Việt Nam.
So sánh một cách thô thiển, phong trào Con Đường Việt Nam giống như bộ máy thời gian trông chuyện vui ở trên, mà mục đích của nó là thúc đẩy hiểu biết của người dân về tự do, dân chủ và quyền con người. Khi đa số người dân đã có những hiểu biết này, họ sẽ đặt câu hỏi "tại sao tôi phải nghe mệnh lệnh của ông" với bất kỳ ai tìm cách độc chiếm quyền lực về mình, bất kể đó là Đảng CS hay Đảng Xã Hội hay Đảng Dân Chủ. Cách làm này khắc phục được những nhược điểm rút từ bài học dân chủ hóa của Bulgaria. Và trong lịch sử chúng ta đã từng thấy người Nhật vươn lên được là nhờ có những người trí thức như Fukuzawa Yukuchi theo đuổi con đường "đứng ngoài hệ thống chính trị" để nâng cao dân trí và bắt bệnh cho hệ thống chính trị. Mục tiêu của Con Đường Việt Nam cũng tương tự như thế.
Ủng hộ ai trong thời buổi nhiễu nhương này?
Câu trả lời của tôi cho câu hỏi thứ hai là "CÒN TÙY". Hãy biết đặt câu hỏi: Hoạt động của phong trào này có lợi cho ai? Cho đa số quần chúng, cho tiến trình dân chủ hóa hay cho nhà cầm quyền, cho thể chế độc tài?
Ngay cả khi phong trào Con Đường Việt Nam là quân xanh quân đỏ của Đảng CSVN, thì chừng nào nó còn nâng cao dân trí, chừng nào nó còn thúc đẩy xã hội dân sự mạnh lên, chừng nào nó còn công khai chất vấn chính quyền về những vi phạm nhân quyền của họ, thì hãy ủng hộ nó. Đừng sợ bị lừa! Nếu chế độ độc tài sử dụng kế sách này làm "cạm bẫy" hay "lối thoát" cho mình thì họ đang tự bắn vào chân mình, giống như con khủng long chúa kia.
Trong thời buổi nhiễu nhương không biết thật giả này, người dân cần tiếp tục tự trau dồi kiến thức của mình, đặc biệt là về các quyền công dân. Để từ đó nới rộng không gian tự do của mình. Để đoàn kết với nhau xây dựng một xã hội dân sự thực sự độc lập với chính quyền và có tiếng nói mạnh mẽ. Để chuẩn bị cho những thay đổi tương lai.
Đảng phái / phong trào / cá nhân nào giúp được chúng ta theo hướng này chính là bạn. Ngược lại chính là thù. Đơn giản và rõ ràng vậy thôi!
____________________
[*] Tác giả là thành viên của phong trào Con Đường Việt Nam, và là biên tập viên trang Dân Luận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét