Một số người tham gia đấu tranh cho dân chủ nhân quyền tại Việt Nam vừa thành lập một tổ chức có tên 'Hội Anh em Dân chủ'. Đây là nhóm tận dụng không gian mạng và những công cụ truyền thông xã hội để sinh hoạt cho mục đích chung là cổ xúy dân chủ- nhân quyền trong nước.
Nhu cầu thực tế
Trong những ngày gần đây, những facebookers có liên hệ với những thành phần đấu tranh cho dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam thấy xuất hiện trên trang facebook một huy hiệu tròn với những cánh cuộn màu xanh với dòng chữ vòng quanh là Hội Anh em Dân chủ.
Một trong những người tham gia sáng lập tổ chức này là luật sư Nguyễn Văn Đài, người từng bị tù vì những hoạt động đấu tranh của ông trước đây, cho biết về việc hình thành ra một hội mới như thế:
"Trong năm 2013, sau khi có phong trào ký ủng hộ hiến pháp đã dấy lên hoạt động ký ủng hộ Kiến nghị 72, Kiến nghị của Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Tuyên bố của Nhóm Công dân Tự do… phát triển mạnh mẽ tạo ra một phong trào xã hội ký kiến nghị, cũng như gửi các thỉnh nguyện thư. Nay đã đến thời điểm những người đấu tranh dân chủ trong nước ngồi lại với nhau, cùng nhau thống nhất bàn bạc tìm ra con đường ngắn nhất cho tiến trình dân chủ ở Việt Nam.
Trước đây mỗi cá nhân đấu tranh rất đơn lẻ, không có sự phối hợp nên phong trào đấu tranh rất yếu. Nay khi cùng đứng chung với nhau trong một Hội Anh Em Dân Chủ thì có thể phát huy được những điểm mạnh, tích cực của từng cá nhân, tạo nên sức mạnh tập thể để có thể đấu tranh một cách mạnh mẽ hơn, đồng thời cũng có thể giúp nhau khắc phục những yếu điểm hay nhược điểm của mỗi một thành viên. Từ đó tạo nên một tập thể gắn bó để đoàn kết với nhau.
Chúng tôi là những người tiên phong trong việc thành lập hội này, đã trải qua nhiều năm tháng đấu tranh, trải qua những năm tháng lao tù; đây là lúc chúng tôi tiên phong thể hiện quyền lập hội của mình và cũng là những người đi trước với mục đích tập hợp những anh em đấu tranh lại, thứ hai cũng khuyến khích, cổ vũ cho những tổ chức, nhóm khác còn đang hoạt động bị mất hoặc chưa có ý định thành lập hội thì mạnh dạn hơn nữa để thành lập các hội đoàn khác nhau. Bởi vì nếu chỉ có một hội hoặc một vài hội thôi, hay chỉ một vài tổ chức chính trị thôi thì không thể nào có thể làm nên sự thay đổi về chính trị ở Việt Nam được mà lúc này chúng ta cần rất nhiều hội đoàn ra đời để cùng phát triển mỗi một nhóm, một hội khác nhau ở mỗi địa phương khác nhau, thuộc các thành phần khác nhau để đến một thời điểm nào đó khi mà các hội đoàn lớn mạnh rồi, sẽ tạo nên liên minh, thành tổ chức lớn mạnh; lúc đó mới đủ sức áp lực với chính quyền để thay đổi tiến trình dân chủ cho đất nước, đem lại lợi ích cho mọi người dân ở Việt Nam ở trong nước."
Một thành viên đầu tiên của Hội Anh em Dân chủ là cựu tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội cho biết về nhu cầu phải thành lập một tổ chức với sinh hoạt tận dụng trang facebook và các công cụ mạng xã hội cho công cuộc đấu tranh vì tự do- dân chủ tại Việt nam như sau:
"Hiện nay phong trào dân chủ ở Việt Nam lên rất cao. Có rất nhiều người muốn tham gia hội và lập hội. Đó là những người đang đấu tranh hằng ngày, hằng giờ cho nhân quyền Việt Nam. Thế thì việc đấu tranh này, chúng tôi luôn xác định đều hướng đến việc làm chung nhất của hội. Chúng tôi chỉ quan tâm đến việc chung và cùng nhau tham gia làm những việc chung."
Không gian mạng tiện lợi
Thông thường lâu nay, khi những tổ chức chính trị không theo đường lối của Đảng và Nhà Nước Việt Nam được hình thành như Khối 8406, Đảng Thăng Tiến… cơ quan an ninh đều có những cản trở, sách nhiễu, bắt bớ đối với những tổ chức như thế.
Bản thân những người như LS Nguyễn Văn Đài, ông Phạm Văn Trội đều có kinh nghiệm về chuyện đó. Tuy nhiên đối với tổ chức trên không giam facebook là Hội Anh Em Dân chủ thì đó là một điểm mà những người trong cuộc cho không bị sự can thiệp từ phía an ninh Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Văn Đài nói về điều này:
"Về mặt pháp lý, điều 69 Hiến pháp cho phép người dân được thành lập hội; rồi luật về hội năm 1957, Nghị định 45 năm 2010 hướng dẫn về việc thành lập hội. Với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, cũng như các trang mạng xã hội cho phép người dân ở khắp nơi trên thế giới có thể liên kết với nhau một cách chặt chẽ mà không phải nhất thiết gặp mặt hay có trụ sở chính thức.
Hội Anh Em Dân Chủ được thành lập trên nền tảng công nghệ thông tin, trang mạng xã hội facebook. Chúng tôi tạo ra một liên kết với nhau mà không chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam mà cũng không cần phải xin phép. Chúng tôi chỉ phải tuân thủ những qui định của Facebook là nhà cung cấp dịch vụ và luật pháp Hoa Kỳ, luật pháp quốc tế. Nhưng trên thực tế chúng tôi có những hoạt động rất rộng rãi, có thể trao đổi, huấn luyện cho nhau rất nhiều kiến thức để có thể trao đổi để hoạt động trên không gian mạng qua những phần mềm như Skype, PalTalk … Khi mà chúng tôi tạo ra sự gắn kết rồi, chúng tôi có thể tạo nên những buổi gặp mặt như picnic, tổ chức những buổi tiệc hay cùng nhau chia xẻ về một sự kiện nào đó mà sự kiện đó không phải xin phép pháp luật Việt Nam và pháp luật Việt Nam không ngăn cấm điều đó.
Cho nên khi gặp gỡ trên không gian mạng và khi gặp gỡ trên thực tế đều không chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam và rất dễ dàng cho mọi người tham gia hay chia xẻ những hoạt động với nhau.
Thứ hai nữa, trong hội chúng tôi có các chương trình huấn luyện, đào tạo các kỹ năng để đối phó khi bị chính quyền, công an sách nhiễu.Chúng tôi có thể mời thêm những chuyên gia, nhà nghiên cứu ở trong nước cũng như ở nước ngoài thuộc các lĩnh vực khác nhau để huấn luyện về các kỹ năng như văn hóa ứng xử trong một tổ chức, hòa giải giữa các thành viên với nhau. Vì khi một cá nhân hoạt động độc lập thì mọi phát ngôn hay hành động của họ chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân mà thôi, còn khi đứng trong tổ chức thì hành động, phát ngôn của họ phải có ý thức tổ chức hơn, không chỉ giữ uy tín cho bản thân mà còn cho tổ chức nữa. Như vậy, khi mọi thành viên đều hoạt động có tổ chức sẽ tạo được sức mạnh chung của tất cả mọi người. Đó là ý hướng mà chúng tôi muốn thành lập nên Hội Anh Em Dân Chủ."
Ông Phạm Văn Trội cũng một số ý kiến tương tự:
"Thực tế chúng tôi thành lập hội này trên một không gian mạng. Chúng tôi sử dụng công nghệ thông tin để đòi những quyền tự do dân chủ cho người Việt Nam. Pháp luật Việt Nam không có qui định nào xử lý những hoạt động trên không gian mạng này. Vì không phải xin phép chính quyền, thì chúng tôi hy vọng sẽ không phải đối mặt với sự chất vấn của chính quyền".
Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, Hội Anh Em Dân chủ sau khi ra đời tính đến lúc này sau hơn chục ngày thành lập, số hội viên đã lên đến chừng 70.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét