- BT chống Tàu trước LSQ Tr.Quốc ở Hamburg-Đức, 16.07.2011 – Ảnh:Gocomay
Suy cho cùng lá cờ là biểu tượng cho một quốc gia đã đành. Nhưng nó còn gắn với nhiều kỷ niệm mà đã là con người ai chả có.
Biểu đạt về tình yêu quê hương đất nước cũng vậy. Không nhất thiết tất cả mọi người phải hoàn toàn giống nhau. Ở người này là yêu vầng trăng non bên những ngọn cau hay mái hiên ngôi chùa làng. Những ngọn tre, cánh diều, những cánh cò trắng phau trên nền cánh đồng lúa xanh mơn mởn thì con gái cũng là những hình ảnh mà người Việt Nam xa quê nào không yêư, không nhớ? Tình yêu nước có khi chỉ đơn giản là yêu một giọng hát ru, một tiếng hò ven sông, ven đê trong một buổi trưa hè oi nồng hay buổi chiểu tà bảng lảng có khói lam vấn vít trên những mái rạ trong ngõ nhỏ ven làng.
Ở thị thành, nơi ánh điện và nhà cao lấn át ánh trăng. Tình yêu quê hương có khi chỉ là những tiếng rao đêm, tiếng còi tàu, tiếng chim gù trên bankon hay bên khung cửa sổ…
Hình tượng về quốc gia cũng vậy. Ở nơi này thì bao gồm cả dòng sông và ngọn núi (non sông). Ở nơi khác vùng không có núi, thì là đất và nước (Land/Country) là thành tố cấu thành đất nước. Đất nước còn là nơi mẹ ta sinh ra ta (đất mẹ/quê mẹ). Nhưng có khi chỉ là nơi đất lành chim đậu. Nơi loài chim Đỗ Quyên làm tổ và ra rả thấu tâm can suốt 6 tháng hè 3 tháng đông. Vì thế ta mới gọi là Tổ Quốc!
Tóm lại lòng yêu quê hương đất nước không cứ phải to tát phi thường gì nhiều. Có khi là cái tình mộc mạc đơn sơ hay chỉ là những khái niệm mang tính tượng hình, tượng thanh rất cụ thể. Tổ quốc là nơi mà con người ta từng trải nghiệm, gắn bó. Nơi mọi người sống chung trong một mái nhà. Có khế ước, đồng thuận chung được mọi thành viên chấp nhận.
Chuyện lá cờ của một quốc gia cũng vậy. Ngoài mục tiêu để phân biệt vùng miền rộng hơn là nước. Nước này với nước khác. Nó còn bao hàm cả truyền thống lịch sử và khát vọng (lý tưởng) của các nhóm thành viên sinh sống trong đó nữa. Chính vì vậy chuyện một quốc gia tồn tại nhiều lá cờ. Mang dấu ấn của nhiều nhóm người cùng chung sống cũng là chuyện bình thường. Tuyệt đối hóa lá cờ cùng lý tưởng hay ý thức hệ chưa chắc đã hay. Đôi khi mang đến những hệ lụy khó lường.
Gần hai năm trước đây, khi nhiều cuộc biểu tình tự phát chống Trung Cộng gây hấn trên Biển Đông của Việt Nam nổ ra rầm rộ ở cả trong và ngoài nước. Tôi đã đề cập tới chuyện hai lá cờ (cờ đỏ sao vàng và cờ vàng 3 sọc đỏ) qua bài:Tản mạn về cờ và lòng người qua các cuộc biểu tình (xem ở đây)
Nay thấy bài viết của Huy Đức tôi lại muốn tìm hiểu thêm xuất xứ và giá trị lịch sử của những lá cờ này.
Về mặt lịch sử. Cả hai lá cờ đều gắn với lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.
- Về Lá cờ đỏ sao vàng:
Theo nhà văn Sơn Tùng, lá cờ này đã xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940. Tác giả là ông Nguyễn Hữu Tiến (còn gọi là "ông Hai Bắc Kỳ"). Cờ đỏ sao vàng ra đời vào lúc phong trào kháng chiến chống Thực dân Pháp và Phát xít Nhật diễn ra mạnh mẽ ở các tỉnh Nam Kỳ. Cụ thể là khi chuẩn bị khởi nghĩa vào cuối tháng 9/1940, một vấn đề được đặt ra là cần có một lá cờ để khẳng định tổ chức, thống nhất hiệu lệnh chỉ huy và tập hợp quần chúng. Một đảng viên Cộng sản là Nguyễn Hữu Tiến, được giao nhiệm vụ thể hiện và mẫu cờ được ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa gồm Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ… chuẩn y ngay sau đó. Nay tất cả những bậc CS tiền bối đó đã hy sinh hết. Cũng khó xác định thực hư. Một luồng ý kiến khác lại cho rằng, tác giả của cờ đỏ sao vàng là ông Lê Quang Sô và do Tỉnh ủy Đảng CSVN tại Mỹ Tho đề nghị đầu tiên. Mặc dù vậy cả hai giả thuyết trên đều không có nguồn tài liệu chính thống nào chứng minh cả. Chỉ biết nó xuất hiện trong cuộc Khởi Nghiã (bị lộ/ bị đàn áp dã man) ở Nam Kỳ vào cuối 1940.
Một sự trùng hợp khá thú vị là lá cờ đỏ sao vàng của nước CHXHCN Việt Nam hiện nay lại có hình thức khá giống với hai lá cờ của Chính quyền Nhân Dân tỉnh Phúc Kiến (xem ở đây) và cờ của Đội Thiếu niên Tiền Phong Trung Quốc (xem ở đây). Vấn đề đặt ra cho các nhà nghiên cứu là cờ đỏ sao vàng đương đại của Việt Nam (có xuất xừ từ lá cờ trong Nam Kỳ khởi nghiã – 1940) có trước hay hai lá cờ của Chính quyền tỉnh Phúc Kiến và Đội Thiếu niên Tiền phong của Trung Quốc có trước?
Nếu cờ đỏ sao vàng của VN hiện nay mà có tuổi thọ kém hơn cờ của người Tàu. Thì dù đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên cũng rất khó thuyết phục được những người Việt còn có lòng tự trọng, tự tôn thực sự! (xem ảnh so sánh)
Quốc kỳ của CHXHCN Việt Nam được QH thông qua ngày 2/7/1976 (Nguồn:http://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BB%91c_k%E1%BB%B3_Vi%E1%BB%87t_Nam)
Cờ của Chính quyền Nhân Dân tỉnh Phúc Kiến đã được sử dụng từ 1933-1934 (Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Fujian_People%27s_Government)
Cờ của Đội Thiếu niên Tiền Phong Trung Quốc. (Nguồn:http://www.flagcollection.com/itemdetails-print.php?CollectionItem_ID=951)
- Về lá cờ vàng 3 sọc đỏ:
Lá cờ vàng ba sọc đỏ được tạo ra và sử dụng lần đầu tiên như là lá cờ quốc gia dưới triều Nguyễn (Đại Nam Quốc kỳ) từ năm 1890 tới năm 1920 (ở đây). Nhưng theo tác giả Lê Võ Hoài Ân, báo Nhân Dân (trích):
Năm 1890, Thành Thái lên ngôi, lá cờ ba sọc mầu đỏ trên nền vàng mới ra đời, được sử dụng đến năm 1916 – năm hoạt động chống thực dân Pháp của vua Duy Tân thất bại, ông bị Pháp bắt rồi đày ra đảo La Réunion…
(hết trích)
Lá cờ này (cờ vàng 3 sọc đỏ) được vua Bảo Đại sử dụng lại vào năm 1948. Đây là Quốc kỳ của Quốc gia Việt Nam (do Pháp kiểm soát ở cả miền bắc và miền nam Việt Nam) từ năm 1949 đến 1955 và sau đó là Việt Nam Cộng hòa từ 1955 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ý nghiã của lá cờ vàng 3 sọc đỏ được giải thích, là tương trưng cho người Việt "máu đỏ da vàng". Màu vàng thuộc hành thổ và ở vị trí trung ương thể hiện cho chủ quyền quốc gia, màu đỏ thuộc hành hỏa và chỉ phương nam, và ba sọc tượng trưng cho ba miền Bắc, Trung, Nam…
Như vậy xét về mặt lịch sử, cả hai lá cờ (cờ đỏ sao vàng và cờ vàng 3 sọc đỏ) đều gắn liền với cuộc đấu tranh chống ách đô hộ của Thực dân Pháp trên đất nước ta. Có khác chăng cờ đỏ sao vàng tuy ra đời muộn hơn (đúng nửa thế kỷ), lúc ra đời đã bị dìm trong bể máu (cuộc Khởi nghiã Nam Kỳ – 1940). Nhưng là biểu tượng của "Bên thắng cuộc" (30/4/1975). Nên hiện vẫn đang ở thế thượng phong. Ngược lại cờ vàng 3 sọc đỏ tuy được ra đời sớm từ hai triều vua yêu nước nổi tiếng (Thành Thái và Duy tân) rồi được Quốc trưởng Bảo Đại dùng làm biểu tượng của Quốc gia Việt Nam. Sau đó được các ông Ngô Đình Diệm cho tới Nguyễn Văn Thiệu kế thừa cho VNCH. Nhưng hiện nay chính quyền VNCH đã không còn hiện hữu. Nên về nguyên tắc lá cờ đó đã đi vào lịch sử. Mặc dù vậy, lá cờ vàng 3 sọc đỏ đã gắn bó với hàng triệu người Việt ở phía Nam Vĩ tuyến 17 trước 30/4/1975. Sau đó lại theo hàng vạn người Việt bất chấp nguy hiểm vượt biên đi tìm tự do ở khắp nơi trên thế giới. Do vậy, nó trở thành biểu tượng của khát vọng về tự do, quyền sống và mưu cầu hạnh phúc của con người. Thiết nghĩ điều vô cùng thiêng liêng này đã mang lại diện mạo mới của lá cờ vàng ba sọc.
Bóng cờ vàng bay trong gió đã khiến nhiều người liên tưởng tới cuộc khởi nghiã của Hai Bà Trưng và Bà Triệu qua câu diễn ca thân thuộc:
Sơn thôn mấy cõi chiến trường xông pha
Được sinh ra và lớn lên ở bắc Vĩ tuyến 17, dù không có kỷ niệm gì với lá cờ vàng 3 sọc đỏ. Nhưng tôi đã rất cảm động khi nhìn thấy lá đại kỳ này được một thuyền nhân gương cao bên cạnh những lá cờ đỏ sao vàng trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn vào ngày 16.07.2011 ở trước LSQ Trung Quốc ở TP Hamburg-CHLB Đức.
Hôm đó, tôi có hỏi anh Vũ Thành An, người đem lá cờ vàng ba sọc vào cuộc biểu tình, anh chân thành cho biết, đó chính là cách bày tỏ lòng biết ơn đối với 74 tử sỹ hải quân cuả VNCH đã hy sinh anh dũng trong trận chiến bảo vệ Hoàng Sa vào ngày 19.01.1974. Bên cạnh 64 liệt sỹ thuộc hải quân QĐND Việt Nam ở đảo chìm Gạc Ma Trường Sa ngày 14.03.1988. Tất cả các anh hùng vị quốc vong thân bảo vệ non sông bờ cõi của tổ quốc Việt Nam yêu dấu của chúng ta. Dù dưới màu cờ nào đều xứng đáng nhận được sự tôn vinh như nhau.
Đây chính là nét son rất đáng suy ngẫm. Bởi như tác giả Huy Đức nhận định:
"Sự khác biệt đó trong cộng đồng Việt Nam có thể là những mối đe dọa, đồng thời, cũng là nền móng để xây xựng một Việt Nam thống nhất mà đa dạng. Một quốc gia sẽ trở nên vững mạnh khi sự đa dạng được thừa nhận. Một quốc gia cũng có thể rơi vào sự hỗn loạn hoặc không thể phát triển nếu sự thống nhất bị phá vỡ.
Nhưng, thống nhất quốc gia mà không dựa trên nền tảng hòa giải quốc gia thì sự thống nhất đó chỉ là tạm thời. Thống nhất quốc gia mà bằng cách ém nhẹm lịch sử và dùng vũ lực để dập tắt sự trỗi dậy của những sự khác biệt thì chẳng khác nào gài vào thế hệ tương lai một trái bom".
Huy Đức còn nêu lên một thực tế đáng buồn:
"Sự khác biệt và đa dạng lúc nào cũng có thể bị kích động bởi các thế lực cực đoan. Không phải độc tài, toàn trị mà theo kinh nghiệm của những quốc gia thành công, càng nhiều tự do thì càng tránh cho sự khác biệt đó trở thành xung đột".
Thay cho lời kết, xin được chép lại đây ý kiến của một người thuộc phe cờ đỏ sao vàng hiện thị trên ABS với nick name CCB Thành cổ Quảng Trị (25/05/2013 LÚC 11:03) như thế này:
"Tôi từng là người lính miền Bắc bảo vệ thành cổ Quảng Trị 1972, nhưng giờ đây rất dị ứng cờ đỏ sao vàng.
Vì bây giờ lá cờ đó đẫ bị chóp bu đảng bất nhân, vô ơn, bạc bẽo và phản bội dùng làm lá bùa mị dân, nô dịch cả nước.
Cũng như tinh thần bài viết của Huy Đức, tôi yêu tự do, rất khó chịu khi bị tổ dân phố nhắc phải treo cờ mỗi dịp nhà nước yêu cầu. Treo hay không là do tôi, tại sao lại cưỡng ép? Chính vì thái độ nô dịch ấy mà tôi đâm ghét cờ đỏ sao vàng. Nó là cái nhà tù tư tưởng, bình phong che chắn cho lũ gian tham bán nước đương quyền Ba Đình.
Vì thái độ mất dạy ấy của chóp bu ĐCSVN, tôi bớt dị ứng với cờ vàng 3 sọc. Phải chăng đảng càng cố đè đầu cưỡi cổ nhân dân bằng các thủ đoạn tinh vi, càng phản tác dụng?
Hãy xem cờ đỏ búa liềm của Liên Xô đó. Một thời là niềm kiêu hãnh của đội quân tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Rồi bị ĐCS Liên Xô lợi dụng để nô dịch nhân dân. Bây giờ người Nga mấy ai thích nó? Chính các đảng CS đã làm hoen ố màu cờ, khi họ càng ngày càng thủ cựu, vị kỷ, tham nhũng, độc đoán, nhẫn tâm và ngu độn."
Dù chưa tán thành với cách diễn đạt bằng những từ ngữ khá gay gắt đó. Nhưng tôi thấy đó chính là một thực tế cay đắng rất đáng để cho những người ở Bên thắng cuộc cần xem lại cách hành xử của mình để thu phục nhân tâm. Nếu họ muốn bắt tay vào một tiến trình hòa giải thực sự!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét