Sáng 9/5, Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia tại Washington tổ chức buổi họp báo mang tên "Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – sự thử thách cho Việt Nam: thảo luận về sản phẩm và các khả năng" tại đó, một số chuyên gia và học giả đã trình bày những khó khăn và thuận lợi cho 2 đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ trên 3 lĩnh vực cơ bản là: nông nghiệp, may mặc và thủy sản.
TPP sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cả hai nước
Tham gia cuộc họp báo có đại diện của ngành nông nghiệp là ông David Salmonsen, Chủ nhiệm bộ phận giao tế chính phủ của Liên Đoàn Nông Nghiệp Hoa Kỳ, ông John Connelly, Chủ tịch Viện Thủy Sản Quốc Gia, ông Steve Lamar, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Giầy và Quần Áo Hoa Kỳ, cũng như ông Jerry Cook, Phó Giám đốc phụ trách Quan hệ Thương mại của Công ty Hanesbrands.
Cuộc thảo luận tập trung chủ yếu đến ba mặt hàng chính đòi hỏi 2 chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ phải có nhiều cuộc thương thuyết tay đôi ngoài lề là thủy sản, may mặc và nông nghiệp. Theo đó, một lần nữa nguyên tắc xuất xứ từ sợi trở đi trong lĩnh vực may mặc; các biểu thuế bán phá giá và những đòi hỏi khắt khe của phía Hoa Kỳ về mặt hàng thủy sản; và những tiềm năng xuất nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ một lần nữa được đem ra trao đổi.
Riêng lĩnh vực dệt may, các chuyên gia cho rằng cốt lõi của đàm phán là quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi do Hoa Kỳ đưa ra, nếu được chấp thuận, sẽ yêu cầu Việt Nam sản xuất hàng may mặc từ nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam
Riêng lĩnh vực dệt may, các chuyên gia cho rằng cốt lõi của đàm phán là quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi do Hoa Kỳ đưa ra, nếu được chấp thuận, sẽ yêu cầu Việt Nam sản xuất hàng may mặc từ nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam, hoặc từ các nước TPP để hưởng thuế ưu đãi 0%. Theo thống kê, hiện tại, các mặt hàng dệt may được xác định là "được sản xuất tại Việt Nam" chỉ chiếm khoảng 2% trong thành phẩm, phần còn lại chủ yếu nhập khẩu từ các quốc gia khác không thuộc khối TPP, trong đó, đáng kể là từ Trung Quốc.
Chính vì lý do đó, hiện nay, nếu quy tắc này được thực thi, sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam để sản xuất các nguyên liệu và chính những nguyên liệu này sẽ được sử dụng để sản xuất hàng may mặc và xuất sang Hoa Kỳ nhằm hưởng ưu đãi thuế.
Riêng về góc độ này, ông Steve Lamar đưa ra nhận xét của mình:
Về mặt hàng may mặc, theo tôi thì sẽ có nhiều cơ hội cho Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ. Tôi nghĩ rằng Việt Nam có thể tận dụng được các điều khoản về tiếp cận thị trường khi mà các hàng rào về thuế quan được giảm xuống từ từ, đồng thời, "quy tắc linh hoạt" về điều kiện xuất xứ nguồn gốc hàng hóa nếu Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện thì cũng sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn.
Theo số thống kê, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,6 tỷ đô la các mặt hàng quần áo sang Hoa Kỳ, nếu Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện nay, xuất khẩu riêng mặt hàng này sẽ đạt gần 13 tỷ vào năm 2020. Cũng đề cập đến những tiềm năng to lớn cho Việt Nam khi TPP trở thành hiện thực, cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp, ông David Salmonsen phân tích:
Chúng tôi thấy có rất nhiều cơ hội bởi Việt Nam là một nền kinh tế năng động và là thị trường cho xuất khẩu cho các sản phẩm của Hoa Kỳ như lương thực, thịt, các sản phẩm về sữa, các nguyên nhiên liệu cấu thành sản phẩm nông nghiệp. Trong khi đó, ở góc độ nhập khẩu, chúng tôi cũng nhập rất nhiều cà phê của Việt Nam, rồi hạt dẻ, hạt điều… nói chung là cả hai bên đáp ứng được nhu cầu của nhau.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam có thể tận dụng được các điều khoản về tiếp cận thị trường khi mà các hàng rào về thuế quan được giảm xuống từ từ, đồng thời, "quy tắc linh hoạt" về điều kiện xuất xứ nguồn gốc hàng hóa nếu Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện thì cũng sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn
ông Steve Lamar
Trong khi đàm phán về TPP chúng tôi cố gắng làm sao để có những nguyên tắc mềm dẻo hơn để việc trao đổi thương mại diễn ra dễ dàng hơn, các doanh nghiệp được tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn, và dĩ nhiên là cũng giảm thiểu hóa những rào cản và các chi phí đi kèm.
Nói chung là khi TPP được thông qua, sẽ giảm gánh nặng được cho tất cả các bên cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, người tiêu dùng được hưởng giá thấp hơn, trong khi xóa bỏ những rào cản, khiến lợi nhuận của người sản xuất cũng tăng lên.
Phân tích của hai chuyên gia trên phần nào tương đồng với lời nhận xét của Quyền Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Đại sứ Demetrios Marantis gặp gỡ báo chí Việt Nam và quốc tế hôm 24/4 ở Hà Nội để nói về tầm quan trọng của TPP đối với Việt Nam, ông nhận định Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất từ TPP khi hiệp định được hoàn tất, và Hoa Kỳ sẵn sàng trợ giúp kỹ thuật cho Việt Nam để thực hiện các tiêu chuẩn cao trong TPP.
Khó khăn còn tồn tại
Ở góc độ ngược lại, khi nhắc đến khó khăn còn đặt ra cho hai đối tác Hoa Kỳ và Việt Nam, nhất là ở mặt hàng được đánh giá là nhạy cảm, đã từng kéo theo nhiều cuộc chiến về bán phá giá – mặt hàng thủy sản, ông John Conelly, chủ tịch Viện Thủy Sản quốc gia cho biết quan điểm của ông:
Sẽ có rất nhiều người ở Quốc hội Mỹ đặt câu hỏi về vấn đề dân chủ, nhân quyền của VN khi chúng tôi trình hiệp ước đó lên, chúng tôi không thể tránh được thực tế chính trị đó. Nếu VN không có tiến bộ về mặt dân chủ, nhân quyền sẽ rất khó để có được sự ủng hộ chính trị ở quốc hội để thông qua hiệp ước này
Ông David Shear
Một trong những điều khiến cả hai phía khá bức xúc, gồm cả các nhà sản xuất lẫn Chính phủ Việt Nam và các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ là những điều vô lý từ những hàng rào phi thuế quan giống như các chương trình kiểm soát cá catfish của bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ hay những thuế chống phá giá đánh vào một số loại tôm khác của Việt Nam từ 8-9 năm nay. Rõ ràng đây là những vấn đề lớn. Dù cho những thách thức này có xuất hiện trong TPP hay không đi chăng nữa thì tôi cho rằng nó sẽ vẫn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại thủy hải sản của cả hai quốc gia.
Xin được nhắc lại, TPP là một hiệp ước bao trùm trên rất nhiều lĩnh vực cần đàm phán chẳng hạn như: bảo vệ sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hoá, chính sách cạnh tranh, bảo vệ quyền lao động, hạn chế khu vực doanh nghiệp Nhà nước, bảo vệ môi trường, bảo hộ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng tiếp cận thị trường cũng như bảo đảm tự do công nghệ thông tin.
Tại Hoa Kỳ, quá trình để TPP trở thành hiện thực sẽ có những bước cơ bản như: đàm phán để đạt được thỏa thuận với các đối tác, sau khi có thỏa thuận, chính quyền Obama sẽ trình thỏa thuận TPP đó cho Quốc hội thông qua. Một điểm lưu ý ở đây là các vấn đề như dân chủ, tôn giáo không trực tiếp liên quan trong quá trình đàm phán, còn yế tố nhân quyền được đàm phán thông qua các điều khoản về bảo vệ quyền của người lao động.
Tuy nhiên, mới đây khi trả lời báo chí trong nước sau chuyến thăm của ông Marantis, ông David Shear, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã không ngần ngại nhận định sẽ có rất nhiều người ở Quốc hội Mỹ đặt câu hỏi về vấn đề dân chủ, nhân quyền của VN khi chúng tôi trình hiệp ước đó lên, chúng tôi không thể tránh được thực tế chính trị đó. Ông David Shear cho biết thêm nếu Việt Nam không có tiến bộ về mặt dân chủ, nhân quyền sẽ rất khó để có được sự ủng hộ chính trị ở quốc hội để thông qua hiệp ước này.
Trước khi buổi họp báo kết thúc, các diễn giả cũng dành thời gian đề cập đến thành viên mới nhất là Nhật Bản sẽ tham gia vào các vòng đàm phán tiếp theo của TPP.
Kể từ năm 2010 đến nay, đàm phán TPP đã đi qua 16 vòng đàm phán chính thức và nhiều đàm phán giữa kỳ. Dự kiến vòng đàm phán thứ 17 sẽ được tổ chức tại thủ đô Lima của Peru từ ngày 15-24/5 và vòng đàm phán thứ 18 sẽ diễn ra vào tháng 7 tới đây và đây cũng sẽ là vòng đàm phán đầu tiên Nhật Bản tham dự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét