Huỳnh Trọng Hiếu
Tội ác và trừng phạt
Trong khoảng thời gian từ ngày xảy ra vụ đánh bom khủng bố 11/9/2001 đến năm 2010 là thời điểm mà Phương tây và Hoa Kỳ bận rộn và ưu tiên cho chương trình chống khủng bố toàn cầu. An ninh nước Mỹ bị đe dọa tấn công bởi những tín đồ Hồi giáo cuồng tín. Trên hai chiến trường Afghanistan và Iraq người Mỹ đã tiêu hao quá nhiều tiền của và nhân mạng khiến họ tạm gác lại những hồ sơ về nhân quyền. An nguy của Hoa Kỳ được đặt lên hàng đầu làm các giá trị Tự do Dân chủ gần như bị lãng quên – có thể nói đó là giai đoạn mà nhân loại văn minh đang trên giai đoạn thoái trào.
Sau một thời gian dài, chỉ biết quan tâm đến an ninh và quyền lợi quốc gia, bỏ mặc những giá trị căn bản mà người Mỹ hằng theo đuổi, cuối cùng Hoa Kỳ cũng nhận ra rằng: Những thành quả mà người Mỹ cất công tạo dựng lâu nay sẽ không thể tồn tại và bền vững trong một Thế giới đầy rẫy bất công và tội ác. Người Mỹ nhận thức được rằng: Để bảo vệ mình và đồng minh, việc thắt chặt mạng lưới an ninh quốc gia không phải là phương pháp khả tín nhất. Điều quan trọng hơn và hữu hiệu hơn cả là cần phải xây dựng một thế giới tốt đẹp, tôn trọng những mục tiêu chung, chia sẻ với Hoa Kỳ và phương tây những giá trị về Tự do – Dân chủ – Nhân quyền. Chính vì vậy người Mỹ đã thay đổi chiến lược hành động, thực hiện loại trừ khả năng khủng bố đến từ các nước độc tài bất hảo trên toàn cầu thay cho sách lược phòng chống khủng bố một cách thụ động. Những người yêu chuộng Tự do có đầy đủ cơ sở để tin chắc rằng: Năm 2011 trở về sau là thời điểm mà Hoa Kỳ và phương Tây hỗ trợ nhiệt thành cho công cuộc đòi dân chủ tại nhiều quốc gia trên Thế giới. Xây dựng dân chủ toàn cầu đang là ưu tiên hàng đầu cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong thời điểm này. Và rằng sự thịnh vượng và dân chủ của tất cả mọi quốc gia là yếu tố cần thiết bảo đảm cho an ninh Hoa Kỳ trong tương lai.
Thời gian gần đây, để ủng hộ dân chúng các nước độc tài đòi Tự do, Hoa Kỳ và Âu châu không ngần ngại lên tiếng chỉ trích các chế độ độc tài về thành tích nhân quyền, và sẵn sàng dùng đến quân đội hoặc đưa các chính phủ – cá nhân đó ra ngoài vòng pháp luật nếu họ dám sử dụng vũ lực để chống lại người dân.
Tunisia, Ai Cập là hai quốc gia thuộc khu vực Bắc Phi, có mối giao hảo tốt đẹp với Hoa Kỳ về nhiều phương diện, cả kinh tế và quân sự. Một thời, sự tồn tại của các chế độ độc tài ở các nước này giúp ích cho việc bảo vệ an ninh và quyền lợi của Hoa Kỳ và phương Tậy tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi… Cho đến khi cuộc cách mạng Hoa Lài diễn ra, các chế độ độc tài rơi vào khủng hoảng, giải pháp quân sự được những "lãnh tụ tối cao" đem ra sử dụng nhằm duy trì quyền lực. Lúc đó, người Mỹ đã không ngần ngại cảnh báo với họ rằng sử dụng biện pháp quân sự để chống lại người dân là hành vi tội ác, không được Hoa Kỳ chấp nhận.
Việc Hoa Kỳ thôi không hậu thuẫn cho những chế độ độc tài cũ nát, không còn phù hợp với quy luật thời đại để ủng hộ cho những phong trào đấu tranh dành Tự do, xây dựng nên một mô hình nhà nước Dân chủ tại nhiều quốc gia đã tạo nên động lực và sức mạnh to lớn cho các cuộc cách mạng diễn ra thành công và giảm bớt thương vong đáng tiếc. Những tội ác mà các chế độ độc tài gây ra với dân chúng cũng đang được luật pháp đem ra xét xử một cách công minh như những gì đang diễn ra tại Ai cập. Công lý và luật pháp đang được thực thi trên những mảnh đất tự do mới.
Cách đây ba tháng, phong trào cách mạng bùng nổ tại Libya bị đe dọa nghiền nát bởi lực lượng quân đội của chính phủ, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama lên tiếng phản đối hành động quân sự của Gaddafi nhằm chống lại người dân Libya. Ông nói: "Chúng ta không thể đứng nhìn khi một kẻ độc tài đe dọa nhân dân rằng ông ta sẽ không nương tay với họ".
Ngày 19/3 LHQ thông qua nghị quyết 1973 – thiết lập vùng cấm bay và nhiều ngày sau đó Liên quân liên tục tấn công triệt hạ quân đội Libya do Gaddafi trực tiếp điều động để bảo vệ thường dân. Những ngày gần đây, các vị lãnh đạo của thế giới Tự do đưa ra những tuyên bố và hành động cứng rắn nhằm loại bỏ tên độc tài khát máu Gaddafi. Trong một tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo Anh, Pháp và Hoa Kỳ nói rằng họ vẫn đoàn kết và cam kết rằng chừng nào lãnh đạo Gaddafi còn tại vị, chừng đó các cuộc không kích vẫn còn tiếp tục. Mới đây, trong cuộc họp thượng đỉnh khối G8, 8 vị nguyên thủ quốc gia trong khối đã thông qua một nghị quyết chung kêu gọi Gaddafi phải rời bỏ quyền lực.
Công tố viên trưởng của Tòa án hình sự quốc tế (ICC) tuyên bố là ông đang tìm cách ra trát bắt giữ Đại tá Gaddafi và hai đồng bọn về các tội ác chống nhân loại. Hiện tại, tuy Gaddafi chưa bị bắt, nhưng tới khi trát của tòa án quốc tế có hiệu lực thì cuộc đời và chế độ của Gaddafi xem như đã đến ngày tàn. Đây là lần thứ hai ICC ra lệnh bắt một người đang là nguyên thủ quốc gia. Trước đây Tổng thống Sudan cũng từng bị dẫn độ vì tội ác diệt chủng tại Dafur.
Hồ sơ về những thành viên quan trọng đang điều hành chính phủ Libya gồm con trai của ông Gaddafi và Trưởng cơ quan tình báo Libya đang được xem xét. Chúng ta đang chờ xem, hậu quả mà những kẻ dám gây tội ác với dân chúng sẽ phải gánh chịu ra sao sau khi bị đem ra xét xử. Và nhiều người có trách nhiệm liên đới cùng chịu chung số phận như thế nào?
Mấy ngày nay, những ai có lương tâm trên toàn Thế giới vui mừng khi biết tin cựụ tướng lãnh Serbia Ratko Mladic đã sa lưới pháp luật. Ông từng là chỉ huy quân đội Serbia tại Bosnia trong suốt thời gian diễn ra cuộc chiến tại Bosnia. Năm 1995 ông bị Tòa án hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ truy tố về tội diệt chủng và tội ác chiến tranh trong vụ thảm sát tại Srebrenica làm khoảng 8.000 người Hồi giáo thiệt mạng. Trong hơn một thập niên qua, tên "đồ tể vùng Balkan" sống ung dung ngoài vòng pháp luật. Mladic được xem là một trong những người chủ xướng cho chiến dịch thanh trừng sắc tộc của Serbia chống lại Croatia và người Hồi giáo. Đối với các sắc dân khác, Mladic là một tên đồ tể, nhưng đối với dân Serbia mà nói thì ông ta là một người hùng. Đó cũng chính là câu trả lời cho việc cựu quân nhân này được sống tự do bao nhiêu năm qua cho dù sự việc này gây căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Âu châu và Serbia. Trong giai đoạn hiện nay, khi thế giới đang xôn xao bởi những cuộc cách mạng Dân chủ - đòi cải cách xã hội và Tự do, những tên độc tài liên tiếp "ra đi" và chịu sự chế tài của pháp luật. Khi mà các cường quốc tập chú vào việc thực thi công lý trên toàn thế giới…Beograt buộc lòng phải bắt giữ và giao nộp Mladic cho tòa án La Haye xét xử, nếu như Serbia muốn hội nhập vào Liên minh châu Âu. Điều này nói lên rằng, tinh thần dân tộc cực đoan, hẹp hòi sẽ không có cơ hội và đất đứng trong thời đại toàn cầu hóa và dân chủ hóa hiện nay.
Sự trừng phạt dành cho những kẻ độc tài, dùng vũ lực để đàn áp và tắm máu dân chúng trên Thế giới… CSVN nên tự rút ra bài học cho mình: rằng tất cả các chế độ và cá nhân sử dụng bạo lực với dân chúng rồi sẽ bị đem ra trừng trị một cách thích đáng. Nếu vì một lý do nào đó chưa bị chế tài và trừng phạt bởi vì tình hình quốc tế chưa thuận lợi. Chưa bị trừng phạt không đồng nghĩa với việc tội ác được dung chấp hay xóa bỏ. Khi thời khắc đã điểm, mọi hành động tội ác trong quá khứ sẽ phải trả giá đắt. Cổ nhân có câu: "Họa phúc đáo đầu chung hữu báo". Đây là thời điểm để nhân loại tiến bộ nhìn nhận một cách đúng mức về giá trị nhân đạo. Những cường quốc đang xem xét lại hành động của mình trong bao nhiêu năm qua và điều thực sự cần thiết bây giờ là phải thực thi công lý. Nếu tội ác không bị trừng trị, công lý không được thực thi, thì Thế giới sẽ luôn phải đối mặt với bất ổn. Các chế độ độc tài sẽ hỗ trợ cho nhau và cho những tên khủng bố, một liên minh ma quỷ sẽ lộng hành và tìm mọi biện pháp, thủ đoạn để tiêu diệt Thế giới Tự do. Để bảo vệ an ninh và thịnh vượng của mình, không còn cách nào khác, Hoa Kỳ và đồng minh phải xây dựng một hệ thống các quốc gia dân chủ vững mạnh trên toàn cầu.
© Huỳnh Trọng Hiếu
© Đàn Chim Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét