Tạp chí The National Interest số tháng 2 năm 2011 đăng một bài phê bình khắt khe về chính sách ngoại giao của Mỹ từ năm 1993 đến nay dưới thời ba tổng thống Clinton, Bush và Obama – dài 17 trang với tựa đề "Imperial by design"[1] của giáo sư John J. Mearsheimer[2]thuộc Đại Học Chicago. Đồng thời phác hoạ chiến lược mới tạm dịch là Phòng Thủ Từ Xa (Offshore Balancing)[3] trong đó đưa ra một liên minh gồm Việt – Ấn – Nhật – Nga – Nam Hàn – Singapore nhằm ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc.
Trước hết xin có lời giới thiệu về giáo sư Mearsheimer: ông là một trong bốn học giả và nhà báo hiện có nhiều ảnh hưởng lên quan điểm ngoại giao của Mỹ [4]. Người viết sẽ có dịp trình bày những suy nghĩ của từng người vào một dịp khác, nhưng đặc điểm của giáo sư Mearsheimer ở chổ thế giới quan của ông đặt nặng trên cơ sở tranh chấp quyền lực và tương quan lực lượng giữa các siêu cường[5] hơn là do các động cơ khác như xung khắc văn hoá [6], trào lưu dân chủ [7]hay toàn cầu hoá [8].
Tác giả phê bình nghiêm khắc rằng sau khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt, Hoa Kỳ đã lạm dụng vị thế siêu cường duy nhất của mình để đi vào các cuộc phiêu lưu quân sự và chính trị làm tổn hại nặng nề đến uy lực và tiềm năng kinh tế. Đã đến lúc Mỹ phải chọn lựa các trọng tâm chiến lược và chia sẻ gánh nặng với đồng minh chớ không thể đa đoan tự ý giải quyết mọi công việc trên thế giới.
Sự hiện dịện của lính Mỹ tại Iraq và Afghanistan – cho dù nhằm bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ hay để phục vụ cho các mục tiêu dân chủ – chẳng những quá tốn kém về nhân vật lực mà còn mang lại phản tác dụng. Một số không ít người đạo Hồi phẫn nộ xem đây là cuộc xâm lăng của đế quốc. Từ đó các phong trào quá khích lan rộng rải rác khắp Trung Đông, Bắc Phi, Trung và Nam Á, Đông Nam Á và ngay cả trong cộng đồng Hồi Giáo tại Âu-Mỹ, cho dù không được tổ chức chặt chẻ nhưng vẫn là mối nguy tiềm tàng cho Tây Phương.
(Lời người viết: vì sa lầy nên Hoa Kỳ đã bị cả đồng minh lẩn đối thủ lợi dụng trong 8 năm cầm quyền của tổng thống George W. Bush. Do Thái dùng chiêu bài chống khủng bố nhằm đạt được sự ủng hộ vô điều kiện của Mỹ trong cuộc tranh chấp với Palestine. Để dân chúng Mỹ khỏi chống đối cuộc chiến Iraq bằng cách mượn tiền từ Trung Quốc bơm vào kinh tế dẫn đến bong bóng địa ốc và tài chính năm 2007, nên Hoa Kỳ không có thái độ cứng rắn với Bắc Kinh mãi cho đến những năm gần đây khi vị trí thương thuyết trên thế mạnh đã bị hao mòn).
Hoa Kỳ thay vì dựa vào thế tranh chấp của các đối thủ như Iran-Iraq để kềm hãm lẩn nhau thì lại chủ quan tự tin có thể áp đảo cả khu vực. Bài học của Nam Tư và Iraq khiến các nhà cầm quyền độc tài tại Iran và Bắc Hàn vội vã chế tạo vũ khí nguyên tử làm lá bùa hộ mệnh để không bị Mỹ tấn công, kết quả là Tây Phương giờ này không tìm ra giải pháp nào an toàn cho hai điểm nóng nói trên.
Vì thế, tác giả kết luận phải từ bỏ chính sách ngoại giao đa đoan và đơn phương. Mỹ cần chọn ba khu vực quyền lợi cốt lõi gồm Âu Châu – Trung Đông – Bắc Á, nhưng chỉ chủ đạo can thiệp quân sự khi không còn phương cách nào khác. Tại những nơi còn lại Hoa Kỳ phải giảm hiện diện để bảo tồn nguyên khí và dùng sức mạnh của đồng minh (hay đối thủ của kẻ thù) làm lực đối trọng. Điểm thứ nhì được áp dụng tại hai khu vực như sau:
1. Rút quân khỏi Afghanistan, và chỉ để lại một lực lượng biệt kích đủ để tấn công và tiêu diệt các mầm mống khủng bố quốc tế.
2. Thành hình một liên minh gồm Việt – Ấn – Nhật – Nga – Nam Hàn – Singapore nhằm ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc. (Lời người viết: tác giả không đề cập đến Úc không biết có phải vì chỉ nói đến những quốc gia kề cận Hoa Lục hay không).
Để kết luận, đây là một bài viết sắc bén cần được tham khảo.
© Đoàn Hưng Quốc
© Đàn Chim Việt
[3] Phòng thủ từ xa là dịch thoát của Offshore Balancing, nhưng người viết không hài lòng vì không diễn tả đúng cả lời lẫn ý! Offshore có nghĩa là hải ngoại, và dựa vào vị trí địa lý và chính trị của Hoa Kỳ để cân bằng (Balancing) các thế lực từ xa không cho tiến vào lục điạ Mỹ Châu. Người viết xin đón nhận ý kiến từ độc giả.
[4] Bốn vị gồm: John J. Mearsheimer, Samuel P. Huntington, Francis Fukuyama và Thomas L. Friedman. Xin xem 4 phụ chú kế tiếp để thêm chi tiết.
[5] John J. Mearsheimer – tác phẩm tiêu biểu là The Tragedy of Great Power Politics
[6] Samuel P. Huntington (qua đời vào năm 2008)- tác phẩm tiêu biểu là The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order
[7] Francis Fukuyama – tác phẩm tiêu biểu là The End of History and the Last Man
[8] Thomas L. Friedman – tác phẩm tiêu biểu là The World Is Flat 3.0: A Brief History of the Twenty-first Century
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét