Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

Mai Mclay : ĐÃ CÓ ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC LO

Nguồn buudoan (Thùy Linh)


Hẹn với cậu bạn cà phê Hàng Hành sáng Chủ nhật, bảy giờ tôi bắt taxi đến Bờ hồ. Vừa qua Trung Thu, tiết trời mát mẻ, còn gì thú bằng được ngắm mặt hồ thu, hít thở làn gió thu mơn man buổi sớm. Tôi đã nhắm mắt  mơ tưởng như thế suốt những năm tháng xa quê, mỗi khi nhớ về Hà nội.
Tôi cố tình sửa soạn cho mình tâm thế thong thả của người già, chầm chậm lơ đãng ngắm đời ngùn ngụt trôi qua "biết rồi khổ lắm nói mãi". Tôi đi trên vỉa hè rộng ven hồ, dưới những vòm lá cổ tích, thoảng dừng ngắm một đôi chim vô tư nhảy nhót, một chùm rễ cổ thụ duyên dáng níu mắt nhìn. Và kia, một cặp già đang  xoa bóp thể dục cho nhau buổi sáng. Hai người già Hà nội. Tôi ngồi xuống, cách chỗ họ một đoạn, đúng lúc tia nắng thu đầu tiên rỡ ràng phủ lên vạn vật. Gương mặt người chồng thanh thản, gương mặt người vợ âu lo. Bà tơ lụa phốp pháp xoa bóp vai ông cố gắng gồ lên kiêu hãnh. Rồi bà dìu ông đi. Bà đã dìu ông đi như thế qua một thế kỷ? Thấu hiểu, nhẫn nại, nhưng không cam chịu.
Chủ nhật tươi hồng. Sau gần trọn một vòng hồ từ tượng đài Lý Thái Tổ qua Bưu điện, qua Tràng Tiền Plaza, qua hiệu ảnh Phương đông ngày xưa, qua báo Hà nội mới, qua ngân hàng ANZ, qua nhà Thủy tạ, qua Hàm Cá mập, qua Nhà hát múa rối, tôi ngồi xuống chiếc ghế đá gần đền Ngọc sơn. Từ đây, tôi có thể ngắm  nhìn người ta đi lại trên cây cầu đỏ.

Tôi để chiếc túi xách vẫn khoác trên vai xuống mép ghế đá bên trái, chừa lại khoảng trống đủ cho hai người nữa ngồi nghỉ bên phải. Mấy giờ rồi nhỉ, tôi lôi cái máy tính bảng Galaxy ra xem đồng hồ.
Và như một thói quen hình thành từ ngày mùng năm tháng sáu lịch sử, ngày người Hà nội xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc, tôi mò vào trang nhật báo Ba Sàm xem hôm nay có gì mới?
Bất giác ngó quanh quất xem Ba Sàm là ai trong những người quanh tôi sáng nay. Và những nhân vật trong Blog, những biểu tình viên, những an ninh chìm nổi. Họ là ai? Ở đâu? Tôi đã thoáng thấy họ trong Ngày chủ Nhật tàn bạo mấy tuần trước. Vì chưa có tin gì mới, tôi đọc lại một trang ghi chép cá nhân của mình.
Ngày 21.8.2011.
Sáng nay mưa thu. Tôi đội ô khảo sát một vòng Hồ Gươm, thấy mình giống người xem kịch đến sân khấu trước giờ biểu diễn, thấy phông màn đạo cụ diễn viên còn đang tíu tít hồi hộp trước giờ G. Sân khấu lớn Hồ Gươm chuẩn bị cho người Hà Nội diễn một vở kịch lớn. "Nhưng kịch bản đã được duyệt rồi / Và đoạn kết con đường không tránh khỏi" - Câu thơ trong bài thơ Hamlet của Boris Partexnak vang lên. Tôi đi theo sau đám diễn viên quần chúng áo xanh đồng phục, đi qua những sân khấu nhỏ đạo cụ phục trang rộn rã cờ quạt, đi qua những bịt bùng xe cảnh sát, những lố nhố quán cà phê lố nhố đàn ông chẳng cần dấu nhiều chùm sao trên ve áo. Và nhạc. Và nhảy nhót. Và vỗ tay reo hò đám hậu duệ hồng vệ binh. Sắp đến ngày Quốc khánh. Đâu đâu cũng rực rỡ cờ hoa. Tôi đi trong mưa, câu thơ Trần Dần nhỏ từng giọt lạnh: "Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ". Tôi dừng lại quán cà phê đầu đường Bảo Khánh đông nghịt đàn ông mặt mày căng thẳng, gọi ly cà phê take away. Có tiếng chuông điện thoại réo rắt. Nửa đám đàn ông trong quán vội vã kéo nhau đi. Bắt đầu rồi! Tôi nhảy vội lên taxi, nghe vọng đến tiếng hô vang từ phía bên kia Bờ hồ. "Hoàng Sa,Trường Sa Việt Nam". Ngăn đường, ngăn cả khách bộ hành. Cậu lái taxi văng tục thả tôi xuống đầu đường Nguyễn Xí. Đám  khán giả bất đắc dĩ ngao ngán quành lối khác hoặc sợ hãi phóng vụt qua. Còn trơ lại những diễn viên chính với "hàng trăm nghìn ống nhòm điều chỉnh chĩa vào..". Tôi dễ dàng vượt qua hàng rào an ninh phố sách lậu bằng một lời nói dối thật lòng. Tôi thấy mỗi tôi bước trên lòng đường bữa nay rộng thênh. Bỗng một chiếc xe bus phóng đến. Xe bắt người biểu tình! Một cánh tay  cố vươn ra khỏi cửa sổ, vung nắm đấm lên trời cùng tiếng thét giận giữ. Gương mặt người thanh niên, chủ nhân của nắm đấm, trẻ măng, quất vào tôi cái nhìn nảy lửa. Choáng váng. Như bất ngờ ăn một nắm đấm giữa mặt. Trái tim nhảy nhót loạn nhịp. Tôi dừng lại, nhìn hút theo chiếc xe bắt người. Nắm chặt ly cà phê vừa đi vừa chạy. Không kịp mất rồi. Bậc thềm Bưu điện Bờ hồ khán giả khoanh tay hoang mang nhợt nhạt. Bên kia đường đang diễn ra hoạt cảnh cuối.  Ba, bốn hay năm người đàn ông vây lấy một cậu thư sinh áo phông đỏ. Cậu cố bám vào một gốc cây nhỏ oằn xuống. Chiếc túi vải sinh viên khoác vai văng ra. Khi tôi tràn được lên sân khấu cũng là lúc màn hạ. Chiếc xe bus cuối cùng chở đi người diễn viên cuối cùng. Rùng mình ớn lạnh.
Thập thõm bước trên vỉa hè rộng, như mất hồn, tôi nghe tiếng nhạc từ nãy im bặt nhường cho tiếng loa cảnh sát giờ lại rộn rã cất lên từ phía  sân khấu tượng đài Lý Thái tổ. "Mùa xuân này về trên quê ta, khắp đất trời biển rộng bao la". Đi thêm vài phút, lại một sân khấu nữa xoay lưng vào tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Chàng ca sĩ áo trắng nhảy nhót hò hét cổ vũ đám khán giả áo xanh lèo tèo: "Nào, các bạn ơi, các bạn có muốn tôi hát nữa không? Xin hãy vỗ tay cho tôi, các bạn ơi…".Tôi dừng lại trước cửa đền Ngọc Sơn, nhận lời mời  chụp ảnh với điều kiện, phải chụp cho tôi hậu cảnh sân khấu độc diễn  của đám hậu duệ Hồng vệ binh. Mười phút sau, ngắm tấm ảnh, tôi giật thót, thấy hằn trên gương mặt mình nét cười dã thú. Tôi xé nhỏ tấm ảnh, thả bụi giấy trĩu nặng xuống Hồ Gươm dấu yêu.
"Mời chị chụp vài kiểu ảnh kỷ niệm lấy ngay". Tôi ngẩng lên, vẫn người thợ ảnh cũ. Không. Cám ơn. Tôi lạnh lùng trả lời. Người thợ chụp ảnh quay đi, mời một ông già tay dắt một bé gái. Tiếng ông già: "Ông cháu tôi treo đầy ảnh ở nhà rồi". Tiếng cháu bé: "Cháu có cái ảnh nào đâu?". Tôi bật cười, ông hay cháu? Ai thật ai rởm? Một vài người đàn ông mặt mày vô cảm đi bách bộ nhanh như lướt qua trước mặt tôi. Một chị bế con nhỏ bán kẹo cao su vật vờ nghiêng ngó, ánh mắt cầu cứu. Một đôi thiếu niên trong đồng phục học sinh ngái ngủ ôm nhau thức dậy trên ghế đá cạnh đấy. Hai chiếc cặp sách để hai bên. Thiếu nữ mắt khép héo rũ gục vào vai cậu trai đang hướng cặp mắt vô định xuống mặt hồ. Một đôi khác trẻ trung trong bộ quần áo thể thao trắng tinh đi đến, bất ngờ dừng lại, ngồi xuống cạnh tôi. Nom họ thật đẹp đôi. Tay trong tay. Viên mãn.
Cô gái bắt chuyện: "Chị cẩn thận cái túi, nó cướp đấy! Chúng nó móc túi nhanh lắm". Tôi cười, "Ban ngày ban mặt, giữa chốn đông người thế này sợ gì?". Chàng trai nhanh nhảu: "Sợ chứ chị. Chị cẩn thận cả cái Galaxy nữa. Lần trước ngồi đây, vợ em đã suýt bị móc túi đấy". Có lẽ thấy tôi ngơ ngác quá, cô gái dò hỏi: "Trông chị có vẻ không phải người ở đây?". Tôi cười, "Ba mươi năm trước, chị đã đi xe điện từ Khâm thiên lên ngồi đúng chỗ này để lấy thực tế làm bài văn tả cảnh hồ Gươm đấy. Nhưng bây giờ chị sống ở nước ngoài…". "Em biết ngay mà, chị là Việt kiều, thế chị có nghĩ bọn em cũng là Việt kiều không?". Chàng trai hỏi, rồi trả lời: "Bọn em sống ở Mỹ, năm nào cũng về Việt nam chơi. Hôm qua, đang ngồi ngắm hồ Gươm thì một thằng phát vãng đến gạ bán cái đồng hồ rởm 200 ngàn. Em bảo, làm gì có đồng hồ Senko 200 ngàn, nó liền phanh áo, khoe cái bụng chằng chịt sẹo, gầm gừ, tao là thương binh chính hiệu đây, tao mà thèm lừa chúng mày à? Không mua thì thôi, đưa 200 đây rồi tao phắn, thế là em phải cho nó 200". Cô gái tiếp lời, "May mà nó chỉ đòi 200, nó mà đòi 2 triệu chắc mình cũng phải đưa". Tôi buồn bã thở dài, "Như thế người ta gọi là xin đểu. Thật khó tin là nó lại xảy ra ở ngay Hồ Gươm!". Chàng trai nói như an ủi: "Hà nội vẫn còn lành đấy chị ạ. Sài gòn mới ghê chứ. Vợ chồng em vừa bước chân ra khỏi khách sạn, em bị nó giật phăng cái dây chuyền. Mà công an đứng đầy ngay cổng khách sạn cũng chẳng làm được gì!". Để góp chuyện làm quà, tôi kể cho họ nghe chuyện tôi suýt bị cướp tối qua.  Tôi đang ngồi trên ghế đá gần nhà Thủy tạ, véo von buôn chuyện đường dài với ông xã, bỗng hai "Lan già" từ đâu sà xuống, bất ngờ kẹp chặt hai bên. May là tôi còn đủ tỉnh táo chạy thoát thân ra chỗ sáng đèn. Nhưng đấy là lúc đêm ngày hỗn mang, người phải nhường chỗ cho ma đã đành. Còn bây giờ, mới sáng bảnh mắt, trộm cắp cướp giật cũng còn muốn ngủ nướng chứ! Tôi kết luận: "Ai cũng cảnh báo, bây giờ ngoài đường cướp giật nhiều lắm, nhưng chị nghĩ, một buổi sáng trong lành thế này, bao nhiêu người qua lại tập thể dục, công an đứng đầy đường thế kia, làm sao nó dám cướp giật giữa chốn đông người?'.
Dù nói cứng thế nhưng tôi bắt đầu cảm thấy gờn gợn. Không phải cái gờn gợn nổi da gà bởi cái lạnh cuối thu đầu đông mà tôi hằng nhung nhớ mỗi khi thời tiết chuyển mùa. Đây là cái lạnh như thể có ai vừa lướt một lưỡi dao bén nhọn sau gáy. Tôi bất giác kẹp chặt cái quai túi sát hơn vào sườn. Cô gái liếc xéo vào cái túi của tôi, bảo: "Chị để cái túi sang phía này đi. Để hớ hênh thế kia, nó giật ngay đấy. Nhìn cái túi của chị chúng nó biết ngay chị có tiền". Cô gái nói giọng tưng tửng nhưng ẩn chứa một sự thúc giục rõ ràng. Như thể cô đã nhìn thấy kẻ nào đó đang rình rập giật túi của tôi vậy. Tim tôi đập thình thịch. Bọn cướp nấp ở đâu nhỉ, chúng là ai? Chúng có thể là ai trong số những người lương thiện xung quanh tôi?
Và cả hai cô cậu này nữa, họ là ai? Họ do thiên thần phái xuống che chở cho tôi hay do quỉ sứ đưa đến để hù dọa tôi, làm hỏng buổi sáng thu đẹp đẽ trong lành của tôi? Bỗng nhiên thấy ngột ngạt. Khó thở. Hay chính họ là những kẻ đang rắp tâm ăn cướp? Cô ta chuẩn bị cho tôi ngửi một thứ bùa mê thuốc lú nào đó đủ sức thôi miên tôi. Cậu ta chuẩn bị ra hiệu cho đồng bọn, chỉ chờ tôi hớ hênh bỏ cái túi sang bên phải là cướp liền? Sao cô ta nhất định muốn tôi phải bỏ cái túi sang cạnh chỗ cô ta ngồi? Cho an toàn cái túi của tôi hay cho cô ta dễ bề ăn cướp? Bỗng bủn rủn, chẳng kịp suy nghĩ gì thêm, tôi đứng phắt dậy: "Chào hai em nhé, chị phải đi ngay, bạn chị đang đợi".
Tôi đi như chạy, ôm khư khư cái túi trước ngực. Đất dưới chân tôi chao nghiêng. Và loài người quanh tôi, tất thẩy đều mang dáng vẻ của kẻ cướp giả dạng người lành. Và Hồ gươm của tôi, khói nước bỗng như nồng lên một thứ mùi tanh tưởi, khó thở.
Không biết sau bao nhiêu phút, tôi xuất hiện trước mặt cậu bạn.
 "Chị làm sao mà mặt mày tái nhợt như vừa bị mất cắp thế?". Bạn tôi chào bằng một câu hỏi. Tôi cười hụt hơi: "Không, chị có sao đâu. Ngồi hồ Gươm thích quá nên quên cả giờ hẹn với em, thế là phải chạy vội đến sợ em chờ lâu".
Cậu bạn giới thiệu tôi với bạn gái của cậu. Cô cười rất tươi, reo lên hồn nhiên khi thấy tôi quẳng phịch cái túi xuống đất cạnh ghế ngồi: "Ôi, chị có cái túi đẹp thế. Da cá sấu thật đấy phải không chị. Em là tín đồ của túi xách đấy chị ạ. Cho em xem tí nào. Để xuống đất phí thế, để lên ghế cạnh cái túi của em đây này". Tôi đưa cái túi cho cô gái, cố nở một nụ cười mệt mỏi: "Nó chỉ là cái túi thôi mà, để đâu chả được. Chị thích nó vì nó không made inChina. Nó là made in Vietnam em ạ". Rồi không hiểu sao, một cơn giận vô cớ bất ngờ kéo đến, tôi gằn giọng: "Thật phát điên khi nhìn thấy cái gì cũng Made in China. Không chỉ ở Việt nam. Nghĩ đến lúc không chỉ hàng hóa mà ngay cả thường dân lẫn quan chức cũng made in China nốt thì thật là rùng rợn".
Cậu bạn lặng lẽ cười tinh quái, ấn vào tay tôi ly càphê nóng thơm lừng, thủng thẳng đùa: "Hai chị em  nhà này đúng là đàn bà phù phiếm, có cái túi rởm mà cứ rối cả lên". Cô gái cãi, "Da mềm thế này mà anh bảo rởm à? Đàn ông chả biết gì về thời trang thì ngồi im nhé".
Tôi nhấp ngụm cà phê, nhìn sâu vào mắt cậu bạn, cố kìm nén cái ý định kể lại câu chuyện về đôi nam nữ ven hồ sáng nay. Họ là ai? Thật hay rởm?
Nhưng thôi. Hương cà phê thơm thế, gió thu mơn man thế, cặp mắt cô gái của cậu bạn nồng nàn thế. Tôi không có quyền phá hỏng cái khoảnh khắc tuyệt diệu này. Đúng lúc tôi đang lim dim  mơ màng trong làn khói thuốc thơm, cậu bạn ghé tai thì thầm: "Cứ cà phê vô tư đi chị, mọi chuyện đã có đảng và nhà nước lo".
Hà  nội tháng 9.2011
(Tác giả là một Việt kiều nhân dịp về thăm quê hương đã được chứng kiến ngày Chủ nhật 21/8 không còn tươi hồng nữa. Tác giả trực tiếp gửi cho TL)
                                                                                           *
                                                                               *                        *
TL: Độc giả Văn Đức muốn thông qua trang nhà của Thùy Linh để gửi đến những dòng chữ tâm huyết này dành tặng Nhạc sỹ Tô Hải. Trân trọng tình cảm của anh Văn Đức, TL xin post lên đây với mong muốn Bác Tô Hải sẽ đọc được và vui mừng vì có nhiều người vẫn luôn hướng về Bác với sự kính trọng, yêu quí.

Văn Đức

Kính tặng Bác Tô Hải, Người-chiến-binh-già với trái tim nhân bản và khối óc minh triết. Cảm nhận khi đọc "Phấn đấu kí số 27":


1
Ta nghe máu ào chảy trong trái tim Người-Chiến-Binh-Già,
Máu ấy chảy từ tráng niên đội mũ ca lô đi giành Độc lập.
Trái tim ấy vắt thành lệ cho cuốn sách cuộc đời: "Hồi ký một thằng hèn",
Phải bươn trải sống qua những ngày tối đen tạo nên bởi những người từng là đồng đội.
Ta nghe một trái tim đang nhỏ máu,
Trái tim từng rung cho đời những bản hùng ca: "Các ông, ..."
–Ấy là lời đau xót, đắng cay lay tỉnh những con người lầm lạc,
Rất sáng trong và chan chứa nghĩa tình! 


2
Chúng cháu kém Bác gần hai mươi năm tuổi, 
Đã là thế hệ khác, nhưng vẫn hiểu những gì là đạn bom, tem phiếu với xếp hàng…
Sắp đi hết cuộc đời mới tìm hiểu ra: Có quy luật thường tồn; Nhân Dân là vĩ đại! 
Nhưng trái tim của chúng cháu còn  quá hẹp để thương những người lầm lạc như Bác vẫn còn thương. 


3
Cho chúng cháu nắm tay Bác để cùng chia sẻ niềm tin về sự Trường tồn của Dân tộc Việt.
Một dân tộc có những bậc cao niên sát cánh cùng tuổi trẻ chống lại kẻ thù, 
Khi chúng chiếm những hải đảo xa và vùng biên viễn...
Khi giặc dùng mẹo lừa để đặt chân lên miền đất hiểm, thét lời: Phải đuổi chúng ra! 
Dân tộc ấy không thể chết!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét