Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Ngọc Lan : Chuyện những người (vượt biên) bị ‘thanh lọc’ tại Thái Lan (Kỳ 1: Ra đi - trở về - lại ra đi)

Nguồn nguoi-viet


Khát vọng tự do

 

Kỳ 1: Ra đi - trở về - lại ra đi

 

Ngọc Lan/Người Việt

 

WESTMINSTER (NV) - Bước chân xuống tàu đi tìm vùng trời tự do, hầu hết mọi người đều tự đặt mình vào một canh bạc: hoặc làm mồi cho cá, hoặc sẽ tới "thiên đường". Chính vì vậy, sau những ngày lênh đênh trên biển, chỉ cần nhìn thấy đảo, thấy đất liền, là họ thấy mình "thoát" và xem như chuyến đi thành công.

Người "bộ nhân" năm xưa, Khanh Nguyễn (trái), trong ngày nhận bằng cao học tại University of North Texas. (Hình: Khanh Nguyễn cung cấp)

Tuy nhiên, canh bạc đó lại không đúng với những ai đến các trại tị nạn sau ngày 14 Tháng Ba, 1989, ngày Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) quyết định đóng cửa các trại tị nạn, và mọi thuyền nhân phải qua thanh lọc để hoặc được tiếp tục đến nước thứ ba, hoặc phải hồi hương, trở lại nơi mình đã ra đi.

Câu chuyện của những phận người rơi vào tình cảnh trớ trêu này tại trại tị nạn Panatnikhom và Sikiew ở Thái Lan như anh Khanh Nguyễn ở Texas, anh Lê Viết Minh ở Seattle, và gia đình anh Mạnh Võ, một lần nữa, viết tiếp trang sử người Việt tị nạn vốn còn dang dở, bằng những điều lạ lùng nhất.

 

"Nằm vùng" ở Cambodia, đến Thái Lan trễ ba ngày

 

"Chứng kiến nhiều người thân trong gia đình đi vượt biên bị chết, bị mất tích, nên tôi muốn tìm một đường đi nào cho thật chắc ăn và thật an toàn" là lý do để anh Khanh Nguyễn, một kỹ sư thiết kế, hiện đang sống tại Texas, chọn cho mình cách vượt biên bằng đường bộ sang Cambodia, trước khi tìm đường đi tiếp đến các trại tị nạn.

Theo lời anh Khanh, anh bắt đầu tìm đường đi vượt biên từ năm 1986, nhưng đến năm 1988 anh mới qua được Cambodia, bằng cách "từ Sài Gòn đón xe về Châu Ðốc, rồi từ Châu Ðốc đạp xe đi Phnom Penh".

"Tôi ở đó gần một năm, nhưng đến khi quyết định sang Thái Lan thì lại trễ ba ngày sau khi có quyết định đóng cửa trại tị nạn," người "bộ nhân" năm xưa kể.

Anh Khanh không muốn nhắc lại cảm giác choáng váng và hụt hẫng của mình khi nghe tin trại tị nạn đóng cửa. Anh chỉ cười khì nhớ lại, "Có lẽ là ý trời. Tôi cứ cho đó là ý trời vì tại sao mình ở Cambodia cả năm trời không chịu đi, đến khi đi lại bị trễ mất ba ngày!"

 

Ðứa trẻ không cha, muốn đi vượt biên để khẳng định mình

 

Không giống như anh Khanh Nguyễn hay phần đông người vượt biên không chấp nhận cuộc sống tù hãm, khổ sở, mất tự do, Lê Viết Minh, từ năm 14 tuổi, dám tự mình quyết định xin bạn "cho tao đi (vượt biên) với" bởi "muốn làm điều gì đó để khẳng định rằng một đứa con không cha vẫn có thể sống và tồn tại".

Lê Viết Minh, người đàn ông chỉ vừa ngoài 40, hiện sống tại Seattle từ năm 1998, kể lại câu chuyện của mình vào một ngày cuối Tháng Chín.

Không hề biết cha đẻ của mình là ai, nên từ lúc được sinh ra, Minh được vợ chồng người dì - chị ruột của má - đứng tên làm khai sinh giùm. Ba năm sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, má của Minh bị bắt vì "tình cờ giữ giùm người ta thùng dầu 10 lít".

Má đi tù, cậu bé Lê Viết Minh về ở với dì dượng.

Dù coi vợ chồng người dì như cha mẹ, tự trong tiềm thức, nỗi ám ảnh về thân phận một đứa trẻ không cha, không mẹ thôi thúc Minh phải bằng mọi cách làm sao đó để có thể tồn tại một cách đường hoàng, vững chãi.

Chính vì điều này mà năm 1985, khi mới 14 tuổi, nghe đứa bạn cùng lớp cho biết sẽ được ba mẹ dẫn đi vượt biên, Mình không ngần ngại "xin đi theo, và đưa trước cho ba nó 2 chỉ vàng".

Tuy nhiên, khi ra Nha Trang, Minh cho rằng "chắc mình ngủ quên nên người ta đi mất hết". Vậy là chuyến đi đầu tiên không thành.

Ba năm sau, Minh lại cùng gia đình người bạn đó về Cần Thơ để "đi tiếp". Lại không lọt.

Lần thứ 3, năm 1990, nghe đứa bạn sát vách nhà tâm sự, "ba tao muốn tao đi vượt biên nhưng tao lại không muốn đi". Minh lên tiếng, "Ðể tao đi cho." Vậy là người thanh niên 19 tuổi Lê Viết Minh khi đó theo lời chỉ dẫn xuống Cà Mau để thực hiện chuyến đi vượt biên vào một ngày cuối Tháng Tư, mà trong đầu không hề mảy may hay biết rằng các trại tị nạn đã đóng cửa từ một năm trước!

 

Hành trình trên biển

 

"Khi người ta kêu xuống chiếc vỏ nhỏ xíu để đưa ra tàu lớn, tôi cứ ngỡ trong đầu là tàu bự lắm. Nhưng khi thấy tàu thì hỡi ôi vì chiếc tàu chỉ lớn hơn cái buồng tắm thôi, chẳng khác gì chiếc xuống mà dồn 27 người xuống, ngồi còn không được nữa huống chi là nằm." Minh bắt đầu hồi tưởng.

Ngay ngày đầu tiên của chuyến đi, mọi chuyện không suôn sẻ!

Tàu mắc cạn. Chân vịt gãy. Sau khi thay chân vịt, những người tổ chức kéo nhau nhảy xuống một chiếc xuồng nhỏ và nói những câu mà vài ngày sau Minh mới kịp hiểu, "Chúc may mắn. Tụi bây qua đó nó đóng cửa rồi cũng đi không được đâu!"

Bốn ngày liên tiếp, chiếc tàu "nhỏ như cái buồng tắm" lênh đênh trên biển.

Những chiếc lu đựng nước bị giật qua giật lại bể tan tành.

Con tàu rỉ nước.

Ðói.

Khát.

Những đứa con nít có mặt trên tàu khóc thôi là khóc.

Người ói. Người mửa. Người đọc kinh.

"Còn tôi thì tát nước, tát cho đến khi chịu không nổi nữa."

Giọng Minh đều đều kể lại chuyến vượt biên từ hơn 20 năm trước.

"Ðêm thứ tư, mệt quá rồi, tôi nói 'thôi cho chết hết cho rồi, mệt quá rồi'. Và tất cả quyết định nằm ngủ luôn cho nước vô tràn tàu rồi chết luôn."

Nhưng.

Không phải mình quyết định chết là có thể chết được!

"Không biết nước vô đầy rồi nó không vô nữa hay sao mà khi mở mắt ra vì trời nắng chói quá, thấy mình vẫn còn sống," Minh cười nhớ lại.

Và lại tát nước.

Tuy nhiên, điều Minh nhớ nhất của chuyến đi không phải là chuyện tát nước đến lả người, mà là chuyện người ta nhảy xuống biển để kết thúc sự đau khổ!

Vẫn bằng giọng bình thản, Minh kể, "Trên tàu có một chú ngoài 50, khi đi chỉ mang một theo một cái tụng đệm, không bao giờ nói một tiếng nào. Thấy chú đó đói quá, tôi lấy cái bánh lột da tôi cất để dành trong chiếc túi dếch của mình đưa cho chú."

Thế nhưng.

"Chú không ăn mà bóp vụn bánh ra, thảy xuống biển. Xong, chú đứng dậy nhảy luôn xuống đó." Minh ngừng vài giây.

"Không biết có phải vì bắt chú tát nước mệt quá không chịu nổi nữa nên chú tự tử luôn không? Mọi người thảy dây xuống nhưng chú không bắt."

Minh trầm giọng, "Tôi không biết chú tên gì, chỉ biết chú khoảng ngoài 50, tôi cũng không biết nhà chú ở đâu. Có điều sau này cứ mỗi lần có chuyện gì, tôi lại cầu nguyện đến chú đó, cũng có nhiều điều may mắn."

Con tàu còn lại 26 người.

Lại tiếp tục lênh đênh trên biển.

Ðến ngày thứ bảy thì chiếc tàu nhỏ của Minh đến Thái Lan, sau khi được một tàu đánh cá Thái Lan giúp đỡ.

Sau 15 ngày ở tỉnh Nakhon Si Thammarat, miền Nam Thái Lan, Lê Viết Minh và mọi người đi cùng chuyến tàu được đưa về trại tị nạn Panatnikhom.

"Khi đó tôi mới biết chuyện trại tị nạn đã đóng cửa, mọi người phải chờ thanh lọc." Minh nói.

"Anh có cảm thấy thất vọng khi nghe tin đó không sau một hành trình cận kề với cái chết như thế?" Tôi hỏi.

Minh trả lời tỉnh queo, "Thôi thì tới đâu hay tới đó. Ý tôi là có bắt cũng không về, khổ tới đâu cũng ráng mà chịu. Tôi không có thân nhân, không có gì hết nên trong đầu chỉ nghĩ qua tới đó rồi thì đi làm kiếm tiền sống chứ không có gì lo lắng quá."

Năm đó Minh 19 tuổi, và bắt đầu cuộc sống hơn sáu năm chờ ngày thanh lọc.

 

Làm thiện nguyện, đổi cái ăn, hy vọng và chờ đợi

 

Mỗi người đều tìm cho mình một công việc gì đó để làm trong thời gian chờ đợi thanh lọc là điều mà tất cả những ai đã trải qua thời gian ở trại tị nạn Thái Lan đều biết.

Nếu anh Khanh Nguyễn "mỗi ngày làm hai công việc thiện nguyện, cuối tuần làm thêm một cái nữa," thì Minh Lê lại làm công việc sửa xe, sau đó là làm nơi "transit" đưa những người tị nạn đi định cư ở nước thứ ba.

Cả Minh lẫn anh Khanh đều "rớt" sau khi phỏng vấn thanh lọc, chỉ với lý do duy nhất, "Ðến trại tị nạn sau ngày 14 Tháng Ba, 1989."

Khi "rớt thanh lọc," tất cả được chuyển sang trại Sikiew, nơi "gần như là một nhà tù," để chờ ngày được "tái xét" hoặc chờ ngày tự nguyện hoặc bị cưỡng bách hồi hương.

"Thời gian này là khổ cực đó," Minh nói.

Anh Khanh Nguyễn cho biết, vì nơi đây chẳng khác gì nhà tù nên kỷ luật rất khắt khe, không được đi ra ngoài, không được thức sớm trước 6 giờ sáng, cũng như không được thức trễ hơn 10 giờ tối.

"Trong trại tù đó lại có những trại tù nhỏ hơn để nhốt những người quậy phá." Anh Khanh nhớ lại.

Theo lời Minh và anh Khanh, khi vào trại Sikiew, nơi có tường cao bao bọc, "người ta sống như xếp cá mòi vì hơn 300 người bị dồn vào căn nhà dài chừng 40 mét, rộng chừng 20 mét." Mỗi ngày, mỗi người được chia 20 lít nước dành cho tất cả các sinh hoạt tắm, giặt, ăn, uống.

"Mỗi tuần được lãnh thức ăn hai lần. Một lần thì được một lạng cá, một lần thì được một lạng thịt gà, cùng 3.5 ký gạo và 2.5 ký củi. Sống như vậy đó." Minh cười ha ha khi nhắc lại những năm tháng "đen tối" này.

"Có nản không?" Tôi hỏi cả anh Minh lẫn anh Khanh.

"Tôi nghĩ cha mẹ anh chị em tôi đều ở Mỹ thì không có lý do gì họ cho tôi quay về Việt Nam, nên tôi cứ hy vọng và chờ xem chương trình thanh lọc như thế nào." Anh Khanh chia sẻ.

Tuy nhiên, sau bốn năm vào chương trình chờ đợi đến phiên, anh Khanh Nguyễn bị từ chối.

Anh cho rằng thời gian tổng cộng sáu năm sống ở trại cấm Thái Lan, kỷ niệm khiến anh nhớ nhất chính là giây phút bị cưỡng bách về Việt Nam cùng 300 người khác. Và cũng trong đêm đó, lại có hơn 300 người được đi định cư ở Mỹ, Úc và Canada.

Anh nói, "Ngày bị đưa về Việt Nam, tôi nghĩ cuộc đời mình đã xong. Ðâu còn mơ ước gì nữa, mọi tương lai coi như đã khép lại rồi." Giọng anh kể lại nghe nhẹ hều. Nhưng có lẽ trong thời khắc ấy, gánh nặng của sự tuyệt vọng của những người cùng hoàn cảnh như anh còn đau đớn hơn nhiều những nhọc nhằn cơ cực của bao năm chịu đựng để chờ đợi, để hy vọng góp lại.

Với Minh Lê thì hơn năm năm sống trong tình trạng hy vọng và chờ đợi đó, cũng có lúc Minh "nản, nản lắm, nhất là khi chứng kiến người ta bị ép về bằng mọi giá, chứng kiến cảnh người ta bị cột tay chân, bỏ vô bao bố, khiêng như khiêng heo bỏ lên máy bay".

Nhưng, như Minh nói, "Mình cũng bị ép nhưng mình cứ cố ở lại vì mình độc thân. Nhưng cũng nghĩ đường cùng đến tên mình cũng phải về, còn không thì phải vượt biên một lần nữa, tức bỏ trốn ra ngoài đi tìm chỗ khác ở."

Theo lời Minh Lê, từ Tháng Mười, 1995 đến Tháng Sáu, 1996, UNHCR có chương trình ROVR (Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees), tức chương trình tạo cơ hội định cư cho người Việt hồi hương. Những ai tự nguyện "đăng ký" hồi hương theo chương trình này thì sau khi trở về Việt Nam chờ đợi sẽ được gọi phỏng vấn đi Mỹ trở lại. Ai không "đăng ký" sẽ bị cưỡng bách bằng nhiều hình thức.

Do "bán tín bán nghi," rất nhiều người không tham gia chương trình, trong đó có Minh Lê.

Tuy nhiên, "tôi có nhiều cái may mắn," Minh nói. Ngày cuối cùng cho phép đăng ký tên vào chương trình ROVR, Minh đã "đến nhà một người bạn chơi đến khuya luôn, để cho ngày đó qua luôn, vì mình không muốn đi đăng ký".

Thế nhưng, thay vì phòng làm việc đóng cửa lúc 5 giờ chiều như thường lệ, thì ngày hôm đó, người ta kéo dài thời gian đến tận 12 giờ đêm. Vậy là khi thấy Minh vừa trở về, một người bạn đã "lôi tay tôi kéo đi đăng ký".

"Thấy nhóm bạn năm người của mình đều đã ghi danh, luôn cả bạn gái, họ bảo thôi thì trước sau gì cũng về, thôi cứ lên ghi tên. Vậy là tôi phải về." Minh tiếp tục kể.

Cuối năm 1996, Minh trở về Việt Nam.

 

Ra đi lần hai

 

Theo lời anh Khanh Nguyễn, sau khi trở về Việt Nam, anh cũng như mọi người, phải ở trại tiếp nhận ở Thủ Ðức để người ta điều tra khoảng một tuần trước khi cho về nhà.

Cả Minh và anh Khanh đều cảm thấy khó khăn trong thời gian đầu sau khi hồi hương. Tuy nhiên, ý định được ra đi vẫn âm ỉ trong lòng mọi người.

Năm 1997, anh Khanh Nguyễn chính thức lên đường định cư tại Hoa Kỳ theo chương trình đoàn tụ gia đình chứ không theo chương trình ROVR.

Trong khi đó, Minh Lê, sau cuộc phỏng vấn nhớ đời kéo dài 15 phút, anh đã có mặt tại Mỹ vào một ngày gần cuối Tháng Sáu, 1998.

Có một điều khá bất ngờ và thú vị cho Minh, đó là người phỏng vấn đã hỏi Minh "có vợ hay người yêu chưa".

"Tôi nói không có vợ, chỉ có người yêu từ lúc ở Thái Lan, giờ cô ấy cũng hồi hương." Minh nhớ lại.

"Không ngờ nghe vậy, ổng nói về làm giấy kết hôn thì ổng cho cổ đi luôn, ổng cho thời gian ba ngày để làm. Tôi bất ngờ quá, cứ tưởng ổng giỡn." Minh cười lớn.

Vậy mà Minh và người bạn gái của mình được đi thật. Ðể cho đến tận bây giờ, họ vẫn là một cặp vợ chồng có với nhau ba đứa con.

***

Hiện là một kỹ sư thiết kế ở Texas, nhìn lại những năm tháng đã qua, anh Khanh Nguyễn thổ lộ, "Ðúng như người Mỹ nói, tự do không phải tự dưng mà có, freedom is not free. Tự do phải nỗ lực tìm kiếm, cho dù đời sống nghịch cảnh đau khổ như thế nào mình cũng nên nắm bắt lấy những cơ hội."

Chính vì như vậy, anh Khanh cho rằng "thật xứng đáng, rất xứng đáng" với tất cả những gì đã bỏ ra để được đặt chân đến Mỹ.

Thuyền nhân Minh Lê, người từng sống qua thời gian thanh lọc tại Thái Lan từ năm 1990 đến 1996, hiện đang sống tại Seattle. (Hình: Minh Lê cung cấp)

Với Minh Lê, đến Mỹ, miệt mài với chuyện đi làm, để có được tất cả những gì mình có, đã thỏa mãn với những điều mà Minh, một đứa con không hề biết cha, đã tâm niệm từ nhỏ.

Anh chia sẻ, "Ý chí hay không ý chí không phải qua Mỹ mới có, hay nó sẽ đến với mình một cách dễ dàng. Tất cả phải được hun đúc, cấu thành từ lúc mình còn niên thiếu, từ hoàn cảnh gia đình để mình quyết tâm và phấn đấu."

Với Minh, giờ đây chỉ còn lại mỗi một điều phải suy nghĩ, "Có một lúc nào đó, có một người xuất hiện và nói đó là ba của tôi, thì tôi phải làm sao?"

Nếu câu chuyện của Khanh Nguyễn, của Minh Lê có thể tiêu biểu cho câu chuyện của biết bao người đã ra đi, bị thanh lọc, trở về rồi lại ra đi, kéo dài giấc mơ đến Mỹ có khi đến cả 10 năm, câu chuyện về khát vọng đến Mỹ, giấc mơ thực hiện liên tục trong suốt gần 30 năm mới gần thành của anh Mạnh Võ, mà chúng tôi sẽ đăng trong kỳ tiếp theo, sẽ cho người đọc thấy được ý nghĩa của hai chữ tự do mạnh mẽ đến dường nào.

 

(Kỳ tới: 30 năm cho một hành trình tìm tự do)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét