Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Lê Ngọc Thống : Triều Tiên phóng vệ tinh: Thế cờ Đông Bắc Á lộ rõ

Nguồn viet-studies

Khu vực Đông Bắc Á trong thời gian gần đây có nhiều sự kiện, hiện tượng rối rắm. Nhưng khi xâu chuỗi các kết quả lại với nhau chúng ta thấy logic đáng ngạc nhiên. Xem ra vấn đề không đơn giản là chỉ từ Triều Tiên.

 

Ngày 26/3/2010 tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị đắm tại vùng biển gần ranh giới với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ở Hoàng Hải bởi 1 quả ngư lôi, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Chính phủ Hàn Quốc thông báo đã hoàn tất cuộc điều tra và kết luận nguyên nhân do ngư lôi của CHDCND Triều Tiên. Triều Tiên phản đối cho đó là trò hề.

Ngày 23/11/2010 Triều Tiên bất ngờ nã khoảng 200 quả đạn pháo sang một hòn đảo của Hàn Quốc nằm gần khu vực tranh chấp lãnh hải hai miền. Đây là vụ việc nghiêm trọng nhất kể từ sau chiến tranh Triều Tiên hơn nửa thế kỷ trước.

Bẵng đi một thời gian, sau khi lãnh tu Kim Jong IL mất, đã thấy hàng đoàn xe ô tô của Trung Quốc chở lương thực viện trợ khẩn cấp nối đuôi nhau qua biên giới Trung –Triều. Trung Quốc quyết duy trì sự tồn tại chế độ chính trị Triều Tiên sau biến cố này.

Ngày 29/2/2012, Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cũng phát đi thông điệp rằng, Bình Nhưỡng đồng ý ngừng các vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa tầm xa cũng như chương trình làm giàu uranium và cho phép các thanh sát viên Liên Hợp Quốc (LHQ) quay trở lại đây để đổi lấy hàng viện trợ từ phía Washington, muốn nối lại đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân, trong đó, Bình Nhưỡng đề nghị thảo luận dỡ bỏ trừng phạt với Triều Tiên

Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã hoan nghênh tiến bộ này, và cho rằng động thái nói trên sẽ thúc đẩy kế hoạch bị trì hoãn lâu nay về việc chuyển giao 240.000 tấn hàng lương thực cứu trợ cho CHDCND Triều Tiên

Ngày 16-3-2012, CHDCND Triều Tiên tuyên bố rằng họ sẽ phóng vệ tinh thông tin Kwangmyongsong 3 lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Unha trong ngày 12 đến 16-4. Theo họ, đây là sự kiện diễn ra nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (ngày 15-4), đồng thời phô diễn sự "thịnh vượng và bền vững" của đất nước, và sẽ trở thành một cột mốc trong lịch sử của CHDCND Triều Tiên, trong đó vụ phóng vệ tinh sẽ là sự kiện trọng đại nhất của họ.

Tuy nhiên, phương Tây và nhiều nước láng giềng của Triều Tiên cho rằng đây chỉ là vỏ bọc che chắn tham vọng thử nghiệm tên lửa tầm xa, vì tên lửa Unha-3 có tầm bắn lên tới gần 4.000 km, có thể bắn tới bang Alaska của Mỹ.

Liệt kê ra những sự kiện quan trọng như vậy để có thể củng cố 2 đánh giá về Triều Tiên. Thứ nhất, họ có vẻ như hiếu chiến, luôn là nguyên nhân gây nên căng thẳng trong khu vực. Thứ hai, trong các tuyên bố của họ rất khó tin, chẳng ai hiểu họ sẽ làm gì tiếp theo…

Vậy thực chất của vấn đề là gì? Nhìn qua chỉ thấy hàng loạt hiện tượng rối rắm, nhưng khi xâu chuỗi các kết quả lại với nhau, dư luận không chỉ thấy đơn giản là chỉ từ CHDCND Triều Tiên.

Từ 2 sự kiện ngày 26/3 và 23/11/2010, kết quả là mối liên minh quân sự của Mỹ-Hàn Quốc và Mỹ-Nhật Bản bổng nhiên sống lại đầy triển vọng. Đặc biệt hàng loạt cuộc tập trận của Mỹ-Hàn ngay tại trước cửa nhà Trung Quốc với nhiều trang bị phương tiện hiện đại. Lý do có vẻ chính đáng khiến Trung Quốc không thể phản ứng, đành chịu trận. Đây chính là bước đi cơ bản, kết hợp với sự nóng lên ở biển Đông đã đưa Mỹ hiện diện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Sự kiện ngày 16/3/2012. Ai cũng biết là Mỹ chẳng bất ngờ. Thế nhưng Nhật Bản, Hàn Quốc và ngay cả Đài Loan cũng tuyên bố sẽ đánh chặn nếu nó bay sang không phận.

Không như các lần trước, lần này họ không chỉ nói suông. Nhật Bản từ ngày 6/4 đã triển khai xong hệ thống đánh chặn ở phía đông gồm rất nhiều bệ phóng. Hàn Quốc cũng thế, triển khai xong các hệ thống đánh chặn phía tây với một tinh thần "nếu tên lửa Triều Tiên xâm phạm không phận của họ dù chỉ 1cm sẽ tiêu diệt". Còn Mỹ thì đem thi thố sử dụng trang bị cực kỳ hiện đại trong dò tìm phát hiện tên lửa như radar X-Band và chia sẻ thông tin cho Nhật, Hàn…Sự chuẩn bị của 3 nước này có vẻ rất chi là "hồ hởi".

Điều thú vị là phản ứng của Mỹ. Mỹ không bất ngờ, Mỹ biết trước nhưng Mỹ vẫn lờ đi khi tuyên bố viện trợ nhân đạo lương thực cho Triều Tiên. Khi Triều Tiên tuyên bố phóng Vệ tinh thì Mỹ tuyên bố đình chỉ viện trợ. Mỹ ngoại giao giỏi như ảo thuật.

Phải chăng Triều Tiên chỉ là "quân xanh" cho họ diễn tập? Nếu đúng vậy thì chẳng có sao cả, nhưng vấn đề quan trọng nhất, một câu hỏi rất cần câu trả lời chính xác nhất là: Sau khi Triều Tiên phóng xong tên lửa thì các hệ thống đánh chặn của Nhật, Hàn và cả Đài Loan còn tồn tại hay không? Nếu còn tồn tại thì dùng để đánh chặn hoặc tấn công đối tượng nào?

Xem ra, sau khi Triều Tiên phóng xong vệ tinh thì Mỹ nên viện trợ 240000 tấn lương thực lại ngay mới phải đạo. Lá chắn tên lửa của Mỹ giờ không chỉ ở Hawaii mà gần Trung Quốc hơn nữa không phải là nhờ Triều Tiên sao?

Có một vấn đề cốt lõi cũng cần đặt ra là, tại sao Triều Tiên là đồng minh thân cận, duy nhất của Trung Quốc nhưng tại sao lại luôn đưa Trung Quốc vào chỗ khó vậy? Liệu Trung Quốc có dự kiến được những tình huống đã xảy ra như này hay không? Hay khi thấy đồng minh của mình làm cho Mỹ, Nhật, Hàn.. "hoảng loạn, lo sợ.." thì cười tít mắt lại, đến khi mở mắt ra thì…đã muộn?. Nếu biết thì tại sao Trung Quốc không ngăn cản? Phải chăng Triều Tiên thích gì làm đấy bất chấp hậu quả để lại cho đồng minh? Phải chăng Trung Quốc chưa nếm đòn "chiến tranh lạnh" như Nga nên không quan tâm đến phản ứng của Nga khi Mỹ đặt các hệ thống NMD trên danh nghĩa đối phó với I-ran? Vân vân và vân vân.

Với Triều Tiên, đa đảng hay độc đảng không quan trọng, bởi nó không quyết định đến sự tồn vong của chế độ. Nhưng chế độ "gia đình trị" thì sớm muộn gì cũng bị diệt vong. Vấn đề chỉ là thời gian mà thôi. Việt Nam có chế độ Ngô Đình Diệm, gần đây một loạt chế độ kiểu "gia đình trị" trên thế giới lần lượt sụp đổ hết chắc chắn sẽ tác động cực mạnh đến ban lãnh đạo và nhân dân Triều Tiên. Myanmar là một bài học về tự vận động để tồn tại trong bối cảnh ngày nay.

Dư luận thế giới cho rằng Mỹ đang tìm cách lôi kéo Triều Tiên xa rời Trung Quốc. Có thể đó không chỉ là dư luận.

Trung Quốc phải cảnh giác. Coi chừng Triều Tiên là một Myanmar thứ hai.

Phải chăng tình hình ở Đông Bắc Á đã đến lúc không cần phải giấu nước cờ.

 

 Tác giả gửi ngày 9-4-12

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét