Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Nguyễn Thông : Tuyên bố chủ quyền: Bao giờ mới hết ăn theo, nói theo đây?

Nguồn thongcao55

Nghe tin cơ quan chức năng nhà nước sắp tới xiết chặt hơn việc sử dụng internet, đặc biệt sẽ quản lý chặt chẽ các mạng xã hội, những trang blog và blogger, mình nghĩ rằng uy quyền ở trong tay thì các vị làm gì chẳng được. Thậm chí có thể bắt chước Iran xóa sổ luôn internet cũng chả thằng dân quèn nào dám cãi. Cấm cãi. Cãi bỏ tù.

Nhưng trước khi cấm hoặc xóa, các vị thử tĩnh trí lại xem, có phải internet độc hại đến mức cần còng tay nó, siết cổ nó không. Chỉ riêng chuyện bảo vệ chủ quyền biển đảo, Hoàng Sa- Trường Sa, mình lại nhớ đến lời khuyên của bác Trần Công Trục- nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ. Bác Trục bảo rằng trong việc thông tin tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, ngoài các kênh thông tin chính thống của nhà nước, cần huy động, tận dụng tối đa những trang mạng xã hội, các blog, báo điện tử bởi sự thông tin nhanh nhạy, rộng khắp của chúng. Hình như các cơ quan an ninh đã hơi nhầm khi cứ soi mói các blog mà không thấy rằng, những blog ấy dù nói gì thì nói, nhưng khi đề cập đến chủ quyền biển đảo, Hoàng Sa-Trường Sa gần như trăm phần trăm đều lên án Trung Quốc, bênh vực chủ quyền lãnh thổ VN, thể hiện lòng yêu nước nhiệt thành của công dân. Các bác ạ, cấm thì dễ ợt, còn sử dụng được mới khó cơ. Hầu hết bloggers là người yêu nước đấy, không phải thế lực thù địch như các bác đề phòng đâu.

Nhân tiện vấn đề này, mình post lên đây bài của cụ Tống Văn Công- nguyên Tổng biên tập báo Lao Động, bài còn nóng hôi hổi, vừa đăng trên báo Lao Động số ra hôm nay 11.4.2012. Cụ Công, ngoài những bài đăng trên báo chí chính thống còn có rất nhiều bài sâu sắc trên những trang mạng xã hội.



Chủ động khẳng định chủ quyền

TỐNG VĂN CÔNG
Ngày 9.4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lương Thanh Nghị đòi Trung Quốc chấm dứt ngay thử nghiệm du lịch ở Hoàng Sa: "Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa… Trung Quốc phải chấm dứt ngay việc làm trên, nghiêm túc tuân thủ DOC".

Nhưng đây không phải lần đầu tiên chúng ta cương quyết như vậy, mà đã lặp lại không ít lần trong năm, thậm chí trong tháng! Sức tác động do vậy không đủ mạnh như mong muốn!

Trung Quốc hành động phi pháp, nhưng họ luôn tính toán để đối phó trước mắt, nhằm đạt mục tiêu cuối cùng. Trước khi cắt cáp tàu Bình Minh 2,  họ cử các nhân vật cao cấp ém trước các đầu mối có ý nghĩa bùng nổ thông tin chính trị quốc tế. Lần này, từ 27 đến 28.2, họ mời Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn hội đàm với người đồng cấp Trương Chí Quân. Chiều 2.3, hai bên ra thông cáo khai trương đường dây nóng giữa hai bộ ngoại giao với ý nghĩa thật tích cực, xây dựng:    

"Tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện VN - TQ, triển khai các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh, cùng nhau duy trì hòa bình ổn định ở biển Đông"; "Hai bên còn nhất trí thành lập nhóm công tác về phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ"; "Thành lập nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại cho ngư dân". 

Nhưng ngay hôm sau (3.3), Trung Quốc vây bắt 2 tàu đánh cá cùng 21 ngư dân VN trên vùng biển Hoàng Sa, đòi tiền chuộc mỗi người 70.000 nhân dân tệ. Chưa hết, liên tục suốt trong tháng 3, họ làm những việc phi pháp: Mời thầu dầu khí thăm dò gần đảo Cù Mộc của VN; tập trận bắn đạn thật; tổ chức đua thuyền buồm và nay là thử nghiệm du lịch!

Vì sao họ bỏ công mời Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn họp mấy ngày, long trọng thông báo khánh thành đường dây nóng với nội dung tích cực như thế? Đó là thủ đoạn quen thuộc nhằm buộc chặt tư duy VN vào miếng mồi "vì đại cuộc", làm chúng ta phản ứng chậm, không quyết liệt, không tìm biện pháp cơ bản giải quyết rốt ráo chủ quyền biển đảo. Họ cần thời gian, mọi chuyện để lâu dễ trôi vào quên lãng.

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội ngày 25.11.2011 về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN;  biện pháp hòa bình để thu hồi Hoàng Sa là rất rõ ràng. Nhưng sau đó, cần phải có phương án tổng hợp được các nguồn lực kèm theo là một  lộ trình rất cụ thể để thực hiện. Rất cần có một văn bản chính thức của Chính phủ về Hoàng Sa làm tư liệu cơ bản để đưa ra công luận quốc tế trên tất cả mọi diễn đàn, trước khi đưa ra trọng tài quốc tế. Không để Trung Quốc biến việc cưỡng chiếm Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa thành chuyện đã rồi! 
Tống Văn Công

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét