Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

Đào Tuấn : Chiến trường giữa Thủ đô (chuyện cái ... lề!)

Nguồn daotuanddk

Không thể vì bãi cho ô tô mà có thể chơi trò đỏ đen với tính mạng người đi bộ. Càng không thể vì tiền mà xúc phạm đến sự kiên nhẫn của những người dân hàng ngày chung sống với triền miên tắc đường.

Tháng trước, Hà Nội đã xảy ra "vụ án trà chanh" gây náo loạn phố phường. Chỉ vì tranh chấp chỗ bán trà chanh dọc hè phố quanh trường ĐH Kinh tế, hai hung thủ đã kề súng bắn bể bụng "kẻ tranh chấp". Địa điểm tranh chấp, cũng là nơi gây ra vụ nổ súng, tất nhiên, là một đoạn vỉa hè.
Câu chuyện mưu sinh bên vỉa hè Hà Nội thực ra đã được Thạch Lam mô tả, nhưng theo một cách cực nên thơ, từ những năm 30 của thế kỷ trước, với "mẹt hàng của bà cụ phố Hàng Khoai", với  "một chén nước chè nóng, một lá trầu tươi, một điếu thuốc lào ở cái điếu rõ kêủ bên hàng nước cô Dần".
Vỉa hè Hà Nội giờ bạo lực hơn nhiều, minh chứng cho sự vô chủ của những đoạn phố, về mặt lý thuyết, là dành cho người đi bộ.
Nói vô chủ là bởi vỉa hè, theo quy định là của công, dành cho người đi bộ, nhưng thực tế là của "nhà mặt tiền" mà "vụ án trà chanh" chỉ là một trong vô số những ví dụ.
Đến giờ, ngay chính quyền, ngay "cơ quan chức năng" cũng không nỡ miếng "xôi chùa" này khi họ nhìn thấy.. tiền trên vỉa hè.
Tuần trước, Thanh tra Bộ GTVT đưa ra vô số các ví dụ để thấy chính cơ quan quản lý giao thông đang chính là người chiếm dụng nhiều nhất lòng đường, vỉa hè. Chẳng hạn như việc Sở GTVT Hà Nội cấp bãi trông giữ 174 m2 dưới lòng đường  Đào Tấn, chỉ cách nút giao 10m; hay giấy phép được phép trông giữ xe ôtô dưới lòng đường phố Đội Cung, Cao Đạt khi lòng đường tối thiểu không đủ 10,5 m2. Và trong khi khu vực phố cổ chật như nêm thì 144 m2 vỉa hè phố Cầu Gỗ trở thành điểm trông giữ xe. Vỉa hè những Hàng Buồm, Hàng Bồ, Lãn Ông, Thuốc Bắc cũng trở thành bãi giữ xe, thành phương tiện kiếm tiền. Ngay bên Hồ Gươm, cơ quan quản lý cấp phép cho Công ty Hà Nội Bốn mùa được sử dụng 200m2 lòng đường phố Đinh Tiên Hoàng- tuyến phố nằm trong danh mục không đượng trông giữ phương tiện dưới lòng đường- để công ty này trông giữ xe ô tô. Tất nhiên là trông giữ có thu phí.
Nhưng đó là mức phí được tính để gây ra thất thu hơn 20 tỷ đồng. Mà thất thu cho nhà nước, thì cũng có nghĩa số tiền đó vào túi một ai đó.
Thế nào cũng có người thắc mắc: Với 1.178 điểm, 43 ha bãi đỗ xe có giấy phép, giao thông tĩnh của Thủ đô chỉ đáp ứng được 8 – 10% nhu cầu của tổng các phương tiện hiện có. Không trông giữ trên vỉa hè lòng đường thì đỗ xe vào đâu?
Nhưng "hậu quả của tầm nhìn quy hoạch" đó không phải là lỗi của người dân thủ đô. Càng không thể vì bãi cho ô tô mà có thể chơi trò đỏ đen với tính mạng người đi bộ. Càng không thể vì tiền mà xúc phạm đến sự kiên nhẫn của những người dân hàng ngày chung sống với triền miên tắc đường.
Vừa rồi, Sở GTVT Hà Nội đã chính thức "phản pháo" kết luận của Thanh tra Bộ GTVT với mấy ý chính: Không sai, không ảnh hưởng đến giao thông và thất thoát là "không có cơ sở".
Cuộc tranh chấp Bộ- Sở. Chuyện đúng sai sẽ còn phải tranh luận dài dài. Có điều, với cách quản lý, và cả lối suy nghĩ như thế, vỉa hè Hà Nội, thay vì dành cho người đi bộ, sẽ còn dài dài là chỗ kiếm tiền của cơ quan nhà nước, là chốn mưu sinh của dân chúng, tất nhiên, là chiến trường cho các cuộc tranh chấp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét