Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Vụ in tiền : Ngân Hàng Trung Ương Úc xếp đặt hối lộ quan chức Việt Nam

Nguồn nguoi-viet
 
Wednesday, August 22, 2012 8:27:54 PM


MELBOURNE (NV) -Hối lộ quan chức nước ngoài trong đó có Việt Nam để giành mối thầu in tiền có chủ trương từ trong văn phòng Ngân Hàng Trung Ương của Úc tên chính thức là Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Úc (RBA).

Trụ sở Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Úc (RBA). (Hình: AFP/getty Images)

Phiên tòa xử 8 viên chức thuộc công ty dịch vụ in tiền Securency và Nhà In Tiền chính phủ Úc (NPA) tiếp diễn sang tuần lễ thứ hai với sự thẩm vấn các bị cáo.

Tòa án đã nghe các cáo buộc cũng như những lời khai viên chức thuộc một cơ quan của RBA chứng tỏ họ đã thuê các kẻ môi giới trung gian để hối lộ quan chức nước ngoài.

Trong phiên tòa ngày Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012, tòa án đã nghe thấy lời khai về ông Clifford Gerathy, một viên chức RBA được "biệt phái" tới công ty con (Securency) nhưng vẫn là viên chức của RBA tại cơ sở ở Sydney, thời gian có các vụ dàn xếp trả tiền hối lộ qua các người môi giới.

Ông Gerathy là một trong 8 quan chức bị truy tố về tội gian dối và âm mưu hối lộ quan chức ngoại quốc dưới hình thức trả tiền cho các người môi giới.

Bà Rubina Mifsud, phụ tá giám đốc tại Securency khai trong một bản khai với cảnh sát liên bang điều tra rằng vai trò của ông Gerathy là "hợp tác với các người môi giới liên quan đến việc bán dịch vụ in tiền ở nước ngoài."

Luật sư đại diện cho cựu giám đốc điều hành Securency Myles Curtis (một bị cáo) đã hỏi bà Marie Allen, một phụ tá riêng của ông Curtis, và được bà này xác nhận là các điện thư bà gửi cho ông Gerathy thì tới văn phòng của ông này ở một cơ sở của RBA. Tức là bà ta gửi từ "Securency tới RBA," công ty con tới công ty mẹ.

Ðể che giấu vụ việc, bà khai trong bản khai với cảnh sát rằng ông Gerathy có bí danh "Ðại Bàng," ông Curtis có bí danh là "Big Mac" và bí danh của bà là "Mẹ Ngỗng" (Mother Goose).

Trong một diễn biến khác, ông Peter Costello, cựu tổng ngân khố liên bang Úc đả kích RBA là đã che giấu chuyện hối lộ với ông và đúng ra đã phải cho cảnh sát liên bang biết vụ việc hối lộ của công ty Securency.

Securency là một công ty dịch vụ in tiền do Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Úc RBA làm chủ 50% và một công ty Anh quốc làm chủ phần còn lại. Các chức sắc cầm đầu Securency do RBA chỉ định.

Cho tới nay, nhà cầm quyền Hà Nội vẫn tránh né xì căng đan ăn hối lộ của Úc để cho thầu in tiền giấy nhựa polymer. Ðại tá tình báo công an Lương Ngọc Anh, đứng bình phong làm tổng giám đốc Công Ty Phát Triển Công Nghệ (CFTD) ở Hà Nội, bị tố cáo đích danh là người nhận nhiều lần các khoản tiền "hoa hồng" thực chất là tiền hối lộ in tiền.

Báo Úc nói bà đại diện thương mại Úc ở Hà Nội, Elizabeth Masamune, có mối quan hệ tình ái với ông Ðại tá Lương Ngọc Anh. Báo chí Úc cũng tiết lộ cho thấy họ biết ông ta là một sĩ quan tình báo mà vẫn sử dụng chứ không phải là không biết.

Các số tiền này được chuyển vào một số trương mục khác nhau từ Thụy Sĩ đến Bahamas và một số quốc gia khác. Lương Ngọc Anh chỉ là kẻ trung gian cầm tiền cho các sếp lớn ở Hà Nội, không phải người thụ hưởng "hoa hồng" sau cùng.

Vụ hối lộ xảy ra từ khi ông Nguyễn Tấn Dũng còn là phó thủ tướng năm 1999 kiêm thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước rồi cuối năm này mới chuyển quyền sang cho ông Lê Ðức Thúy. (TN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét