"…Việc thành lập vội vã những tổ chức chính trị mới sẽ rất khó khăn và khó lòng bền vững do môi trường thông tin quá phức tạp, cộng thêm sự đánh phá bài bản của chính quyền…"
Không biết là có quá chủ quan không khi tôi cho rằng "trí thức Việt Nam" không nên tiếp tục chỉ trích hay phê phán chính quyền cộng sản nữa. Lý do: đã quá thừa thãi. Chế độ này đang đi vào ngõ cụt mà họ không thể nào tự mình thay đổi, hay tìm được lối ra. Việc chỉ trích chế độ hãy để cho những người dân cùng khổ, như dân oan mất đất, những người có thân nhân bị công an đánh chết…
Trí thức Việt Nam hãy dành thời gian và ưu tư cho việc trước mắt quan trọng hơn, đó là làm thế nào để có thể gây sức ép lên chính quyền và buộc nó thay đổi về hướng tự do, dân chủ và tôn trọng nhân quyền.
Trí thức Việt Nam có thể tạm chia làm hai loại, một loại là "trí thức khoa bảng", là những người có trình độ chuyên môn, có học hàm học vị cao nhưng họ lại không quan tâm gì đến cộng đồng chung quanh, họ xem việc phản biện xã hội hay đấu tranh này nọ là việc của người khác. Nổi tiếng nhất trong giới trí thức khoa bảng này có lẽ là giáo sư Ngô Bảo Châu với câu nói trên báo Tuổi Trẻ rằng: "Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc... Giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội". Loại trí thức thứ hai là những người có hiểu biết và kiến thức (có thể do tự học), họ quan tâm đến mọi người xung quanh và sẵn sàng dấn thân cho lẽ phải, chân lý và cho tất cả những người dân thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Tạm gọi họ là những "trí thức dấn thân". Đối tượng đề cập trong bài viết này, tất nhiên là những người thuộc nhóm "trí thức dấn thân".
Có lẽ chúng ta đều đồng ý với nhau rằng, bất cứ một quốc gia nào muốn phát triển và thịnh vượng thì vai trò của tầng lớp trí thức tinh hoa luôn là chủ lực, là đòn bẩy và động lực cho mọi sự phát triển. Qui luật này có đúng cho trường hợp Việt Nam? Dưới thời phong kiến, trí thức Việt Nam chỉ là những kẻ bầy tôi, sinh ra để hầu hạ và vâng phục giới vua chúa, dù bất kể những ông vua bà chúa đó ngu đần và vô lại đến đâu đi nữa. Sau khi Pháp xâm lược Việt Nam, một số trí thức đã tiếp cận được với thế giới văn minh nhưng tư duy tôi tớ của họ vẫn không thay đổi. Một trong những trường hợp điển hình là Nguyễn Trường Tộ, một người có đầu óc tư duy và cải cách những vẫn không vượt quá được chính mình (xem thêm bài "Học gì từ Nguyễn Trường Tộ" của tác giả Giáp Văn Dương). Việt Nam đã từng có một nhân vật xuất chúng, nhưng tiếc thay sự nghiệp của ông vẫn dang dở vì ông đi trước dân tộc mình quá xa, người đó chính là Phan Châu Trinh. Văn hóa của người Việt do ảnh hưởng nặng nề từ văn hóa Trung Quốc nên xã hội Việt Nam đã không chấp nhận những người (dù cải lương) như Nguyễn Trường Tộ hay (cải cách như) Phan Châu Trinh.
Dưới chế độ cộng sản thì vai trò và sứ mệnh của trí thức Việt Nam cũng không có gì thay đổi, họ vẫn chỉ là những bầy tôi trung cho chế độ, họ không được có, và hình như họ cũng không muốn có, một tiếng nói quyết định về số phận dân tộc cũng như chính bản thân họ. Sẽ là chụp mũ nếu nói tất cả trí thức Việt Nam đều như vậy, vẫn có những người bất đồng chính kiến như nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, nhưng tiếc thay tiếng nói của họ quá yếu ớt và không tìm được sự đồng thuận của đa số giới trí thức Việt Nam. Họ hoàn toàn cô đơn.
Một trong những cay đắng và bẽ bàng nhất cho giới trí thức Việt Nam, cho chính quyền cộng sản Việt Nam và dẫn đến những bất hạnh nhất cho dân tộc Việt Nam ngày hôm nay đó là trí thức Việt Nam đã không hề có tiếng nói và vai trò gì trong việc biến Việt Nam đang từ kẻ thù không đội trời chung bỗng nhiên trở thành người em ngoan ngoãn của chính quyền Trung Quốc.
Đọc bài "Quan hệ Việt - Trung : Thực tế bẽ bàng hơn nhiều" của ông Nguyễn Gia Kiểng, một bài viết công phu, chi tiết và đầy đủ về quá trình chui vào rọ Trung Quốc của chính quyền cộng sản Việt Nam qua cuộc gặp gỡ lịch sử ở Thành Đô, sẽ khiến mỗi người trong chúng ta không khỏi tủi hổ và bẽ bàng thay cho giới "trí thức xã hội chủ nghĩa". Tư duy mê muội về thế giới đại đồng và sự tất thắng của chủ nghĩa Mác-Lênin khiến cho giới lãnh đạo Việt Nam sẵn sàng gác lại mọi tranh chấp, xung đột, thậm chí mất dần biển, đảo, đất đai về tay Trung Quốc để đổi lấy tình hữu nghị của những người anh em cộng sản. Trong khi thực tế của quan hệ Trung - Việt là quan hệ giữa một con sói già và một con cừu non.
Tất nhiên sẽ có người cho rằng trí thức Việt Nam không thể làm gì hơn, mọi sai lầm là do ban lãnh đạo tối cao của đảng cộng sản quyết định! Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao những kẻ không có văn hóa lẫn kiến thức cũng như tinh thần dân tộc lại có thể áp đặt mọi chuyện như vậy lên trên cả tầng lớp trí thức Việt Nam? Cần phải có câu trả lời cho vấn đề này từ giới trí thức Việt Nam, vì một vụ Thành Đô mới đang có nguy cơ xảy ra một lần nữa và lần này là hết phương cứu chữa.
Phải thừa nhận rằng sau vụ "Nhân Văn Giai Phẩm" đến nay, giới trí thức Việt Nam, trong những năm gần đây đã có những chính kiến, phản biện tích cực đối với những vấn đề quốc kế dân sinh. Đã có rất nhiều người lên tiếng chỉ trích chế độ và đứng về phía lẽ phải, về phía người dân. Tiếc thay, những tiếng nói của họ dù đúng nhưng chưa mang lại kết quả như mong muốn vì đó chỉ là những tiếng nói lạc lõng giữa sa mạc. Họ đã van xin, nài nỉ, cảnh báo và thậm chí là dọa dẫm cả đảng lẫn chính quyền nhưng mọi sự vẫn đâu vào đấy. Im lặng và tung ra các đòn gió để trấn an dư luận rồi để mọi sự chìm vào quên lãng là cách hành xử của một chính quyền mà sự thối nát đã đạt đến cực điểm. Vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng Hải Phòng là một ví dụ.
Một ngôi sao, một diễn viên xuất sắc, một kịch sĩ tài ba nổi lên trên chính trường Việt Nam, đó là đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã cho nhân dân Việt Nam và nhất là giới trí thức Việt Nam ăn "bánh vẽ" liên tục. Từ bánh vẽ đầu tiên khi nhậm chức là "nếu không chống được tham nhũng tôi sẽ từ chức", đến bánh vẽ "cần có luật về biểu tình", và gần đây là tuyên bố rằng "Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa"…
Sắp tới nhân dân Việt Nam có thể ăn thêm một cái bánh vẽ thật to về "nhà nước pháp quyền và dân chủ" của kịch sĩ Nguyễn Tấn Dũng, như nhà báo Huy Đức cảnh báo qua bài viết nổi tiếng "Bẫy việt vị của thủ tướng". Nếu xem nhà báo Huy Đức, với việc dũng cảm vạch trần sự "làm xiếc" của thủ tướng, như là sự phản kháng dứt khoát của giới trí thức Việt Nam với cái xấu cái sai thì những trí thức đang phò tá cho thủ tướng nhằm câu giờ và lừa dối người dân thật đáng lên án và đáng khinh bỉ.
Có lẽ hơn ai hết, trí thức Việt Nam hiểu rằng chế độ này phải kết thúc, nó phải được thay thế bằng một chế độ khác, ưu việt và tử tế hơn. Nếu chế độ này vẫn tiếp tục thì Việt Nam có nguy cơ mất nước hoặc bị tàn lụi trong hận thù, đổ vỡ và chia rẽ. Thế nhưng những điều họ muốn lại không tương ứng với những gì họ đã và đang làm và vì thế giấc mơ đổi đời của người dân Việt Nam vẫn còn ở nơi xa lắm.
Trí thức Việt Nam cần làm gì? Tiến sĩ Jean-François Sabouret, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Thế Giới Châu Á tại Paris, cho rằng trí thức chỉ có con đường dấn thân. Ông viết: "Cần phải có những người đứng lên và nói rằng đây là viễn kiến, tầm nhìn mà chúng tôi thấy phải có về Việt Nam. Chẳng hạn như một đất nước phải mở ra đối với nhiều đảng phái, với một nền dân chủ thực sự, với một đối lập được công nhận. Đó là một điều quan trọng đáng làm và những người trí thức Việt Nam phải lên tiếng. Không những chỉ khi họ ở nước ngoài vì điều đó dễ dàng mà ở trong nước, họ phải đoàn kết lại, xuất bản, thảo luận những tạp chí, sách vở, mở ra những hội thảo…".
Nhưng, dấn thân bằng cách nào là tốt nhất? Chỉ có một cách duy nhất! Đó là trí thức Việt Nam cần tham gia và đứng chung vào hàng ngũ của những tổ chức chính trị đối lập. Nếu từ chối và khước từ phương pháp này, hành động này thì tốt nhất là họ không nên nói gì nữa, hãy mũ ni che tai và sống nốt cuộc đời tủi nhục của mình.
Có những trí thức rất dũng cảm và rất dấn thân nhưng vì không tham gia vào một tổ chức nào nên họ trở nên cô đơn và vẫn bị chính quyền trừng phạt nặng, ví dụ thầy giáo Đinh Đăng Định ở Đắc Nông và ông Lê Thanh Tùng ở Hà Nội. Rất nhiều người khác, cho dù không tham gia vào tổ chức chính trị nào nhưng vẫn bị chính quyền kết án nặng nề và sau khi ra tù họ không còn tinh thần để tranh đấu vì mệt mỏi, mất hết ý chí lẫn niềm tin. Những nhà dân chủ đấu tranh một mình, không có tổ chức vẫn chưa hiểu rằng để lật sang một trang sử mới cho đất nước, để đổi đời cho cả một dân tộc là một việc vô cùng khó khăn, gian khổ mà một hay vài người không thể làm nổi. Phải có một tổ chức, phải cần kết hợp với nhau, đồng thuận với nhau về một dự án chung, một con đường chung… may ra mới làm nổi công việc đội đá vá trời này.
Có một câu hỏi mà người viết bài này đã nhiều lần đưa ra nhưng không thấy ai trả lời, đó là: nếu đảng cộng sản muốn thay đổi về phía dân chủ thì họ phải "nói chuyện" hay thỏa hiệp với tổ chức nào đây? Ba Lan thay đổi được trong hòa bình vì có tổ chức đối lập "Công đoàn Đoàn kết", vậy còn Việt Nam thì sao?
Nên nhớ, một tổ chức đối lập như "Công đoàn Đoàn kết" của Việt Nam không thể từ trên trời rơi xuống mà trí thức Việt Nam phải dựng lên nó, phải tạo ra nó. Thay vì viết kiến nghị, trí thức Việt Nam hãy đứng chung vào một tổ chức. Thay vì xin xỏ chính quyền, họ phải tạo ra áp lực để chính quyền thay đổi. Ví dụ nhóm Bô-xít hay nhóm 42 nhân sĩ trí thức thành phố Hồ Chí Minh vừa kiến nghị để cho họ được biểu tình phản đối Trung Quốc. Có nhiều trí thức Việt Nam nổi tiếng và có uy tín, ngay cả khi họ tuyên bố tham gia vào một tổ chức chính trị nào đó, chính quyền cũng không thể làm gì được họ. Một ví dụ cụ thể là trường hợp cố giáo sư Đặng Phong, trong những năm cuối đời ông đã trở thành thành viên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Chính ông đã rất nỗ lực dàn xếp để ông Nguyễn Gia Kiểng, lãnh đạo của Tập Hợp về nước và tiếp xúc với chính quyền. Sự việc đã không thành vì ông đột ngột qua đời và vì những yêu cầu và đòi hỏi phi dân chủ từ phía chính quyền cộng sản.
Tầng lớp trí thức dấn thân Việt Nam vốn đã ít lại cộng thêm việc không có phương pháp hành động nên dẫn đến hệ quả là phong trào dân chủ đã yếu lại manh mún và chia rẽ. Sự chia rẽ hiện hữu ngay trong những nhóm người đã tích cực tham gia vào các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội thời gian qua và ngay cả với cá nhân những nhà tranh đấu tích cực nhất. Việt Nam vẫn thiếu một tầng lớp trí thức chính trị tinh hoa, là những người biết đoàn kết, định hướng, dẫn dắt và lãnh đạo nhân dân.
Ai cũng nhìn thấy chế độ này ngày càng thối nát và hết thuốc chữa, nhưng nó vẫn còn có thể tồn tại một thời gian dài nữa nếu trước mặt nó không có đối thủ nào. Người dân dù muốn thay đổi nhưng họ không thể làm gì hơn nếu họ không được một tổ chức chính trị đối lập dẫn dắt và lãnh đạo. Một tổ chứ đối lập hùng mạnh không thể có được nếu nó không được giới trí thức ủng hộ và tham gia mạnh mẽ. Và có lẽ, người dân Việt Nam còn phải chịu đựng chế độ cộng sản thêm một thời gian dài, cho đến khi thành phần trí thức trẻ Việt Nam đứng dậy, nhận lãnh trách nhiệm với đất nước và dấn thân. Người dân Việt Nam khó lòng trông chờ vào tầng lớp trí thức lớn tuổi hiện nay.
Có lẽ phải ngậm ngùi đồng ý với giáo sư Chu Hảo rằng, Việt Nam đến giờ vẫn chưa có được tầng lớp chính trị thực sự. Và chúng ta cũng phải đồng ý với ông Nguyễn Gia Kiểng rằng, trong những thứ thiếu hụt nhất đối với trí thức Việt Nam đó là "Văn hóa tổ chức". Vì không có văn hóa tổ chức nên trí thức Việt Nam không thấy có nhu cầu kết hợp và nếu có kết hợp hoặc tham gia vào một tổ chức nào đó thì lại nhanh chóng thất vọng và rút lui. Cả khối 90 triệu người Việt Nam là một đám đông cô đơn và vì thế đám đông đó dễ dàng bị một nhóm nhỏ, bất tài, độc ác, vô liêm sỉ nhưng lại có tổ chức khống chế hoàn toàn.
Để xây dựng được một tổ chức chính trị có uy tín, phải cần một thời gian khá dài. Mười năm hay vài chục năm mới hình thành nên được một tổ chức như vậy. Việc thành lập vội vã những tổ chức chính trị mới sẽ rất khó khăn và khó lòng bền vững do môi trường thông tin quá phức tạp, cộng thêm sự đánh phá bài bản của chính quyền. Những người muốn dấn thân cho dân chủ nên tìm hiểu và tham gia vào các tổ chức chính trị đã có sẵn mà uy tín đã được kiểm chứng bởi thời gian. Thay vì loay hoay tự đóng thuyền vượt biển, hãy mạnh dạn bước lên những con thuyền lớn đã có sẵn thuyền trưởng và thủy thủ đoàn. Nếu một người có tài và có uy tín thì lo gì không có đất dụng võ.
Chừng nào giới trí thức Việt Nam vẫn chưa ý thức và nhận ra rằng mình cần đứng vào hàng ngũ của những tổ chức chính trị đối lập để làm đối trọng và gây sức ép khiến chính quyền cộng sản, khiến nó phải thay đổi thì ngày ấy 90 triệu người dân Việt Nam còn phải sống dưới chế độ độc tài toàn trị của chế độ cộng sản.
Việt Hoàng (Moskva)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét