Tin liên quan:
Lời tâm sự: Tôi đang viết tiếp bài để lên tiếng cho thầy Đinh Đăng Định, bỗng sực nhớ đến đề tài nhỏ, mà tôi chủ quan cho rằng vẫn còn cần thiết cho bloggers hiện nay, một khi bạn chưa sẵn sàng ra mặt công khai.
Từ những bước chập chững viết những bài đầu tiên, nếu bạn tâm niệm viết cho bản thân giải tỏa bức xúc cá nhân và chia sẻ với mọi người được chút nào mừng chút ấy, thì bạn cứ bình tâm và bình thản viết cho trang báo nào mà bạn tin tưởng.
Làm sao biết trang nào đủ độ tin tưởng cho bạn? Bạn phải chịu khó đọc và theo dõi trang đó trong một thời gian dài. Tất nhiên, tôi không có ý định khuyên bạn là chỉ đọc nó, bạn hãy phản hồi những điều mà bạn thật tâm nghĩ tới.
Tốt nhất, dù cho trang nào đó không bị chặn tường lửa, thì bạn vẫn rất nên sử dụng các phần mềm vượt tường lửa để ẩn IP thật của bạn.
IP thật của bạn ở VN vẫn là IP động, bởi hôm nay IP có thể cho trang báo đó biết bạn đang ở khu vực nào, nhưng ngày mai IP đó có thể đã di chuyển sang khu vực khác, cẩn thận hơn, sau khi sử dụng máy vi tính, bạn shut down máy thì cũng nên tắt modem của bạn luôn, khi nào sử dụng tiếp thì bật lại (có thể tham khảo từ nhiều cách mà hầu như trang nào cũng có hướng dẫn khá chi tiết, dễ hiểu, dễ thực hiện).
Cẩn thận thêm, nếu bạn không rành về công nghệ thông tin (như tôi) thì khi viết bài, đọc báo đừng nên mở hộp thư cùng lúc và tránh chat online. Bạn có thể kiểm tra thư tín và hồi đáp công việc cho xong xuôi rồi hãy tập trung đọc báo, viết bài.
Có thể một số độc giả thắc mắc, có những blogger sau vài năm vẫn an toàn viết [ví dụ như tôi:)] trong khi có một số blogger khác chỉ sau vài tháng là bị phát hiện? Thắc mắc đó chính đáng và hợp lý.
Xin nhắc lại, nếu bạn viết từ lương tâm và sự thật của mình (nhất là không rành công nghệ thông tin như tôi) thì hãy quan tâm đến những điều sau đây:
- Khoan mở blog cá nhân cho đến khi nào bạn đủ tự tin về mọi mặt (kỹ thuật, bản lĩnh, luật pháp, ứng phó v.v…). Vì vậy, trong thời gian đó, bạn chỉ nên viết cho trang nào mà bạn tin tưởng. Một trong các dấu hiệu có thể cho bạn tin tưởng trang báo là bạn cần biết rõ ít nhất một người trong ban biên tập là người "thật". Xin nhấn mạnh, chỉ là một trong các dấu hiệu thôi, còn những dấu hiệu khác, bạn cũng nên lưu tâm: quan điểm trang báo đó trong thời gian dài, những bài báo nào mà trang đó đăng cũng là cách để bạn thẩm định quan điểm của họ có vì dân chủ thật hay không.
- Bài gửi đi xong thì xóa hộp thư ngay, đừng tiếc công sức khi bài không được đăng, bởi bạn đã xác định với tôi, bạn không màng gì cả rồi. Nếu trang báo đó có phần gửi bài (như Dân Luận, Xcafe, Conduongvietnam v.v…) thì hãy sử dụng tiện ích này. Mục đích là chúng ta không lưu lại bất kỳ dấu vết nào cả. Thậm chí, cũng đừng tiếc khi trang báo đó bị đánh sập, bởi không chỉ bạn mất bài của mình mà trang đó còn mất nhiều hơn bạn. Rủi ro chung mà! Nhân đây, xin đề nghị các trang báo nào còn lưu IP của bạn đọc cũng nên hủy bỏ (như Dân Luận tuyên bố không lưu IP từ lâu). Đó cũng là dấu hiệu "fair play", vì nếu BBT trang báo nào đó không thể cam đoan bảo mật tuyệt đối cho thành viên thì lưu IP có vẻ không "chơi đẹp" cho lắm?
- CAM luôn đầy dãy và túc trực trên mạng theo phân công. Hãy thông cảm cho họ, vì đó là công việc của họ. Họ đi làm và lãnh lương, nên phải hoàn thành công việc, như chúng ta đi làm và nhận tiền lương vậy mà! Đừng quá phẫn nộ, mắng chửi quá đà (đó là kinh nghiệm của tôi).
- CAM được huấn luyện kỹ các chiêu thức để hoạt động hữu hiệu. Tuy nhiên, sự hữu hiệu của họ lại phụ thuộc phần lớn do bạn, không phải do họ.
- Đừng lầm tưởng chỉ có CAM trong nước, ngoài nước cũng có luôn đấy, đặc biệt là tại những quốc gia có nhiều người gốc Việt sinh sống. Mạng lưới CAM của họ bao trùm và có hệ thống, tinh vi, sắc sảo không kém bất kỳ quốc gia nào.
- Khi một bút danh nào đó được họ "lưu ý", "quan tâm", "chăm sóc" chu đáo thì họ sẽ làm gì? Trước hết, ngoài việc khiêu khích, tâng bốc để moi thông tin cá nhân (ví như xem bạn có phải là nhà báo, nhà văn, nhà giáo, nhạc sĩ, họa sĩ v.v…) như bạn đã biết, họ sẽ "vẽ chân dung" người đó.
Họ vẽ bằng cách nào? Thưa, nhiều cách, phong phú, kiên trì, một khi họ đã quyết tâm theo đuổi vì đã "lỡ yêu mến" bạn . Họ như những họa sĩ thứ thiệt đứng trước ngồn ngộn thông tin về một người không biết mặt mũi, vóc dáng, độ tuổi, nam nữ, cá tính, sở thích cá nhân, trình độ, chuyên môn v.v… và v.v… mà chỉ có thu thập thông tin từ những gì bạn viết và trần tình về cá nhân của bạn trong phút chốc "yếu lòng" nào đó cộng với đầu óc nhạy bén, họ sẽ cố làm sao vẽ (cho) ra người mà họ muốn tìm
Vậy, "bức chân dung" hay "tiểu sử" của bạn chính xác tới đâu, không phải do họ mà do bạn đã để lộ những thông tin của mình như thế nào qua các bài viết.
* * *
Có một số tranh luận xoay quanh viết bài dự thi, gửi giải cho người đoạt mà conduongvietnam.org vừa công bố, tôi xin chia sẻ một vài ý kiến như sau:
- Đồng ý với cách gửi bài và chỉ nêu bút danh công khai, còn các thông tin thật của thí sinh nên chỉ một đầu mối nắm giữ tuyệt đối. Tôi tin anh Huân đủ uy tín để thí sinh "gửi trọn niềm tin"
- Khi gửi bài, thí sinh gửi bằng một email (dùng một lần rồi bỏ, disposable), trong đó, ngoài nội dung dự thi, thông tin cá nhân, hãy thêm: một địa chỉ email mới với một mật khẩu của riêng thí sinh (chỉ có anh Huân biết mật khẩu và email mới này), để khi trúng giải, Ban tổ chức liên lạc và trao giải, đại diện là anh Huân. Khi anh Huân thông báo người đoạt giải bằng email mới của người đó và phải confirm bằng câu mật khẩu mà người đoạt giải đã báo trước đó (Ví dụ mật khẩu: "Quyền con người là cái quyền gì?" v.v…) mỗi thí sinh có một mật khẩu riêng.
- Vì thế, nên có thống nhất chung cho thí sinh, điều này cũng là để dễ rọc phách (theo đề nghị của các độc giả). Thông tin chung gửi bài, đơn giản chia 2 phần:
- phần 1: thông tin cá nhân và địa chỉ email mới cùng mật khẩu.
- phần 2: bài dự thi.
(thống nhất chung này để tránh tình trạng thí sinh viết phần 2 thành phần 1, phần 1 thành phần 2. Khi chuyển cho BGK chấm bài, anh Huân chỉ chuyển phần 2).
- Đề nghị, thí sinh sau khi gửi bài xong thì xóa luôn bài viết, không lưu lại bất kỳ dưới dạng nào, việc này để bảo đảm an toàn cho thí sinh, vì không có chứng cớ gì cả.
- Về giải thưởng, theo tôi, nên quy ra bằng tiền mặt và tiền đồng VN, tương ứng với giá trị của các hiện vật. Người đoạt giải muốn dùng ra sao thì dùng, thuận tiện hơn.
- Có 14 giải chính thức, trong đó 3 giải nhất, nhì, ba và giải do độc giả chọn có giá trị tương đối cao. 10 giải khuyến khích, mỗi giải 500 ngàn. Đề nghị, trao tất cả giải bằng tiền qua tài khoản cá nhân. Tài khoản cá nhân sau khi người đoạt giải nhận thông báo trúng giải từ email mới, không có gì phức tạp nhiều vì chỉ có 14 người. Trong trường hợp người đoạt giải là trong nước, tiến thưởng có thể chuyển từ nước ngoài về qua dịch vụ phát tiền nước ngoài về VN, tiện lợi, nhanh mà không cần tài khoản cá nhân, không cần trao đổi qua lại nhiều. Người nhận là người đọat giải, người gửi KHÔNG NÊN là anh Huân, hãy nhờ ai đó thì hay hơn. An toàn và kín đáo cho người nhận giải trong nước.
Hy vọng những góp ý trên đây là một vài ý nhỏ giúp cho các bạn trẻ tại Việt Nam thêm vững tâm tham gia vào việc lên tiếng cho Việt Nam trong tiến trình dân chủ hóa.
Chúc cuộc thi thành công và hy vọng các bạn trẻ tại Việt Nam nhiệt tình tham gia và mong người trúng giải là phần lớn người trong nước.
Nguyễn Ngọc Già
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét