Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

RFA. Việt Nam Tuần Qua 9/9/2012

Nguồn RFA

Động đất liên tục

Chuỗi động đất bắt đầu từ tối thứ Hai 3 tháng 9 và diễn ra liên tục trong những ngày qua, cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu ngưng lại.

Khác với những lần trước, các cơn rung chuyển lần này kèm theo những tiếng nổ lớn, càng khiến cho cư dân trong vùng hoảng hốt, lo sợ.

Theo lời kể của cư dân địa phương, từ đêm 3-9 đến sáng 6-9, tại huyện Bắc Trà My đã xảy ra ít nhất 8 trận động đất, kèm theo tiếng nổ lớn.

Trong lúc lo sợ cho tính mạng cũng như tài sản, nhà cửa, nhiều người dân còn ghi nhận là những cơn động đất càng về sau lại càng rung chuyển mạnh hơn.

Động đất gây nứt tường nhà dân - Ảnh: Hoàng Sơn/Thanh Niên
Động đất gây nứt tường nhà dân - Ảnh: Hoàng Sơn/Thanh Niên
Theo mô tả, những cơn động đất bắt đầu bằng nhiều tiếng nổ, sau đó các vật dụng trong nhà bắt đầu rung chuyển, rơi ngã như bàn ghế, ly tách… mọi người cảm nhận sự rung chuyển mạnh của mặt đất, ai nấy cũng hốt hoảng chạy tán loạn…

Không đưa ra được các số liệu khoa học, nhưng một số người dân xã Trà Bui cho biết, đợt rung chấn sáng sớm ngày thứ Năm 6 tháng 9 là mạnh nhất, mạnh hơn trận động đất xảy ra vào tối thứ Hai ngày 3-9, được giới khoa học xác nhận có cường độ 4,2 độ Richter.

Xác nhận với báo chí tâm trạng lo lắng hoảng loạn của người dân trong vùng, lãnh đạo huyện Bắc Trà My cho biết, hiện người dân hết sức hoang mang sau những gì đã xảy ra liên tiếp mấy ngày qua. Và tính đến thời điểm này, đã có hàng chục ngôi nhà của người dân bị nứt.

Động đất rung chuyển xô đẩy ly chén, tôi ghi nhận lúc 7g35, rồi 9 giờ kém 10, và lúc 10 giờ kém 5, nhân dân lo sợ ngủ không được.

Ô. Nguyễn Thế Tài

Trả lời Nam Nguyên của Đài Á Châu Tự Do, ông Nguyễn Thế Tài bí thư Huyện ủy Bắc Trà My, nơi có công trình thủy điện Sông Tranh 2 xác nhận là người dân rất hoang mang. Ông nói:

"Động đất rung chuyển xô đẩy ly chén, tôi ghi nhận lúc 7g35, rồi 9 giờ kém 10, và lúc 10 giờ kém 5, nhân dân lo sợ ngủ không được. Tôi nghĩ là hiện nay nhân dân đang hoang mang, đang lo về tính mạng về lâu về dài… tất cả đã được báo cáo về cấp trên… Tỉnh và Trung ương sẽ tính toán cụ thể… tôi động viên nhân dân cần bình tĩnh."

Không những mạnh hơn về cường độ cũng như tần xuất, các trận động đất lần này còn ảnh hưởng đến một khu vực rộng lớn hơn.

Không chỉ riêng huyện Bắc Trà My, nơi có đập thủy điện Sông Tranh 2, người dân ở các huyện lân cận như Phước Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức cũng cảm nhận được đợt rung chấn này.

Không khí lo sợ cũng lan sang các huyện giáp ranh thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Hiện nhiều người đã bắt đầu rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn để di chuyển đến những nơi an toàn hơn.

Nguyên nhân

dongdat-250.jpg
San lấp các hố sụt lún bên dưới chân đập thủy điện Sông Tranh 2 chiều 6/9/2012. Photo courtesy of docbao24h.
Về nguyên nhân của tình trạng động đất kéo dài và liên tục này, Tiến sĩ Lê Huy Minh - Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho rằng thủy điện Sông Tranh 2 là tác nhân chính gây nên các cơn chấn động trong thời gian.

"Khu vực Bắc Trà My trước khi xây dựng đập thủy điện thì hầu như chẳng có động đất, đến khi xây dựng đập thủy điện quá trình dẫn nước vào lòng hồ dẫn đến những hiện tượng như vậy nên nhân dân rất sợ."

Cũng theo Tiến sĩ Lê Huy Minh, tình trạng động đất ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 sẽ còn tiếp diễn trong những ngày tới.

Phân tích các trận động đất xảy ra liên tiếp từ tối 3 tháng 9 đến nay, TS Lê Huy Minh cùng các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu cho rằng, ngoài yếu tố động đất kích thích được phát sinh do sự tích nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 gây ra, các trận động đất này còn có thể được phát sinh trên một trong những đứt gãy địa phương, vì vậy để có được các đánh giá đúng đắn về nguyên nhân gây ra động đất cũng như đề ra các biện pháp ứng phó, cần phải thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu đồng bộ về cả yếu tố địa chất lẫn các chỉ số an toàn của thủy điện Sông Tranh 2.

TS Lê Huy Minh, khuyến nghị:

Khu vực Bắc Trà My trước khi xây dựng đập thủy điện thì hầu như chẳng có động đất, đến khi xây dựng đập thủy điện quá trình dẫn nước vào lòng hồ dẫn đến những hiện tượng như vậy nên nhân dân rất sợ.

TS Lê Huy Minh

"Viện Vật lý Địa cầu kiến nghị cho chủ đầu tư xây dựng đập ấy có gia tốc nền là 150cm/giây bình phương tức là ứng với độ rung động cấp 8. Trận động đất hôm thứ hai độ rung động ở chân đập mà máy gia tốc của Ban Quản lý Thủy điện Sông Tranh 2 ghi nhận được là 88,3cm/giây bình phương tức là ứng với động đất cấp 7, như thế chưa vượt quá mức động đất cực đại mà đập được thiết kế. Tuy nhiên phải xem xét là với trận động đất xảy ra như vậy các khe nhiệt có phát triển hay không."

Tiến sĩ Lê Huy Minh nhấn mạnh, chỉ có trên cơ sở theo dõi hiện trạng đập một cách chặt chẽ như thế mới có thể đánh giá được độ an toàn của đập như thế nào.

Công trình thủy điện Sông Tranh 2 có tổng đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, công suất tổng cộng 190MW, được xây dựng từ 2006 đến cuối năm 2010 cả hai tổ máy đều đã phát điện.

Điểm đáng chú ý hồ chứa nước thủy điện Sông Tranh 2 dung tích 730 triệu m3 nước, thuộc hàng lớn nhất miền Trung và được thiết kế cao hơn vùng hạ lưu khoảng 100m. Cuối năm 2011 đầu năm 2012, cùng với những trận động đất chưa từng xảy ra, thân đập thủy điện Sông Tranh 2 bị rò rỉ nước và xuất hiện một số vết nứt.

Một thời gian dài dư luận chấn động và vấn đề an toàn của Sông Tranh 2 được đưa ra trước diễn đàn Quốc hội. Gần đây chủ đầu tư và nhà thầu đã tiến hành sửa chữa trám các vết nứt và khe rò rỉ nước.

Sau khi Thủy điện Sông Tranh 2 vận hành được khoảng 1 năm, một công trình đắt tiền được mô tả là để góp phần phát triển kinh tế lại được người dân Quảng Nam gọi là quả bom nước khổng lồ, đang treo lơ lửng trên đầu cả trăm ngàn người của 4 huyện vùng hạ lưu.

Popout

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét