1- "Tự diễn biến"
Bao nhiêu năm sống giữa chốn "cung đình", "nằm trong chăn", hưởng sung sướng nhất những khi người dân khốn khổ nhất, ngộ ra bao điều phi lý, bao nghịch cảnh.
Gần 30 năm, từ thơ ấu cho tới khi bước vào đời, thành "người của đảng", BS được sống cùng gia đình trong một ngôi biệt thự của nhà nước giữa phố Phan Đình Phùng, Hà Nội, nơi mấy năm nay ông thủ tướng đương nhiệm đang ở.
Khi người dân miền Bắc hầu như không biết đến hương vị bơ, sữa, thì mỗi sáng hắn tản bộ vài bước qua số 2 Hoàng Diệu, kế bên dinh thự của TBT Lê Duẩn, để mua những chai sữa tươi còn nóng hổi, những thỏi bơ, pa-tê, ổ bánh mì thơm phức …
Hàng tuần, cứ tối thứ Tư và thứ Bảy, hắn cùng đám trẻ con ông cháu cha lại được tụ tập xem phim ở số 4 Nguyễn Cảnh Chân cùng người lớn, là các ông trong BCT, BCHTW như Lê Đức Thọ, Trường Chinh, Nguyễn Duy Trinh, Phạm Hùng …
Kỷ niệm duy nhất với bác Hồ là một tối Trung thu khi hắn lên 5. Trẻ con mấy cơ quan đảng tập trung trong hội trường số 10 Nguyễn Cảnh Chân. Cả lũ được chụp ảnh chung với bác, hắn được đứng bên. Sắp chụp thì bị mẹ định lôi xuống, xin phép chải lại mớ tóc bù xù. Bác gạt đi, bảo: "Không cần đâu! Cứ để thế cho nó tự nhiên". Vậy là ấn tượng chút ít về bác Hồ qua cái vụ đó. Bác mất, bố hắn tập trung cả nhà lại thông báo. Có mỗi ông anh thứ hai khóc.
Những chuyện chính trị của người lớn, sách, tài liệu của giới lãnh đạo ít ai được tiếp xúc, tuy còn nhỏ, nhưng tò mò, hắn cũng được nghe lóm, đọc lén không ít. Ví như món "Tài liệu tham khảo đặc biệt" của TTXVN, mà lâu nay đăng lại trên blog này, đã có từ khi hắn biết chữ. Vẫn thứ giấy đen thui, vẫn màu mực, lối trình bày đó. Nội dung vẫn là đăng lại, dịch chọn lọc từ đài, báo nước ngoài. Những năm 1960', loại này có chữ "Mật-Không phổ biến", chỉ cấp bộ thứ trưởng trở lên được cung cấp, sau này thêm cấp vụ, cục. Rồi khoảng cuối 1990' thì bán tự do. Dù thế nào thì những tài liệu này cũng đã giúp hắn "tự diễn biến" kha khá trong bao nhiêu năm "theo đảng".
Những thông tin ít nhiều về chế độ cộng sản kỳ quái của Mao cũng đến dần. Các đàn anh đàn chị học trường thiếu sinh quân sơ tán ở Quế Lâm, Trung Quốc về kể cho nghe những cảnh chém giết lẫn nhau giữa các phe phái. Ghê rợn!
Còn bên kia đường, nơi nay là trụ sở Viện Quản lý kinh tế TW và các dinh thự công vụ lần lượt cho các vị TBT, BCT ở, là toàn bộ các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc. Tối tối lại vọng ra những bài sặc mùi sùng bái cá nhân Mao, như Đông phương hồng, Ra khơi nhờ tay lái vững.
Hình như tất cả những thứ đó cứ tích tụ dần một thái độ căm ghét chế độ Mao ngu muội, tàn ác, lờ mờ cảm giác về chính xã hội mà hắn đang sống. Một hôm, thó trong tủ sách của bố cuốn Bàn về mâu thuẫn của Mao, dở ra, hắn nhổ vào mặt Mao một bãi nước bọt, cho bõ ghét.
Các chú, các cậu … thì kể về nội tình chóp bu, Mao, Lâm, Lưu mưu hãm hại nhau. Có lần họ còn cho xem một bức tranh to tổ bố "Mao Chủ tịch đến Diên An", được Trung Quốc gửi sang cho không hàng đống cùng "trước tác" của Mao, còn huy hiệu Mao thì phát cả rổ. Thế nhưng người ta không ngờ đó là bức tranh mang đầy ẩn ý, những hình đầu lâu xương chéo, người treo cổ rải rác khắp nơi, nghe nói do cháu Lưu Thiếu Kỳ vẽ. Dưới nắm tay của Mao siết chặt như chực đấm là một đám mây, soi kỹ thì đúng là hình hai ông Marx, Lenin. Bọn sứ quán Trung Quốc đã phải vội vã tìm mọi cách thu hồi.
Hình như cũng nhiễm căn bệnh đa nghi và luôn lo sợ bị bôi xấu, nên hồi đó, người lớn cũng thì thầm loan tin bức hình con chim Đrao trên vỏ thuốc lá cùng tên cũng mang ẩn ý xấu. Cái mỏ nó hót, mà gương mặt (?) có vẻ ai oán, như vậy là nó than vãn về chế độ miền Bắc ta rồi … Không rõ do cơ quan quản lý tưởng tượng ra, hay là chính "bọn bất mãn" tự loan truyền nhận xét vậy để nói xấu chế độ, chỉ thấy sau này không còn loại thuốc lá đó nữa.
"Chiến tranh phá hoại"-tức những năm Mỹ ném bom miền Bắc đã đem BS rời chốn "lầu son gác tía" để tới với cuộc sống bần hàn của người nông dân; điều tưởng như sự thiệt thòi, mà sau này càng ngày hắn càng thấy may mắn, tự hào, khi không được như các anh chị và bọn trẻ trong khu, người học trường thiếu sinh quân, đứa thì "trốn" sơ tán bằng cách tạm lánh ra học các trường ở ngoại thành Hà Nội.
Chăn trâu cắt cỏ, giã gạo, xay lúa, nuôi gà vịt … cũng biết mùi cả.
Có những điều kỳ lạ mà có lẽ không sách báo nào viết ra, nhưng để lại cho hắn những ấn tượng và dấu hỏi khó giải.
Khi đó, để có một chiếc radio nghe tin tức là cực hiếm, còn nghe "đài địch" thì đi tù như chơi. Vậy mà cha con bác chủ nhà vẫn nghe được đài địch hàng đêm. Họ ráp vài linh kiện điện tử, căng một đoạn dây đồng ngang qua mái nhà, xin hắn mấy viên pin cũ bỏ đi, ngâm vào nước muối để "tái sinh" … Mớ hỗn độn đó được gọi là "Đài ga-len". Đêm đêm, đôi khi thức giấc, rất lạ khi nghe "Đây là Đài tiếng nói Gươm thiêng ái quốc", có khi là "Đài Sài Gòn", mục "Nhịp cầu quê hương", lời nhắn gửi cha, mẹ ở miền Bắc của các "cán binh cộng sản" đã tìm đến với "chánh nghĩa quốc gia". Rõ là một thế giới khác!
1975. Về quê ngoại, Huế. Quá nhiều điều làm BS kinh ngạc, từ đời sống "phồn vinh giả tạo" được cán bộ, bộ đội, trong đó có cả hắn, cuống cuồng rinh ra Bắc, cho tới thái độ chính trị của người dân. Câu cửa miệng chua xót: "Miền Bắc nhận hàng, miền Nam nhận họ". Hắn còn thay mặt gia đình nhận một khoản tiền các cậu, dì bán mảnh ruộng cuối cùng của ông ngoại chia cho.
Lạ là khác với những gì hắn vẫn được tuyên truyền, sao trong đó người ta toàn gọi Ngô Đình Diệm là "ông" với thái độ kính nể? Rồi cao điểm là trong một cuộc cãi vã với thằng hàng xóm để bênh vực chế độ XHCN tươi đẹp, hắn đã bị bẽ mặt. Không thể tin được câu chuyện lần đầu tiên nghe, như tiếng sét ngang tai, về vụ thảm sát Mậu Thân 1968. Hỏi bà dì, hóa ra có thật. Sau này, tất cả những gì tương tự nghe được lúc đó càng rõ hơn.
1977. Những gì nghe tuyên truyền và được học trên giảng đường về tôn giáo dường như ngược với thứ hắn đọc được khi thâm nhập thực tế. Bất ngờ tới độ hắn đã phải ghi vào nhật ký mà phân vân không thể tự giải thích nổi: "Đọc hồ sơ học sinh chủng viện Vĩnh Bảo. Tài liệu sao dịch của giám mục Tạo nói về tôn giáo, tuyên truyền phát triển Gia tô giáo. Mình thấy yêu cầu phải giải thích – nói đúng hơn là tranh luận với những ý kiến trong đó của hắn. Đại ý: khoa học không tách rời tôn giáo, khoa học phát triển được là nhờ tôn giáo, ngược lại, tôn giáo cũng được giải thích bằng cơ sở khoa học … Bài viết bác bỏ các ý kiến cho rằng tín ngưỡng là kẻ thù của khoa học bằng cách dẫn chứng với 300 nhà khoa học danh tiếng trên thế giới thì chỉ có 5 nhà khoa học là vô thần …" Sau này ngày càng ngộ ra tại sao những người được gọi là cộng sản có nhu cầu cao độ phải hạn chế thông tin với dân chúng và với chính mình. Họ sợ … mất người.
Khi ra làm việc, trong nhiều năm liền hắn được tiếp xúc hàng ngày với các cựu sĩ quan, quan chức trong chế độ Sài Gòn bị giam giữ để gọi là "học tập cải tạo" trong khắp các trại từ Nam chí Bắc, ăn dầm nằm dề những Vĩnh Quang, Ba Sao, Trại 5 Thanh Hóa, Trại 2 Nghệ An, Bình Điền, Z30D … đủ cả. Nhiều điều mà trong chiến tranh hắn nghe được qua đài báo, sách vở về họ hoàn toàn trái ngược với những con người thật hắn thấy. Không thể kể hết, mà chỉ tóm lược bằng hình ảnh trớ trêu: những cán bộ chiến sĩ cảnh sát nghèo khó, ít học, quá thiếu hiểu biết lại đang "giáo dục, cải tạo" cho nhiều kẻ thù cũ không những được học hành cẩn thận, mà còn có nền tảng văn hóa, nhân cách đáng nể. Bao nhiêu con người với những bộ óc tài ba đã bị phung phí. Thế nhưng tất cả họ phải chịu cùng cảnh "ông tù, cháu tội". Tiếc là các "ông" không dám, không biết học hỏi từ các "cháu". Riêng "ông" BS thì không sợ, tranh thủ mọi nơi mọi lúc, tâm niệm học lóm được càng nhiều càng tốt.
Suốt 10 năm liền, trước và tiếp sau thời phát động "Đổi mới", do điều kiện công việc, hắn được tiếp xúc hàng ngày với nhiều thương gia, trí thức người Việt ở nước ngoài trở về. Với một xã hội vẫn còn khép kín thì đó quả là cả một "thế giới" khác, họ đã đem theo những thông tin, lối sống, cách tư duy khác hẳn với một chế độ "bao cấp" cả về kinh tế lẫn tư tưởng mà hắn đang sống.
Có lẽ ít ai để ý và còn nhớ, những năm 80' của thế kỷ trước, việc dùng đầu máy video còn bị cấm. Một anh bạn khá giả của hắn cũng sắm được một cái, hàng "nghĩa địa", chỉ có vài cuốn phim ngoại quốc không dịch lời, xem đi xem lại với nhau thấy sướng lắm rồi. Vậy mà bị tóm, tịch thu, phải "chạy" bằng một chiếc xe máy thì mới qua được. Nhưng cơ quan BS không những được Việt kiều cho đầu máy video, nhiều băng phim, mà còn "dám" tổ chức chiếu. Cuối tuần, phát "vé nội bộ", gia đình, bạn bè cán bộ lặng lẽ tới coi, mắt trước mắt sau như đám cờ gian bạc bịp. Phim đôi khi nhờ người dịch lời, còn thường thì … đùa với nhau là "xem phim câm điếc", vài người nghe được lõm bõm, vừa xem vừa tranh nhau đoán, càng rôm rả.
Sách báo, tài liệu Việt kiều đem về cho, từ thứ "phản động" liên quan đời sống người Việt bên ngoài, đại đa số là "chống cộng", cho tới những nghiên cứu về Việt Nam, các nước … thì vô thiên ủng. Tất cả đều là những của hiếm thời đó.
Hắn được "mở mắt" thêm nhiều nữa, đương nhiên, nói như các bác tuyên giáo "kiên định lập trường", hắn "tự diễn biến". Rồi thêm một thứ "diễn biến" khác là hắn đã liều bỏ không biết bao thời gian và tiền túi để lọ mọ học tiếng Anh và vi tính từ lúc mọi người còn coi là thứ xa lạ.
Có lẽ vì vậy mà chỉ vài năm sau khi thành "người của đảng", hắn đã muốn đảng phải đổi … màu.
2- Chỉnh Đảng
Mấy tháng trước, trong cuộc chuyện trò, thằng bạn đang là lãnh đạo một cơ quan pháp luật, cũng diện con ông cháu cha, bảo: "Chế độ này mà đổ thì tao với mày nó thịt đầu tiên!" Hắn cười: "Thì tao đang làm cái việc để cho nó không 'đổ', mà sẽ dần dần thay đổi, phát triển tốt đẹp hơn".
Không nhớ được bao nhiêu năm, BS hay tranh cãi chuyện chính trị với cha hắn. Ông coi hắn như "thằng phản động". Khi Gorbachev nổi lên, Liên Xô sụp đổ, ông đã có những vần thơ căm giận, nguyền rủa kẻ mà không ít người Việt, trong đó có hắn, coi như ân nhân.
Thế rồi cũng không rõ từ khi nào, ông thay đổi trong lặng lẽ. BS bỏ nhà nước ra kinh doanh, lờ đảng của ông đi, không thèm "sinh hoạt", vậy mà ông không nói gì. Khi hắn tâm sự muốn tự ứng cử Quốc hội, trên giường bệnh, ông gọi điện mời Chủ tịch MTTQ Phạm Thế Duyệt tới để hỏi han, "gửi gắm".
BS hiểu về cha mình rất ít. Hồi đi học, hắn nghe lỏm người lớn bàn tán chuyện trong một đại hội đảng, chỉ có ông Võ Nguyễn Giáp và cha hắn dám lên tiếng phản đối trò "chia tổ" ra của ông Lê Đức Thọ khi thảo luận những vấn đề gay cấn, "nhạy cảm". Thời "Đổi mới", cả nước khí thế hồ hởi, thì ông có tiếng là người cảnh báo mạnh mẽ về tình trạng mà ông gọi là "tham ô chính sách", thứ ngày nay đã nổi lên là công cụ kiếm chác số một của quan tham. Hắn học ông hai đức tính, liêm khiết và thẳng thắn, nhưng sớm nhận ra và không theo con đường mà ông và các đồng chí của mình đã chọn và hy sinh suốt đời.
Những năm cuối 1980, đầu 1990, trong các "hội Việt kiều yêu nước", tổ chức thân chính quyền miền Bắc từ trước 75', tồn tại tới khi đó, một làn sóng sôi sục, náo nức. Liên tiếp những sự kiện, từ Cuộc thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn 1989 cho tới Bức tường Berlin sụp đổ, rồi cả hệ thống XHCN Đông Âu đổ theo, đã khiến rất nhiều trí thức, lãnh đạo các hội muốn Việt Nam phải thay đổi nhanh tương tự, nhất là không khí "Đổi mới" khi đó cũng ít nhiều thuận lợi. Một số hội gửi tâm thư cho lãnh đạo đảng, quốc hội trong nước đòi phải "đa nguyên đa đảng".
BS đã có những cuộc tranh cãi thâu đêm với vài người trong số họ quanh chủ đề này. Đại để quan điểm của hắn là tán thành Việt Nam phải thay đổi theo xu hướng đó, nhưng không thể nhanh, mạnh như Đông Âu được, vì bản chất chế độ chính trị, dân trí, văn hóa ở VN quá khác.
Sau những kiến nghị không thành, cùng với diễn biến trong nước ngày càng có xu hướng khép lại về tư tưởng, các hội "Việt kiều yêu nước" dần dần phân rã. Trong nước thì giới trí thức, văn nghệ hụt hẫng, không ít người gặp phiền toái vì "tự cởi trói" hăng quá.
Bức bối trước hai luồng diễn biến chính trị và quan điểm trái ngược, hắn đã lặng lẽ viết một bài báo với tựa đề: "Vì vận mệnh Dân tộc, hãy hy sinh quyền lợi của đảng", đăng trên tạp chí Đất Việt của Hội người Việt Nam ở Canada. Đại để trong đó đánh giá thực trạng Đảng CSVN mặc dù lấy được lòng tin ghê gớm trong dân chúng qua mấy cuộc chiến, nhưng đã trở nên không còn thích hợp nhiều lẽ, nó phải tự cải tổ, giảm bớt dần quyền lực, trao vào tay nhân dân, để dần dần tiến tới một nền chính trị đa nguyên.
Cho đến lúc này, hắn vẫn không thay đổi quan điểm trên. Những bài báo khác sau này liên quan tới đảng CSVN như Nếu tôi là lãnh đạo – Sửa ngay hai thói xấu (1989), Đảng viên hay Ông chủ (2006), Tự đề cử, 31 năm – Vết thương chưa lành, Cầu kiều (2007), Cải cách hành chính trước hết từ bộ máy của Đảng (2008), v.v.. đều liền mạch như vậy, kể cả nhiều tiểu phẩm tếu đả kích những thói hư tật xấu của giới lãnh đạo cũng mang mục đích tương tự.
3- Dân trí
Khi gia nhập đảng CSVN, nguyện đi theo lý tưởng cộng sản, thế rồi hắn đã tìm thấy một lý tưởng khác, như viết trong Tuyên ngôn "Phá vòng nô lệ".
Sau 1975, có những thứ mà Sài Gòn, miền Nam làm cho hắn rất lạ và không thể quên.
Một đêm, chạy xe máy về nhà (ông cậu), tới ngã tư đèn đỏ, ngó hai bên đường vắng hoe, hắn rồ ga tính vọt thẳng. Bất ngờ nghe bên tai tiếng thắng xe cái rẹc, liếc qua thấy ông lão với chiếc xích lô trống không. Quê quá, phải dừng theo! Nhiều năm sau, ở Hà Nội, những ngã tư đông đúc như Tràng Tiền-Hàng Bài, ngoài một chú cảnh sát đứng bục, thường phải thêm có 4 chú cầm gậy chặn bốn phía, lùa, đuổi mà cũng không xuể.
Lên xe bus, xe đò trong Nam luôn cho hắn những cảm giác thích thú để quan sát. Đủ các hạng người, mà sao không chen lấn, cãi vã. Khách nhường ghế cho nhau, thăm hỏi, chỉ đường tận tình (những thứ mà cho đến hôm nay, trên xe bus Hà Nội, người ta phải ghi lên tấm biển to đùng, thành "Nội quy"). Lơ xe lăng xăng xách, buộc chằng đồ cẩn thận cho khách, nhảy lên mui, đeo bên thành xe la nhắc người dưới đường cẩn thận.
Người ta làm việc như điên, nhưng tiêu xài cũng dữ. Chiều chiều là quán nhậu tấp nập, đàn ông lai rai vài xị đế tới tối. Về nhà, đánh một giấc, sớm mai lại lao vào làm quần quật. Nhậu ở nhà thì vợ con phải cung cúc hết mình phục vụ, như chuyện đương nhiên. Từ "nhậu" người Bắc học được từ đây, cùng với những ngôn từ trong Nam được cho là "chịu chơi", "hiện đại", như "Tiệm" (hớt tóc, phở), "Nhà" (may, thuốc) …
Người Bắc nhịn ăn để mặc, người Nam nhịn mặc để ăn. Hắn cho đây là phát hiện của riêng mình. Có lẽ họ bù trừ cho nhau thì đất nước này sẽ tốt đẹp hơn, đủ thứ, từ nết ăn ở cho tới tính tình.
Không như Hà Nội, chung cư Sài Gòn khi đó không có chuyện cơi nới, lấn chiếm hành lang, chỗ công cộng. Người ta quan tâm, giúp đỡ nhau rất tự nhiên, nhưng lại ít xoi mói đời tư, ganh ăn tức ở như người Bắc.
1979, về miền Tây. Nhiều tháng ăn ở cùng nông dân, thấy rõ con người ở đây ngoài nét hiện đại bề nổi bằng những vật dụng gia đình, thì thiếu hẳn một nền tảng văn hóa mà ngoài Bắc có lợi thế của xứ sở đã an cư lạc nghiệp rất lâu đời.
Sống cùng một gia đình nông dân khá giả ven sông Hậu, hắn vô cùng ngỡ ngàng và lúng túng về điều kiện vệ sinh. Ao cá vồ với những chiếc "cầu tõm" đơn sơ là điển hình cho thứ "nhất cử lưỡng tiện" của tiêu hóa và bài tiết. Những gia đình không có ao thì kênh rạch, sông vừa như "giếng khơi", vừa nhà vệ sinh. Vậy mà họ vẫn lấy nước kênh, sông về bể, lóng phèn và uống "sống". Có bữa, chiến sự trên biên giới Việt Miên dữ dội, sáng ra, chỉ ít phút mà ngó thấy cỡ dăm xác người như trâu trương trôi lờ đờ dọc sông. Vậy mà bà chủ nhà vẫn xách nước lên, đổ vào chiếc lu ngoài cửa, ai đi qua cũng múc uống.
Người dân sợ sệt vô cùng những gì liên quan tới nhà nước. Một bữa, trong bàn nhậu, thấy anh hàng xóm bị một tay thanh niên mặt non choẹt hoạnh họe chửi bới mà cứ nín thinh, hỏi sao vậy, anh thì thầm: "Nó là … đoàn viên đấy!"
Bàn chuyện "dân trí" đương nhiên bao hàm cả với những người trong cơ quan công quyền, giờ hay được gọi là "quan trí". Câu hỏi bao nhiêu năm vẫn đi theo hắn: tại sao cán bộ, nhất là ở những cơ quan pháp luật, với người dân luôn có ngăn cách rất lớn?
Những gì hắn kể ở phần đầu đã trả lời phần nào câu hỏi. Và còn rất nhiều nữa.
Những tờ báo hàng ngày thường trực trong công sở là tờ Nhân dân, Hà Nội Mới, hình như vẫn chưa đủ, một thời còn có quy định giờ đọc báo tập thể 15 phút. Thế mà nhiều đồng nghiệp, trong giờ làm việc chẳng biết làm gì, ngáp ngắn ngáp dài, ôm tờ Nhân dân xoay ngược xoay xuôi đến nhàu nát, nhưng cũng chẳng dám chuồn ra ngoài "chạy" việc riêng, vì sợ bị kiểm điểm.
Nhưng kể cả nhiều vị, cũng đi đây đi đó, mà sao vẫn … "nguyên bản". Như ông sếp của hắn, có tận 7 năm "lăn lộn" ở New York, vậy mà vẫn rất "chân quê", quần đùi vắt lưng ghế, dép lê loẹt quẹt, khạc nhổ tứ tung …
Hắn vẫn tự thấy mình may mắn, khi được quen, được học hỏi những người có hiểu biết, môi trường sống, làm việc khác hẳn. Những năm tháng còn là người nhà nước, thì có nghệ sĩ Văn Vượng, đạo diễn Trần Văn Thủy, sau này ra thành người "tự do" có TS Lê Đăng Doanh, TS Nguyễn Quang A, … là những bậc đàn anh giúp hắn mở mắt ra thêm ít nhiều. Hắn vẫn hằng ao ước, giá như những người trong bộ máy đảng, chính quyền, các vị lãnh đạo có được những mối quan hệ gần gũi, bình đẳng với giới trí thức, văn nghệ, thì đất nước này, người dân VN ta sẽ đỡ khổ hơn bao nhiêu.
Học không phải chỉ "tri thức", mà cả lối sống, không chỉ ở những người "lắm chữ", có danh vị, mà cả từ những con người bình thường, thậm chí bị coi như tội phạm.
Nhớ mãi một chuỵên, khi BS mới hơn 10 tuổi, ở nhà nông dân nơi sơ tán. Trong bữa ăn, hắn gặm qua quít một miếng xương, rồi liệng ra mâm. Cụ chủ nhà gắp lên, gặm nốt.
Khi tiếp xúc với các sĩ quan, công chức chế độ cũ "cải tạo", hắn biết thêm nhiều điều lạ, đáng quý ở họ. Gần gũi với ông Ng., trại Z30D, Hàm Tân, một cựu thiếu úy cảnh sát đặc biệt, nghe kể nhiều chuyện đời, mới biết ông có "nghề tay trái", là đệm đàn guitar điện cho các quán cà phê. Không như người cán bộ cộng sản, họ hoạt động văn hóa xã hội mà kiếm thêm những đồng tiền chính đáng, tự nhiên và thấy tự hào. Đến khoảng giữa những năm 80', khi xem bộ phim "Con thú tật nguyền" của Hồ Quang Minh, càng thấy những hiểu biết, nhìn nhận của mình về "đối phương" một thời là đúng.
Có điều, chính những người được tiếp xúc sớm, nhiều hơn với xã hội dân chủ, văn minh phương Tây, trong đó có giới trí thức, văn nghệ hai miền, đã xuất ngoại học, làm việc, hay định cư ở nước ngoài, hàng chục năm qua, cũng không tránh khỏi những cái tật rất Việt Nam của mình, từ lối tư duy, cho tới tính cách. Hình như họ đáng phải được "nâng cao dân trí" hơn cả người dân, vì là kẻ dẫn dắt dân chúng đưa xã hội đi tới, đấu tranh, cải hóa giới lãnh đạo chính trị. Những nhận xét này hắn đã nghiền ngẫm, hì hụi trong 3 tháng một bài viết công phu: Quyền lực và tri thức.
Và một thành phần xã hội đóng góp quan trọng cho mở mang dân trí, nhưng lại được ví như thứ "Quyền lực thứ Tư", đáng lẽ phải lưu tâm trong bài viết này hơn cả, là làng báo VN. Nhờ đặc thù công việc, hắn may mắn tiếp xúc nhiều với họ, dễ phải tới trăm người trong mấy chục năm qua. Thế rồi như nhân duyên, blog và báo cứ đan xen, gắn kết trong công việc, suy nghĩ của hắn hàng ngày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét