Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Thomas Việt, VRNs - Đảng Tân Đại Việt: Bàn về đối thoại với Đảng CSVN

Nguồn chuacuuthe

VRNs (13.12.2012) – Sài Gòn – Chào quý vị, hầu giúp quý vị hiểu hơn về quan điểm của những đảng phái khác nhau về việc đối thoại có thể với cộng sản Viêt Nam. Hôm nay, 13.12.2012, chúng tôi mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn với Ông Lê Minh Nguyên, Phó Chủ Tịch Đảng Tân Đại Việt về chủ đề đối thoại có thể với cộng sản Việt Nam.

Thomas Việt, VRNs (PV): Chào Ông Lê Minh Nguyên, Phó Chủ Tịch Đảng Tân Đại Việt, gần đây Đảng Vì Dân Việt Nam có ra thông báo về việc đối thoại có thể với cộng sản Việt Nam về tương lai nền chính trị nước Việt. Với tư cách là Phó Chủ Tịch Đảng Tân Đại Việt, Ông có thể cho biết quan điểm hay nhận định của Ông về việc đối thoại có thể giữa Đảng Tân Đại Việt và cộng sản Việt Nam không thưa Ông?

Lê Minh Nguyên, Tân Đại Việt (LMN): Kính chào quý Cơ Quan Truyền Thông Chúa Cứu Thế và cảm ơn Cơ Quan đã mời Đảng Tân Đại Việt cho cuộc phỏng vấn để trình bày quan điểm của Tân Đại Việt về những vấn đề của đất nước.

Trong bối cảnh chính trị của Việt Nam hiện nay, chúng tôi không thể đối thoại với chính quyền Cộng Sản được.

Chúng tôi tranh đấu để xây dựng một chế độ chính trị dân chủ pháp trị dựa trên nền tảng giá trị của Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn. Cho nên những nhà dân chủ đang bị giam cầm, những nhà ái quốc đang bị trù dập vì bày tỏ lòng yêu nước chống ngoại bang xâm lược là những người đồng minh cùng chiến tuyến với chúng tôi. Tình trạng của họ như vậy mà chúng tôi ngồi nói chuyện với Cộng Sản thì chẳng khác nào chúng tôi đâm sau lưng họ. Chúng tôi đang có tự do, chúng tôi là chổ dựa tinh thần cho đồng chí của chúng tôi cũng như những nhà dân chủ và ái quốc ở trong nước, chúng tôi có một trách nhiệm luân lý chính trị rất to lớn đối với họ.

Chủ nghĩa Mác-Lê tạo ảo giác về một hệ thống giá trị siêu luân lý và muốn thay Thượng Đế để cấu trúc lại con người, vì vậy chủ nghĩa này muốn tiêu diệt tất cả các hệ thống giá trị và luân lý của thế gian bằng cách tạo ra con người cộng sản với bản chất gian trá và vô luân lý để tàn phá con người mà họ cho là đã bị ô nhiễm. Khi chủ nghĩa chưa được từ bỏ, khi bản chất gian trá và vô luân vẫn còn đó, thì mục tiêu của họ là tiêu diệt đối lập chính trị để bảo vệ sự chuyên chính, cho nên đối thoại là giúp Cộng Sản củng cố độc tài chứ không phải là đấu tranh dân chủ.

PV: Có phải một phần vì những bài học lịch sử của quá khứ mà Đảng Tân Đại Việt chọn hướng không thể đối thoại với cộng sản Việt Nam?

LMN: Vâng, những bài học lịch sử trong quá khứ là một phần của việc chọn hướng không đối thoại của chúng tôi. Hiến Pháp 1946 là hiến pháp dân chủ và chính quyền liên hiệp lúc đó có tính cách đại diện nhiều đảng phái đều bị họ áp dụng nguyên tắc dối trá và vô luân để tiêu diệt. Tết Mậu Thân 1968 họ tấn công khi hai bên đình chiến để đón Giao Thừa. Hiệp Định Paris 1973 họ xé sau khi ký xong mới vừa ráo mực. Nhà báo Ôsin Huy Đức vừa xuất bản quyển sách "Bên Thắng Cuộc" đã vạch trần bản chất dối trá và vô luân này khi viết về cải tạo, đánh tư sản, vượt biên… mà ông Trần Hữu Dũng cho là "sự rất công bằng của tác giả đối với 'bên thua cuộc'".

Nếu chính trị là đi xây dựng tương lai cho dân tộc thì lịch sử là bài học quý báu để dẫn dắt bước tương lai. Nhìn qua ba quốc gia bị chia đôi trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh thì chúng ta thấy gì? Nước Đức thống nhất trong dân chủ thắng độc tài và trở thành cường quốc số một ở Âu Châu. Việt Nam thống nhất trong độc tài thắng dân chủ và trở thành nhược tiểu ở Á Châu. Đại Hàn vẫn còn chia đôi nhưng dân chủ Nam Hàn là cường quốc ở Á Châu. Cho nên sự thống nhất ở Việt Nam là một điều xấu hổ vì nó đưa dân tộc vào sự chậm tiến và có nguy cơ làm nô lệ cho ngoại bang. Cộng Sản có thấy điều này hay không? Nhìn qua sự kiêu căng của họ thì rõ ràng là không.

PV: Nếu Cộng Sản có sự thay đổi thật sự từ bản chất, thì theo Đảng Tân Đại Việt, để có thể chấp nhận đối thoại với cộng sản Việt Nam thì những điều cộng sản Việt Nam phải làm trước tiên là những điều gì?

LMN: Có thể nói do có một quá khứ chuyên chính dựa trên sự dối trá và vô luân, tiêu diệt tất cả những đối lập chính trị mà nhiều người coi như là một chân lý rằng Cộng Sản không thể sửa đổi, chỉ có thể thay thế. Thay thế thì có hai cách là cách mạng và diễn biến hòa bình. Cách mạng thì do quần chúng chủ động, diễn biến hoà bình thì do quần chúng và do cả chính quyền qua hiện tượng tự diễn biến, tự chuyển hóa, từ bên trong và từ bên trên mà lâu nay lãnh đạo CS luôn báo nguy. Cho nên sự thay đổi thật sự từ bản chất đòi hỏi trước tiên họ phải chính thức từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lê, tức từ bỏ những nguyên tắc cơ bản của dối trá và vô luân, của độc tài chuyên chính, và chấp nhận mô hình dân chủ pháp trị, tranh chấp quyền lực phải theo các quy luật của mô hình này. Song hành với sự nhận thức tư tưởng này là những hành động cụ thể thấy được như thả tù chính trị; bỏ tất cả các điều khoản vi phạm nhân quyền trong Bộ Luật Hình Sự mà trong đó có Điều 79 về tội lật đổ, Điều 88 về tội tuyên truyền, Điều 258 về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ; công nhận quyền tự do báo chí, quyền đối lập chính trị, chấm dứt việc dùng công an và quân đội để phục vụ đảng CS.

Những nhà tranh đấu dân chủ và những nhà ái quốc đang bị giam cầm, trù dập ở Việt Nam là những người cùng chiến tuyến với chúng tôi, nếu họ không được tự do, an toàn và cùng tham gia vào tiến trình xây dựng dân chủ qua việc đối thoại thì việc đối thoại chỉ là một âm mưu nín thở qua sông khi người Cộng Sản đang lâm vào thế bí của nội loạn và ngoại xâm như hiện nay.

PV: Chính bản thân Đảng Tân Đại Việt sẽ chuẩn bị hay làm những công việc gì trước nếu các điều kiện tiên quyết trên được đảng CSVN thoả mãn?

Untitled312LMN: Trong đấu tranh, vấn đề tương quan lực luợng có tính cách quyết định sự thành/bại. Thường thì người ta chỉ đối thoại khi bất phân thắng bại và cả hai bên không muốn tiếp tục bị tổn thất. Đảng Tân Đại Việt một mình thì rõ ràng là bất cân xứng, cho nên Đảng Tân Đại Việt cần phải đứng chung trong đội hình với các tổ chức tranh đấu cho dân chủ khác ở trong và ngoài nước. Lúc đó, bên dân chủ sẽ cùng nhau thảo luận vấn đề này trước khi thảo luận với bên CS.

Nhìn qua các dân tộc Do Thái, Đài Loan, Phi Luật Tân đang sinh sống ở Hoa Kỳ thì chúng tôi thấy rằng các bảo đảm an ninh quân sự cho Việt Nam trong tương lai, nếu có, phải thông qua Quốc Hội HK, và nếu Việt Nam có được một chế độ dân chủ pháp trị thì với khối người Mỹ gốc Việt, HK sẽ dễ giúp và khó bỏ Việt Nam hơn so với thời trước 1975. Cho nên, chúng tôi cố gắng xây dựng sự đoàn kết ở hải ngoại mà bên CS đang ra sức gây chia rẽ.

PV: Giả sử CSVN thực sự muốn dân chủ hóa đất nước thì theo Đảng Tân Đại Việt đối thoại có phải là một phương cách đấu tranh hay không và có lợi ích gì không?

LMN: Ông Winston Churchill, thủ tướng nước Anh, người hùng của Đệ Nhị Thế Chiến có nói đại ý rằng đấu khẩu vẫn luôn luôn tốt hơn là đấu súng. Libya và Syria chọn đấu súng còn Miến Điện chọn đấu khẩu. Phần lớn của sự chọn lựa này thuộc phía chính quyền.

Trong Thời Đại Thông Tin, dân tộc Việt Nam cần được cất cánh và bay cao để tranh đua cùng các dân tộc mạnh khác trên thế giới. Sự khôn dân đòi hỏi một chế độ dân chủ pháp trị để làm bệ phóng cho dân tộc. GS Nguyễn Ngọc Huy lúc cuối đời có nhận xét rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc thông minh, dũng cảm, nhưng lại gánh chịu quá nhiều bất hạnh. Trong hoàn cảnh đất nước hiện nay với địa chính trị có tính cách giao thoa của các nền văn minh và các siêu cường, lại một lần nữa Việt Nam có thể trở thành nạn nhân của các tranh chấp quốc tế. Thân phận Việt Nam đang là con tốt trong bàn cờ tướng khổng lồ của thế giới. Nếu dân tộc ta khôn ngoan thì Việt Nam sẽ là con tốt qua sông, nếu chia rẽ, đổ máu, hận thù thì Việt Nam sẽ là con tốt thí. GS Huy cũng đã từng nhắc chúng tôi rằng cuộc tranh đấu xây dựng dân chủ pháp trị cho dân tộc Việt Nam phải vừa nghiêm chỉnh vừa uyển chuyển. Nghiêm chỉnh để những định chế chính trị dân chủ pháp trị được hình thành, uyển chuyển để không gây thêm chia rẽ, hận thù cho một dân tộc vừa trãi qua cơn bất hạnh của chiến tranh.

Do hoàn cảnh, chúng tôi có cơ hội học hỏi và thực tập được phương pháp đấu tranh ôn hoà của các quốc gia theo dân chủ pháp trị. Nếu người Cộng Sản từ bỏ các nguyên tắc căn bản về chuyên chính, dối trá và vô luân của Mác-Lê thì sự chia tay ý thức hệ này đã giúp họ đi được phân nửa quãng đường và người CS tỏ thiện chí trong việc kết hợp sức mạnh dân tộc thì việc đối thoại sẽ là điều lợi ích cho đất nước chúng ta.

PV:  Lời cuối mà Đảng Tân Đại Việt muốn nói với Quốc Dân về cái gọi là "kế hoạch" hay "sự thăm dò" của cộng sản Việt Nam khi cử những quan chức của họ để gặp những người chống cộng hay đại diện của một số đảng phái khác để nói về cái gọi là "việc đối thoại" giữa cộng sản trong nước với các đảng phải dân chủ của người Việt?

LMN: Bà Margaret Thatcher, cựu thủ tuớng Anh có nhận xét rằng một đất nước hùng mạnh là một đất nước mà mỗi một người dân đều có năng lực, như Do Thái, Nam Hàn hay chính nước Anh của bà, chứ không phải do các yếu tố đất rộng, dân đông và tài nguyên phong phú. Muốn được vậy thì điều kiện tiên quyết là các quyền làm người khi sinh ra đã có cần phải được tôn trọng. Các quyền này đã bị CS tuớc đoạt sáu, bảy chục năm qua đến độ người dân VN không biết là của mình, chứ không phải do xin xõ và chờ được ban cho. Điều mà Đảng Tân Đại Việt muốn nói với Quốc Dân là hãy đòi lại quyền làm người của mình để phát huy nội lực dân tộc, để xây dựng dân chủ pháp trị, dùng nó làm nền tảng cho sự hùng mạnh dân tộc và bảo vệ tổ quốc.

Sự thăm dò của CSVN về "việc đối thoại" cho đến giờ phút này chỉ là một sự thăm dò để phục vụ quyền lợi của họ, vì ngoài việc bắt mạch chính trị, nó còn có tác dụng tuyên truyền trong nước, gây chia rẽ hải ngoại, tạo ảo giác cho chính quyền Hoa Kỳ, và làm cho những nhà tranh đấu dân chủ trong nước mất niềm tin vào hải ngoại.

Các tổng thống Hoa Kỳ, từ TT George W. Bush đến TT Barack Obama đều có những nhắn gởi cho các dân tộc bị áp bức là nếu dân chúng đứng lên đòi lại quyền làm người của mình thì HK sẽ tích cực hổ trợ, người dân phải tự giúp mình trước thì HK mới tiếp giúp được. Vận mệnh của dân tộc chúng ta nên do chúng ta khôn ngoan quyết định. Cùng nhau nhìn về một tương lai mà chúng ta muốn xây dựng, một nền dân chủ pháp trị để cùng dắt nhau đi thì chắc chắn dân tộc chúng ta sẽ trở thành một dân tộc mạnh của tương lai với sự hiện diện đã có sẵn ở các đô thị đa sắc màu trên thế giới.

PV: Cảm ơn Ông Lê Minh Nguyên.

Chúc bình an

Thomas Việt, VRNs

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét