Tin blogs tại Việt Nam cho hay, cuộc biểu tình chống Trung Quốc lấn chiếm biển Đông tại Hà Nội và Sài Gòn đã xảy ra như dự định, mỗi nơi có vài trăm người tham gia. Được diễu hành gần một tiếng, cuối cùng đoàn biểu tình bị giải tán bởi lực lượng an ninh đông đảo.
Giáo sư Tương Lai đã bị chặn tại Sài Gòn, bà Lê Hiền Đức bị giam lỏng tại nhà ở Hà Nội. Điềm gở này nói lên để phấn đấu cho phía trước và đạo đức xã hội tốt đẹp còn nhiều chông gai.
Tham khảo trên Basam, Tễu và vài blog khác, Hiệu Minh Blog xin trích lại vài tin chính.
GS Tương Lai, một trong 5 người ký tên đại diện cho 42 nhân sĩ trí thức trong bản Thông báo vừa gửi "Cấp báo. Ngày hôm qua Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP HCM Lê Minh Trí tiếp chúng tôi với thái độ rất hòa nhã. Những tưởng sau cái bắt tay nồng nhiệt với người đại diện cho chính quyền Thành phố, chúng tôi sẽ được tự do biểu thị lòng yêu nước của mình trước những hành động láo xược của nhà cầm quyền Trung Quốc, vi phạm trắng trợn chủ quyền của đất nước ta. Nhưng sáng nay, ngay bây giờ, trên đường đi đến Nhà hát Thành phố, chúng tôi bị an ninh vây quanh xe taxi, không cho chuyển bánh. Chúng tôi được biết các anh Lê Công Giàu, Lê Hiếu Đằng cũng đang bị an ninh vây chặt, không cho ra khỏi nhà. Vậy xin cấp báo cho công luận trong và ngoài nước được biết. Tương Lai".
Nhà thơ Đỗ Trung Quân nhắn tin từ Sài Gòn: "Toi bi tum roi".
Nguyễn Văn Phương, Lã Việt Dũng và một số người đã bị bắt tại Hà Nội.
Nhà báo Đoan Trang, blogger Gốc Sậy, Nguyễn Tường Thụy, Đào Tiến Thi, nhà báo tự do Dương Thị Xuân, bao gồm 17 người bị bắt đưa lên xe sang trại Lộc Hà, Gia Lâm. Ngoài ra, người ta cón báo, Nguyễn Việt Hưng, blogger Lê Anh Hùng, blogger Lê Dũng, Facebooker Tiến từ từ, du ca Lê Văn Dũng cũng đã bị bắt.
Bác IT Nguyễn Quang A: "Sáng nay tôi bắt đầu ra khỏi nhà lúc 7h30. Ra đến ngõ thì thấy hơn chục người mặc thường phục ở đó. Họ bám theo tôi (3-4 người đi bộ bám theo, số còn lại đi xe máy). Đến bến xe bus có 5-6 người phân nhau ra chặn ở tất cả các cửa xe, 3 người luôn bám quanh và chặn tôi. Lấy taxi thì họ đuổi taxi, xe ôm cũng vậy.
Tôi đi dọc vỉa hè, họ bám theo, thậm chí đi xe trên đó (tôi bảo các cậu vi phạm luật gây mất trật tự), tôi quay lại, họ quay lại và cứ như thế vờn nhau cho đến hơn 9h. Quay video thì có ngay người khác (ở tuyến sau) đi lên che camera. Đến khoảng 9h20 thì tôi quay về nhà xem các đoạn video và vài cái ảnh đưa lên facebook để mọi người nhận diện ra các thanh niên công an còn rất trẻ chặn tôi, bám theo tôi thế nào".
Một bạn khác cho biết, "8 giờ tại nhà hát thành phố, quân nhạc bắt đầu, bà con biểu tình hưởng ứng ngồi xem. Một số bảo vệ giải tán, nhưng anh Lưu Trọng Văn kiên quyết không đi, đòi đưa quyết định của TP, nếu không cho phép ngồi tại nhà hát. Vài phút sau, đối diện nhà hát bắt đầu có ngọn cờ phất lên, và biểu tình bắt đầu với những tiếng hô: Hoàng Sa- Trường Sa – VN. Đả đảo TQ xâm lược. Nhưng đến giờ này vẫn chưa thấy xuất hiện các vị trong bản thông báo. Đoàn biểu tình đi một vòng định sang Hồ Con Rùa, vì nghe nói sinh viên tập trung bên đó rất nhiều, nhưng bị chặn các ngả. Đoàn đành quay về nhà hát TP.
Bạn đọc Sóc của HM Blog
Khi Sóc tới bùng binh thương xá tax, ng ta chặn lại. Qua phone vẫn nghe thấy bà con hát, Minh Dương nhà mình… không hát nhưng hô to lắm.
Cụ Xang Hứng đến đó từ 7 g' dặn dò Sóc là nếu cụ phải lên xe bus, nhớ mang đồ ăn tới tiếp tế.
Sóc đứng chỗ hàng rào đến lúc bác Huỳnh Mẫn lên phát biểu, bị họ đẩy xuống, mà Sóc có nhìn thấy gì đâu, hàng rào sắt, rào ng chặn hết rồi. Minh Dương truyền trực tiếp qua phone thôi. Pin điện thoại Minh Dương hết sạch, vì cứ để đó cho Sóc nghe.
Giờ hai đứa đang uống cà phê, cụ Xang Hứng thì đang làm nhà báo. Bà con chờ tin tiếp nhé
Bạn đọc Xang Hứng của HM Blog
Đã hẹn trước, 7 giờ sáng nay, Chủ nhật 9/12, tôi và cô bạn là vợ của một sĩ quan Thirt Eng. trên tàu USS Emory S.Land AS39 của hải quân Hoa Kỳ gặp nhau tại trung tâm thành phố để "xem ca nhạc".
7 giờ 30p, đoàn quân nhạc xếp hàng chỉnh tề trên thềm nhà hát lớn bắt đầu cử những bài hành khúc, ca ngợi đất nước tươi đẹp, hòa bình.
Số người đến xem đông dần, đứng bên cafe Givral, tôi nhận thấy họ gồm đủ thành phần. Một điểm đặc biệt nhất là trong đám đong ấy dù lứa tuổi, trang phục khác nhau nhưng trên tai họ đều có gắn một cách lộ liễu những chiếc tai nghe nhỏ, có dây nối với một cái máy gì đó cộm lên phía dưới thắt lưng.
Chạy vội về quán cafe Ciao bên đường Nguyễn Huệ, chúng tôi định làm một ly cafe nóng cho tỉnh người. Đang đi bộ đến đường Nguyễn Thiệp, có điện thoại của cô Sóc:
- Cụ đang ở đâu đấy, có đi xem ca nhạc không ?
Thì ra Sóc vừa hạ cánh xuống Saigon và cũng mới chạy qua nhà hát lớn.
- Nếu cụ có được vỗ vai mời đi đâu thì nhớ cho Sóc biết để Sóc mang đồ tiếp tế nhé, Sóc dặn.
Uống vội tách cafe nóng, chúng tôi chuẩn bị sẵn máy ảnh, rảo bước ra quảng trường nhà hát.
Lúc này, đoàn quân nhạc vừa chấm dứt bài cuối, thu dọn kèn trống ra về. Ngay lập tức, những khán giả đứng dưới chạy lên sân khấu thay thế. Có khoảng 5-60 người già trẻ, gái trai, trong ấy nổi bật là một thanh niên đeo kính, mặc áo sọc đỏ-xanh với lá cờ nền đỏ sao vàng khoác trên vai.
Đoàn người đứng trên bục cao hô lớn những khẩu hiệu yêu nước, phản đối, đả đảo Trung Quốc, do một người đàn ông khá lớn tuổi, trên tay cầm cây gậy khởi xướng.
Nhanh chóng, tôi mang máy ảnh ra để cố chụp lại những hình ảnh đẹp đẽ ấy, nhưng còn nhanh hơn, ngay lập tức 2 thanh niên mặc thường phục, với những chiếc tai nghe xinh xinh trên tai đã xuất hiên. Họ ra dấu và nghiến răng ghé tai tôi đanh thép: "hãy xóa ngay nếu không muốn gặp rắc rối".
Di chuyển sang vườn hoa chính diện nhà hát, chúng tôi tiếp tục quan sát.
Lúc này, trên bục mọi người thay nhau hô khẩu hiệu, những nắm tay vung lên, những bài hát "dậy mà đi"… cũng được đám đông phía dưới hòa ca.
Khi người đàn ông chống gậy đứng đầu trên thềm nhà hát đang cất tiếng hô to: "Đả đảo TQ xâm lược" chưa dứt lời thì hàng người như bị một làn sóng xô đẩy làm ông cụ chúi xuống dưới, may nhờ những thanh niên mạnh khỏe đứng bên kéo lại, cụ không đập mặt xuống đường. Phía sau họ, như từ trên giời rơi xuống đã xuất hiện hàng chục thanh niên bặm trợn, mặc đồng phục màu xanh.
Nhốn nháo, lớn tiếng qua lại một lúc, đoàn người lại nhanh chóng ổn định, nhưng đã bị chiếm mất toàn bộ thềm cao nhà hát.
Chỗ tôi đứng, những người đàn ông "tai nghe đen" bận rộn với những chỉ thị, họ chạy lăng xăng, ngó chăm chăm, quay phim, chụp ảnh từng người đứng dưới.
Khoảng hơn nửa giờ sau, đoàn biểu tình giải tán. Có xảy ra những xô sát nhỏ giữa người biểu tình và một số "nhân dân tự phát", nhưng họ bảo vệ nhau, an toàn ra khỏi khu vực (sau đấy sẽ xảy ra cái gì thì mọi người đã biết !)
Một chuyện làm tôi ấn tượng về cuộc "mít tinh" sáng nay là khi vừa định ra về, có tiếng phụ nữ gọi "xanghứng". Tưởng một cụ bà nào trong hang Cua, tôi quay lại. Thì ra là cô bạn học từ hồi cấp 3 tại trường Hà Nội A, cô bí thư đoàn trường, kiêm trưởng lớp chúng tôi.
- Đi đâu thế này, cô bí thư hỏi.
- Giống T thôi, đi xem ca nhạc.
Tôi giới thiệu cô bạn đi cùng, cô bạn tôi ngạc nhiên:
- Chị là bí thư đoàn mà cũng ra đây, chị "tự diễn biến" à ?
Cô bí thư, 40 năm trước từng là một cô "học sinh giỏi, ngoan toàn diện" với mái tóc gọn gàng, lúc nào cũng óng mượt, thơm tho với 2 cái đuôi sam được tết gọn, (sau này khi có dịp đã nói với tôi: "ngày ấy, mình bị đoàn trường phê bình vì đã không quan tâm đúng mức đến bạn, để bạn chưa được vào Đoàn".) ngày nào trả lời:
- Mình vẫn thế thôi, chỉ có những tụi ngăn cản, phá đoàn biểu tình yêu nước kia mới chính là bon Tự Diễn Biến.
Tiếp tục cập nhật…từ DC
Bạn đọc nào chứng kiến cuộc biểu tình có thể chia sẻ phía dưới. Xin cảm ơn trước.
Nếu ai muốn phản đối Trung Quốc xâm lấn biển đảo, xin hãy nhất vào đánh giá (5* – Tuyệt vời) dưới đây để thể hiện và ủng hộ những người biểu tình trên đường phố.
HM. 8-12-2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét