Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Bùi Tín : Nguyễn Chí Đức chờ nghị quyết của chi bộ

Nguồn voatiengviet

Bức ảnh trích từ video viên đại úy công an Minh đạp giày vào mặt anh Nguyễn Chí Đức, ngày 17/7/2011.

16.12.2012

Anh Nguyễn Chí Đức là một trường hợp được bàn tán khá rôm rả trên các mạng và blogger tự do, trong giới viên chức trẻ, sinh viên, học sinh, thanh niên và trí thức. Bức ảnh anh bị tên đại úy công an Minh đạp giày vào giữa mặt ngày 17/7/2011 đã đi vòng quanh thế giới, tố cáo chế độ cảnh sát trị tàn ác lộng hành ở nước ta.
 
Anh Nguyễn Chí Đức còn có một bí danh là Đông Hải Long Vương - Vua rồng biển Đông - từng lên tiếng tố cáo mạnh mẽ bành trướng Trung Quốc trên blog riêng của anh. Anh cũng lên tiếng mạnh mẽ bênh vực luật sư Cù Huy Hà Vũ và cô Bùi Thị Minh Hằng.
 
Nguyễn Chí Đức, sinh năm 1976, người gốc Nghệ An, ông nội, ông chú và cha đều là đảng viên cộng sản, có người hy sinh trong chiến tranh. Anh học giỏi, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2000, cũng vào đảng CS năm này khi anh 24 tuổi. Anh là người đọc nhiều, suy nghĩ sâu, luyện cho mình tư duy khoa học, độc lập, tự tin - điều khá hiếm trong một môi trường giáo dục nặng về giáo điều, học vẹt, nhồi sọ, như anh từng kể.
 
Anh làm việc tại trung tâm dịch vụ của công ty Viễn thông Việt Nam, có nhiều quan hệ với khách hàng, cũng tiếp thu thường xuyên nhiều thông tin mọi mặt của thế giới. Anh giao du rộng, có nhiều bạn.
 
Từ cuối năm 2004, nghĩa là 4 năm sau khi trở thành đảng viên, Nguyễn Chí Đức ngày càng băn khoăn, hoài nghi rồi bất đồng với đảng. Lý do không thiếu. Đại Hội X năm 2006 rồi Đại hội XI năm 2011 càng làm anh thất vọng. Sau này anh tâm sự: «Biến động chính trị trên thế giới quán chiếu theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh được coi là đuốc soi đường và kim chỉ nam rõ ràng là không ổn». Anh nhận ra đường lối đó là sai từ trên căn bản học thuyết, ý thức hệ, trong khi tệ nạn tham nhũng bất trị, hoành hành ngang nhiên làm anh thất vọng. Lòng yêu nước thúc đẩy hành động, không thể ngồi im, đứng nhìn khi đảng đã «hèn với giặc, ác với dân».

Thế là anh suy nghĩ, cân nhắc, rồi quyết định dứt khoát: xuống đường!
 
Vốn làm công việc chuyên môn về viễn thông, anh liền lập blog riêng của mình, mang tên Đông Hải Long Vương, vừa nghiêm cách vừa trào lộng, tự nhận là vua rồng biển Đông. Các bài của anh đều tâm tư với giới thanh niên, với đảng viên trẻ về những băn khoăn lo nghĩ của trai thời loạn, khi Tổ quốc lâm nguy, thù trong giặc ngoài, vì đảng cũng gọi nạn tham nhũng là quốc nạn, là giặc nội xâm. Anh tham gia biểu tình đòi tự do cho Ls Cù Huy Hà Vũ, dấn thân hết mình, giương biểu ngữ, hô khẩu hiệu, đi hàng đầu, tranh cãi với nhân viên an ninh ngăn cản, đàn áp nguời yêu nước.
 
Họ chụp ảnh anh, ghi tên anh, biết địa chỉ anh, thông báo cho gia đình và cơ quan anh làm việc, ghi tên anh vào sổ đen, coi anh là phần tử nguy hiểm thuộc loại đặc biệt. Tất cả chỉ làm anh thêm kiên định, thêm thương dân, thêm yêu nước, gắn bó hơn với các bạn đồng hành cùng tham gia các cuộc biểu tình còn hơn anh chị em ruột thịt.
 
Tháng 7 năm 2011, một chục cuộc biểu tình chống bành trướng ngày chủ nhật nổ ra, Nguyễn Chí Đức luôn có mặt; anh và cô Bùi Thị Minh Hằng là hai nhân vật trung kiên nòng cốt của phong trào đang lan rộng.
 
Sự kiện chấn động xảy ra trưa 17-7-2011 khi 4 tên an ninh hung hãn lôi, kéo, nhấc bổng anh quẳng lên xe lớn của công an, trong khi tên đại úy Minh đạp giày vào giữa mặt anh và trên ngực anh, nét mặt hung tợn như muốn làm thịt anh tức khắc.
 
Chuyện trở tên nghiêm trọng khi ngay chiều 17/7 giám đốc công an Hà Nội Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh tuyên bố không hề có lệnh đàn áp biểu tình. Sáng 18/7 báo Hà Nội Mới, cơ quan chính thức của thành ủy CS, đăng tin là không có biểu hiện gì chứng tỏ cuộc biểu tình bị đàn áp, ngụ ý không có chuyện công an đạp giày vào mặt người biểu tình.
 
Đến nước này thì anh đảng viên CS Nguyễn Chí Đức không sao chịu nổi. Trả lời phóng viên ở nước ngoài, anh nói «họ đã chơi đồng chí của họ», họ làm nhục anh đến hai lần, đạp giày vào mặt rồi còn rêu rao anh là kẻ dối trá, bịa ra chuyện ấy. Anh cho rằng thái độ hèn hạ của tay trùm công an CS và bài báo của thành ủy CS đã đẩy mối quan hệ giữa đảng CS với anh «từ trạng thái nghi ngờ, dồn nén đến chỗ bùng nổ». Theo anh, cái đảng này đã hư hỏng đến mức không thể sửa chữa, phục hồi, chỉnh đốn được nữa. Anh nói: «Họ đẩy tôi đến đường cùng ».
 
Thế là anh quyết định xin ra khỏi đảng. Anh viết lá đơn xin ra đảng ngày 12 tháng 9/2011.
 
Đơn xin ra đảng CS và bài điều trần của anh về việc này rất nên phổ biến rộng cho toàn đảng được rõ. Lời lẽ chân thật, mực thước, đàng hoàng, có nơi dùng từ dân gian rất ngộ. Bài viết đăng đơn xin ra đảng của anh mang tít: «Như lời chia tay buồn, một đi không trở lại».
 
Anh nói về những bất công, bất cập, nghịch lý của đảng CS mà bất cứ ai có chút lương tri cũng có thể thấy, không cần phải có hiểu biết gì cao siêu. Anh thấy những quan hệ thiếu minh bạch, thiếu tương xứng của đảng CS ngày càng tệ hại. Anh nhấn mạnh rằng «thâm cung bí sử» của đảng CS còn khốn nạn hơn cả chuyện dân gian. Anh không thể chịu nổi cảnh xa hoa khệnh khạng, ăn tục nói phét của cấp trên. Anh cho rằng hai mươi năm «đổi mới» vừa qua thực chất chỉ là hai mươi năm chụp giựt của đảng CS, tước đoạt thành quả phát triển của người dân, viên chức. Anh cho rằng công an là lực lượng phá hoại đảng CS mạnh mẽ nhất.
 
Anh yêu cầu đảng ủy và chi bộ đảng CS nơi anh sinh hoạt chấp nhận đơn xin ra đảng này và chấm dứt sinh hoạt đảng của anh trong thời gian sớm nhất. Đến nay anh vẫn còn chờ quyết định của chi bộ nơi anh sinh hoạt.

Nhưng đã quá 3 tháng mà anh vẫn chưa nhận được hồi âm. Họ không thể đuổi việc, cũng không dám đưa ra chi bộ đảng như điều lệ đảng quy định, càng không dám khai trừ anh, sợ gây bất ổn ngay trong nội bộ công ty. Anh vẫn đi làm nghiêm chỉnh, có nhiều bạn hơn, cả ở cơ quan và khắp cả nước; blog Đông Hải Long Vương thêm nhiều bạn đọc.
 
Anh Nguyễn Chí Đức ra đảng CS, từ biệt đảng CS, cũng giống như hơn 40 triệu đảng viên cộng sản Liên Xô đã nói «Vĩnh biệt Lênin!» là điều tất nhiên phải đến với mọi con người lương thiện, có tư duy lành mạnh. Nghị quyết của Đại hội XI nêu rõ đang có «không ít» đảng viên nhạt đảng, không quan tâm sinh hoạt đảng, bỏ sinh hoạt đảng do khủng hoảng niềm tin, do mất lý tưởng, cần ra sức giáo dục…
 
Việc câm lặng, chọn cách đối phó giả câm giả điếc chỉ làm nổi bật tình trạng bế tắc của đảng CS Việt Nam.. Chắc chắn đảng bộ CS của công ty Viễn thông Việt Nam có xin ý kiến của Trung ương, của Bộ Chính trị, của Ban Tổ chức Trung ưong Đảng, nhưng các vị này đều bế tắc, chủ trương cứ câm như hến là thượng sách.
 
Tuy tỏ ra mong đợi quyết định của đảng bộ và chi bộ, trên thực tế Nguyễn Chí Đức càng ngày càng xa đảng CS, anh đã «vĩnh biệt đảng CS», còn nhấn mạnh «một đi không trở lại,» nghĩa là một cuộc ly hôn, một cuộc tuyệt giao nhẹ nhàng, không luyến tiếc. Anh còn đưa ra sáng kiến lập «Câu lạc bộ Huynh đệ lầm đường lạc lối» để giúp các đảng viên CS, nhất là các đảng viên trẻ, trở về với nhân dân.
 
Nguyễn Chí Đức đã trở nên một chiến sỹ dân chủ kiên cường, một công dân yêu nước khảng khái, một kẻ sỹ được các anh chị em trí thức quý mến, là người con yêu của nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét