Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Ông Lê Hiếu Đằng: TÔI TIẾP TỤC TỐ CÁO (basamvietnam)

Nguồn anhbasam

16/12/2012

"Điều cuối cùng tôi xin nói ở đây, là dù đứng trước bạo lực, cường quyền nào, anh em chúng tôi cũng không nao núng, lùi bước, vì một khi đã dấn thân là chấp nhận hy sinh."

"Tòa án vùng 3 chiến thuật của chính quyền Sài Gòn lên án tử hình anh, nhưng anh coi chừng, người thi hành án lại là chính quyền mà anh, bạn bè anh và biết bao người đã đổ xương máu mới có nó…"

TÔI TIẾP TỤC TỐ CÁO

 1      Sau cuộc mitting sáng ngày Chủ nhật, 9 -12 – 2012 trước nhà hát TPHCM, tôi được thêm thông tin là chính quyền đã dùng  lực lượng thanh niên áo xanh từ trong sảnh nhà hát ùa ra (có lẽ là công an giả dạng và được mai phục từ trước) xô đẩy những người đứng trên bực thềm cao nhất làm cho nhiều người ngã. Trong đó nặng nhứt là trường hợp kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn, một trí thức tên tuổi trong ngành kiến trúc, bị  ngã sấp sau cú đẩy thô bạo của một thanh niên áo xanh lực lưỡng.

Chị Thơ, vợ anh và nhiều người người khác đã  đỡ anh lên. Mặc dầu rất đau nhưng anh vẫn khôi hài trấn an chị Thơ và mọi người: "Không sao tôi té có kỹ thuật mà" (có lẽ anh té như các cầu thủ bóng đá?). Mọi người lo, vì cách đây vài tháng anh mới bị đột quỵ. Vì vậy trước cuộc mitting chị Thơ và bạn bè can ngăn anh nhưng anh vẫn cương quyết tham gia mitting.

Thái độ dấn thân cuả một người trí thức lớn tuổi mới gương dậy sau cơn đột quỵ làm ai cũng xúc động, còn nhà cầm quyền và lực lượng đàn áp thì không.  

Tôi quen anh Huấn trong những buổi sinh hoạt tại Café thứ Bảy của nhạc sĩ Dương Thụ, một địa điểm văn hóa đúng nghĩa hiếm hoi của TPHCM.Thế mà chính quyền TP đã dẹp nó mà không có một lý do nào chính đáng cả.

Trường hợp với anh Huỳnh Tấn Mẫm, là một vụ vi phạm gia cư một cách bất hợp pháp. Sau khi anh thoát ra khỏi nhà thì một lực lượng công an hùng hậu ập vào nhà hùng hổ đi thẳng lên lầu quát hỏi: "Mẫm đâu, nhà có cửa thoát hiểm không?". Vợ anh Mẫm thật sự hốt hoảng vì thật tình chị không biết anh đã ra khỏi nhà. Anh đã đi lặng lẽ chẳng ai biết ….

Đặc biệt, chiều tối hôm thứ Bảy 15 -12 và sáng Chủ nhật 16 -12, nhà của hầu hết 42 công dân đã ký trong văn bản ngày 27 – 7 đều bị công an canh giữ nghiêm ngặt. Ai có công việc đi ra khỏi nhà đều bị ít nhất 2 công an hộ tống. Riêng Lê Công Giàu, Trần Quốc Thuận, và tôi đi trên taxi cũng bị 4 công an ngồi trên 2 xe máy Honda theo dõi suốt.

Đến bến xe chợ Bến Thành, anh Giàu xuống để đi xe buýt về nhà, hai tay này vẫn bám theo. Anh Giàu vốn là người rất hiền lành cũng phải nổi nóng la to giữa bến xe: "Mấy anh nầy sao theo dõi người biểu tình chống Trung Quốc? Các anh là người TQ hay VN?". Thấy không ổn, các "bạn dân" lùi lũi rút êm. Lê công Giàu, một người kiên cường trong ngục tù trước đây nay vẫn kiên cường như ngày nào.

Đối với Huỳnh Tấn Mẫm, cũng bị công an theo kỹ, cuối cùng bí thư đảng, chính quyền, công an, trong đó có công an thành phố đã "mời" anh đi ăn phở, uống café . Vẫn luận điệu cũ rích, "chưa phải lúc biểu tình, mitting; coi chừng kẻ xấu lợi dụng v.v…" và cuối cũng họ cũng hỏi anh Mẫm:"Anh có còn định đi biểu tình nữa không?". À ra thế, cuối cùng họ cũng ló đuôi ra: họ sợ biểu tình. Anh Mẫm khẳng khái: "Bao lâu TQ còn gây hấn, lấn chiếm tôi còn đi biểu tình".

Riêng trường hợp nhà báo Nguyễn Quốc Thái là khá nghiêm trọng. Trên đường đi lễ nhà thờ sáng Chủ nhật 16 -12, anh bị mấy công an ép và đạp té, tạo ra một tai nạn giao thông giả tạo để buộc anh Thái về công an Quận 3, thu hết giấy tờ, một thời gian sau mới để anh Thái về.

Còn một thủ đoạn mờ ám nữa là rúng ép, đe dọa vợ con và các thành viên trong gia đình, cũng như nơi làm việc, trong đó vô nhân đạo nhất là đến đe dọa trường Giáo dục chuyên biệt Khai trí, nơi tương tựa của hơn 100 em bé tự kỷ, do Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm sáng lập và phụ trách.

Rõ ràng những hành động ngăn chặn, trấn áp nêu trên đối với những người tham gia các cuộc biểu tình, mitting chống bành trướng Bắc Kinh là đi ngược lại ý chí, nguyện vọng của nhân dân TP, là xem thường lợi ích của đất nước, xem thường nền  độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của VN.

Điều cuối cùng tôi xin nói ở đây, là dù đứng trước bạo lực, cường quyền nào, anh em chúng tôi cũng không nao núng, lùi bước, vì một khi đã dấn thân là chấp nhận hy sinh.

Một người bạn đã nói với tôi nửa đùa nửa thật: "Tòa án vùng 3 chiến thuật của chính quyền Sài Gòn lên án tử hình anh, nhưng anh coi chừng, người thi hành án lại là chính quyền mà anh, bạn bè anh và biết bao người đã đổ xương máu mới có nó…". Cả trong trường hợp như vậy tôi vẫn chấp nhận vì sự tồn vong và vận nước của TổQuốc VN ,vì tương lai con cháu chúng ta sau nầy.    

TP HCM ngày Chủ nhật 16 -12 – 2012.

Lê Hiếu Đằng

* Ghi chú: ông Lê Hiếu Đằng hiện là Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam.

Bài liên quan: + 1456. Lê Hiếu Đằng: Tố cáo và đòi hỏi bí thư Lê Thanh Hải, chủ tịch Lê Hoàng Quân phải trả lời về hành động trấn áp, bắt bớ các nhân sĩ trí thức  (Ba Sàm/ 10-12-2012); + 1451. Dân Việt Nam sẵn sàng chống xâm lược, không để Trung Quốc coi khinh (RFI/ 8-12-2012);  + 1387. Luật gia Lê Hiếu Đằng: Thay đổi thể chế để tránh một vị Nguyễn Tấn Dũng khác (RFI/ 15-11-2012); + 1313. Luật gia Lê Hiếu Đằng: "Hội nghị Trung ương 6, kết quả đương nhiên của một Nhà nước toàn trị" (RFI/ 19-10-2012).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét