Kính Ban Biên Tâp,
Kính gởi Dân Luận bài viết mới của Nguyệt Quỳnh.
Kính,
NQ
Ngày tôi lên mười tuổi, bố tôi phả vào tâm hồn trẻ thơ của tôi niềm kiêu hãnh dân tộc qua những quyển sách lịch sử nho nhỏ bằng lòng bàn tay. Bố tôi là một quân nhân phục vụ trong nghành an ninh quân đội. Những quyển sách ông đem về cho tôi là do Cục Chính Huấn xuất bản. Tôi đã say mê đọc nó; tôi ngưỡng mộ hình ảnh vị vua trẻ đời Trần, tôi hình dung ra cảnh nhà vua cởi ngựa đi trước xông pha tên đạn. Và tôi yêu lịch sử từ đó, tôi yêu hình ảnh của Phạm Ngũ Lão qua bài thơ "Tỏ Lòng" của ông. Hình ảnh người tráng sĩ cầm ngang ngọn giáo; xông pha trận mạc đã mấy mùa thu để bảo vệ giang san tổ quốc của mình. Rồi tôi đã khóc khi đọc thấy có đến tám ngàn người lính quyết tử, đã hy sinh trong trận đánh ở đồn Ngọc Hồi trước khi Vua Quang Trung đuổi 30 vạn quân Thanh ra khỏi Bắc Hà.
Mãi sau này, tôi mới biết rằng ở tận miền Bắc cũng có một cậu bé yêu lịch sử và mơ màng sống với nó như tôi. Người lính nhiều khổ đau Lưu Quang Vũ, khi còn là một cậu bé cũng đã từng ra cửa bể Vân Đồn những ngày mùa thu biển lạnh. Vũ cũng mơ về thuở muôn trùng cờ xí, tiếng trống thúc trận và những người lính thú đời Trần như tôi. Những ngày ấy, áp đôi má trẻ thơ xuống bùn đất phù sa, có lẽ Vũ cũng nghe được tiếng rì rầm của đất, tiếng giáo gươm từ thuở ấy vọng về. Không hiểu sao, tôi thấy mình rất giống Lưu Quang Vũ ở một điều là tôi tin vào con người. Lưu Quang Vũ mất đã hơn ba thập niên, nếu ngày nay anh còn sống tôi không biết anh có còn tin vào điều đó hay không?
Có người bảo rằng "sản phẩm tinh tuý nhất của một quốc gia chính là những người dân sống trên quốc gia đó" điều này quả thật đúng với người dân nước Nhật. Cụ Phan Bội Châu đã từng kể chuyện về một người phu xe cụ được gặp ở Nhật. Cụ Phan và cụ Tăng Bạt Hổ đến Đông Kinh để tìm gặp một người học sinh tên Ân Thừa Hiến. Khi người phu xe đưa hai cụ đến thì Ân Thừa Hiến đã không còn ở chỗ cũ. Người phu xe hứa đi tìm giúp địa chỉ mới của người học trò ấy cho hai cụ. Anh ta đi suốt buổi chiều mới tìm ra được, tuy nhiên khi cụ Phan tặng thêm tiền cho anh ta thì người phu xe từ chối mà bảo rằng: "Theo quy luật Nội vụ sảnh đã định thì từ ga Ðông Kinh đến nhà này, giá xe chỉ có ngần ấy, vả lại các người là người ngoại quốc, yêu mến văn minh nước Nhật Bản mà đến, vậy nên ta hoan nghênh các người, chứ không phải hoan nghênh tiền đâu. Bây giờ các người cho tôi tiền xe quá lệ, thế là khinh bạc người Nhật Bản đó."
Đáng quý thay, lời nói và tư cách của một người phu xe bình thường đã làm hai nhà cách mạng Việt Nam phải nể trọng. Và ngày nay, xuyên qua cách hành xử của người dân Nhật trong các vụ thiên tai, cả thế giới đã nghiêng mình trước văn hoá, và nhân cách của người dân nước này.
Nhìn về nước ta ngày nay, mọi nền tảng về luân lý, đạo đức xã hội đã không được xây dựng mà còn bị phá hỏng. Khi tìm mọi cách tiêu diệt cho bằng được ý chí phản kháng của người dân, kẻ cầm quyền đang giết chết dần nội lực của dân tộc. Đất nước sẽ ra sao nếu người dân mặc nhiên chấp nhận thái độ ươn hèn nhu nhược trước ngoại xâm của lãnh đạo? Xã hội sẽ ra sao nếu người ta chỉ nghĩ đến mình, cứ điềm nhiên sống mặc cho những oan sai của luật pháp, mặc những bất công, tham nhũng thối nát của xã hội chung quanh? Từ rất lâu rồi, cha mẹ, thầy cô, học đường đã truyền dạy con em mình phải biết sợ, dạy các em sống ích kỷ, dạy các em ngậm miệng trước những điều sai trái để được yên thân? Triết gia Hegel bảo rằng: "giáo dục là nghệ thuật biến con người thành có đạo đức"; với sự giáo dục như trên, chúng ta mong chờ gì ở các thế hệ tương lai?
Tác giả Andrew Matthews, một diễn giả tài năng đã kể lại câu chuyện của con cá barracuda. Đây là một cuộc thí nghiệm được thực hiện tại Viện Hải dương học Woods Hole. Cuộc thử nghiệm được tiến hành như sau:
Người ta dùng một hồ nuôi cá bằng thuỷ tinh, họ ngăn chiếc hồ ra làm hai bằng một miếng kính trong suốt. Một bên họ thả con cá barracuda và bên kia là một con cá đối. Cá barracuda là loài cá ăn thịt cá đối, trong nháy mắt, con cá barracuda đã lao hết sức mình về phía con cá đối và nó đập đầu vào thành của tấm kính. Nó tiếp tục bị đập đầu như thế cho đến khi nó hình thành niềm tin là nếu săn bắt con cá đối nó sẽ bị đau như vậy và bỏ cuộc. Sau đó, người ta bỏ tấm kính ngăn ra; con barracuda cứ nằm lì bên phần này của hồ cá cho đến hết cuộc đời nó. Nó thà nằm chịu chết đói, trong khi đó con cá đối vẫn bơi tung tăng không cách xa nó là mấy. Con barracuda biết giới hạn của mình và nó sẽ không bao giờ vượt qua giới hạn đó.
Tin liên quan:
Câu chuyện của con cá barracuda có làm cho chúng ta đau đớn không? Hình ảnh chú cá barracuda sung mãn nằm bẹp dí một góc hồ làm chúng ta liên tưởng đến thân phận mình. Cho đến thời điểm này, sự ngang ngược và dã tâm xâm lược của Trung Quốc đã quá rõ ràng; nhưng số người tham gia vào những cuộc biểu tình phản đối của người dân trong nước vẫn còn quá giới hạn. Điều gì ngăn cản dân ta nói lên lòng yêu nước? Điều gì ngăn cấm dân ta bảo vệ lãnh thổ đất nước mình? Đâu rồi một dân tộc lẫy lừng đã từng đánh thắng một đội quân hung hãn đang làm rung chuyển một nữa thế giới? Đâu rồi những con người từng tự hào "từ ức triệu năm nay, không biết nhục, không biết thua, không biết sợ"[1]?! Nếu quả thật chỉ vì sợ hãi mà tám chục triệu người bỏ mặc vận mệnh quốc gia trong tay vài chục kẻ cầm quyền bạc nhược; thì cái tấm kính trong suốt kia là do chính tay chúng ta dựng lên đó thôi. Rồi các thế hệ tương lai cũng sẽ chấp nhận cái định mệnh đã được đặt để cho họ. Và cái giấc mơ về một xã hội công bằng, tự do, dân chủ sẽ chỉ thuộc về nơi nào khác, cho những người khác, không phải dân tộc mình. Câu nói của triết gia người Pháp Joseph de Maistre nghe mới thật cay đắng: "Dân tộc nào thì chế độ đó" (Every country gets the government it deserves).
Cách đây hai năm, một youtube mang tên "Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi" được phát tán trên mạng. Cảnh một bầy sư tử hung bạo rượt theo bầy trâu nước và cuối cùng vồ bắt được chú nghé con. Tôi chắc ai coi youtube này đều cảm được nỗi sợ hãi của bầy trâu nước, và đều mừng rỡ khi chú nghé con yếu ớt thoát được nanh vuốt và trở về trong vòng bao bọc của bầy trâu. Không hiểu sao hình ảnh của chú nghé con ấy không rời khỏi tâm trí tôi. Sao mà chú giống tổ quốc tôi đến vậy! Chắc chú cũng đau đớn lắm, có ai cảm được nỗi đau của chú không? Bị cắn đầu, cắn đuôi, rức thịt rức da; tổ quốc tôi cũng vậy, thác Bản Giốc mất tức tưởi, Hoàng Sa mất đau đớn, ngư trường mất, Cao nguyên mất…
Bầy trâu chắc nghe được tiếng rên của chú nghé con. Có ai nghe được tiếng kêu của tổ quốc tôi không?
Một trăm năm nữa qua đi, các cô bé cậu bé sẽ nghĩ gì khi đọc lại lịch sử những năm tháng đen tối này? Chúng sẽ nghĩ gì về thế hệ cha anh của chúng? Câu chuyện về vị nguyên soái đòi được chém đầu trước khi hàng giặc sẽ chỉ là huyền thoại. Những buổi chiều chạng vạng cánh dơi, sẽ không còn cậu bé Lưu Quang Vũ nào tìm ra bãi sông, ngồi lắng nghe tiếng trống thúc trận; tiếng những hồn người xưa nói chuyện với cậu về những Đông bộ đầu, Chương Dương độ, Hàm tử quan…
Ôi! "Bao gương mặt ngày xưa/Bây giờ ai nhớ nữa?"[2]
__________________
[1] Nhất định thắng – Trần Dần
[2] Đất nước đàn bẩu – Lưu Quang Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét