Bức xúc của dân
Tin cho biết vào rạng sáng ngày 24 tháng 12 vừa qua, cơ quan chức năng huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội huy động một lực lượng gần 700 người gồm cảnh sát giao thông, công an huyện, công an xã đến tại khu vực chợ Cầu, thôn Thanh Ấm để tiến hành biện pháp cưỡng chế các hộ kinh doanh tại chợ đó.
Tuy nhiên tin cũng cho biết trong vấn đề xây dựng khu trung tâm chợ mới và việc cưỡng chế các hộ kinh doanh ở chợ cũ vẫn còn nhiều khuất tất chưa được giải quyết thỏa đáng. Khoảng 200 hộ kinh doanh tại chợ Cầu, thôn Thanh Ấm đã nhờ Văn Phòng Luật sư Vì dân hỗ trợ tư vấn pháp lý trong vấn đề này. Vào ngày 3 tháng 12 Văn phòng Luật sư Vì Dân có đơn gửi đến cho các cấp lãnh đạo cao nhất của thành phố Hà Nội gồm bí thư Phạm Quang nghị, phó bí thư Ngô Doãn Thanh, chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo, giám công công an Nguyễn Đức Chung và chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố.Văn bản nêu ra sáu điểm còn vướng mắc trong vấn đề di dời chợ Cầu, thôn Thanh Ấm.
Vào ngày 6 tháng 12, văn phòng Thành Ủy có giấy báo tin cho Văn phòng Luật sư Vì Dân về việc chuyển đơn khiếu nại của người dân sang cho văn phòng Ủy ban Nhân dân để có chỉ đạo giải quyết.
Tôi với tư cách luật sư, ngày hôm qua không đi đâu được, thường xuyên ở văn phòng, luôn bằng điện thoại can ngăn dân để dân không có sự bức xúc. Nếu không có sự can thiệp của luật sư, tôi cho rằng, ngày hôm qua (24 tháng 12) sự việc có thể dẫn đến án mạng
Luật sư Trần Đình Triển
Luật sư Trần Đình Triển, trưởng văn phòng Luật Vì Dân cho biết tình hính rất căng thẳng và bản thân ông phải căn ngăn chứ không nhiều người dân có hành động mạnh dẫn đến chết người. Ông cho biết:
Tôi với tư cách luật sư, ngày hôm qua không đi đâu được, thường xuyên ở văn phòng, luôn bằng điện thoại can ngăn dân để dân không có sự bức xúc. Nếu không có sự can thiệp của luật sư, tôi cho rằng, ngày hôm qua ( 24 tháng 12) sự việc có thể dẫn đến án mạng. Nếu xảy ra như vậy, thì dứt khoát với văn bản của UBND thành phố đã chỉ đạo từ ngày 20 mà huyện Ứng Hòa vẫn tổ chức làm như vậy thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Bà Lê Hiền Đức, người hiện giúp nhiều người dân đấu tranh tố cáo tham nhũng, cho biết một số hộ dân kinh doanh tại chợ Cầu Thanh Ấm cũng nhờ cụ giúp đỡ trong vụ việc này. Bà cho biết lý do mà dân phải cương quyết bám trụ giữ lại ngôi chợ cũ mà họ kinh doanh bấy lâu nay:
Làm gì cũng phải được thỏa thuận với dân 'Dễ một lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong'; họ làm tất cả những việc đó mà không chịu thỏa thuận với dân nên mới gây ra bức
Bất hợp lý
Luật sư Trần Đình Triển, qua tư vấn pháp lý cho người dân kinh doanh tại chợ Cầu Thanh Ấm tại thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, nêu rõ lại những bất hợp lý của việc buộc dân phải đến kinh doanh tại khu chợ mới do Công ty Cổ phần Đầu tư & Xây Dựng Hòa Nam, một công ty tư nhân, làm chủ:
Trước hết chợ ở Vân Đình là một chợ 'truyền thống', mang tính lịch sử. Dân đang buôn bán ở đây một cách sầm uất, phù hợp với nền kinh tế thực tại là buôn bán nhỏ, kinh doanh nhỏ. Sức mua không lớn lắm so với những vùng đô thị. Nó thuận lợi cho việc giao dịch, mua bán và bao nhiêu hộ dân đang sống nhờ vào chợ này. Theo qui định trong Nghị định 02 của thủ tướng chính phủ về đổi mới chợ là phải căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, hai nữa phải bàn bạc với dân từ cơ sở, trên những nguyên tắc ưu tiên là Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nếu như doanh nghiệp xây dựng trên vị trí đó phải tổ chức đấu thầu. Hiện nay, doanh nghiệp xây dựng cách đó khoảng 2 kilomet để dời chợ ra, rồi lấy đất đó làm gì thì dân không biết. Tiếng kêu của dân lâu rồi và người ta phản ánh rất đầy đủ, nhưng chính quyền địa phương sở tại- tôi nhắc lại là sở tại, nhất là cấp ủy đảng và chính quyền địa phương của huyện Ứng Hòa, không tuân thủ những nguyên tắc của pháp luật.
Cưỡng chế mà không có quyết định cưỡng chế mà lại tiến hành từ lúc 4 giờ sáng, ngăn cách mọi ngả đường không cho dân buôn bán. Còn cách đây cả tháng đã cắt điện của dân. Tổ chức cho công an và công ty điện lên cắt điện của dân để các hộ kinh doanh không có điện để mua bán, gây sự khó khăn cho dân chúng
LS.Trần Đình Triển
Để tìm hiểu sự việc, vào sáng ngày 26 tháng 12, chúng tôi gọi điện đến UBND huyện Ứng Hòa để hỏi, thì được một viên chức của huyện trả lời:
Thôi, cái đó thì về đây làm việc, không gọi điện đâu nhá!
Luật sư Trần Đình Triển cũng đưa ra nhận định về biện pháp cưỡng chế của chính quyền địa phương hồi ngày 24 tháng 12 vừa qua:
Điều lạ lùng là văn bản của UBND thành phố đã qui định như vậy thì ngay lập tức ngày 24, ủy ban nhân dân huyện Ứng Hòa không tuân thủ sự chỉ đạo của bí thư thành ủy cũng như ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, tổ chức tiến hành cưỡng chế. Cưỡng chế mà không có quyết định cưỡng chế mà lại tiến hành từ lúc 4 giờ sáng, ngăn cách mọi ngả đường không cho dân buôn bán. Còn cách đây cả tháng đã cắt điện của dân.
Tổ chức cho công an và công ty điện lên cắt điện của dân để các hộ kinh doanh không có điện để mua bán, gây sự khó khăn cho dân chúng địa phương hằng tháng nay rồi. Họ tổ chức như vậy, thậm chí sử dụng cả hơi cay, thậm chí đánh có người phải đi bệnh viện, và bắt bớ một số người. Thậm chí dân cho biết có trường hợp không phải công an nhưng mặc áo quần và mũ của lực lượng công an. Đây là trường hợp có lẽ cần phải xem xét để xử lý đối với trưởng công an huyện Ứng Hòa. Điều này vi phạm nguyên tắc về điều lệnh và quân trạng quân phục của lực lượng công an nhân dân. Đó là điều mà không thể chấp nhận được.
Dân mất tin tưởng
Trong một video clip được đưa lên mạng vào ngày 25 tháng 12 có hình ảnh một em nữ học sinh trường THPT Ứng Hòa A nói rõ không còn lòng tin vào công an khi không giải quyết vụ việc mà học sinh này thấy rõ trước mắt:
Cháu thấy các chú công an không hề can thiệp gì hết. Bọn cháu thất vọng về đảng và nhà nước, bọn cháu không còn niềm tin nữa.
Báo mạng Pháp Luật Việt Nam hồi ngày 11 tháng 12 có bài tựa đề 'Chợ tiền tỷ bỏ hoang vì người dân lạnh nhạt'. Bài báo trích dẫn phát biểu của một số người dân cho rằng bị ép vào chợ mới của doanh nghiệp tư nhân để thuê kiosk kinh doanh với giá cao. Tuy nhiên vị trí không hợp lý cho hoạt động kinh doanh. Họ cho rằng biện pháp cưỡng chế như thế không công bằng, chỉ mang lợi cho doanh nghiệp mà thiệt hại cho người kinh doanh, buôn bán lẻ.
Bài báo nêu ra nhiều nghi vấn đối với doanh nghiệp tư nhân đó và các viên chức chính quyền địa phương vẫn chưa được làm rõ. Người dân hết sức bức xúc trước những nghi vấn đó và tỏ rõ sự mất lòng tin vào chính quyền.
Theo dòng thời sự:
- Nông dân Văn Giang cần một quan tòa công bằng
- Nam Định: chính quyền sử dụng vũ lực cưỡng chế đất của dân
- Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên chối bỏ trách nhiệm
- Nghi vấn về tính pháp lý trong dự án Ecopark
- Vụ Văn Giang dưới mắt các bloggers
- Hàng ngàn công an, bộ đội được huy động đến cưỡng chế đất ở Hưng Yên
- Căng thẳng ở Hưng Yên: chính quyền tuyên bố cưỡng chế, dân quyết chống lại
- Hàng trăm người biểu tình ở Hà Nội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét