Phóng sự của BVN
Khoảng 7g45 sáng 9/12/2012, công an đã dựng barie kín tất cả các ngả đường dẫn vào khu vực công trường Lam Sơn (Q.1, TP HCM).
Tuy nhiên, rất may là mỗi sáng Chủ nhật, tại trước Nhà hát lớn thành phố luôn có chương trình biểu diễn nhạc kèn phục vụ miễn phí cho nhân dân. Do đó, dù chốt chặn mọi góc đường, nhưng phía công an không có lý do nào ngăn cản người dân, người tham gia biểu tình, du khách… thưởng thức chương trình nghệ thuật của đoàn quân nhạc Quân khu 7. Thuận lợi "trước giờ G" này khiến đám đông có thể tập trung tại khu vực đã được thông báo với nhau trên internet những ngày qua.
8g30, đoàn quân nhạc chơi xong, công trường Lam Sơn bị xiết chặt hơn.
Khi mọi người còn túm tụm thành từng nhóm nhỏ trước Nhà hát lớn chờ hiệu lệnh châm ngòi cho cuộc biểu tình chống quân xâm lược Trung Quốc thì sớm hơn dự kiến, khoảng 8g40 phút, một thanh niên rút từ trong túi ra lá cờ Tổ quốc rồi hô lớn "Việt Nam", "Việt Nam".
Hai tiếng "Việt Nam", "Việt Nam" đầy phẫn uất ấy đã vang lên giữa Sài Gòn bởi một chàng trai trẻ khiến tất cả mọi người có mặt hiểu ngay đó chính là tiếng gọi chống quân xâm lược. "Việt Nam", "Việt Nam" đã khiến hàng trăm người vỡ òa ùa ra đứng bên cạnh anh và cùng hô vang những lời phản đối bọn bành trướng phương Bắc.
"Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam", "Phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa", "Việt Nam chiến thắng"…
Đoàn biểu tình bắt đầu đi
Cuộc xuống đường bày tỏ lòng yêu nước của nhân dân thành phố bị hàng rào kẽm gai của "cơ quan chức năng" nhốt kín trong phạm vi công trường Lam Sơn
Từ Nhà hát lớn, đoàn người biểu tình chỉ di chuyển ra đến ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi là phải quay đầu lại chỗ cũ.
Hai tầng rào chắn
Chưa tới được đích là Nhà hát Thành phố mà tiếng hô khẩu hiệu đã vang rền
Tại đây, đoàn biểu tình vây kín các bậc cấp trước Nhà hát lớn tiếp tục hô vang "Việt Nam chiến thắng", "Đả đảo Trung Quốc"…
Anh Lưu Trọng Văn (áo nâu) đi hàng đầu đoàn biểu tình
Đoàn biểu tình vừa đến Nhà hát thì vừa khéo, ông Huỳnh Tấn Mẫm cũng xuất hiện. Nhà thơ Lưu Trọng Văn vui mừng cần tay ông Huỳnh Tấn Mẫm giơ cao và hô lớn: "Thưa bà con, anh Huỳnh Tấn Mẫm đã đến!". Ông Huỳnh Tấn Mẫm điềm đạm bước lên bậc cấp cao nhất phát biểu một cách ngắn gọn: "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Không ai, không thế lực nào xóa bỏ được. Cảm ơn các bạn". Đoàn biểu tình hò reo phấn khích, có người bắt nhịp bài hátDậy mà đi và mọi người cùng hát vang.
Nhà thơ Lưu Trọng Văn và anh chị em mừng rỡ khi gặp ông Huỳnh Tấn Mẫm (đeo kính) trước Nhà hát thành phố
Đứng cạnh ông Mẫm, ông Hồ Hiếu tay chống gậy, tay giơ cao nắm đấm: "Ai tiếp tay với Trung Quốc là bán nước". Mọi người lại đồng thanh "Đả đảo Trung Quốc xâm lược".
Nhà thơ Lưu Trọng Văn, người có mặt trong nhóm biểu tình ngay từ đầu, cũng đứng lên hướng dẫn đoàn biểu tình hô to "Việt Nam chiến thắng". Trước đó, khi đoàn biểu tình bị chặn trước cửa hàng miễn thuế, ông Văn cũng kêu gào những người dân xung quanh hai bên đường: "Mọi người lên tiếng đi, lên tiếng đi các anh, Hoàng Sa, Trường Sa là của chúng ta".
Ông Huỳnh Tấn Mẫm phát biểu. Người chống gậy đứng bên cạnh là ông Hồ Hiếu, nguyên Chánh văn phòng Ban Dân vận Thành uỷ TP HCM
Và mọi người lắng nghe
Đả đảo Trung Quốc xâm lược
Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn, thành viên nhóm cố vấn của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt trước đây, vừa ốm dậy được vợ dìu tay cũng tham gia đoàn biểu tình. Ông Huấn đứng trên bậc cấp trước sảnh nhà hát hô vang khẩu hiệu yêu nước cùng các ông Huỳnh Tấn Mẫm, Hồ Hiếu, Lưu Trọng Văn.
Lúc này chúng tôi thấy có thêm nhà báo Nguyễn Trọng Chức, luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, và vợ ông – bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa thông tin TP HCM – cũng có mặt trên các bậc cấp nhà hát cùng mọi người bày tỏ lòng yêu nước và sự không khoan nhượng trước kẻ thù.
Vợ chồng Trương Trọng Nghĩa (người chụp ảnh) và Nguyễn Thế Thanh (người phụ nữ áo trắng, bên phải)
Phản đối "đường lưỡi bò"
Phản đối "đường lưỡi bò"
Khi mọi người đang hừng hực khí thế, bỗng xuất hiện hàng chục "thanh niên xung phong" đồng phục xanh lá cây từ trong Nhà hát thành phố lao ra dàn hàng ngang sau lưng các vị lão thành cách mạng đang đứng quay mặt về phía đoàn biểu tình. Mọi người phẫn nộ khi chứng kiến lực lượng này bắt đầu xô những người cao tuổi đang đứng trên các bậc cấp cao.
Người mặc áo trắng kẻ sọc được cho là Thượng tá Trần Đức Tài, Trưởng Công an quận 1, đang đốc thúc "thanh niên xung phong" tiến lên chặn đoàn người biểu tình và xô đẩy họ xuống các bậc cấp.
Tuy thế, phần đông "thanh niên xung phong" chấp hành mệnh lệnh một cách miễn cưỡng.
"Thanh niên xung phong" đã chắn ngang đoàn biểu tình, chiếm lĩnh bậc cấp cao nhất của Nhà hát
Ông Huỳnh Tấn Mẫm bị xô đầu tiên nhưng không té ngã. Ông Hồ Hiếu nhờ có cây gậy và người thân nên cũng may mắn lọt xuống các bậc cấp. Những người còn lại đều bị đẩy xuống, phía dưới đoàn người biểu tình phản đối và trợ giúp những người đứng ở trên bị xô ngã. Riêng ông Nguyễn Trọng Huấn đã bị xô té dúi đầu xuống các bậc cấp trong lúc đang cố di chuyển để tránh cảnh xô đẩy. Tôi phát hoảng: Ông Huấn vốn bị đột quỵ, đi phải có vợ dìu, dù anh em cố can nhưng ông vẫn kiên quyết đi biểu tình; cú ngã có vẻ nặng, không biết có làm sao. Chị Thơ, vợ ông, vừa ôm lấy ông để bảo vệ, vừa cố nâng ông dậy.
Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn bị xô ngã
Rồi được mọi người đỡ đứng dậy, có vẻ vẫn còn đau. Người phụ nữ mặc áo sọc đỏ là chị Thơ, vơ ông
Và vững vàng tiếp tục biểu tình
Một số biểu ngữ chống Trung Quốc xâm lược đã bị lực lượng an ninh giật khỏi tay người dân và xé nát.
Quàng lá cờ lên đầu
Một lá cờ đang bị giật khỏi tay người biểu tình
Nhưng một lá cờ khác vẫn giương cao
Dù ngay sau đó là bị xô đẩy
Anh Lưu Trọng Văn vung tay hô "đả đảo"
Đoàn biểu tình bị lùa ra xa khỏi các bậc cấp Nhà hát thành phố và vẫn tiếp tục hát, hô to khẩu hiệu yêu nước, chống ngoại xâm.
Chúng tôi cũng thấy có sự xuất hiện của ông Chu Hảo – nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, TS Bùi Văn Nam Sơn, TS Nguyễn Văn Trọng.
Từ trái qua phải: Chu Hảo (cổ quấn băng bảo vệ vì đang điều trị cột sống), dịch giả Nguyễn Đôn Phước, vợ chồng Trương Trọng Nghĩa – Nguyễn Thế Thanh, Đinh Kim Phúc.
TS Nguyễn Văn Trọng (đội nón trắng) và nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn (cầm ô đỏ)
Khoảng 9g30 đoàn biểu tình giải tán trong trật tự.
Trước đó, vào lúc gần 6g sáng cùng ngày, ông Lê Hiếu Đằng nhắn tin cho biết đã bị công an vây kín khu vực xung quanh nhà từ cửa trước ra cửa sau. Cùng lúc, có nhiều thông tin cho biết khá đông các nhân vật ký tên trong "Danh sách 42" (thư ngỏ gửi lãnh đạo thành phố yêu cầu phải tổ chức biểu tình chống quân xâm lược Trung Quốc trước đây) đã bị công an cô lập bằng nhiều hình thức.
Cũng trong sáng cùng ngày, trên đường đi đến khu vực Nhà hát thành phố, chúng tôi cũng chứng kiến cảnh công an bao vây quán cà phê Terrace trên đường Lê Lợi, nơi có nhà văn Nguyễn Viện và nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đang ngồi.
Rời khỏi đoàn biểu tình chống Trung Quốc sáng nay, chúng tôi phải đi vòng qua ngả Thương xá Tax và bắt gặp những tay du khách Tàu đang xí xa xí xồ mua sắm trong khu thương mại này. Khi các cô gái xinh đẹp trong bộ áo dài truyền thống cúi chào các "đại gia" thích cười nói rổn rảng đặc trưng kiểu Tàu để tiếp thị hàng hóa thì phía sau lưng các cô, công trường Lam Sơn đã được "dọn dẹp" sạch sẽ, đường sá đã thông xe…
"Việt Nam", "Việt Nam", "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam", "Phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa", "Việt Nam chiến thắng"… và một lần nữa lãnh đạo thành phố này nợ người dân những điều không thể nào hiểu nổi: Tại sao lại đàn áp những người biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng và bày tỏ lòng yêu nước?! Thành phố trả lời làm sao trước công luận cho hành động xua "thanh niên xung phong" xô ngã các cụ già, các nhà lão thành cách mạng khi họ đang hô vang "Việt Nam", "Việt Nam", "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam", "Phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa", "Việt Nam chiến thắng"?
Bauxite Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét