Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

TS Tô Văn Trường: Cần một hiến pháp dân chủ hợp lòng dân *

Nguồn nguoilotgach

Cùng các bạn,

Đang "vật lộn" với đống tài liệu để viết nhận xét chuẩn bị cho cuộc họp hội đồng thẩm định đánh giá báo cáo tác động môi trường dự án cảng Lạch Huyện dự kiến họp vào tuần tới,  nhận được mail, tin nhắn, điện thoại của nhiều người "thăm hỏi" vì sao chưa viết góp ý bản sửa đổi Hiến pháp năm 1992 mới được công bố trên công luận? 
Người dân hiểu rõ đối với mọi quốc gia, Hiến pháp là bộ luật cơ bản nền tảng, hay nói cách khác là "luật Mẹ" bởi thế việc sửa đổi Hiếp pháp là công việc hệ trọng, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng, nghiên cứu chu đáo để nhằm đạt được sự đồng thuận cao nhất nhất trong toàn dân. Đảng và Quốc hội công bố lấy ý kiến việc sửa đổi Hiến pháp là đòi hỏi tất yếu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. 
Hiến pháp mới không cần quy định quyền hạn và nghĩa vụ của con người và của công dân (đó là quan điểm cũ kỹ, lỗi thời). Hiến pháp chỉ quy định quyền của con người và quyền của người công dân và thế là đủ, thế là rõ nghĩa vụ, không cần quy định nghĩa vụ "tương ứng với quyền hạn"!
Hiến pháp cần phải nêu rất rõ ràng : Luật chỉ được cấm một số rất ít điều xâm phạm đến lợi ích của dân tộc, của đất nước, ta thường gọi là "có hại cho quốc kế dân sinh".
Công lý được bảo vệ, và không có cơ quan nào, cá nhân nào có thể ra lệnh cho quan tòa. Do đó tư pháp phải hoàn toàn độc lập. Có thể xem xét việc để dân bầu quan tòa cấp địa phương (những người hội đủ điều kiện), và cấp xem xét lại án xử (do Quốc hội chỉ định nhưng có nhiệm kỳ suốt đời hay ít nhất là dài hơn nhiệm kỳ của Quốc hội.)
Mọi người được quyền ứng cử nếu không có tiền án. Còn hiện nay, ai ứng cứ đều được do đảng quyết định. Đảng tất nhiên có quyền ra lệnh cho đảng viên bầu theo, nhưng khi thật sự có quyền ứng cử, đảng viên có thể chọn ra khỏi đảng để ứng cử hay theo đảng.
Bản Hiến pháp mới sửa để lấy ý kiến nhân dân, có nhiều điểm mới nhưng vẫn không có được bản chất cần phải có của bản Hiến pháp thể hiện ý nguyện của dân chứ không phải của bất kỳ ai cả. Chất dân chủ, tự do vẫn còn thiếu vắng trong Nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự và kinh tế thị trường.  
Nhiều ý kiến quan ngại Hiến pháp không chỉ là của một số người tham gia soạn thảo viết ra cho Dân, mà còn phụ thuộc vào chất lượng đại biểu Quốc hội  "đầu vào" thế nào, thì "đầu ra" thế ấy! Tuy nhiên, nhận thức là quá trình, chúng ta đừng quên rằng chính nhờ sự sáng suốt của nhiều đại biểu QH khóa trước biết vượt lên chính mình nên đến giờ G, mới ngăn chặn được dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam "kim tự tháp" của Việt Nam.  
Sửa Hiến pháp như thế nào để ít nhất, những người Việt Nam trong và ngoài nước không còn phải ký tên vào Lời kêu gọi thực thi quyền con người theo Hiến pháp tại Việt Nam ngày 25/12/2012 vừa qua.
Nhân đây, xin gửi lại 3 bài viết của tôi cách đây đã lâu vẫn còn mang nguyên tính thời sự để đối chiếu với bản dự thảo Hiến pháp mới sửa hiện nay.
Tô Văn Trường

04/01/13 
Gồm 3 bài 

1/HIẾN PHÁP DÂN CHỦ LÀ TẤT YẾU CỦA NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN.

          2/Ý Dân – Lòng Dân

          3/NHÂN SỰ HÌNH THỨC-NỖI LO HÔN NHẬN CẬN HUYẾT!



HIẾN PHÁP DÂN CHỦ LÀ TẤT YẾU CỦA NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN.


 Tô Văn Trường

Vật chất có thể nhận biết bằng cách quan sát các hiện tượng hoặc bằng cách suy luận. Ánh sáng có thể được thấy dưới dạng hạt hoặc là sóng. Đánh giá  một quốc gia, người ta thường nhìn vào bản Hiến pháp bởi vì nó là một hệ thống quy định những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Bởi vậy, tất cả các quốc gia đều rất cần có bản Hiến pháp dân chủ thể hiện nhà nước pháp quyền.
Quốc hội có chủ trương sửa lại Hiến pháp năm 1992,  không những là cơ sở để sửa những luật cơ bản về tổ chức bộ máy nhà nước, cơ chế bảo vệ Hiến pháp và  quyền bầu cử mà còn là cơ hội để rà soát, đánh giá lại toàn bộ về bản Hiến pháp đối với yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước. Hiến pháp là một văn kiện thiêng liêng của mỗi quốc gia, là văn bản tối cao của pháp luật quy định những vấn đề cơ bản nhất của nhà nước đó. Bản chất của Hiến pháp là những quy định pháp luật mà văn bản pháp luật là những điều quy tắc ứng xử , bắt buộc đối với mọi đối tượng sống trên lãnh thổ nhà nước cho nên khi sửa phải rất thận trọng, bài bản, khoa học và thực tế. Hiến pháp của một quốc gia là tiếng nói của nhân dân, của dân tộc làm chủ quốc gia đó. Người đứng ra nói trong Hiến pháp là dân tộc, từng câu, từng chữ, từng lời trong Hiến pháp là câu, là chữ, là lời của dân tộc, biểu thị sự lựa chọn và quyết định của dân tộc, ý chí và tâm nguyện của dân tộc.
Nhận thức về bản chất của Hiến pháp, sẽ chỉ rõ cho chúng ta khi muốn sửa Hiến pháp phải làm những việc gì, làm như thế nào, khi nào để một văn bản tự nhận là Hiến pháp đáng gọi là Hiến pháp. Trên thế giới này, xưa nay đã từng có những bản mạo danh Hiến pháp, là sản phẩm của một số người mạo danh dân tộc. Xin lưu ý rằng, giá trị của một bản Hiến pháp hoàn toàn vừa đúng bằng, không hơn, không kém, giá trị của sự thực hiện Hiến pháp ấy. Những nhà nghiên cứu có kinh nghiệm thường đánh giá một bản Hiến pháp dựa trên sự phân tích thực tế thực hiện hay không thực hiện, thực hiện trung thành hay thực hiện bóp méo các điều khoản, và các câu chữ của văn bản Hiến pháp ấy.
Trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 2/9/1945, đọc tại vườn hoa Ba Đình lịch sử, mở đầu, Người đã dựa vào lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập 1776 của nước Mỹ và bản Tuyên ngôn nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
 Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh là đỉnh cao của văn chương chính luận Việt Nam  Văn kiện pháp lý đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên trường quốc tế. Bản Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 của Hồ Chủ Tịch văn chương sắc sảo, giản dị, dễ hiểu, lay động lòng người, phản ánh tư tưởng của Người: Dân tộc muốn đi lên, phải biết thừa kế các tinh hoa của nhân loại. Với tầm vóc của lãnh tụ, Người lập luận vô cùng sắc sảo, đanh thép, chân lý, hào khí của dân tộc:"Nếu nước nhà được độc lập mà dân chúng không có tự do hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì". Tư tưởng của Hồ Chí Minh về dân chủ rất đơn giản, thiết thực nghĩa là mọi người dân có quyền được mở miệng hay nói cách khác Hiến pháp phải thể hiện được quyền phúc quyết của người dân. Nếu dùng phương pháp "tham  chiếu"  sẽ thấy Hiến pháp 1946 thể hiện tuyệt vời Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chủ Tịch bởi lẽ nó đúng, đủ và giản dị, thể hiện dễ hiểu thành Hiến pháp với tất cả tinh thần của Tuyên ngôn độc lập. Thực ra, thể hiện Tuyên ngôn độc lập như thế vào Hiến pháp là việc rất khó  nhưng  Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã làm được. Đương nhiên, thời ấy câu chữ có phần mộc mạc để cho mọi người dân dễ hiểu nên vấn đề tam quyền phân lập được viết ra dưới dạng rất "bình dân", nhưng mà vẫn đủ nghĩa. Trong quá trình phát triển của đất nước, phải hướng tới tương lai, chúng ta không bao giờ muốn "bao giờ cho đến ngày xưa" nhưng éo le thay, thời đại ngày nay vấn đề sống còn của đất nước là phải trở lại, học hỏi những tinh túy của Hiến pháp 1946.
Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ 3/9/1945, Hồ Chủ tịch đã có chỉ thị nhiệm vụ cấp bách phải xây dựng bản Hiến pháp để nhân dân được hưởng quyền tự do dân chủ. Theo sắc lệnh số 34 ngày 20/9/1945 của Hồ Chủ Tịch  Ban soạn thảo Hiến pháp 1946  của Chính phủ lâm thời do 7 người chủ trì: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy (Bảo Đại), Đặng Thái Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương  Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh). Tháng 11-1945, bản Dự án Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được Chính phủ soạn thảo và được công bố để lấy ý kiến các chính giới. Uỷ ban kiến quốc của Chính phủ cũng đã tự nghiên cứu và đưa ra một Dự thảo Hiến pháp.  Ngày 2-3-1946, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, Quốc hội đã bầu Ban Dự thảo Hiến pháp gồm 11 người: Trần Duy Hưng, Tôn Quang Phiệt, Đỗ Đức Dục, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Huỳnh Bá Nhung, Trần Tấn Thọ, Nguyễn Cao Hách, Đào Hữu Dương, Phạm Gia Đỗ, Nguyễn Thị Thục Viên. Đây là các trí thức tiêu biểu, có người chưa phải là đảng viên. Căn cứ vào bản Dự án của Chính phủ và đối chiếu với bản Dự thảo của Uỷ ban kiến quốc, tập hợp những kiến nghị phong phú của toàn dân và tham khảo kinh nghiệm soạn Hiến pháp của các nước, Ban Dự thảo Hiến pháp của Quốc hội đã soạn thảo một Dự án Hiến pháp để trình Quốc hội.  Trong phiên họp ngày 29-10-1946, Ban Dự thảo Hiến pháp của Quốc hội được mở rộng thêm 10 vị đại biểu cho các nhóm, đại biểu trung lập, đại biểu Nam Bộ, đại biểu đồng bào dân tộc thiểu số để tham gia tu bổ thêm bản Dự án.
Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, từ ngày 28-10 đến ngày 9-11-1946, lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam thực hiện quyền lập hiến. Từ ngày 2-11-1946, Quốc hội bắt đầu thảo luận về Dự án Hiến pháp. Các đại biểu của các nhóm đảng trong Quốc hội đã lần lượt phát biểu ý kiến. Các vị đại biểu của các nhóm đều đã nêu ra những ưu điểm của Dự án Hiến pháp, đóng góp thêm một số khía cạnh cụ thể và đi đến thống nhất nội dung của Dự án. Sau nhiều buổi thảo luận và tranh luận sôi nổi, sửa đổi, bổ sung cho từng điều cụ thể, ngày 9-11-1946, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hiến pháp 1946 với sự nhất trí của 240/242 đại biểu dự họp. Hiến pháp 1946  khá đơn giản, có 70 điều, được xây dựng trên tư tưởng pháp quyền, tự do dân chủ của công dân, và quy định những vấn đề cơ bản nhất của nhà nước. Đặc điểm cơ bản của Hiến pháp năm 1946 được thể hiện trong 3 nguyên tắc cơ bản, đó là: đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo trên cơ sở của nhà nước pháp quyền với quyền tự do dân chủ của công dân .Do hoàn cảnh lịch sử của nước ta thời ấy nên Hiến pháp 1946 tuy có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn có mặt bị hạn chế, phải dung hòa. Cụ Nguyễn Sơn Hà là đại biểu Quốc hội Khóa I của Việt Nam bỏ phiếu chống  chỉ vì Hiến pháp không có Điều nói về tự do kinh doanh. Ngẫm suy, mới thấy sinh hoạt Quốc hội thực sự dân chủ ngay từ thời mới lập nước Việt Nam để phát huy trí tuệ của toàn dân.  
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Hiến pháp Hoa Kỳ được thông qua năm 1789 có tính quốc gia hiện đại lâu dài nhất trên thế giới nhưng thực ra, nó cũng chịu ảnh hưởng của Hiến pháp Anh.  Xin ghi lại nguyên văn câu đầu tiên của Hiến pháp Hợp chủng quốc Mỹ (từ "Hợp chủng quốc" dịch không chuẩn từ "United States") " CHÚNG TÔI, NHÂN DÂN Hợp chủng quốc, với mục đích thực hiện một sự liên hiệp chặt chẽ hơn, thiết lập công lý, duy trì an ninh nội bộ, trù liệu công cuộc phòng thủ chung, phát triển sự thịnh vượng toàn diện và bảo đảm cho chúng tôi và hậu thế của chúng tôi các lợi ích của sự tự do, quyết định và thiết  lập hiến pháp này cho Hợp chủng quóc Mỹ".
Câu nói trên, là của những người biết cách viết Hiến pháp. Còn chất lượng của Hiến pháp, và nhất là giá trị của sự thực hiện Hiến pháp, thì phải nghiên cứu, phân tích trong thực tế cuộc sống. Hiện nay, ở nước ta một số người vẫn có phần úy kỵ với tam quyền phân lập mà hay dùng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Nếu đi sâu phân tích về tam quyền phân lập, bản chất là 3 nhánh quyền lực không chỉ phân lập mà còn kết hợp hài hòa chặt chẽ và kiểm tra giám sát lẫn nhau trên nền tảng là trung thành với nhân dân. 
Văn bản luật của một nhà nước gồm một hệ thống từ Hiến pháp đến các văn bản lập pháp ban hành và hướng dẫn thực hiện. Pháp luật nhà nước là công cụ phục vụ cho các giá trị xã hội cho nên Đảng phải chủ động đặt lên bàn nghị sự thảo luận những vấn đề cốt lõi của thể chế hiện nay.
Hiến pháp 1992 gồm 12 chương, 147 điều được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Khóa VIII, kỳ họp thứ 11 nhất trí thông qua trong phiên họp ngày 15/4/1992 do Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh ký. Nếu đọc kỹ bản Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) có Lời nói đầu 2 trang, 6 đoạn, cần phải sửa để người đọc thấy rõ đó là lời của nhân dân Việt Nam. Đó là mới chỉ nói về viết văn bản Hiến pháp. Người dân hiểu được tiến trình quốc gia thông qua Hiến pháp có quan hệ mật thiết đến hoàn cảnh chính trị và lịch sử văn hóa của dân tộc. Việc quan trọng nhất là phải xác định nội dung Hiến pháp xây dựng trên các nguyên tắc nào, các quan điểm xây dựng Hiến pháp và các phương pháp thực hiện.
Theo chúng tôi hiểu, hiện nay có 3 quan điểm sửa đổi  Hiến pháp 1992. Thứ nhất là chỉ sửa một số điểm trong Hiến pháp để làm cơ sở sửa những luật cơ bản về tổ chức bộ máy nhà nước nhằm bỏ Hội đồng nhân dân cấp huyện và cho Thủ tướng Chính phủ quyền bổ nhiệm các chủ tịch tỉnh, cơ chế bảo vệ Hiến pháp và  quyền bầu cử. Có thể nói đây là quan điểm cho mục tiêu trước mắt. Quan điểm thứ hai là  trả lại cho dân quyền làm chủ đích thực: "Dân làm chủ có nghĩa là Dân phải quyết trực tiếp thể chế quốc gia, tức là Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, rồi Dân giao cho Nhà nước và giám sát Nhà nước (Quốc hội, Chính phủ và Tòa án) quản lý đất nước theo Hiến pháp và những quyết định đó của Dân". Ông Nguyễn Văn An đã có thời kỳ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Quốc hội. Qua trải nghiệm của thời gian, thấy rõ những khiếm khuyết, bất cập của Hiến pháp 1992 nên Ông đã mạnh dạn đề xuất quan điểm thứ hai nói trên hay nói cách khác đây là mục tiêu lâu dài. Quan điểm thứ ba dựa trên thể chế chính trị dân chủ của học hỏi và phát triển,  cần Đổi mới Đảng và khởi động cuộc vận động cả nước đi vào quá trình dân chủ hoá đất nước.Chúng tôi nhận thấy những ý kiến nêu trên rất cần thiết phân tích, đánh giá. Những người  đương chức, có trách nhiệm cần sắp xếp, thể hiện tính lô-gích nội tại của sự vật, của thực tế bởi vì Hiến pháp 1992 không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội sau 20 năm đổi mới.  Thiệt thòi là lịch sử phát triển xã hội ở nước ta không trải qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa nên không có được kinh nghiệm tri thức và cơ sở vật chất cho nên phải mò mẫm theo định hướng riêng nên gặp phải nhiều khó khăn, trắc trở cũng là điều dẽ hiểu. Trong thời đại hội nhập và phát triển chúng ta cần phát huy tính tự cường của dân tộc, đồng thời khiêm tốn, học hỏi các tinh hoa của nhân loại để tiến cùng thời đại.
  Người dân luôn quan tâm làm thế nào để  Hiến pháp được thực thi một cách minh bạch, hữu hiệu trong đời sống thực tế? Ngay bản Hiến pháp trước đây của Liên Xô trên văn bản là đảm bảo quyền tự do lập hội hay quyền tự do ngôn luận nhưng thực tế diễn ra không phải như vậy. Ở các nước tiên tiến, thực sự dân chủ, Hiến pháp được bảo vệ bằng Tòa  án Hiến pháp hoặc Tòa án tối cao. Việc sửa đổi Hiến pháp 1992 để có thể áp dụng hữu hiệu trong thực tế, đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển, phải được xây dựng trên tư duy phân rõ trách nhiệm, quyền hạn, và giám sát lẫn nhau của 3 cơ quan trong tổ chức bộ máy nhà nước: Lập pháp; Hành pháp; và Tư pháp;  Các cơ quan Truyền thông, báo chí và Kiểm toán độc lập không nằm trong bộ máy tổ chức nhà nước nhưng là trung tâm quyền lực xã hội cần được luật hóa bảo đảm quyền lực trong xã hội dân sự, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật và xã hội. Nói cách nôm na, xã hội cần có 5 trung tâm quyền lực nói trên  hay còn gọi là "ngũ quyền" để kiểm tra, giám sát lẫn nhau.
Sửa đổi Hiến pháp 1992 là một dịp rất tốt để thúc đẩy quá trình dân chủ hóa do Đảng phát động thông qua dư luận xã hội. Ý kiến của xã hội dân sự lành mạnh sẽ là chỗ dựa tin cậy và chắc chắn cho lực lượng cầu thị trong Đảng. Trong bối cảnh đất nước hiện nay, mọi sự cải cách cơ bản chỉ có thể do bộ phận lãnh đạo chủ chốt của Đảng phát động, chỉ đạo thực hiện và phải thực sự cầu thị lấy tư tưởng Hồ Chí Minh và yêu cầu phát triển của thời đại làm nền tảng.
Hiến pháp dân chủ về bản chất nhân dân phải là người ra quyết định làm chủ quốc gia. Nội dung chủ yếu của các quyết định ấy được tạo thành hệ thống pháp luật. Nguyên tắc quan trọng nhất là tất cả quyền bính trong nước đều thuộc về nhân dân.  Bởi vậy, chúng  tôi đề nghị khi sửa bản Hiến pháp 1992 , thì ngay câu đầu tiên phải viết như sau:
"Chúng tôi, dân tộc Việt Nam quyết định và  công bố những điều khoản sau đây, với trách nhiệm lịch sử trước các thế hệ người Việt Nam hiện nay và mai sau, trước các dân tộc, các quốc gia trong cộng đồng quốc tế" .
Trong bối cảnh của đất nước hiện nay, cần phải có bước quá độ nhưng một số vấn đề quan trọng nhất sau đây cần phải được làm ngay, có tính chất mở đường  khi sửa đổi Hiến pháp 1992:
1. Đảng lãnh đạo thông qua quan điểm được thể hiện trong luật pháp và các chủ trương chính sách được Quốc hội thông qua, và qua đảng viên của mình trong hệ thống bộ máy nhà nước; Cần làm rõ Hiến pháp là tối thượng, chính quyền chỉ hoạt động theo quy định của Hiến pháp và hệ thống pháp luật. Sau khi làm rõ quyền và trách nhiệm của công dân, rồi đến quyền và trách nhiệm của hệ thống nhà nước trong chỉnh thể tam quyền phân lập. Cần có một chương mục chung quy định về các điều kiện phải có để được phép trở thành đảng chính trị tham gia bầu cử nhằm loại bỏ, sàng lọc các đảng phái không thực sự đại diện cho các lợi ích dân tộc mà chỉ mưu đồ cho mục đích của một nhóm cá nhân có khả năng làm ảnh hưởng đến lợi ích cùa toàn dân tộc.  Các điều kiện, vai trò lãnh đạo chỉ được công nhận qua bầu cử. Chương mục về đảng phái chính trị nên để chung vào chương mục bầu cử.
2.   Để đảm bảo quyết phúc quyết của dân, trước hết phải bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân, các quyền tự do ngôn luận, đi lại & cư trú, hành nghề, quyền sở hữu, quyền ứng cử và bầu cử
3.  Bảo đảm tự do báo chí. Tự do được hiểu là trong khuôn khổ của Hiến pháp và  quyền hạn gắn với trách nhiệm.
Quốc gia muốn phát triển bền vững đòi hỏi có bản Hiến pháp xứng đáng gọi là Hiến pháp, hay nói cách mạnh mẽ hơncần có bản Hiến pháp dân chủ thể hiện nhà nước pháp quyền.Đảng nâng cao vai trò, chất lượng và nội dung lãnh đạo của Đảng bằng việc lãnh đạo tạo dựng được quyền nhân dân ta thực sự là chủ và thực sự làm chủ, lãnh đạo tạo dựng được một nhà nước mạnh, có một bản Hiến pháp đích đáng là Hiến pháp dân chủ và  một nhà nước có thực quyền.


 Ý Dân – Lòng Dân
Tô Văn Trường
Trong bài viết "Cảm xúc tháng tư" ngày 1/4/2010, tôi đã phân tích Thông báo số 316-TB/TW ngày 15-3-2010 của Bộ Chính trị các văn kiện công bố lấy ý kiến nhân dân gồm các dự thảo: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế-xã  hội 10 năm 2010-2020, và Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương khoá X. Trong đó, có đề cập phải sau hơn 6 tháng, nghĩa là đến 15-10-2010, các văn kiện mới được công bố để lấy ý kiến nhân dân. Như vậy, việc lấy ý kiến chỉ diễn ra trong vòng một tháng (từ 15 tháng 10 đến 15 tháng 11 năm nay) là quá muộn, dễ trở thành hình thức. Nếu phải chờ đến tận ngày 15/10 mới được góp ý với Đảng, chắc nhiều người không đủ kiên nhẫn, để nghiên cứu, suy nghĩ, vắt óc hiến kế trong khung cảnh hẹp cả về thời gian và cả lòng tin vào lãnh đạo.
Người dân tích cực, hào hứng, tham gia đóng góp ý kiến với Đảng chỉ khi có lòng tin của họ và mong muốn của Đảng được xây dựng trên nền tảng dám nhìn thẳng vào sự thật, thảo luận một cách công khai và dân chủ cùng với cả nước để tìm lối đi cho đất nước. Phát huy dân chủ là tạo cơ chế để người dân, đặc biệt giới trí thức tham gia vào mọi mặt của cuộc sống, nhất là phản biện xã hội. Phản biện cần phải được thực hiện trong quá trình hình thành, tạo ra cơ chế, đường lối, chính sách chứ không phải sau khi đã ban hành để tránh không còn phải xé rào! Ngay khi tổng kết rút kinh nghiệm Đổi mới từ năm 1986 người dân đã được biết qua bài viết của GS Đặng Phong cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự "Những cuộc điều tra thăm khách quan, vai trò của báo chí, vai trò của Quốc hội, các cơ quan nghiên cứu độc lập đã không có điều kiện để phát huy hết hiệu quả. Có nơi, chúng chỉ mang nặng tính chất hình thức, như những vật làm cảnh hơn là những công cụ hữu hiệu của xã hội. Thay vào đó là một hệ thống những kênh thông tin khép kín, vừa chậm chạp, vừa nghèo nàn và méo mó. Trong nhiều trường hợp, sự méo mó đó cộng với quyền uy đã dẫn tới những sai lầm mang nặng tính chủ quan, duy ý chí, mà sau này Đại hội Đảng lần thứ VI đã kiểm điểm và phê phán nghiêm khắc."
Có thể nhiều ý kiến của nhân dân, đặc biệt của các vị lão thành cách mạng, ít nhiều đã tác động đến những người có thẩm quyền, cho nên Ban chấp hành Trung ương mới công bố các dự thảo văn kiện trình đại hội Đảng XI sớm hơn 1 tháng so với thông báo trước đây.
Trong thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều người viết góp ý với Đảng tùy theo chỗ đứng, góc nhìn về những điều mình mong  muốn nhất hoặc thấy rõ nhất. Có nhiều  bài viết chỉ 1 đến 3 trang nhưng có bài viết công phu đến hơn 40 trang, rất tâm huyết, quan tâm, trăn trở lo lắng về vận mệnh của đất nước. Nhiều phân tích, đề xuất sắc sảo, thẳng thắn mang tính đột phá về tư tưởng và hành động của các vị lão thành cách mạng, cán bộ nghỉ hưu, cựu chiến binh, giới trí thức, tiếc rằng vẫn chưa được làm rõ nét trong Dự thảo văn kiện! Phải chăng do ngôn ngữ bất đồng theo nghĩa nói bằng thứ tiếng khác nhau hay là do các vấn đề liên quan về phương thức, cách thức lắng nghe tiếp thu ý kiến?! Theo thiển nghĩ của tôi, nếu tiếp tục cất công làm phép quy chiếu, đem so sánh kết cấu, từng câu chữ, để tranh luận tìm ra vài ý mới hay nhiều chỗ thụt lùi so với văn kiện cũ, chẳng giải quyết được vấn đề gì, bởi vì gò bó vào câu chữ sẽ bị cuốn theo lối mòn.
Dù có viết góp ý hay đến mấy cũng thế thôi khi mà cốt lõi của vấn đề là người ta viết văn kiện vẫn theo lối tư duy, thói quen xưa nay là  "ý Đảng, lòng Dân" vừa không chuẩn, vừa quá cảm tính. Thực ra,  phải đặt ngược lại: Nguyện vọng của nhân dân phải trở thành ý chí của Đảng.  Nhận thức là cả quá trình, tiếc thay cho đến tận ngày nay, người ta vẫn coi câu khẩu ngữ  "ý Đảng, lòng Dân" như sự phát kiến vĩ đại. Ý là nói về lý trí, lý tính, duy lý có tính chất rất quan trọng, mang tính trí tuệ, thể hiện trong tư duy, định hướng, tầm nhìn, phương pháp luận, giải pháp v.v… Lòng có thể hiểu là thể hiện tình cảm, mong muốn. Chỉ khi nào viết văn kiện phù hợp với thực tế đúng đắn, sáng tạo, phong phú, sâu sắc được xây dựng trên quan điểm "ý Dân, lòng Dân" thì mới có giá trị đi vào cuộc sống. Ngày xưa, Tư Mã Thiên có nói đại ý như sau: "Người phụ nữ làm đẹp vì người mình yêu, còn kẻ sỹ dốc sức vì tri kỷ." Ngày nay, suy rộng ra, nếu Đảng với Dân là tri kỷ thì Đảng phải nghe Dân và Dân sẽ dốc lòng vì Đảng.
Tôi chỉ đơn cử một vài ví dụ về quan điểm và các giải pháp đưa ra cần phải xem xét lại vì không logic, không được lòng dân. Trong lĩnh vực giáo dục mà lâu nay chỉ nói về đổi mới cơ bản và toàn diện, không nói về cải cách. Trong bối cảnh hội nhập, cần quan điểm mới, chính sách mới mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện cải cách giáo dục, có gì mà phải né tránh. Trong chiến lược phát triển giáo dục của nước ta vẫn chỉ chạy theo số lượng, chưa quan tâm đến chất lượng. Xin thử xem số liệu sau:
Năm
2006
2020
Tốc độ tăng năm
Dân số
84.155.800
97.208.267
1,5%
Độ tuổi 18-22
8.127.069
6.492.855
-2,2%
Số sinh viên
1.666.200
4.374.372
10,1%
Số sinh viên/10.000 dân
195
450
8,7%

          Theo đó, số sinh viên phải tăng 10,1% một năm thì mới có thể đạt 450 sinh viên trên 10 ngàn dân. Vậy thử hỏi phải làm các biện pháp gì, như thế nào, khi nào để có thể tăng số giáo sư ở mức độ hiện nay lên, để ít nhất là giữ được chất lượng như hiện nay? Nếu muốn giữ chất lượng cao hơn, tức là giảm số sinh viên trên 1 giáo sư thì tốc độ tăng phải cao hơn nhiều.
Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 có viết "Nhà nước tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng đường bộ và đường sắt cao tốc Bắc-Nam, một số cảng biển và cảng hàng không đạt đẳng cấp quốc tế, hạ tầng đô thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh". Trong thời gian vừa qua, người dân, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã phân tích thấu đáo, chỉ rõ những bất cập, không hiệu quả về kinh tế, xã hội, thậm chí ảo tưởng, phiêu lưu về dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam – Kim tự tháp của Việt Nam. Mặc dù chịu sức ép từ nhiều phía, Quốc hội đã sáng suốt, dũng cảm, bỏ phiếu bác bỏ dự án này, thể hiện ý chí, nguyện vọng  của cử tri.  Thật khó hiểu, trong chiến lược phát triển kinh tế của Đảng  đến 2020 (chỉ còn 10 năm nữa) trong  lúc rất khó khăn về  kinh tế, nhân lực hạn chế, nợ công, "nợ ngầm" đã đến mức báo động lại vẫn cứ đưa ra kế hoạch tập trung nguồn lực xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam!?  Lâu nay, nhiều vụ khiếu kiện gây bất ổn trong xã hội chính là liên quan đến vấn đề cho nhà nước toàn quyền phân phối "quyền sử dụng đất"! Câu hỏi được đặt ra là tại sao một chính quyền dù ở bất cứ vị trí nào từ trung ương đến địa phương có quyền lấy đất canh tác của dân để giao cho một doanh nghiệp khi cả hai về mặt luật pháp là hai thực thể kinh tế độc lập và giống nhau!? Ở các nước, chỉ có thể lấy lại đất tư nhân nếu như sử dụng để xây dựng công trình công cộng như đường sá, công viên, sân bay, bến cảng v.v… chứ không có quyền lấy đất giao cho doanh nghiệp. Làm như thế là phân biệt đối xử, vi phạm hiến pháp. Nếu vì lý do kinh tế mà lấy lại thì phải có cơ chế bảo đảm không có phân biệt đối xử, thí dụ  thông qua quyết định của cộng đồng và sau khi nhà nước lấy lại, phải có đấu giá để mọi người tham dự.  
          Một trong những vấn đề quan trọng, cốt tử liên quan đến sự ổn định và phát triển của đất  nước là việc lựa chọn nhân sự thì Đảng lại không hỏi Dân!? Nguyên Phó thủ tướng Đồng Sỹ Nguyên, một vị tướng đáng kính của nước nhà cũng bày tỏ quan điểm lựa chọn người lãnh đạo, rất hay, rất đẹp nhưng xin thưa rất khó thực hiện. Trong cơ chế hiện nay, và văn hóa của người Việt, đòi hỏi người đương chức, đương quyền tự đổi mới mình là việc rất khó.  Suy cho cùng cái "thói quen" (như Lenin nói) và tư duy nhiệm kỳ vẫn còn hằn sâu trong nếp nghĩ của không ít người có thẩm quyền. Muốn có giống nòi tốt, những hạt nhân để quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước thì phải đổi mới cơ chế bầu cử, cơ chế nhân sự, có tranh cử thực sự, hay nói theo cách khác là phải từ bỏ một tập tục "lấy nhau" trong đảng, giống như tập tục lấy nhau giữa những người cùng huyết thống. Cách làm cán bộ lãnh đạo cũ chọn hay chỉ định cán bộ mới ra để bầu cử, không phải tranh cử, tức là chọn những người giống mình, cùng suy nghĩ như mình, tệ hơn là sẵn sàng "hẩu" với mình. Cách chọn người lãnh đạo như thế thì dù có để mọi người bầu hay đại biểu bầu cũng thế thôi bởi vì sẽ không thể loại được cái gọi là sự xuống cấp của gene. Do chọn lựa trong nhóm quá nhỏ bé, và nếu phải gene tồi thì cái xã hội nhỏ bé đó sẽ lập lại cái gene tồi đó ở mức cao hơn và rộng hơn. Ở một xã hội rộng lớn hơn thì gene mạnh sẽ đánh bật gene yếu theo thuyết Darwin. Ở  một tập thể ngày càng teo lại thì làm gì có gene mạnh để được tuyển chọn.  Để  thực hiện "ý Dân, lòng Dân" trong công tác nhân sự, cách đơn giản nhất là tổ chức bầu cử các cơ quan và chức danh nhà nước trước ở tất cả các cấp: Ở cấp Trung ương thì bầu Quốc Hội, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chính phủ, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao, Chánh án toà án tối cao, sau đó mới họp Đại hội Đảng bầu Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, bầu Tồng bí thư). Sự tín nhiệm và kết quả bầu cử của dân là căn cứ rất vững chắc cho Đảng bầu cử các cơ quan và người lãnh đạo của Đảng.
          Trong bối cảnh nguồn nhân sự và cách bầu cử như hiện nay, người dân chỉ mong sao có cơ chế phân bổ quyền lực, kiểm tra, kiểm soát hữu hiệu để những người được bầu vào cương vị lãnh đạo nhà nước ở trung ương cũng như địa phương luôn biết tự vấn, nhìn lại mình, hiểu được rõ năng lực và uy tín của mình đối với xã hội. Thực tế, trong cơ chế hiện nay, chúng ta không thể tìm được vĩ nhân, lãnh tụ như Hồ Chủ Tịch, hay những người học trò xuất sắc của Bác thời xưa, có tư duy chính trị, văn hóa, năng lực, phẩm chất  trí tuệ, luôn đấu tranh, biết hy sinh vì nền độc lập và quyền lợi cho dân tộc, cho đất nước. Bởi thế, càng cần có thể chế xã hội phải làm sao để tự nó vận hành trong khuôn khổ pháp luật, giúp cho người lãnh đạo thời nay hiểu được rằng làm công bộc của dân không phải dễ và khi họ có làm sai cũng hạn chế tối đa mức độ gây thiệt hại cho xã hội. 
Từ trước đến nay, chúng ta quen nói đến "ý Đảng, lòng Dân". Lịch sử cũng đã chứng minh rằng sức mạnh của Đảng là nằm trong khối đại đoàn kết toàn dân, thành công của Đảng là bởi các quyết sách của Đảng đưa ra phù  hợp với "lòng Dân". Bởi vậy đã đến lúc phải nhận thức rằng "ý Đảng" cũng là ""ý Dân", từ đó có thể nói cụm từ quen thuộc trên thành "Ý Dân, lòng Dân" vừa đúng nghĩa, vừa sâu sắc hơn.  Để văn kiện của Đảng thực sự có sức sống, nội dung phải được xây dựng trên tinh thần cầu thị, dân chủ lấy "Dân làm gốc". Các vấn đề Đảng nêu ra xuất phát từ ý Dân, lòng Dân sẽ được sự ủng hộ của Dân, chỉ khi đó nội dung văn kiện, các câu chữ, khẩu hiệu mới biến thành sức mạnh vật chất để toàn Đảng, toàn Dân phấn đấu đạt mục tiêu cho đại hội Đảng lần thứ XI.  

NHÂN SỰ HÌNH THỨC-NỖI LO HÔN NHẬN CẬN HUYẾT!
Tô Văn Trường
Trong bài viết "Ý Dân-lòng Dân" đăng trên báo Thanh Niên ngày 2/10/2010 trong mục "Góp ý các dự văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XI" tôi đã phân tích dù có viết góp ý hay đến mấy cũng thế thôi khi mà cốt lõi của vấn đề là người ta viết văn kiện vẫn theo lối tư duy, thói quen xưa nay là  "ý Đảng, lòng Dân" vừa không chuẩn, vừa quá cảm tính. Thực ra phải đặt ngược lại: Nguyện vọng của nhân dân phải trở thành ý chí của Đảng.  Ý là nói về lý trí, lý tính, duy lý có tính chất rất quan trọng, mang tính trí tuệ, thể hiện trong tư duy, định hướng, tầm nhìn, phương pháp luận, giải pháp v.v… Lòng có thể hiểu là thể hiện tình cảm, mong muốn. Chỉ khi nào viết văn kiện phù hợp với thực tế đúng đắn, sáng tạo, phong phú, sâu sắc được xây dựng trên quan điểm "ý Dân, lòng Dân" thì mới có giá trị đi vào cuộc sống. Ngày xưa, Tư Mã Thiên có nói đại ý như sau:"Người phụ nữ làm đẹp vì người mình yêu, còn kẻ sỹ dốc sức vì tri kỷ." Ngày nay, suy rộng ra, nếu Đảng với Dân là tri kỷ thì Đảng phải nghe Dân và Dân sẽ dốc lòng vì Đảng.
Một trong những vấn đề quan trọng, cốt tử liên quan đến sự ổn định và phát triển của đất  nước là việc lựa chọn nhân sự thì Đảng lại không hỏi Dân!? Nguyên Phó Thủ tướng Đồng Sỹ Nguyên, một vị tướng đáng kính của nước nhà cũng bày tỏ quan điểm lựa chọn người lãnh đạo, rất hay, rất đẹp nhưng xin thưa rất khó thực hiện. Trong cơ chế hiện nay, và văn hóa của người Việt, đòi hỏi người đương chức, đương quyền tự đổi mới mình là việc rất khó.  Suy cho cùng cái "thói quen" (như Lenin nói) và tư duy nhiệm kỳ vẫn còn hằn sâu trong nếp nghĩ của không ít người có thẩm quyền. Muốn có giống nòi tốt, những hạt nhân để quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước thì phải đổi mới cơ chế bầu cử, cơ chế nhân sự, có tranh cử thực sự, hay nói theo cách khác là phải từ bỏ một tập tục "lấy nhau" trong đảng, giống như tập tục lấy nhau giữa những người cùng huyết thống. Cách làm cán bộ lãnh đạo cũ chọn hay chỉ định cán bộ mới ra để bầu cử, không phải tranh cử, tức là chọn những người giống mình, cùng suy nghĩ như mình, tệ hơn là sẵn sàng "hẩu" với mình. Cách chọn người lãnh đạo như thế thì dù có để mọi người bầu hay đại biểu bầu cũng thế thôi bởi vì sẽ không thể loại được cái gọi là sự xuống cấp của gene. Do chọn lựa trong nhóm quá nhỏ bé, và nếu phải gene tồi thì cái xã hội nhỏ bé đó sẽ lập lại cái gene tồi đó ở mức cao hơn và rộng hơn. Ở một xã hội rộng lớn hơn thì gene mạnh sẽ đánh bật gene yếu theo thuyết Darwin. Ở  một tập thể ngày càng teo lại thì làm gì có gene mạnh để được tuyển chọn.
 Người bạn làm nghề bác sỹ giải thích cho tôi về "hôn nhân cận huyết" là những người có bà con, họ hàng gần kết hôn với nhau . Y học đã chứng minh rõ ràng rằng những cuộc hôn nhân cận huyết như thế này sẽ cho ra đời những đứa con dị dạng hoặc có những bệnh di truyền như: loạn sắc, mù màu, bạch tạng, da vảy cá….Người ta cũng ghi nhận ở những nhóm thổ dân, người thiểu số vì thường không có nhiều cơ hội để giao tiếp rộng, nên ít khi được kết hôn rộng rãi mà chỉ quanh quẩn "cưới" nhau trong cộng đồng bó hẹp của mình và việc hôn nhân cận huyết cũng đã xảy ra. Thống kê y học cho thấy ở những nhóm người này tỷ lệ mắc bệnh di truyền, bẩm sinh rất cao.
 Vì sao hôn nhân cận huyết dễ gây bệnh di truyền bẩm sinh? Câu trả lời đơn giản: con người có khoảng 500 đến 600 nghìn gene, các gene lặn tuy chưa gây bệnh, nhưng vẫn tồn tại, được di truyền từ đời này sang đời khác và hôn nhân cận huyết là cơ hội để các gene lặn bệnh lý này tổ hợp lại và gây bệnh. Một minh chứng rõ ràng và kinh điển về tác hại của hôn nhân cận huyết là sự diệt vong của vương triều dòng họ HabsburgDòng họ này cai trị nhiều thế kỷ một vùng đất rộng lớn ở châu Âu, bao gồm vùng Bohemia, Áo, Hungary và Tây Ban Nha. Do sợ quyền lực của mình rơi vào tay các dòng họ khác; triều đại Habsburg ra quy định các thành viên trong hoàng gia chỉ được kết hôn với người trong họ với nhau, hôn nhân cận huyết. Than ôi, cũng chính kiểu hôn nhân cận huyết này, để lại hậu quả khốc liệt về sau; đến đời cuối cùng của dòng họ này, vua Charles Đệ nhị, chính là đỉnh điểm hậu quả của kiểu hôn nhân tai hại này. Vua Charles Đệ nhị thấp bé, ốm yếu, còi cọc và mắc nhiều bệnh tật: đến 4 tuổi mới biết nói, đến 8 tuổi mới biết đi, nhà vua không thể có con cái, đau ốm liên miên và chết khi mới có 39 tuổi. Thống kê cho thấy trong khi tỷ lệ sống sót của trẻ sơ sinh của Tây Ban Nha thời đó là hơn 80% thì dòng họ "vua chúa" Habsburg này chỉ đạt 60% và một nửa số trẻ sinh ra sẽ chết trước 10 tuổi.
 Trong cuốn sách "Trăm năm cô đơn" của mình, nhà văn nổi tiếng người Colombia Gabriel Garcia Marquez đã "hư cấu" rất khoa học hậu quả của hôn nhân "cận huyết". Dòng họ Accadio đã "loạn luân" với nhau, những đứa trẻ ra đời càng về sau càng suy thoái đến độ bị "mọc đuôi" như loài heo lợn.  Hiện nay, ở nước ta, trong cộng đồng một số nhóm sắc tộc thiểu số cả phía Bắc, phía tây Quảng Bình và trên Tây Nguyên vẫn còn nhiều nhóm sắc tộc thiểu số: Rục (sắc tộc Chứt), Dao, Lô Lô, Khơ Mú, Xinh Mun, Pu Péo, Cờ Lao, La Hủ, Si La… vẫn tồn tại hiện tượng hôn nhân cận huyết. Trong một số nhóm thiểu số này lại có thêm 2 hủ tục nguy hại là "nối nòi" và "tảo hôn". Nối nòi tức là khi người vợ hoặc người chồng bị chết, gia đình và dòng họ người bị chết phải có nhiệm vụ tìm người để thay thế. Theo hủ tục nối nòi này, người vợ có quyền lấy anh, em, chú, bác, cậu ..khi chồng mất và ngược lại chồng có quyền lấy cô, dì, bác, chị, em…khi vợ mất.
Suy luận ra thực tế, trong xây dựng, người ta nhận thấy đống đá sỏi có cùng kích cỡ bao giờ cũng chiếm nhiều thể tích, nhiều khe hở và có nhiều khoảng trống nhất. Thiết nghĩ rằng một xã hội với vô số những đề án, đường lối, chính sách do một nhóm người tự đưa ra và tự chấp nhận, tự cổ vũ, tự khen ngợi kiểu "cận huyết" như thế, thì chắc chắn sẽ mắc nhiều lỗi và có nhiều sai lầm. Các cụ ngày xưa rất có lý khi đã răn dạy: "Có kẻ thù thông minh hơn là có bạn ngu dốt". Mà với một đất nước, một dân tộc thì đường lối, chính sách là bậc vĩ mô, "sai một ly sẽ đi cả dặm" do đó, các cấp lãnh đạo, giới chức sắc cần nghiêm túc và thật lòng khi thăm dò ý dân, hòa nhã nghiêm túc  khi nghe dân phản biện.    
 Nhà thơ Việt Phương, một  trong những vị trưởng thượng của nước nhà, tâm sự với người viết bài này để  thực hiện "ý Dân-lòng Dân" trong công tác nhân sự, cách đơn giản nhất là tổ chức bầu cử các cơ quan và chức danh nhà nước trước ở tất cả các cấp: Ở cấp Trung ương thì bầu Quốc Hội, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chính phủ, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao, Chánh án toà án tối cao, sau đó mới họp Đại hội Đảng bầu Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, bầu Tồng bí thư. Sự tín nhiệm và kết quả bầu cử của dân là căn cứ rất vững chắc cho Đảng bầu cử các cơ quan và người lãnh đạo của Đảng. Thực tế, trong bối cảnh nguồn nhân sự và cách bầu cử đang tiến hành trong cơ chế hiện nay, chúng ta không thể tìm được vĩ nhân, lãnh tụ như Hồ Chủ Tịch, hay những người học trò xuất sắc của Bác thời xưa, có tư duy chính trị, văn hóa, năng lực, phẩm chất  trí tuệ, luôn đấu tranh, biết hy sinh vì nền độc lập và quyền lợi cho dân tộc, cho đất nước.
Theo thiển nghĩ của tôi, cách làm công tác nhân sự hiện nay của Đảng vẫn là "Ý Đảng-lòng Dân" không phải "Ý Dân-lòng Dân", do đó, càng cần có thể chế xã hội phải làm sao để tự nó vận hành trong khuôn khổ pháp luật, có cơ chế phân bổ quyền lực, kiểm tra, kiểm soát hữu hiệu để những người được bầu vào cương vị lãnh đạo nhà nước ở trung ương cũng như địa phương luôn biết tự vấn, nhìn lại mình, hiểu được rõ năng lực và uy tín của mình đối với xã hội,  và khi họ có làm sai cũng hạn chế tối đa mức độ gây thiệt hại cho xã hội. 
Đất nước ta, từ xưa đến nay, lúc nào cũng có nhiều người tài, tuy nhiên từng thời kỳ, từng lúc mà nguồn hiền tài đó được khơi ra như thế nào. Có nghĩa là khi được quan tâm, trọng dụng thì hiền tài sẽ có, tri thức sẽ nhiều. Người có học vấn thường có khả năng phán đoán và nhận định tình hình sáng suốt hơn người thường. Thời phong kiến, ở nước ta đã có biết bao bài học khi biết trọng dụng trí thức thì công cuộc bảo vệ tổ quốc, chống ngoại xâm và xây dựng đất nước phát triển rất hiệu quả nhờ tầng lớp trí thức lãnh đạo biết khơi dạy, hòa đồng cùng với nhân dân xả thân vì nghiệp lớn. Hồ Chí Minh đã dạy :  "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý". Người đã làm công tác cán bộ trên cơ sở dựa vào thành ý và minh tâm của dân để tuyển chọn và sử dụng người tài, chứ không cho rằng công tác tổ chức là chỉ thuộc về Đảng, làm trong nội bộ Đảng rồi đưa ra thuyết phục, thường là áp đặt, để dân chấp nhận. 
Thế hệ ngày nay, chắc nhiều người biết Thân Nhân Trung viết bài văn cho tấm bia đầu tiên ở Văn Miếu, ông  ghi  nhận về trí thức "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và ngày càng lớn, nguyên khí suy thì  nước yếu và ngày càng xuống cấp."  Theo tôi hiểu, hiền tài là nguyên khí của quốc gia, đấy chính là khát vọng của cả dân tộc, sức sống của mỗi quốc gia. Hy vọng đến Đại hội Đảng XII, công tác nhân sự sẽ thực sự  là "ý Dân-lòng Dân"! Trước kia, bây giờ và mãi mãi sau này "hiền tài" luôn là "nguyên khí" của quốc gia, là nguồn tài nguyên và động lực to lớn để đất nước đi lên.


Bản gốc từ tác giả 

*tiêu đề do NLG đặt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét