Ngẫm cái cuộc người trong dâu bể hóa hình này thật lạ, nó đúng như cái câu ai đó nói rằng, nhìn gần một chút thì là bi kịch, mà nhìn xa một chút thì là hài kịch. Và, Bùi Giáng tiên sinh cũng từng nói là "Sở dĩ hài kịch có mặt trên đời, cốt là để cân bằng bi kịch", xét câu nói ấy trong trường hợp của Người Buôn Gió - Bùi Thanh Hiếu quả không sai.
Tôi và Hiếu quen nhau và là bạn của nhau, kể cũng được năm sáu năm rồi. Hồi đó, chúng tôi cùng nhau tham gia diễn đàn Trái Tim Việt Nam, chủ yếu chỉ để "chém gió", buôn chuyện và viết lách vui thôi. Hiếu có cái nick name là "Giothu25", đó là tên của một kiệt tác văn chương "Giờ thứ 25 hay là UẤT-HẬN... TRẦN GIAN" của C.V.GHEORGHIU, một tác phẩm viết về nỗi bi thống của con người trần gian trong chiến tranh. Buổi ấy, cả cái nick name lẫn cái tên Bùi Thanh Hiếu chả ai thèm để ý, duy chỉ có mấy anh em chơi với nhau thì hiểu được cái bụng và cái tình-cảnh của nhau thôi. Đó chính là thời gian mà Hiếu vừa phải trải qua không ít những sóng gió cuộc đời, cay đắng trước nhiều biến cố và uất nghẹn trước nhiều tình cảnh. Ai đó có thể gõ trên google cái cụm từ "thư gửi con trai", đọc rồi sẽ hiểu được cái uất nghẹn của một người cha khi nhìn đứa con đỏ hỏn nằm trong lồng kính... Đứa con ấy giờ đã sắp vào lớp một, và câu chuyện bi hài trước ngày cháu đi học nó được diễn ra vào chiều ngày hôm qua, 27.5.2011. Anh kể tôi nghe chuyện anh đi xin nhập hộ tịch cho cháu về dưới Hàng Buồm để tiện cho việc cháu đi học, thì công an hộ tịch nói vợ con anh không ở đấy nên không nhập được. Trong khi, vợ con anh ở cùng thành phố, nhà trên đường Hoàng Quốc Việt. Anh cãi lý với họ một chập, cuối cùng anh bảo, nếu như không được nhập hộ tịch được cho con trai anh sẽ không được đi học, anh đành lòng sẽ phải viết cái biển treo trước ngực con anh là "Tôi không được đi học vì tôi là con trai của Người Buôn Gió - Bùi Thanh Hiếu". Nhưng may mắn thay, trước lúc đi uống cà phê với tôi, mọi việc cũng được giải quyết ổn thỏa.
Chúng tôi ngồi với nhau vài giờ đồng hồ tại cà phê Không Lời. Cũng khá lâu rồi cả hai anh em không gặp nhau, kẻ thì bận túi áo manh cơm, người thì bận ngược xuôi lăn lộn. Chuyện cũ, chuyện mới cứ tự nhiên ộc ra như suối. Hiếu từng là một kẻ rất... rất giang hồ. Từng vào tù ra tội. Nhưng ở anh, có cái gì đó với anh em huynh đệ thật chí nghĩa chí tình. Anh không phụ ơn ai và luôn khắc cốt ghi lòng, dù ai đó chỉ cần có hành vi giúp anh thôi, chứ chưa nói đến chuyện họ có giúp được anh việc gì hay không. Nhưng có lẽ, với tôi, điều anh làm tôi bất ngờ nhất chính là việc anh biến đổi từ một tay giang hồ chính hạng, sang một người cầm bút chính hiệu. Có lẽ, ít người biết rằng, trình độ học vấn của Hiếu chỉ là 10/12. Tất cả những gì anh thể hiện trên ngòi bút là sự miệt mài tự học, tự mày mò. Phải công nhận anh đọc rất nhiều, rất hăng say. Có những cuốn sách mà tôi từng cất công đi tìm mấy năm qua không tìm được, thì nó... đang nằm trong nhà anh và được anh đọc đến nát nhàu, như cuốn "Giờ thứ 25" chẳng hạn. Dù rằng, việc lý giải cho lý do anh từ bỏ con đường giang hồ để trở thành người cầm bút, mỗi người có một cách lý giải khác nhau. Song, với tôi, anh tâm sự: "Cuộc người chịu nhiều o ép từ tứ phía, không cầm dao được nữa thì... cầm bút".
Hơn bốn năm không liên lạc với nhau, mãi đến hôm qua anh em mới gặp lại thì lại vấp phải chuyện buồn. Thôi thì cuộc sống phải như thế mới trở nên thi vị. Nói như nhà cố nhà báo Nguyễn Hữu Hương, một người bạn vong niên của tôi từng nói, cái hay nhất ở đời là được chứng kiến, được đối diện và kinh qua. Có vẻ như đúng là như vậy Hiếu ạ!
Mấy năm qua, tôi bôn tẩu làm ăn, ít có dịp gặp gỡ anh em bạn bè, cũng chẳng hay tin tức gì về Hiếu. Thậm chí đến cái việc Hiếu "nổi tiếng" trên mạng thế nào tôi cũng không quan tâm và không biết. Tôi chỉ mới biết Người Buôn Gió là Bùi Thanh Hiếu bạn tôi cách đây chưa đầy một tháng. Quả thật là rất đáng giận bản thân mình. Bởi thực sự, cho đến giờ phút này, tôi vẫn chưa thể tin được cái blog rất nổi tiếng kia là của Hiếu. Không biết phải xem chuyện Hiếu bỏ dao cầm bút là bi kịch hay hài kịch đây nhỉ? Mà dù là bi hay hài, suy cho cùng cũng đều là một cả mà thôi.
Chiều qua, sau buổi gặp gỡ, tôi cùng một người bạn khác ghé tư gia của Hiếu, tặng Hiếu bức tranh tôi vẽ cách đây vài năm. Anh lấy "Giờ thứ 25" cho tôi mượn. Trong cái căn nhà nhỏ nằm ở tầng trên cùng của một chung cư cũ ấy là ba con người và những thứ khó có thể gọi là đồ đạc. Trên đời này, có mấy ai cầm bút mà giàu đâu, muốn giàu thì đi ăn cướp. Hiếu bỏ dao rồi thì cướp được ai? Mà đã cầm bút thay dao thì chấp nhận cái cái cảnh như Phạm Ngọc Lư từng thốt là "Mài răng gặm nhấm cái thanh bần" cho hết kiếp vậy. Biết tôi nghiện thuốc, Hiếu vào nhà lục nốt cái gạt tàn được làm bằng gỗ cà phê khá đẹp, anh tặng nốt cho tôi. Không cầm thì sợ anh phật ý, mà cầm thì... chao ôi nó nặng lắm! Nặng chẳng bởi vài trăm gam ấy, mà nặng bởi cái tình huynh đệ cho nhau. Tôi quay sang nói với người bạn đi cùng, nhắc lại cái câu người xưa dạy: "Huynh đệ như thủ túc, phu phụ như phục". Cái câu ấy nó thật đúng với con người của Hiếu. Một người luôn trọng nghĩa khinh tài nhưng cũng nhiều... quái đản.
Bao lâu nay, tôi phát nguyệt lấy nghệ thuật làm con đường tiến thân lương thiện, thế mà, nhiều lúc vẫn có người muốn tôi đừng... lương thiện. Nghĩ mà thấy chán. Tôi không biết Hiếu làm gì, nhưng dù anh làm gì thì, tôi cũng chỉ mong sao, nghiệp nghiên bút của anh được như điều anh mong muốn, đó là hai chữ "Tín-Đức". Tôi chỉ cầu cho anh như thế và thêm hai chữ "Bình-An" thôi!
Chúng tôi ra về, lòng ngập những suy tư. Đời cứ hối hả vụt qua nhau trên các nẻo đường tấp nập. Khói, bụi và tiếng bô đời nẹt cả vào mặt nhau trong chen lấn. Có ai đó kịp dừng lại để ngó về nhau không nhỉ? Có vẻ như đời bận bịu nhiều...
Trịnh Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét